Sáng nay trời lạnh, sương mù, nhiệt độ xuống âm 5 độ. Một không gian yên lặng. Thật yên lặng. Tất cả yên lặng. Sự yên lặng thông thường của ngày 25.12 hàng năm. Sau đêm Chúa ra đời trong máng cỏ, mọi người vui mừng, cùng hát những bài thánh ca, mừng đón một hình hài mang đến những thông điệp quý giá cho nhân loại, chúng sinh… Các ngôi nhà thờ đầy ấp người cùng hòa đồng với những thánh lễ, những buổi hòa nhạc của các ca sĩ vinh danh Thiên Chúa.
Tất cả cùng nghĩ về Giáng sinh là
– thời gian của tình yêu và hy vọng;
– thời gian của an bình và vui mừng;
– thời gian của gia đình và yêu thương;
– thời gian để tạ ơn Thiên Chúa và là thời gian Mừng Chúa Giáng Sinh…
Tôi ngồi yên lặng nhớ về quê hương với bao kỷ niệm một thời. Dù Giáng Sinh nguyên thủy chỉ là lễ của những ai có đức tin vào Đức Chúa Jesus Ki-tô như người theo đạo Thiên Chúa, Tin Lành (Cơ Đốc, Baptist, v..v…) , v.v…
Vào thời gian thập niên 60 và đầu thập niên 70 khi tôi còn ở quê nhà thì gần như ngôi nhà thờ, xóm đạo nào cũng có trang hoàng đèn, dây nhiều màu sắc, có hang đá với nhiều kích cở dạng màu. Nhiều cửa hàng cũng chưng bày, cũng máng cỏ, hang đá….
Nhưng đặc biệt tính người Việt rất nhanh chóng hội nhập, có khi nhanh và rất nhanh mà tôi chẳng hiểu rõ vì sao, nên giờ đây ngoài các ngôi giáo đường mà gần như các đường phố chính, hay các cửa hàng buôn bán nói chung tất cả đều giăng hoa, kết đèn, rồi máng cỏ, cây thông, ông già Noel, … khắp mọi nơi, mọi chỗ có thể…
Rồi người người đổ xô ra đường, xuống phố, vào các cửa hàng hàng uống, mua sắm quà cáp, hay gì gì đó… mà dân số hiện đã gần 97 triệu người với diện tích chật hẹp thì thấy nó đông đúc, ùn đẩy, … thế nào.
Đất nước tôi hiện đang sống – Na Uy với số lượng dân cư hiện nay chỉ 5,3 triệu người so với dân số Việt Nam vào thời điểm hiện nay gần 97 triệu tức gấp Na Uy 18 lần, trong khi diện tích Việt Nam nhỏ hơn Na Uy khoảng 50.000 km² (diện tích Na Uy là 385.207 km² trong khi Việt Nam chỉ rộng 331.212 km²). Và niềm tin vào Đức Chúa Ki-tô (Tin Lành) của người dân Na Uy gần như là quốc giáo trên 1000 năm nay (chỉ mới thay đổi gần đây khi phải hội nhập với thế giới và đã chấp nhận các tôn giáo khác như Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo, Nhân sinh quan, Do Thái giáo, Bahai, v.v… là những mối đạo hiện hữu ở đất nước này.
Nhà thờ theo cái nhìn của riêng của cá nhân tôi, chỉ là nơi làm lễ, vào những ngày lễ tôn giáo đặc biệt này có chưng đèn, chưng cây thông giáng sinh, lại có nơi có máng cỏ, hang đá giáng sinh nhưng chỉ gần đây mới có, chứ lúc xưa không có, nhưng không quá sặc sỡ, quá đèn đuốc, sáng đẹp như ở Việt Nam. Chắc chắn là vậy.
Còn đường phố, phố xá chỉ đông người, đông xe cộ vào những ngày trước lễ Giáng Sinh vì rất nhiều người cần phải mua sắm, quà cáp, thức ăn vì tất cả các cửa hàng, siêu thị, trung tâm mua sắm… đều sẽ đóng cửa nhiều ngày tùy năm vào những ngày chinh lễ như năm nay sẽ nghỉ ngày 24, 25, và 26/12….
Chứ vào những ngày gọi là chính lễ thì tất cả im ắng, yên lặng, phố xá chẳng mấy người, đường sá xe cộ vắng thưa. Mọi người đã tập trung về gia đình, ấm cúng với người thân, trong những không gian vừa đủ… chứ không ồn ào, không hướng ngoại, không nhà hàng, không rong rong phố, … quan trọng nhất là gia đình. Đôi khi chỉ yên lặng bên ly cà phê, tách trà, bánh ngọt, trái cây (đặc biệt nhất là quít), xem các chương trình trực tiếp hòa nhạc của các ca sĩ danh tiếng trình diễn mà họ không tham dự được (vì phải mua vé trước vài ba tháng). Nhưng dù gì thì tất cả cũng sẽ cố gắng xem một chương trình hòa nhạc tại địa phương nơi cư ngụ, … Người dân ở đây gần như lúc nào cũng chỉ tựu trung về các truyền thống của tổ tiên, người đi trước … gợi lại những giây phút thật đầm ấm hạnh phúc…. với gia đình và người thân.
Nhìn người nghĩ đến ta, tôi thấy đất nước và người dân của tôi dần dần mất đi những truyền thống tốt đẹp đã có sẵn. Dẫu biết rằng ta hay xã hội cũng cần phải có những thay đổi để hội nhập, nhưng cá nhân tôi việc hội nhập phải như thế nào đó để hài hòa… Chứ hội nhập mà đánh mất hết những gì đã qua hàng ngàn năm lịch sử, truyền thống tốt đẹp, mang nhiều ý nghĩa văn hóa đặc thù thì thật tiếc.
Có người cho tôi là người hoài cổ, không chịu phát triển hay thay đổi. Không! Ngược lại tôi tự cảm nhận cá nhân cũng đã thay đổi, và rất muốn thay đổi. Nhìn lại một thời một thuở càng thấy hối tiếc nhưng làm sao đây. Thời gian cứ tự nhiên trôi qua từng giây, từng phút, từng giờ và từng ngày…
Chỉ riêng Mùa Giáng Sinh này cá nhân tôi thấy sự im ắng, yên lặng ở quốc gia tôi định cư, càng lúc càng đúng nghĩa. Ta nên tự suy nghĩ về cá nhân mình để chiêm nghiệm ta cần phải sống như thế nào để ít ra cũng đạt được chút ít ý nghĩa thật ngày Mừng Chúa Jesus Ki-tô (Giáng Sinh) là – thời gian của tình yêu và hy vọng, của an bình và vui mừng và của gia đình và yêu thương. Trong đó ngoài gia đình và người thân quen, bạn bè ta còn hy vọng gì? Yêu thương ai? Trong cuộc sống vẫn đang hiện hữu, thế giới vẫn còn những vô cảm, những chia rẽ, hận thù, chiến tranh…
Dù theo tôn giáo nào, chúng ta cũng nhân dịp này cảm niệm, cảm nhận lời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres trong một sứ điệp mà cả 2 vị đều đề cập đến trong một video nói về tầm quan trọng của tự do tôn giáo, phẩm giá con người và bảo vệ môi trường vào ngày 19.12.2019
Trong sứ điệp video này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhắc nhở: Không được thờ ơ với sự kiện phẩm giá con người đang bị chà đạp, sự sống của con người đang bị tấn công nơi các bào thai hoặc các bệnh nhân cần được chăm sóc.
Ngài nói thêm: “Chúng ta không được quay lưng khi các tín đồ của các tín ngưỡng khác nhau bị đàn áp, ở những nơi khác nhau trên thế giới, và việc sử dụng tôn giáo để kích động lòng thù hận.”
Hay thông điệp truyền thống Urbi et Orbi tại đại giáo đường Thánh Phêrô ở Roma, trong Thánh lễ nửa đêm ngày 25/12/2019, giáo hoàng Phanxicô mời gọi mọi người xem tình yêu thương như là một món quà, chứ không phải là thứ để đổi chác.
Thử một phút yên lặng để suy tư.
nước trong