Suy ngẫm Đầu Cuối Năm: Cho và Nhận (Diễm Ngọc st-biên soạn)

Thế là Năm Mới dương lịch 2020 đã đến. Nhưng năm cũ Kỷ Hợi vẫn còn và đang dần bước vào năm mới Canh Tý. Đầu rồi Cuối hay Cuối lại Đầu cũng vậy. Chờ đón Xuân (Năm) mới thì mới, nhưng theo thời gian trôi, năm mới rồi cũng trở thành cũ. Xoay qua đón Mới rồi thì Cũ, lại đón mới. Cứ thế Mới – Cũ, ta cũng chẳng biết cái nào trước cái nào sau…, nhưng chắc chắn ta biết có Mới tất phải có Cũ và nhiều nhiều nữa, từ đó thử suy ngẫm Cho và Nhận trong cuộc sống.

Trong cuộc sống khi nói về Cho và Nhận, hầu hết ai ai cũng chỉ thích Nhận chứ không thích Cho, vì ai cũng nghĩ Cho là mất, là thiệt thòi, còn Nhận thì được nên ai cũng vui, cũng mừng. Mặc dù không nói ra, thì mọi người cũng thường mặc định trong lòng rằng người Nhận cần phải ghi nhớ và cảm ơn mình – người Cho, cả ngay khi mình Cho tiền một người ăn xin ngoài phố, nếu người đó (Nhận) mà không tỏ vẻ biết ơn, chúng ta cũng không vui.

Nhưng chúng ta quên rằng: Cho cũng là một bài kiểm tra về mức độ bám chấp của bạn, nó giúp bạn thay đổi tầm nhìn. Cho cũng là cách giúp chúng ta rèn luyện tâm buông bỏ.

Ở đời nếu bớt tham một chút, bớt bám chấp, tiếc nuối hơn một chút, cuộc sống của chúng ta sẽ nhẹ nhàng thanh thản hơn, đó là điều lợi lạc chúng ta có thể nhận lại ngay lập tức mà không cần chờ đợi. Bởi suy cho cùng, mọi khổ đau trong cuộc sống cũng đều xuất phát từ lòng tham của con người.

Hãy cho đi những thứ bạn có thể, đừng mong cầu rồi bạn sẽ thấy những điều may mắn nhất luôn đến với bạn.

Cho không nhất thiết phải dùng đến tiền bạc, mà có thể chỉ một nụ cười khi gặp mọi người, một lời hỏi thăm, hay một lời động viên an ủi cũng giúp người khác bớt đi những khó khăn, buồn phiền trong lòng.

Chúng ta sống cũng đừng vì vài đồng bạc lẻ mà khó khăn với những người nghèo khổ, và cũng đừng giữ những thứ nhỏ nhặt mà làm mất đi trái tim nhân hậu sẵn có của mình.

Một bậc thầy từng nói ‘đừng bao giờ ra đầu bài, hay đặt điều kiện cho lòng hào phóng.’ Nếu bạn không có tiền, hãy sẻ chia sức lực, thời gian, sự quan tâm, hay đơn giản là một nụ cười, tinh thần lạc quan, yêu đời. Và quan trọng là đừng mong được đền đáp. Chắc chắn bạn sẽ nhận được nhiều hơn bạn tưởng. Và khi đó, bạn đã giải mã được phương trình đơn giản mà chuẩn xác: “Bạn hạnh phúc, vì thế mà tôi hạnh phúc!”.

Trong đời sống hàng ngày vẫn có rất nhiều người thích làm cái gì đó cho người khác, chứ không thích ai làm điều gì cho mình cả. Như tôi, trong vị trí người chị cả tạm đủ khả năng nên hay thường sẵn lòng giúp đỡ các đứa em tôi phía sau, và chẳng bao giờ muốn chúng giúp tôi gì cả. Điều này khiến cho những đứa em của tôi nhiều khi phải phàn nàn. Tôi hay nói là tôi còn tự lo liệu được và không muốn mang ơn ai, dù người đó là những đứa em ruột thịt của mình, vì tôi tự nghĩ rằng nhiệm vụ làm chị cả là sẽ giúp đỡ cho các em khi chúng chưa trưởng thành.

Bây giờ các em tôi đã ăn nên làm ra, và chúng rất muốn đền đáp cho chị một chút, nhưng bị chị từ chối, buộc lòng chúng phải thốt lên: “Chị đã biết cho thì phải biết nhận chứ? Nếu không biết nhận thì chưa chắc Chị đã biết cho!”.

Tôi vẫn tiếp tục biện hộ cho cái quan điểm của mình, nhưng câu nói của em tôi như in chặt vào trong đầu của tôi: “Chị không biết nhận thì chưa chắc Chị đã biết cho”. Đến khi tôi lâm bệnh, phải nằm viện cả tháng, thân thể hoàn toàn bất lực. Tôi sống được là hoàn toàn nhờ vào sự giúp đỡ của mọi người. Tôi đã nhận rất nhiều từ ông bác sĩ phẫu thuật, cô y tá hàng ngày đến thay thuốc, đến bà dọn phòng và bao nhiêu người trợ giúp khác cho tôi được mau phục hồi. Tôi đã nhận nhiều từ các em tôi, từ họ hàng, bạn hữu thân thương; những giúp đỡ hữu hình và vô hình trợ lực cho tinh thần tôi khỏi bị sụp đổ.

Tôi nhận từ những linh thiêng của đất trời ân huệ cho tâm tôi mở ra, bằng lòng đón nhận tất cả từ cái đau cho đến tận cùng là cái chết. Bệnh hoạn làm cho lực bất tòng tâm, làm cho tương lai dừng lại ở hiện tại, mọi dự tính đều tiêu tan, vì chính sự sống cũng đang bấp bênh, biến hóa khó lường. Trên bờ vực bấp bênh đó, cái “ngã” nín thở nằm yên đợi chờ.

Rồi trong cái khoảnh khắc yên lặng vô biên ở bên trong cùng với những yêu thương chân thật bao bọc bên ngoài, được dẫn dắt bởi tuệ giác, tâm trí tôi bỗng bung ra khiến cái “tôi” chan hòa vào trong tất cả.

Tôi như một tù nhân sau bao nhiêu năm sâu trong ngục tối, được thấy ánh sáng chói lòa và vạn vật rạng rỡ của một thế giới với nhiều con người chung quanh.

Khỏi viện về nhà, mọi người đến thăm, tôi không còn thắc mắc khi nhận quà, cám ơn mà không lúng túng. Vì tôi đã nhận ra rằng: chúng ta có thể gặp nhau hôm nay, nhưng cũng có thể không còn gặp lại nhau nữa. Biết vậy nên tôi sẽ không còn ngại ngùng khi nhận và mong mỏi khi cho. Ân nghĩa nguyện xin đền đáp, nhưng không phải tìm cho được ân nhân cũ để trả nghĩa, mà luôn giữ đầy ắp tấm lòng biết ơn để luân lưu những ân huệ nhận được từ người này trao sang cho người khác, để chuyển hóa những đắng cay của sân hận nhận được thành ngọt ngào của hỷ xả và tha thứ đem hiến tặng người kế bên mà không cần ghi vào trong tâm sổ sách tuổi tên người.

Lúc này đây, tôi không làm được gì cho ai, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy mình có rất nhiều thứ để cho, phải chăng vì tôi nhận được từ đất trời, từ mọi người xung quanh rất nhiều mỗi ngày, nhận được nhiều thì có rất nhiều cái để cho đi. Vì tôi chỉ đứng đó để chuyển hóa luân lưu đi tất cả sau khi đã thụ hưởng vừa đủ cho phần mình. Rồi đến lúc thấy mình không còn đứng đó để nhận hay cho, hay để thấy vui trong lòng, mà chỉ thấy một sự luân lưu nhẹ nhàng không ngừng, tự nhiên như bốn mùa thay đổi, như lẽ vô thường của vạn vật.

Tương quan giữa Cho và Nhận là một điều lý thú, Cho tức là Nhận mà Nhận tức là Cho; sự thay đổi ngôi vị này khiến cho ta phải vắt óc suy ngẫm. Người phương Tây hay nói “Give and Take” cũng hàm nghĩa như vậy.

Hiểu được điều này, chúng ta có thể cho đi mà không mong cầu bất cứ điều gì. Mong thay…/-

Diễm Ngọc st-biên soạn

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Đời Sống, Xã Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s