Bbt. Nói đến Bùi Giáng là nói đến một nhà thơ, một thi sĩ đặc biệt, kỳ lạ của nền thơ đa dạng Việt Nam hiện đại.
Sinh thời, Bùi Giáng bảo: “Hãy để cho tôi yên, tôi dại. Ðừng ai nói đến tôi. Và nhất là đừng có ai bàn đến thơ tôi”. Có lẽ vì tôn trọng nhà thơ, cho nên khi ông còn sống ít ai bàn, viết, nói … đến thơ ông hay ca tụng ông. Nhưng sau khi ông mất, đã có rất nhiều người nói, viết và chắc sẽ còn còn rất nhiều bài viết khác đề cập đến ông theo thời gian. Nhân Xuân Canh Tý (2020), bbt Blog xin trích đăng một vài bài thơ Xuân tiêu biểu trong số hàng ngàn bài thơ của ông…
Sơ lược tiểu sử:
Bùi Giáng là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là: Trung niên thi sĩ, Thi sĩ, Bùi Bàn Dúi, Bùi Văn Bốn, Vân Mồng… Ông sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu thuộc xã Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Thuở nhỏ, ông học trường Bảo An tại Ðiện Bàn, Quảng Nam sau đó ông học trung học ở Thuận Hóa, Huế. Năm 1950, đậu Tú Tài II văn chương ở Liên Khu V. Sau đó ra Liên Khu IV học tiếp đại học. Nhưng sau khi nghe qua bài diễn văn khai giảng của ông viện trưởng, Bùi Giáng quay về Quảng Nam và bắt đầu quãng đời được gọi là “Mười lăm năm chăn dê ở núi đồi Trung Việt”.
Sau đó ông vào Sài Gòn ghi danh Ðại Học Văn Khoa, nhìn danh sách giáo sư giảng dạy ở Văn Khoa, ông quyết định chấm dứt việc học ở trường và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục.
Từ 1957 đến 1997, Bùi Giáng có khoảng 55 tác phẩm đã in về thơ, dịch và triết. Như lời Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Thanh Tuệ, thơ có đến nghìn bài. Và nội trong một ngày, có thể ném bịch một vài trăm trang sách. Ðúng là một kỷ lục có một không hai.
Ông mất vào lúc 2 giờ chiều ngày 7 tháng 10 năm 1998, sau một cơn tai biến mạch máu tại bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Sài Gòn sau những năm tháng sống “điên rồ lừng lẫy chết đi sống lại vẻ vang” (chữ của Bùi Giáng). Ông được chôn cất tại nghĩa trang Gò Dưa, quận Thủ Đức.
Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa nguồn với 140 bài thơ.
Trong số các bài thơ của ông có một số bài được phổ nhạc, như:
– “Mắt buồn” trong tập thơ “Mưa nguồn” mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ thành ca khúc “Con mắt còn lại” vào năm 1992;
– “L’Adieu”, nguyên tác của Guillaume Apollinaire được Bùi Giáng dịch mà nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc “Mùa thu chết” vào năm 1965.
Hiện nay, nhiều tác phẩm của ông đã và đang được tái bản, xuất bản cả trong và ngoài nước.
o0o
1. Chào Nguyên Xuân (Bùi Giáng)
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng.
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người.
Xin chào nhau giữa bàn tay
Có năm ngón nhỏ phơi bày ngón con
Thưa rằng những ngón thon thon
Chào nhau một bận sẽ còn nhớ nhau.
Xin chào nhau giữa làn môi
Có hồng tàn lệ khóc đời chửa cam
Thưa rằng bạc mệnh xin kham (cam)
Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây.
Xin chào nhau giữa bụi đầy
Nhìn xa có bóng áng mây nghiêng đầu
Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà.
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió đàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương (đang) đợi bước ai đi vào.
Hỏi rằng: đất trích chiêm bao
Sá gì ngẫu nhĩ mà chào đón nhau
Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân./-
o0o
2. Nắng Nguyên Đán (Bùi Giáng)
Chạy đi em, nắng gió bốn chân trời
Về chân đất dưới chân em mọc cỏ
Nắng Nguyên Đán lục lam hay hồng đỏ
Tía vi vu hồng lục cũng bao hàm.
Chạy đi em! sương gió nắng thênh thang
Trời đất đẹp từ bình minh vũ trụ
Nắng Nguyên Đán của nguyên xuân đầy đủ
Cỏ hoa hương chồi nhú lộc miên man.
Và riêng mở duy Một Hàng Ẩn Mật
Nắng phơ phất vì sắc hương phơ phất
Dưới khung trời mặt đất mở thênh thang
Chạy đi em, gót ngọc bỏ hai hàng./-
o0o
3. Xuân (Bùi Giáng)
Chểnh mảng mùa Xuân vẫn tới gần
Muôn nghìn hồng tía quá thanh tân
Sắp về lũ lượt thân cùng thể
Sẽ đến huy hoàng mỹ với nhân
Thân thiết như hồn thanh thiếu nữ
Thuần nhiên tợ mộng tuyết băng tâm
Người từ xa lắc về thăm viếng
Xuân sắc quê hương đẹp quá chừng./-
bbt sưu tầm