Chúng tôi những cựu học sinh trường Trung học Công lập Phan Châu Trinh tại thành phố Đà Nẵng niên khóa 66-73 sau khi tốt nghiệp Tú Tài 2, theo thời gian và cuộc sống, v.v… đã và đang hiện diện ở nhiều nơi, người thì ở nước ngoài (Hoa Kỳ, Úc, Na Uy…), người thì ở các thành phố khác ở Việt Nam, phần đông ở thành phố Sài Gòn nhưng đa số vẫn là thành phố Đà Nẵng.
Sau những năm tháng khó khăn, chật vật với cuộc sống, bạn bè chúng tôi dần dần có những buổi gặp, họp mặt để nhìn thấy nhau, thăm hỏi, trao đổi… Tại Đà Nẵng, có khi chỉ từ vài người trong những lần uống cà phê tại góc đường Lê Lợi, nhưng rồi cũng có lúc thật đông đến cả gần 20 người và luôn phiên thay đổi, người bận việc ra về, người rảnh việc lại tới, thế chỗ… Chẳng hiểu sao lại rảnh rỗi và dư thời gian thế này… Đó là vào những thời gian sau năm 2000. Đến khoảng năm 2010 thì gói gọn lại chỉ trong vòng vài ba đứa. Hai, ba năm sau lại nhóm lại nhưng tại một địa điểm mới, đó là quán cà phê Anh Thư (cà phê Công Đoàn) – nằm ở đầu đường Ông Ích Khiêm, phường Thanh Bình, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Riêng bạn bè ở Sài Gòn dù chỉ khoảng 16-17 đứa thì lại thường hay gặp nhau từ 5, 6 đứa nhưng không để uống cà phê mà để giải khuây qua vài lon bia và thường thì tại nhà hàng Đoàn Viên ở công viên Tao Đàn, đường Huyền Trân Công Chúa, Phường Bến Thành, Quận 1, hay một đôi lúc tại nhà riêng của Ba Đại (Trưởng Lớp) hoặc tại nhà một người bạn nào đó có giỗ, kỵ, …
Tuổi tác càng lúc càng cao, sức khỏe một vài đứa không mấy tốt, tính tình ít nhiều thay đổi, thêm vào đó cuộc sống lại có nhiều đổi thay nên các cuộc họp, gặp mặt giữa bạn bè không còn là điều bạn bè quan tâm, để ý đến. Sau lần Họp Mặt chung được tổ chức vào chiều ngày Thứ Sáu – mồng 6 Tết Quý Tỵ (tức ngày 15.2.2013) tại nhà hàng Faifo, đường Hải Phòng, Đà Nẵng nơi đã nhiều năm trước liên tục được tổ chức Họp Mặt Đầu Năm cho bọn học sinh chúng tôi niên khóa 1966 – 1973 cùng Thầy Cô, thì dần dần các buổi Họp, Gặp mặt của bạn bè ở Đà Nẵng thưa dần, thưa dần, và ngưng hẳn chỉ thỉnh thoảng một đôi lần gặp mặt ngắn ngủi với dăm ba đứa qua ly cà phê tại quán Anh Thư. Còn bạn bè tại Sài Gòn cũng vậy dù ít người, nhưng cũng không còn mấy khi ly mày ly tao, cụng cụng… nâng ly dzô dzô… hoặc giả ngồi đâu đó ở các quán lề đường.
Tuy vậy, một đôi khi bạn bè chúng tôi, một vài đứa (HNThắng, NHHùng) sống ở nước ngoài có dịp về nước cũng có đôi lần bạn bè tụ lại nhưng không được như xưa, như những lần trước đây, mà chỉ còn gặp mặt với những đứa bạn được lựa chọn, được ưa chuộng và số lượng chẳng còn bao nhiêu đứa…
Đầu năm 2020 này, một thằng bạn của chúng tôi – thằng này ít khi về Việt Nam lắm, Nguyễn Quang Định sống ở miền Bắc Cali, Hoa Kỳ, vừa nghỉ hưu cuối tháng 12.2019, đã có chuyến du lịch 18 ngày vùng bắc bán cầu vùng châu Á với vợ và một số người thân trên chiếc du thuyền Diamond Princess của Vương quốc Anh. Trước tiên là bạn tôi đáp máy bay từ San Francisco (USA) ngày 4.1.2020 đến Tân Gia Ba (Singapore) ngày 5.1.2020 rồi lên du thuyền Diamond Princess tại Singapore ngày 6.1.2020 hướng về phía bắc ghé Việt Nam qua 3 cảng ở 3 thành phố khác nhau. Đầu tiên, ngày 8.1.2020 ghé cảng Phú Mỹ (Bà Rịa, Vũng Tàu), qua hôm sau 9.1.2020 ghé cảng Nha Trang (Khánh Hòa), và ngày kế nữa 10.1.2020 ghé cảng Chân Mây (Thừa Thiên-Huế). Sau đó du thuyền ghé Hồng Kông, rồi Keelung (Taiwan – Đài Loan), và cuối cùng là Nhật Bản qua ba (3) thành phố trước tiên là Osaka, sau đến Toba, và rồi trạm chót là Tokyo trước khi quay đầu trở lại nới xuất phát – Singapore (Tân Gia Ba) để xuống khách và nhận khách lên tiếp.
Ghé Việt Nam qua 3 cảng thuộc 3 thành phố, nhưng bạn tôi chỉ đủ thời gian gặp bạn bè ở khu vực miền Trung (Huế, Đà Nẵng) với số lượng khoảng chừng 11 đứa gồm 8 đứa từ Trung học PCT nk. 66-73 gồm Phù Trung Sơn, Đoàn Chí Khang, Nguyễn Phước Lâm, Nguyễn Tấn Mừng, Lê Thôi, Lưu Kim Khánh, và Nguyễn Thanh Xuân) [xem hình], số còn lại khoảng 3 đứa bạn từ Đại học. Cuộc gặp diễn ra tại Lăng Cô khi du thuyền Diamond Princess ghé cảng Chân Mây, Thừa Thiên-Huế vào ngày 10.1.2020.
Khi du thuyền ghé thủ đô Tokyo, Nhật Bản thì đoàn của bạn tôi xuống tàu và lưu lại tại đây thêm 3 ngày nữa để đi thăm một số nơi, đặc biệt ngọn núi Phú Sĩ đẹp, nổi tiếng hay thăm ngôi chùa Sensoji hoặc ngôi đền Jindaiji cổ kính. Nhưng không thể không thăm viếng công viên Koishikawa Korakuen hay Sumida, hoặc công viên Hibaya với nhiều cây hoa đặc biệt, tiêu biểu của Nhật Bản như anh đào, … trước khi đáp phi cơ trở lại Hoa Kỳ (USA) ngày 24.1.2020 – đúng ngày 30 TẾT năm Kỷ Hợi.
Chuyến đi này dù gì thì vợ chồng bạn tôi cũng gặp nhiều may mắn. May mắn đầu tiên là được gặp bạn bè tại Lăng Cô. May mắn kế là đúng ra bạn tôi sẽ đáp du thuyền 1 tuần sau đó tức khoảng 12.1.2020 và sẽ trở lại Hoa Kỳ vào đầu tháng 2.2020. Nếu vậy thì cả hai vợ chồng đều bị giữ lại trên tàu cho đến hết thời gian cách ly kết thúc vào ngày 19.2, lúc đó mới được cho vào bờ.
Sao lại bị cách ly? Vì vào ngày 4.2.2020, du thuyền này với 3.700 du khách và nhân viên cùng thủy thủ đang ở vùng biển Nhật Bản thì một số du khách trên du thuyền được chẩn đoán mắc bệnh Covid-19 do virus corona chủng mới SARS-CoV-2, virus Vũ Hán (vì căn bệnh này lần đầu tiên được xác định bởi các cơ quan y tế tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung quốc) và con số bị lây nhiễm càng lúc càng tăng nhiều nên du thuyền Diamond Princess đã bị Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản bắt phải cách ly trong khoảng thời gian 14 ngày kể từ ngày 5.2.2020 ngoài khơi cảng Yokohama, Nhật Bản
Bạn tôi Nguyễn Quang Định và vợ là Hoàng Nguyễn Phương Dung (một cựu học sinh Lycée Blaise Pascal tại Đà Nẵng. Trước 1975, trường nằm trên đường Độc Lập sau này là trung tâm giáo dục Nguyễn Hiền rồi sau đó đã bị dẹp bỏ để xây lên hiện nay là Tòa Nhà Trái Bắp – tức Khu Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng) may mắn khi ghé Việt Nam, lúc ấy chưa kịp phát hiện lây nhiễm Covid-19, và bị cách ly xã hội hay không được nhóm họp, v.v… nên mới gặp được bạn bè tại Lăng Cô. Cả ngay khi 2 vợ chồng về đến Hoa Kỳ, khi căn bệnh này cũng chưa bị lây nhiễm nhiều và các luật định cách ly xã hội, nhờ vậy vợ chồng bạn tôi mới có thời gian và cơ hội để kề cận nhạc mẫu (mẹ ruột của Phương Dung) những ngày cuối đời của bà tại tư gia ở thành phố Davis, California cũng như được chung tay cùng lo hoàn tất Lễ An Táng, Hỏa Táng cho bà Cụ với sự hiện diện đông đủ con cháu, dâu rể, cùng thân bằng quyến thuộc và người thân, quen biết mà không bị cấm đoán trong giới hạn tối đa chỉ 10 người, và tang lễ không bị gói gọn ngắn ngủi trong nửa tiếng đồng hồ theo Nghị Định của chính quyền địa phương, tránh lây nhiễm. Bà Cụ nhũ danh Nguyễn Thị Lê Hồng, pháp danh Thân Chơn đã từ trần vào ngày 13.2.2020, hưởng thọ 88 tuổi. Cũng xin được nhắc lại là nhạc phụ của Nguyễn Quang Định (thân phụ của Hoàng Nguyễn Phương Dung) là Cụ Ông Hoàng Xuân Lãm, pháp danh Chơn Lịch đã từ trần cách nay 3 năm, vào ngày 2.5.2017 cũng tại tư gia ở thành phố Davis, California, thượng thọ 90 tuổi.
Đó là chuyện bạn tôi gặp bạn đầu mùa dịch corona, tới đây sẽ có thêm những bài viết và hình ảnh khác của bạn tôi gặp mặt, nhóm họp với một số đông bạn bè khác của chúng tôi ở Bắc Cali./-
Trần Hoa
Sao không thấy email của ai cả vậy , kể cả danh sách 66 – 73
Định gửi cho bạn hình thầy cô Trần Gia Phụng nhưng không có email rõ ràng
Hello bạn XIN
email bạn gởi tin là motthoi6673pctdn.org@gmail.com
Xin bạn vui lòng liên hệ…
Cần nhiều tin mong bạn liên hệ