bbt. Những ngày Xuân-Tết Tân Sửu đang dần trôi, nhưng dư âm Xuân Tết vẫn còn mang mang đâu đó trong ta với những khoảnh khắc dịu ngọt.
Trong không khí mùa xuân, chúng ta được hít thở những làn hương xuân nhè nhẹ với những cánh hoa đủ sắc màu tỏa hương khắp không gian bao la, làm cho vạn vật như chợt bừng tỉnh sau một giấc ngủ đông dài và buốt giá. Hương của mùa xuân thấm qua từng làn áo mỏng của con người gợi lên chút se se, nhưng lại vô cùng thích thú.
Đón Xuân Tân Sửu đã qua nhưng không khí Xuân Tết vẫn còn, bbt Blog xin mời quý bạn và thân hữu cùng nhau ôn cố tri tân, thưởng thức lại một số bài thơ của các thi hào, thi sĩ nổi tiếng … sáng tác về Xuân mà bbt đã sưu tập từ nhiều nguồn net.
Loạt bài “Thơ Xuân một thuở” khởi đăng từ đầu năm 2017, đến nay đã qua được 18 lượt bài của nhiều thi sĩ, trong đó, lần thứ nhất Nguyễn Khuyến – Tú Xương Trần Tế Xương vào ngày 25.01.2017 (https://motthoi6673pctdn.com/2017/01/25/tho-xuan-mot-thuo-1-nguyen-khuyen-tu-xuong-suu-tam/) với 2 bài của thi hào Nguyễn Khuyến “Ngày xuân dặn các con [Tác giả tự dịch bài “Xuân nhật thị chư nhi”]” và bài “Cảnh Tết”.ø Nay xin được trích đăng tiếp tóm lược tiểu sử Nguyễn Khuyến và bài thơ “Xuân bệnh” (2 kỳ) được trích (rút) từ Quế Sơn thi tập của ông.
Xin mời quý bạn và thân hữu cùng thưởng lãm.
***
Đôi hàng tiểu sử Nguyễn Khuyến
Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự Miễu Chi, sinh ngày 15 tháng 2 năm 1835, tại quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam nay là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội của ông ở làng Vị Hạ (tục gọi là làng Và), xã Yên Đổ nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông mất ngày 5 tháng 2 năm 1909 tại Yên Đổ. Ông có một người bạn tri kỉ tên là Dương Khuê.
Cha Nguyễn Khuyến là Nguyễn Tông Khởi (1796-1909), thường gọi là Mền Khởi, đỗ ba khóa tú tài, dạy học. Mẹ là Trần Thị Thoan (1799-1874), nguyên là con của Trần Công Trạc, từng đỗ tú tài thời Lê Mạc.
Thuở nhỏ, ông cùng Trần Bích San (người làng Vị Xuyên, đỗ Tam Nguyên năm 1864-1865) ở trường Hoàng giáp cùng bạn học Phạm Văn Nghị. Nguyễn Khuyến nổi tiếng là một người thông minh, hiếu học. Năm 1864, Nguyễn Khuyến đỗ đầu cử nhân (tức Giải nguyên) trường Hà Nội.
Năm sau (1865), ông trượt thi Hội nên tu chí, ở lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám và đổi tên từ Nguyễn Thắng thành Nguyễn Khuyến, với hàm ý phải nỗ lực hơn nữa (chữ Thắng có chữ lực nhỏ, chữ Khuyến có chữ lực lớn hơn).
Đến năm 1871, ông mới đỗ Hội Nguyên và Đình Nguyên (Hoàng giáp). Từ đó, Nguyễn Khuyến thường được gọi là Tam Nguyên Yên Đổ.
Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng Án Sát tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1877, ông thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang năm sau, ông bị giáng chức và điều về Huế, giữ một chức quan nhỏ với nhiệm vụ toản tu Quốc Sử Quán. Nguyễn Khuyến cáo quan về Yên Đổ vào mùa thu năm 1884 và qua đời tại đây.
Nguyễn Khuyến là người có phẩm chất trong sạch, mặc dù ra làm quan nhưng nổi tiếng là thanh liêm, chính trực. Nhiều giai thoại kể về đời sống và sự gắn bó của Nguyễn Khuyến đối với nhân dân. Ông là người có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc trước cuộc sống và gắn bó với thiên nhiên.
Nguyễn Khuyến ra làm quan giữa lúc nước mất nhà tan, cơ đồ nhà Nguyễn như sụp đổ hoàn toàn nên giấc mơ trị quốc bình thiên hạ của ông không thực hiện được.
Lúc này, Nam Kỳ rơi vào tay thực dân Pháp. Năm 1882, quân Pháp bắt đầu đánh ra Hà Nội. Năm 1885, Pháp tấn công kinh thành Huế. Kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, nhân dân hưởng ứng khắp nơi. Nhưng cuối cùng, phong trào Cần Vương tan rã.
Có thể nói, sống giữa thời kỳ các phong trào đấu tranh yêu nước bị dập tắt, Nguyễn Khuyến bất lực vì không làm được gì để thay đổi thời cuộc nên ông xin cáo quan về ở ẩn. Từ đó dẫn đến tâm trạng bất mãn, bế tắc của ông.
Các tác phẩm gồm có Quế Sơn thi tập, Yên Đổ thi tập, Bách Liêu thi văn tập, Cẩm Ngữ, cùng nhiều bài ca, hát ả đào, văn tế, câu đối truyền miệng.
Quế Sơn thi tập khoảng 200 bài thơ bằng chữ Hán và 100 bài thơ bằng chữ Nôm với nhiều thể loại khác nhau. Có bài Nguyễn Khuyến viết bằng chữ Hán rồi dịch ra tiếng Việt, hoặc viết bằng chữ Việt rồi dịch sang chữ Hán. Cả hai loại đều khó để xác định vì chúng rất điêu luyện.
Trong bộ phận thơ Nôm, Nguyễn Khuyến vừa là nhà thơ trào phúng vừa là nhà thơ trữ tình, nhuỗm đậm tư tưởng Lão Trang và triết lý Đông Phương. Thơ chữ Hán của ông hầu hết là thơ trữ tình. Có thể nói cả trên hai lĩnh vực, Nguyễn Khuyến đều thành công.
Xuân bệnh (I)
Nhiễu nhiễu phong trần nhất hủ nho,
Nhàn lai ngô tự kiến chân ngô.
Phù danh hữu hạnh do tiên cái,
Thực lực phi tài thượng nhương nô.
Bán chẩm quan không thiên địa khoát,
Nhất sang cao ngoạ tính tình cô.
Sầu miên lẫn dục thôi lâm khởi,
Sương ám thần quang đạm nhược vô
Dịch nghĩa
Mùa xuân bị bệnh (I)
Nhiễu nhương gió bụi bác nho gàn,
Nhàn rỗi khác gì tự trói chân.
Danh hão chỉ hơn anh bị gậy,
Tài xoàng, e kém chú che tàn
Hé nhìn nửa gối trời cao rộng,
Nằm khểnh bên song tính chiếc đơn.
Giấc ngủ buồn, ôm chăn ngại dậy,
Thoáng không, sương sớm khắp trời lan.
Xuân bệnh (II)
Tân thiều đán đán mãn thiên sương,
Thán tức nhân cùng tuế hựu hoang.
Dược vị thục thời tiên hữu khí,
Hoa tương lạc xứ thả lưu hương.
Sầu đa dạ lãn thính nhi độc,
Tửu quý xuân nan hoán khách thường.
Chỉ hữu tạc tiêu phùng tiểu vũ,
Bệnh trung sái đắc nhất phân cường.
Dịch nghĩa
Mùa xuân bị bệnh (II)
Mới sang xuân, sớm sớm trời đầy sương,
Than nỗi đã nghèo mà mùa lại mất.
Thuốc sắc chưa chín mùi thuốc đã bay lên,
Hoa sắp rụng rồi mùi hương còn phảng phất.
Buồn quá đêm ngại nghe con đọc sách,
Rượu đắt khó có thể mời khách thưởng xuân.
May có trận mưa nhỏ tối qua,
Bệnh cũng bớt đi được một đôi phần.
Rút từ Quế Sơn thi tập.
st-net