Bbt. Những ngày Xuân-Tết Tân Sửu đang dần trôi, nhưng dư âm Xuân Tết vẫn còn mang mang đâu đó trong ta với những khoảnh khắc dịu ngọt.
Trong không khí mùa xuân, chúng ta được hít thở những làn hương xuân nhè nhẹ với những cánh hoa đủ sắc màu tỏa hương khắp không gian bao la, làm cho vạn vật như chợt bừng tỉnh sau một giấc ngủ đông dài và buốt giá. Hương của mùa xuân thấm qua từng làn áo mỏng của con người gợi lên chút se se, nhưng lại vô cùng thích thú.
Đón Xuân Tân Sửu đã qua nhưng không khí Xuân Tết vẫn còn, bbt Blog xin mời quý bạn và thân hữu cùng nhau ôn cố tri tân, thưởng thức lại một số bài thơ của các thi hào, thi sĩ nổi tiếng … sáng tác về Xuân mà bbt đã sưu tập từ nhiều nguồn net.
Loạt bài “Thơ Xuân một thuở” khởi đăng từ đầu năm 2017, đến nay đã qua được 18 lượt bài của nhiều thi sĩ, trong đó, lần thứ nhất Nguyễn Khuyến – Tú Xương Trần Tế Xương vào ngày 25.01.2017 (https://motthoi6673pctdn.com/2017/01/25/tho-xuan-mot-thuo-1-nguyen-khuyen-tu-xuong-suu-tam/) với 2 bài thi hào Tú| Xương-Trần Tế Xương “Xuân” và “Xuân hứng“. Nay xin được trích đăng tiếp tóm lược tiểu sử Trần Tế Xương với 3 bài thơ “Sắm Tết, Tết đến, Năm Mới»
Xin mời quý bạn và thân hữu cùng thưởng lãm.
***
Đôi hàng tiểu sử Tú Xương Trần Tế Xương
Ông tên thật là Trần Tế Xương, tự Mặc Trai, hiệu Mộng Tích, Tử Thịnh. Tên bố mẹ đặt cho lúc đầu là Trần Duy Uyên, sau khi đỗ tú tài năm 1894, được gọi là Tú Xương. Ông sinh ngày 5-9-1870 (tức 10-8 âl) tại làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định (sau đổi thành phố Hàng Nâu, hiện nay là phố Minh Khai, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định). Ông mất ngày 29 tháng 1 năm 1907 lúc mới 37 tuổi. Mộ của ông hiện ở công viên Vị Hoàng (gần tượng đài Trần Hưng Đạo),
Ngôi tọa lạc tại mảnh đất xưa kia thuộc làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định – nơi chôn nhau cắt rốn của Tú Xương. Trong nhiều thập niên, mộ chỉ là một nấm đất nằm âm thầm bên hồ, đến mức đã lan truyền trong dân gian mấy vần thơ sau: Xè xè nấm đất bên hồ/ Hỏi ra mới biết rằng mồ Tú Xương!
Phải đến cuối năm 1989, mộ cụ Tú được xây mới trên nền mộ cũ và sau vài lần trùng tu thì có diện mạo như ngày nay, với các cấu trúc đá vững chãi và giàu thẩm mỹ. Bốn mặt quanh mộ đều có bậc tam cấp lát gạch với bốn bồn hoa nằm ở bốn góc. Xung quanh là khoảng sân rộng rãi và thoáng đãng, luôn được che phủ bởi những tán cây xanh. Trên mặt mộ là một phiến đá nằm nghiêng khắc tên nhà thơ cùng quê quán, năm sinh, năm mất. Liền kề là tấm bia đá, với cả hai mặt bia đều có khắc thơ.
Mặt trước bia là hai câu trong bài thơ nổi tiếng “Sông lấp” của Tú Xương: “Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình lại tưởng tiếng ai gọi đò”
Mặt sau bia là hai câu được cho là của cụ Nguyễn Khuyến khóc cụ Tú: “Kìa ai chín suối xương không nát/ Có lẽ ngàn thu tiếng vẫn còn”.
Cách mộ nhà thơ Tú Xương không xa là hồ Vị Xuyên. Đây là phần còn sót lại của sông Vị Hoàng – con sông đã tạo cảm hứng cho nhà thơ thành Nam viết nên bài thơ bất hủ “Sông lấp”.
Ông thuộc dòng dõi nho gia, vốn là họ Phạm, đổi thành họ Trần do lập công lớn và được phong quốc tính (vua cho đổi theo họ nhà vua). Ông nội Trần Tế Xương tên là Trần Duy Năng. Thân sinh của Trần Tế Xương là cụ Trần Duy Nhuận cũng là một nhà nho, thi nhiều khoa không đậu, sau làm Tự thừa ở dinh đốc học Nam Định, sinh được 9 người con, 6 trai, 3 gái, Tú Xương là con trưởng. Tú Xương lấy vợ năm 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn.
Cuộc đời của ông là cuộc đời của một nghệ sĩ, nhưng trước hết là một trí thức phong kiến. Mọi chi tiêu trong gia đình đều do một tay bà Tú lo liệu, điều đó đã đi vào thơ ca của ông: Tiền bạc phó cho con mụ kiếm hoặc là Hỏi ra quan ấy ăn lương vợ hay là Nuôi đủ năm con với một chồng, rồi ông cũng tự cười mình trong bài Phỗng sành:
Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành
Mắt thời thao láo, mặt thời xanh
Vuốt râu nịnh vợ, con bu nó
Quắc mắt khinh đời, cái bộ anh
Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ
Rượu chè trai gái đủ tam khoanh
Thế mà cứ nghĩ rằng ta giỏi
Cứ việc ăn chơi chẳng học hành
Cuộc đời ông chỉ gắn liền với thi cử, tính ra có tất cả tám lần, đó là các khoa: Bính Tuất (1886); Mậu Tý (1888); Tân Mão (1891); Giáp Ngọ (1894); Đinh Dậu (1897); Canh Tý (1900); Quý Mão (1903) và Bính Ngọ (1906). Sau 3 lần hỏng thi, mãi đến lần thứ tư khoa Giáp Ngọ (1894) ông mới đậu tú tài, nhưng cũng chỉ là tú tài thiên thủ (lấy thêm), sau đó không sao lên nổi cử nhân, mặc dù đã khá kiên trì theo đuổi. Khoa Quý Mão (1903) Trần Tế Xương đổi tên thành Trần Cao Xương tưởng rằng bớt đen đủi, nhưng rồi hỏng vẫn hoàn hỏng, đến phát cáu lên:
Tế đổi làm cao mà chó thế,
Kiện trông ra tiệp hỡi trời ôi!
Xã hội bấy giờ, cái bằng tú tài thuộc loại dang dở dở dang (tú tài không được thi Hội, cử nhân mới được thi, tú tài không được bổ quan, cử nhân mới được bổ), cho nên đậu tú tài, muốn đậu cử nhân phải đợi 3 năm sau thi lại.
Cuộc sống của ông về vật chất rất thiếu thốn.Cả cuộc đời, ông không một ngày làm quan. Ông là nhà thơ hầu như suốt đời gắn bó với làng Vị Xuyên với Thành Nam, Nam Định quê hương ông. Càng về cuối đời ông viết càng nhiều càng hay. Thơ ông phản ánh hiện thực xã hội Việt Nam phong kiến nửa thực dân ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Tú Xương sáng tác rất nhiều, ngoài thơ ông còn viết nhiều phú, câu đối… Với ông vẫn chưa thấy chắc chắn có bài thơ chữ Hán nào, chỉ thấy thơ Nôm viết bằng các thể loại cổ điển: thơ luật Đường: thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; phú; văn tế; câu đối; hát nói; lục bát. Ở thể loại nào Tú Xương cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy….
Nguyễn Công Hoan suy tôn Tú Xương là bậc thần thơ thánh chữ
Xuân Diệu xếp hạng Tú Xương thứ 5 sau Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương và Đoàn Thị Điểm
Tản Đà khi còn sống “trong những thi sĩ tiền bối, phục nhất Tú Xương” (Xuân Diệu kể vậy). Tản Đà tự nhận trong đời thơ của mình “mới địch nổi Tú Xương một lần thôi bằng chữ vèo trong bài thơ Cảm thu, Tiễn thu của ông: Vèo trông lá rụng đầy sân. Nguyễn công Hoan cũng kể vậy.
Nguyễn Tuân biểu dương Tú Xương là: một người thơ, một nhà thơ vốn nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam.
Với Tú Xương, còn là hiện tượng hiếm trong lịch sử tác gia Việt Nam: Tú Xương Có “môn Phái”, “môn đệ”. Tên của ông là Trần Tế Xương. Có lúc đổi thành Trần Cao Xương. Nhưng đây là chữ xương với nghĩa “thịnh vượng” (còn có nghĩa là đẹp, thẳng), không phải là xương theo nghĩa xương thịt. Nhưng người đời sau, mấy vị chuyên làm thơ trào phúng đã cố tình đùa nghịch và “xuyên tạc”, gắn cho cái nghĩa xương thịt, để rồi tự nguyện suy tôn Tú Xương (thịt) lên bậc tổ sư, còn mình là môn đệ. Và như thế là lịch sử văn học Việt Nam ở thế kỷ 20 bỗng nhiên có một “môn phái” gồm Tú Xương, rồi Tú Mỡ, Tú Sụn, Cử Nạc và thêm “chi phái”: Tú Poanh, Đồ Phồn cũng là dòng tú, cử, đồ với nhau cả. Vinh dự thay cho vị tổ sư Tú Xương!
Nói đến tài làm thơ của Tú Xương, nhiều người đã đặc biệt chú ý đến sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình, trong đó trữ tình là gốc. Với Tú Xương, vẫn chưa thấy chắc chắn có bài thơ chữ Hán nào, chỉ thấy thơ Nôm viết bằng các thể loại cổ điển: thơ luật Đường – thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; phú; văn tế; câu đối; hát nói; lục bát. Ở thể loại nào Tú Xương cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy.
Nguyễn Công Hoan suy tôn Tú Xương là bậc thần thơ thánh chữ.
(1) Nguyễn Khuyến (1835-1909) – Tú Xương-Trần Tế Xương (1870-1907).
Sắm Tết
Tết nhất năm nay khéo thật là!
Một mâm mứt rận mới bày ra
Xanh đồng thắng lại đen rưng rức
Áo đụp bò ra béo thật thà
Kẹo chú Sìu Châu đâu đọ được
Bánh bà Hạnh Tụ cũng thua xa
Sang năm quyết mở ngôi hàng mứt
Lại rưới thêm vào tí nước hoa!
Nguồn: Thơ Trần Tế Xương, NXB Văn hóa – Thông tin, 1998
Tết đến
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo
Tiền bạc trong kho chửa lĩnh tiêu
Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy
Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu
Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy
Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu
Thôi thế thì thôi, đành tết khác
Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo!
Nguồn:
1. Thơ Trần Tế Xương, NXB Văn hoá – Thông tin, 1998
2. Việt Nam thi văn hợp tuyển, Dương Quảng Hàm, Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, Hà Nội, 1951
Năm Mới
Chỉ bảo nhau rằng: mới với me,
Bảo ai rằng “cũ”, chẳng ai nghe.
Khăn là bác nọ to tày rế,
Váy lĩnh cô kia quét sạch hè.
Công đức tu hành sư có lọng,
Xu hào rủng rỉnh, mán ngồi xe.
Chẳng phong lưu cũng ba ngày tết,
Kiết cú như ai cũng rượu chè!
st-net