
Tí (chuột) đã cao chạy bay xa, và đã vào hang ẩn trú yên ổn sau một thởi gian dài gậm nhấm, quậy phá. Sửu, con trâu cần cù cũng đã lần lùi về chuồng ngơi nghỉ sau 365 ngày làm việc cần mẫn, chật vật, thì nay năm (Nhâm) Dần, cọp (hổ) đang nhăn răng, gầm gừ, xè vuốt đến. Xin được tổng hợp, lược soạn và trích đăng đôi hàng về cọp được dân gian lưu truyền.
Ngoài tên thường gọi là cọp, hổ, tiếng Hán Việt là Dần, cọp còn có tên là khái, là kễnh, là ba cụt (cọp ba chân), là ba ngoe (cọp ba móng), hay một cách trịnh trọng tôn kính là Ông Chằng, Ông Kẹ, Ông Dài, Ông ba bị, Ông Thầy (cọp thành tinh). Nhưng dựa vào tiếng gầm của cọp, nó còn có tên gọi là hầm, hùm. Dựa vào sắc màu của da, cọp được người ta gọi là Gấm, là Mun … Ở miền Đông Nam Bộ người ta còn gọi cọp với những danh xưng cao nhất là: Mãnh chúa rừng xanh, Chúa tể rừng xanh, Sơn quân chi thần, Sơn quân chúa xứ, Sơn quân mãnh hổ, Sơn lâm chúa tể, Sơn lâm chúa xứ, Sơn lâm đại tướng quân, Sơn quân chúa động, Chúa xứ sơn lâm, Mãnh Hổ, Thần Hổ, Ông, Ông Thầy, Ông Cả, Ngài, Ông Ba Mươi, Hương quản. Ở các làng quê Nam Bộ, thường có tập tục cử cọp giữ chức Đại Hương Cả (chức cao nhất trong Ban Hội Tề của làng xã Nam Bộ thời xưa) chỉ vì sợ cọp quấy phá, và hay lập miếu thờ. Người dân ở một số vùng thuộc Quảng Trị (như làng Thủy Ba) còn gọi hổ bằng tiếng địa phương là coọc có nghĩa là cọp.
Đặc biệt tên gọi Ông Ba Mươi – con số ba mươi này có nhiều cách (thuyết) giải thích khác nhau: 1). Cọp sống trung bình trong khoảng ba mươi năm. 2). Cọp đi ba mươi bước là quên hết mọi thù oán. 3). Xưa, triều đình đặt giải, ai giết được cọp thì được thưởng ba mươi đồng, một món tiền thưởng khá lớn hồi đó. 4). Tuy nhiên, cũng có thời, ai bắt, giết cọp phải bị phạt ba mươi roi, vì cho rằng cọp là tướng nhà Trời, sao dám xúc phạm (?). Đó là do truyền thuyết kể rằng, Nguyễn Ánh bị nhà Tây Sơn truy bức, phải sống trong rừng, hết cả lương thực, may mắn nhờ có thịt thú rừng tha tới tiếp tế hằng ngày mà thoát chết. Biết ơn, khi lên ngôi, vua Gia Long ban lệnh lập miếu thờ hổ tại vùng Mô Xoài thuộc tỉnh Bà Rịa để tạ ơn, dân gian thường gọi là miếu Ông Hổ. Tục truyền, vua ban lệnh cấm giết hổ, nếu kẻ nào lỡ tay giết chết thì bị phạt 30 trượng, còn nếu bắt sống thì được thưởng 30 quan tiền. 5). Đêm ba mươi cuối tháng âm lịch, trời tối đen như mực, là thời gian thích hợp cho cọp dễ lộng hành, tìm mồi. Còn những đêm trăng sáng, cọp chui rúc vào rừng sâu để phòng bị con người vây bắt hay mắc bẫy, v.v… và v.v… Ngày nay, cọp là loài vật quý hiếm, có tên trong sách Đỏ (*), do vậy những ai giết, bắt loài thú này không những bị phạt tiền mà còn ở tù nữa.
Sách đỏ là gì? (Bách khoa toàn thư – Wikipedia)
Sách đỏ IUCN hay gọi tắt là Sách đỏ (tiếng Anh: IUCN Red List of Threatened Species hay IUCN Red List) được bắt đầu từ năm 1964, là danh sách toàn diện nhất về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới kể cả những loài quý hiếm hay đã tuyệt chủng. Nó sử dụng một bộ tiêu chí để đánh giá nguy cơ tuyệt chủng của hàng ngàn loài và phân loài. Từ đó, con người sẽ có định hướng cách bảo vệ các loài sao cho hợp lý, hiệu quả và đúng đắn nhất.
Danh sách này được giám sát bởi Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources, IUCN).
Con người còn coi con cọp là con vật linh thiêng, là tướng nhà Trời, có thể nghe được tiếng người “nói xấu” từ khoảng cách xa (thiên lý nhĩ), là con vật có thể ngăn ngừa ma quỷ, diệt trừ được những tai họa đưa đến cho con người.
Do đó, ngày Tết Nguyên Đán, dân gian có tục lệ thường dán trước cửa nhà mảnh giấy hồng điều có hình cọp với lòng tin là Ông Ba Mươi sẽ trấn giữ không cho những thứ hiểm độc, ác quỷ vào nhà. Ở các đình miếu có bức bình phong, thường người ta vẽ hay đắp nổi hình con cọp đứng nhe răng vuốt, coi như trấn giữ đình miếu. Ông già, bà cả còn truyền dạy: nếu trẻ con khóc đêm thì người mẹ phải lén “ăn trộm” hình vẽ Chúa Sơn Lâm để trong gối nằm của trẻ thì chúng sẽ hết khóc hay cho trẻ đeo vấu (móng cọp). Trong tín ngưỡng có tranh thờ hổ Ngũ Hổ …
Con cọp oai hùng như thế nên các võ tướng của triều đình xưa thường được ví như cọp và được gọi là Hổ Tướng (ông tướng mạnh như cọp). Trong chiến trận, đoàn quân bị mất tướng, coi như quân vô tướng như hổ vô đầu. Có bộ đi hùng dũng giống cọp gọi là Hổ bộ, dáng đi của vua chúa cũng được gọi là Long hành hổ bộ. Người được gọi là Hổ đầu là người có tướng mạo tốt, hùng dũng như … cọp. Mặt người có mặt cọp (hổ diện), miệng cọp (hổ khẩu) và cả râu cọp (hổ tu) nữa: râu hùm hàm én mày ngài … của Từ Hải trong Truyện Kiều là người có tướng mạo của một người anh hùng.
Những người có dáng hình, tính cách như cọp kể trên, người xưa thường cho rằng hổ phụ sinh hổ tử, con cái họ cũng sẽ có dáng hình, tính cách như thế. Tuy nhiên, không phải là tuyệt đối, có những trường hợp hổ phụ sinh … khuyển tử thì thật là buồn.
Cọp có sức mạnh tự nhiên, to khỏe, dữ tợn, táo bạo, liều lĩnh, dám tấn công, đối địch nhiều thú to khỏe khác nên được tôn là chúa của rừng núi, là loài thú của chốn rừng xanh, và chẳng bao giờ sống chung được với người. Tuy là loài vật mạnh mẽ, ngộ nghĩnh, độc đáo nhưng trong đời sống tinh thần của con người thì nó lại rất gần gũi. Do vậy dân gian thường mượn chuyện con cọp (hổ) và lấy hình ảnh của cọp, ẩn dụ sinh động cho nhiều câu thành ngữ, tục ngữ, ngạn ngữ, chuyện cổ tích, ngụ ngôn, ca dao … một cách rộng rãi và thâm thuý, trải rộng trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội để răn mình và nhắc nhở người. Từ đó vẽ lên được một bộ phận người trong xã hội với những ca tụng lẫn phê phán./-
Duy Nhân st và biên soạn