
Những ngày cuối tháng chạp, tuyết trắng ngập tràn, tiết trời lạnh gắt, chợt bầu trời có nắng làm cho cái lạnh của mùa đông với tuyết trắng phủ đầy đã lạnh lại càng lạnh thêm. Lạnh cả bầu trời, lạnh cả lòng người, lạnh cả lòng tôi khi nghĩ đến cuộc đời đã qua và cả cuộc đời trước mặt.
Nhìn những cành hoa đào mỏng manh như thỏa sức làm duyên, vui đùa cùng làn gió xuân, những nhánh mai vàng đang nhum nhúm nụ trong cái se se lạnh, e ấp trong chút nắng nhẹ nhàng cuối đông hay nhìn những khóm cúc vàng ươm, âm thầm len lỏi vào không gian Tết-Xuân của từng gia đình như một lẽ hiển nhiên đã tồn tại bao đời, không thể phá vỡ được khắp nơi trên mọi vùng, miền tổ quốc thân yêu – Việt Nam. Quốc gia với tên gọi thân yêu: “Việt Nam Việt Nam nghe tự vào đời/ Việt Nam hai câu nói bên vành nôi/ Việt Nam nước tôi…. Việt Nam Việt Nam tên gọi là người/ Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời” mà Cố nhạc sĩ Phạm Duy đã sáng tác từ khoảng năm 1960 trong trường ca Mẹ Việt Nam, mà không chỉ mình tôi nghe mà đã có bao nhiêu chục triệu người đã nghe mà chính người nhạc sĩ đối với quê hương Việt Nam, đã chất chứa trọn vẹn tâm nguyện của mình mang trộn vào ca khúc với mong ước luôn nhìn thấy và mang theo hình ảnh quê hương thân thương, đầy hào hùng lịch sử trên 4000 năm Việt Nam vào tâm trí, vào con tim, và vào những suy tư một đời của ông (sanh năm 1921) cho đến những ngày cuối đời (mất năm 2013) bằng ca từ âm nhạc. Ca trừ đó, ca khúc đó tôi đã nghe đi nghe lại biết bao lần nhưng sao vẫn thấy trong tôi thấm đậm, vẫn thấy đầy yêu thương, và đầy sinh lực quê hương… nhưng hai từ Việt Nam đó trong tôi đã một lần xa và cứ mãi dần xa theo thời gian.
Nhưng dù gì thì thì tôi như cảm nhận hơi thở của mùa xuân, không khí tết đang dần len lỏi trở về sau hơn 360 ngày vắng bóng. Mà mỗi lần Xuân về Tết đến tôi càng nhớ thưở còn cắp sách với hình dáng Ông Đồ một người bán chữ trong bài thơ nổi tiếng của thi sĩ Vũ Đình Liên mang đầy một nỗi niềm hoài cổ, luyến nhớ và tiếc thương về “những người muôn năm cũ”.
Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua.
Bao nhiêu người thuê viết/ Tấm tắc ngợi khen tài:/ “Hoa tay thảo những nét/ Như phượng múa, rồng bay”.
Nhưng mỗi năm mỗi vắng/ Người thuê viết nay đâu?/ Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu…
Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay/ Lá vàng rơi trên giấy/ Ngoài trời mưa bụi bay.
Năm nay đào lại nở/ Chẳng thấy ông đồ xưa/ Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?
Chỉ với năm khổ thơ, mỗi khổ năm chữ, gọn, nhưng mang đầy tâm cảm con người, thời gian và cả không gian… cho tôi hiểu đậm sâu những giá trị cổ xưa, dẫu qua bao cuộc bể dâu vẫn bền chặt cùng thời gian, cùng máu huyết của người Việt Nam cho dù bất cứ đâu. Nhà thơ Vũ Đình Liên (1913-1996) với một đời đeo đẳng nghiệp bút nghiên, vẫn mang một nỗi niềm sâu thẳm trong từng câu chữ. Tuy râu tóc bạc trắng nhưng trong ông vẫn toát lên vẻ hiền triết và hồn hậu đến lạ người.
Cuối năm nhận điện thoại của thằng bạn phương xa liên hệ, trao đổi vài chuyện xã hội liên quan, rồi thông báo tin thằng bạn cùng niên khóa một thưở xa xưa đã ra đi, lòng tôi chợt dâng lên một xúc cảm….
Lại một thằng khác nhắn gởi bài với hàng chữ R.I.P (Rest In Peace) nguyên thủy tiếng la tinh “Requiescat in pace” mang nghĩa là “Hãy yên nghỉ” hay “Hãy nghỉ ngơi trong an bình” mà người Việt chúng ta do tính phóng khoáng, thoáng hơn nên đã dịch và ghi là “Yên Giấc Nghìn Thu” hay “Vĩnh Biệt Ngàn Thu” – có nghĩa rằng sẽ ngủ một giấc rất an lành cho đến thiên thu không bao giờ thức dậy nữa.
Thêm một thằng nữa – mà thằng này với cá tính hay nghịch nghịch – ngông ngông, vẻ bất cần đời. Cái nghịch cái ngông như ở trong máu huyết của nó, làm không ít nhiều thằng bạn khác cùng tình đồng môn, đồng lứa, không thích, không ưa… đã trích, gởi qua Viber, 2 câu đầu của bài thơ Ông Đồ nhưng sửa lại vài chữ: “Mỗi năm hoa đào nở, lại “rớt” một bạn già…”.
“Mỗi năm hoa đào nở, lại “rớt” một bạn già…” … chỉ ngắn gọn, nhưng đọc sao thấy thấm thấm, buồn buồn, tủi tủi… Thật vậy cứ ngày qua tháng lại, Xuân qua rồi Xuân đến bạn tôi đã bao đứa phải ra đi, “yện giấc nghìn thu” với nhiều lý do của mỗi đứa, mỗi người, không ai giống ai cả. Vì cuộc đời vốn dĩ là Vô Thường mà phải không?
Theo Phật học Từ điển của Đoàn Trung Còn, thì “Vô Thường là “không thường, không chừng. Nói trọn chữ là: vô-thường biến dị. Lúc có lúc không, khi này khi khác, biến chuyển không ngừng. Như mới sống thoạt chết, mới trẻ liền già, mới mạnh thoạt yếu, mới khỏe liền đau. Trong thế gian tất cả các pháp hữu vi đều sinh, diệt, biến đổi, lưu chuyển không một chút nào yên trụ thảy đều vô thường.”
Trong Nghi thức Bồ-tát giới kinh của nhà Phật có câu: “Nhân mạng vô thường, quá ư sơn thủy, kim nhật tuy tồn, minh nhật nan bảo” (nghĩa là mạng người vô thường, còn mau hơn nước chảy trên non; hôm nay dầu còn, ngày mai khó giữ).
Triết gia Heraclitus, người Hy Lạp (sanh khoảng năm 525 và mất năm 475 trước công nguyên), đã nói: “Chúng ta không thể tắm hai lần trong cùng một dòng sông”. Triết gia đã nói đúng. Vì nước sông hôm nay chắc chắn khác với nước sông chúng ta tắm hôm qua cho dù đó vẫn là một dòng song, một con sông.
Còn Đức Khổng Tử, một triết gia và chính trị gia người Trung Quốc, sinh sống vào thời Xuân Thu (sanh năm 551 và mất năm 475 trước công nguyên), khi đứng nhìn dòng sông trôi chảy, đã nói: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ!” nghĩa là “nước sông trôi chảy ngày đêm, không bao giờ ngưng nghỉ”.
Vô thường có nghĩa là mọi sự, mọi việc đều thay đổi, không có sự vật nào bất biến trong hai thời điểm nối tiếp nhau. Vì nó thay đổi mỗi phút giây, nên chúng ta không thể mô tả một cách chính xác là lúc này nó giống hay khác với lúc trước đây.
Theo giáo lý nhà Phật khi nói đến vô thường thường để giúp cho người tu nhận chân ra lẽ thật của đời sống con người là hạn hẹp, ngắn ngủi và giúp họ khắc phục sự rải đãi mà tinh tấn trên con đường tu giác ngộ-giải thoát khổ đau.
Còn riêng chúng ta thì thường hay buồn rầu và đau khổ mỗi khi nhìn thấy sự vật thay đổi. Nhưng sự thay đổi, sự vô thường có khía cạnh tích cực của nó. Nhờ vô thường mà mọi sự vật mới có cơ hội. Đời sống nhờ vô thường mới hiện hữu.
Ví dụ: Nếu hạt bắp không vô thường thì hạt bắp không bao giờ có thể biến thành một cây bắp. Và ngược lại nếu không vô thường thì cây bắp không thể cho ta trái bắp để ăn được. Nếu con cái của quí vị không thay đổi (vô thường) thì chúng nó không thể lớn để trở thành cô thiếu nữ-phụ nữ hay chàng thanh niên-đàn ông. Từ đó các cháu (nội, ngoại) của quý vị sẽ không bao giờ ra đời… Vậy, thay vì than vãn về vô thường, chúng ta nên: “Hoan nghênh vô thường, chúc vô thường sống lâu và chấp nhận nó như một thực tế của cuộc sống”.
Đã hơn 2 năm dịch bệnh với bao nhiêu tang thương xảy ra, ập đến với mọi người khắp cùng trên quả địa cầu. Từ Nam chí Bắc, từ Đông sang Tây, đâu đâu cũng nghe, thấy, đọc những mất mát về sinh mạng. Hàng chục, hàng trăm và đến cả hàng triệu… Con số không phải nhỏ, không phải ít, nhưng đã gọi là dịch thì làm sao tránh khỏi, mặc dầu ai ai tự mỗi cá nhân cũng đã phải tự gìn giữ cho mình, cá nhân mình an bình và cả niềm an lạc thân tâm.
Cón tôi, bạn… tuổi đời theo năm tháng cũng theo lẽ thuận thiên vô thường mà thay đổi, lớn dần, già đi, sức khỏe dần yếu đi… Từ đó khi già, khi lớn tuổi sau hơn 60 năm trên cõi đời, thì không mắc bệnh này, cũng mắc bệnh kia, nhẹ nặng tùy cá thể… rồi lác đác rơi rụng, giã từ trần thế….
Trong tình bạn, tình bè ta có được, có ai biết trước ngày mai sẽ ra sao… 2 năm dịch bệnh đã cho ta thấy biết bao nghiệt ngã… Thấy đó, mất đó… vô thường. Thôi thì cứ vui và sống với những gì hiện có trong ta nha bạn…
Quảng Khai