Suy tư tháng ba (1B): chiến tranh thế giới (Trần Hoa)

(tiếp theo phần 1A – Súng nổ, đạn rơi)

Nhớ lúc còn được cắp sách đến trường, chúng tôi đã học, đã nghe, xem phim ảnh chiến tranh thế giới lần thứ nhất” từ ngày 28 tháng 7 năm 1914 đến ngày 11 tháng 11 năm 1918.

Chỉ trong vòng 4 năm, cuộc chiến đã để lại rất nhiều hậu quả trước mắt và lâu dài. Với hơn 10 triệu người chết, hàng chục triệu người khác bị tàn phế, nhiều thành phố, làng mạc, đường sá, cầu cống, nhà cửa, nhà máy bị phá hủy. Chi phí cho chiến tranh mà các nước tham chiến đã sử dụng lên tới cả 100 tỉ USD lúc bấy giờ. Ngoài sức mạnh tàn phá nhân mạng, kinh tế, vật chất, nó còn gây biết bao hãi hùng lâu dài về tâm lý cho con người ở cả châu Âu và toàn thế giới.

Cuộc chiến cũng gây ra sự thay đổi rất lớn trong bản đồ chính trị châu Âu. Nó dẫn đến sự sụp đổ của 4 đế quốc Nga năm 1917, Đức năm 1918, Áo – Hung năm 1918, và Ottoman (còn được gọi là đế quốc Osman hay đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ) năm 1923 với các triều đình quân chủ hàng trăm năm bị suy đổ, trong đó hai cường quốc Áo – Hung và Ottoman bị phân rã và mất hẳn vai trò cường quốc bấy lâu nay.

Chiến tranh thế giới thứ nhất cũng ngay lập tức đem lại những thay đổi về hệ thống chính trị tại các nước châu Âu. Tại Đức, nền quân chủ bị lật đổ, Cộng hòa Weimar ra đời.

Cộng hòa Weimar (tiếng Đức: Weimarer Republik) là tên sử gia gọi Chính phủ và Nhà nước của nước Đức trong khoảng thời gian từ 1918 sau khi “chiến tranh thế giới lần thứ nhất” kết thúc. Đây là lần đầu tiên nước Đức có một thể chế dân chủ lập hiến, bắt đầu từ ngày 9 tháng 11 năm 1918. Danh từ “Cộng hòa Weimar” không phải là tên gọi chính thức của chính quyền thời đó, vì lúc bấy giờ dân Đức vẫn gọi quốc gia mình là “Đế chế Đức” (tiếng Đức: Deutsches Reich). Sở dĩ có tên Cộng hòa Weimar là vì quốc hội của chính phủ này hội họp và viết bản hiến chương tại thành phố Weimar. Tuy nhiên nền Cộng hòa này cũng sớm đối mặt liên tục với những khó khăn chồng chất về kinh tế và xã hội, và tồn tại được 15 năm đến khi Adolf Hitler lên nắm quyền thủ tướng vào ngày 30 tháng 1 năm 1933 và dưới chế độ độc tài Quốc xã (phát xít), Adolf Hitler là “Führer” (Lãnh Tụ) kể từ năm 1934. Và chính ông cùng Đảng Quốc xã là nguồn phát động “chiến tranh thế giới lần thứ hai” ở Âu châu qua cuộc xâm lăng Ba Lan vào tháng 9 năm 1939.

Một trong những ảnh hưởng lâu dài nhất của Chiến tranh thế giới lần thứ nhất là sự ra đời của Liên Bang Xô Viết. Chiến tranh đã làm cho người dân Nga lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Hoàn cảnh này đã đẩy Nga vào cuộc Cách mạng tháng Mười với sự thắng lợi của Nhà nước Xô viết với lập trường ủng hộ Chủ nghĩa xã hội, chống Chủ nghĩa thực dân và Chủ nghĩa tư bản. Điều khiến cho các nước phương Tây vô cùng lo sợ và đề phòng sự lan rộng của Liên Xô, làm nảy sinh những mối nghi ngờ liên tục lẫn nhau giữa các nước này và Liên Xô gần như suốt cả thế kỷ XX. Mặt khác, sự căm phẫn do bị thất trận, bối cảnh kinh tế – xã hội bất ổn như tại Ý và Đức mở màn cho thế lực phát xít lên ngôi tại nhiều nước. Như vậy châu Âu sau cuộc chiến đã có sự chia rẽ rõ rệt về mặt chính trị giữa các nước theo Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa Phát xít và Tư bản phương Tây, tạo bệ phóng cho một cuộc thế chiến mới.

Đó là những nguyên nhân và lý do sâu sắc dẫn đến “chiến tranh thế giới lần thứ hai”, còn được nhắc đến với các tên gọi Đệ nhị thế chiến, Thế chiến II hay Đại chiến thế giới lần thứ hai. Cuộc chiến bắt đầu từ khoảng tháng 9 năm 1939 khi quân phát xít (Hitler) Đức quốc xã xâm lược nước Ba Lan và chấm dứt vào năm 1945. Cuộc chiến lần này có sự tham gia của đại đa số hơn 30 quốc gia trên thế giới từ Âu sang Á – bao gồm tất cả các cường quốc – tạo thành hai liên minh quân sự đối lập: Đồng Minh và Phe Trục.

Sau 6 năm chiến tranh, quân Đồng Minh cuối cùng chiến thắng và mỗi nước trong phe Trục đều phải đầu hàng vô điều kiện. Đức bị các lực lượng từ Mỹ, Anh, Liên Xô và Pháp chiếm đóng, trong khi Áo bị chia cắt từ Đức và cũng bị chiếm đóng một cách tương tự. Nhật bị quân Mỹ chiếm đóng trong khi Liên Xô chiếm đóng các nước Đông Âu.

Trái với Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, khi các giới hạn làm suy yếu các nước và các nước thua cuộc bị ngăn chặn việc tái hội nhập cộng đồng quốc tế, lần này các nước thua cuộc đã được cung cấp, viện trợ để phục hồi và hội nhập với cộng đồng thế giới như các quốc gia hoà bình khác. Vì lẽ đó, Đức và Nhật đã trở thành hai nước quan trọng và có nhiều ảnh hưởng mà không cần phải khiêu chiến.

Sự thất bại của Hội Quốc Liên trong việc ngăn chặn chiến tranh đã dẫn đến việc thành lập Liên Hiệp Quốc, một tổ chức quốc tế mới và có nhiều sửa đổi, cho đến nay vẫn là tổ chức quan trọng nhất trong việc thúc đẩy hoà bình và hợp tác.

“Hội Quốc Liên” là thuật ngữ tạo ra bởi nhà khoa học chính trị người Anh Goldsworthy Lowes Dickinson vào năm 1914 và phác thảo một kế hoạch cho tổ chức này cùng với Tử tước James Bryce. Nhưng Tử tước Robert Cecil và Jan Smuts mới là hai khởi thảo giả và kiến trúc sư chủ yếu của Công ước Hội Quốc Liên. Tại Hội nghị Hòa Bình Paris-Pháp năm 1919, Woodrow Wilson, Robert Cecil, Jan Smuts đều đưa ra những đề xuất dự thảo của họ. Sau những đàm phán, dàn xếp kéo dài giữa các phái đoàn, cuối cùng tất cả đều tán thành đề xuất thiết lập Hội Quốc Liên vào ngày 25 tháng 1 năm 1919 theo Hòa ước Versailles với dự thảo Hurst-Miller làm cơ sở cho Công ước. Đã có 44 quốc gia ký kết vào Công ước này vào ngày 28 tháng 6 năm 1919. Hội nghị hội chính vụ đầu tiên của Hội Quốc Liên được tổ chức tại Paris vào ngày 16 tháng 1 năm 1920, sáu ngày sau khi Hội nghị Versailles và Công ước Hội Quốc Liên có hiệu lực. Ngày 1 tháng 11 năm 1920, trụ sở của Hội Quốc Liên được chuyển từ Luân Đôn đến Genève, Thụy Sĩ, tại đây kỳ họp Đại hội đồng đầu tiên được tổ chức vào ngày 15 tháng 11 năm 1920 và cuộc họp cuối cùng của Hội Quốc Liên diễn ra vào ngày 12 tháng 4 năm 1946 tại Genève.

Trong phiên họp cuối cùng tại Geneve vào ngày 19 tháng 4 năm 1946, Chủ tịch Đại hội đồng lúc bấy giờ là Carl J. Hambro tuyên bố “phiên họp thứ 21 và cuối cùng của Đại hội đồng Hội Quốc Liên kết thúc”.

Trong phiên họp này có việc đề nghị giải thể Hội Quốc Liên được nhất trí thông qua, và ngày kết thúc của Hội Quốc Liên được xác định là ngày sau khi phiên họp kết thúc. Đó là ngày 20.4.1946.

Cũng trong phiên họp cuối cùng với sự tham dự của đại biểu đến từ 34 quốc gia cùng thảo luận đến việc thanh lý Hội Quốc Liên: tổ chức chuyển giao tài sản có trị giá khoảng 22 triệu đô la Mỹ vào năm 1946, cho Liên Hiệp Quốc – một tổ chức mới được thành hình và được các cường quốc Đồng Minh (Nga, Mỹ, Anh) chấp thuận, ký kết, thành lập tại Hội nghị Tehran (Iran) vào năm 1943, và nhiều cơ quan của Hội Quốc Liên đã có từ trước vẫn được tiếp tục hoạt động và cuối cùng trở thành những thành viên trực thuộc Liên Hiệp Quốc. Những người phác thảo kết cấu của Liên Hiệp Quốc nhằm mục đích khiến nó có nhiều hiệu quả hơn Hội Quốc Liên.

Theo thống kê năm 1965 của Liên Hiệp Quốc thì số người thiệt mạng do chiến tranh lần thứ hai này ở cả châu Âu và châu Á-Thái Bình Dương lên đến gần 100 triệu người. Riêng tại Âu châu khoảng 60 triệu, gồm Liên Xô gần 27 triệu người, kể cả 9 triệu quân nhân và hơn 18 triệu thường dân, Đức khoảng 10 triệu người bao gồm 5,5 triệu quân nhân, 3 triệu thường dân và gần 1,5 triệu người Đức ở các quốc gia khác, Ba Lan có 6 triệu người, Nam Tư khoảng 1,6 triệu người, Pháp có trên 600 ngàn người, Ý có gần 900 ngàn người, Tiệp Khắc gần 400 ngàn, Hoa Kỳ (USA) có trên 300 ngàn và Anh quốc cũng trên 300 ngàn người. Cũng cuộc chiến này tại riêng châu Á – Thái Bình Dương đã có khoảng 40 triệu người chết. Trong đó Hoa Kỳ có khoảng 300 ngàn; Nhật Bản khoảng trên 2,2 triệu người; Trung Quốc theo ước tính có thể từ 15 triệu đến 20 triệu người. Hai miền Triều Tiên (Nam và Bắc Hàn) có khoảng 1 triệu người; Ấn Độ khoảng gần 2 triệu người, chưa kể 5 triệu người chết do nạn đói Bengal năm 1943; Nam Dương (Indo) có khoảng từ 3 đến 4 triệu người. Riêng đất nước Việt Nam lúc bấy giờ cũng có gần 2 triệu người chết (chủ yếu do nạn đói năm Ất Dậu, năm 1944-1945).

Chiến tranh thế giới thứ II làm thay đổi căn bản tư duy chính trị quốc tế của các cường quốc trên thế giới. Sau cuộc chiến này, nhiều quốc gia từ bỏ tư duy bá quyền, dùng sức mạnh để xâm chiếm lãnh thổ của quốc gia khác. Quan hệ quốc tế từ dựa trên sức mạnh, cá lớn nuốt cá bé, chuyển sang quan hệ bình đẳng, cùng tồn tại hòa bình.

(còn tiếp)

Trần Hoa, biên soạn từ nhiều nguồn tài liệu trên net

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Đời Sống, Xã Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s