Suy tư tháng ba (1C): chiến tranh Lạnh (Đông – Tây) (Trần Hoa)

(tiếp theo phần 1B – chiến tranh thế giới)

“Tự do có nhiều khó khăn và dân chủ không phải là tuyệt hảo. Nhưng chúng tôi không bao giờ phải dựng lên một bức tường để giữ lại những người dân của chúng tôi – để ngăn cản họ rời bỏ chúng tôi.” [John F. Kenedy. Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ]

***

Sau cả 2 cuộc chiến với gần 10 năm “chiến tranh” đã cướp đi trên 100 triệu mạng sống, biết bao triệu người phải tật nguyền, khủng hoảng tinh thần, sức khỏe, để lại bao cảnh hoang tàn, đổ nát cần phải xây dựng, tái tạo…

Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt, nước Đức bị chia thành bốn vùng chiếm đóng theo Hội nghị Yalta, còn gọi là Hội nghị Krym và tên mật là Hội nghị Argonaut với sự tham gia của các nhà lãnh đạo 3 cường quốc lúc bấy giờ là Stalin (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô), Roosevelt (Tổng thống Hoa Kỳ) và Churchill (Thủ tướng Anh), họp từ ngày 4 đến ngày 12 tháng 4 năm 1945 tại Cung điện Livadia, gần thành phố Yalta, miền nam Ukraina, là một hợp tác quân sự để giải quyết những bất đồng giữa 3 cường quốc, thắng trục phát xít và buộc Đức đầu hàng vô điều kiện, tổ chức lại thế giới sau chiến tranh, đưa ra chính sách với Đức cũng như với các nước được giải phóng, khi cục diện Chiến tranh thế giới lần thứ hai đã ngã ngũ.

Ba cường quốc thống nhất sẽ thành lập một tổ chức để giữ gìn hòa bình và an ninh thế giới (mà sau này là Liên Hiệp Quốc). Hội nghị đã thông qua các quyết định quan trọng về việc phân chia ảnh hưởng của 2 cường quốc Liên Xô và Hoa Kỳ. Theo đó, Liên Xô duy trì ảnh hưởng phía Đông Âu, tương tự Hoa Kỳ duy trì ảnh hưởng phía Tây Âu.

Cùng lúc đó cuộc Chiến tranh Lạnh giữa Đông và Tây cũng đã bắt đầu trên nhiều phương diện khác nhau. Berlin trở thành trung tâm của cuộc chiến giữa các cơ quan tình báo của cả hai phe. Trong năm 1948 cuộc phong tỏa Berlin của Liên bang Xô Viết là một trong những cuộc khủng hoảng lớn đầu tiên trong Chiến tranh Lạnh (chiến tranh giữa hai hệ thống xã hội đối lập: Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa).

Từ đó nước Đức hình thành hai nhà nước với hai chế độ chính trị khác nhau: Cộng hòa Liên bang Đức ở phía Tây (Tư bản chủ nghĩa) và Cộng hòa Dân chủ Đức phía Đông (Xã hội chủ nghĩa).

Từ khi Đông Đức được thành lập, người Đông Đức chạy sang Tây Đức ngày càng nhiều đưa đến việc “Bức Tường Berlin” được xây dựng. Mặc dầu bị thế giới phản ứng, lên tiếng không đồng ý nhưng chính quyền Đông Đức dưới sự hỗ trợ của Liên Bang Xô Viết, bức tường vẫn được xây dựng, được kiểm soát gắt gao bao bọc chung quanh Tây Berlin từ ngày 13 tháng 8 năm 1961 đến ngày 9 tháng 11 năm 1989. Bức tường này là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh và của việc chia cắt nước Đức.

Một cuộc chạm trán trực tiếp có vẻ nguy hiểm giữa quân đội Hoa Kỳ và Xô Viết xảy ra vào ngày 27 tháng 10 năm 1961 tại Checkpoint Charlie trên đường Friedrich (Friedrichstraße) khi 10 chiếc xe tăng của mỗi bên đã đậu đối diện nhau ngay trước vạch ranh giới. Thế nhưng cả hai nhóm xe tăng đều được rút về vào ngày hôm sau. Cả hai phe đều không muốn vì Berlin mà cuộc Chiến tranh Lạnh sẽ leo thang hay cuối cùng là cuộc chiến tranh hạt nhân.

12/7/1988 President Reagan and Vice-President Bush meet with Soviet General Secretary Gorbachev on Governor’s Island New York

Tuy vậy vị Tổng thống thứ 35 của Hoa Kỳ là John Fitzgerald Kennedy (John F. Kenedy) cũng đã từng đứng sát cạnh với “thành phố tự do” Berlin. Ông gửi thêm lực lượng quân sự đến Tây Berlin và gởi tướng Lucius D. Clay cùng Phó Tổng thống của ông lúc bấy giờ là Lyndon B. Johnson đến thăm Berlin vào ngày 19 tháng 8 năm 1961.

Và vào ngày 26 tháng 6 năm 1963, đích thân Tổng thống John F. Kennedy đến thăm và trong một bài phát biểu sôi nổi trước “Bức Tường Berlin”, ông nói “Tây Berlin là một biểu tượng của tự do trong một thế giới bị đe dọa bởi chiến tranh lạnh, “Tất cả những người tự do, dù sống tại bất cứ nơi nào, đều là công dân của Berlin, và do đó, như là một người dân tự do, tôi tự hào với câu nói bằng tiềng Đức “Ich bin ein Berliner” (tôi là một người Berlin), và ông cũng đã phát biểu: “Tự do có nhiều khó khăn và dân chủ không phải là tuyệt hảo. Nhưng chúng tôi không bao giờ phải dựng lên một bức tường để giữ lại những người dân của chúng tôi – để ngăn cản họ rời bỏ chúng tôi.

Ronald Wilson Reagan, vị Tổng thống thứ 40 của Hoa Kỳ trong bài diễn văn đọc trước cổng Brandenburg ở giữa Bức Tường Berlin vào ngày 12 tháng 6 năm 1987, trong đó ông thách thức nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Sergeyevich Gorbachyov: Hãy phá đổ bức tường này!”.

[Mikhail Sergeyevich Gorbachyov là nhà lãnh đạo Liên bang Xô viết từ năm 1985 tới 1991. Ngay khi Konstantin Ustinovich Chernenko – Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Liên Xô, lãnh đạo Liên Xô từ ngày 13 tháng 2 năm 1984, tới khi ông mất ngày 10 tháng 3 năm 1985 vỏn vẹn 13 tháng. Mikhail Sergeyevich Gorbachyov, khi ấy 54 tuổi, được bầu làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô từ ngày 11 tháng 3 năm 1985. Ông trở thành lãnh tụ đầu tiên (Tổng Bí Thư) của đảng Cộng sản sinh ra sau cuộc Cách mạng Nga năm 1917.

Trên thực tế là người nắm quyền lãnh đạo Liên bang Xô viết, ông đã tìm cách cải cách tình trạng trì trệ của đảng Cộng sản cũng như của nền kinh tế bằng cách đưa ra các mô hình glasnost (“mở cửa”), perestroika (“cải tổ”) và uskoreniye (“tăng tốc”, phát triển kinh tế), những chương trình này bắt đầu được đưa ra tại Đại hội lần thứ 27 Đảng Cộng sản Liên Xô tháng 2 năm 1986.

Phe cứng rắn bên trong bộ máy lãnh đạo Xô viết tiến hành đảo chính vào tháng 8 năm 1991 với nỗ lực nhằm loại bỏ Gorbachyov ra khỏi cơ cấu quyền lực và ngăn chặn sự ký kết hiệp ước liên bang. Trong lúc Gorbachyov bị quản thúc ba ngày từ 19 đến 21 tháng 8.1991 tại một ngôi nhà nông thôn ở Krym trước khi được trả tự do và thu hồi quyền lực. Tuy nhiên, ngay khi trở về, Gorbachyov thấy rằng cả nhà nước liên bang lẫn các cơ cấu quyền lực Nga đều không còn chú ý tới các mệnh lệnh của ông và quyền lực thật sự đã rơi vào tay Yeltsin, người đã tiêu diệt cuộc đảo chính. Hơn nữa, Gorbachyov bị buộc phải hạ bệ một số lớn các thành viên bên trong Bộ chính trị của mình, và trong nhiều trường hợp, bắt giữ họ. Những cuộc bắt giữ với lý do phản bội đó gồm cả “Bè lũ tám tên” lãnh đạo cuộc đảo chính.

Gorbachyov đã có ý định giữ Đảng Cộng sản Liên Xô là một đảng thống nhất nhưng đưa nó đi theo con đường dân chủ xã hội. Nhưng những mâu thuẫn vốn có của cách tiếp cận này – được Lenin ca ngợi, theo hình mẫu xã hội của Thụy Điển và tìm cách buộc các nước vùng Baltic gồm Estonia, Latvia, Litva và Phần Lan phải nằm trong Liên bang bằng sức mạnh vũ lực – rất khó thực hiện. Nhưng khi Đảng Cộng sản Liên Xô bị đặt ra ngoài vòng pháp luật sau vụ đảo chính tháng 8, Gorbachyov bị bỏ lại, không còn chút quyền lực nào đối với các lực lượng vũ trang. Cuối cùng Yeltsin giành được tín nhiệm của quân đội với những lời hứa về tiền bạc. Sau cùng Gorbachyov phải từ chức vào ngày 25 tháng 12 năm 1991 khi Liên bang Xô viết chính thức tan rã.

Những nỗ lực thực hiện cải cách của ông giúp chấm dứt Chiến tranh Lạnh. Ông được trao Giải Nobel Hoà Bình năm 1990, là nguyên nhân chính trong việc làm sụp đổ Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) và Liên bang Xô viết tan rã khi “Bức Tường Berlin chính thức sụp đổ trong đêm thứ Năm ngày 9 tháng 11.1989, sau hơn 28 năm.

Trải qua hơn 40 năm, “Trật tự lưỡng cực Yalta” đã từng bước bị xói mòn và sau những biến động to lớn ở Đông Âu và Liên Xô trong những năm 1988–1991, “Trật tự lưỡng cực Yalta” đã bị sụp đổ, do Khối Đông Âu và các liên minh trong phạm vi ảnh hưởng chủ yếu của Liên Xô (liên minh quân sự – khối Hiệp ước Warszawa và liên minh kinh tế – khối SEV) đã bị tan vỡ và do đó thế “lưỡng cực” của hai siêu cường Hoa Kỳ và Liên Xô trong trật tự thế giới cũ đã bị phá vỡ.

(còn tiếp)

Trần Hoa, biên soạn từ nhiều nguồn tài liệu trên net

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Đời Sống, Xã Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s