
Nhà văn Thanh Tịnh sinh ngày 12 tháng 12 năm 1911, tại làng Dương Nỗ, ven sông Hương, ngoại ô thành phố Huế. Tên khai sinh của ông là Trần Văn Ninh, nhưng từ khi lên 6 tên ông được đổi là Trần Thanh Tịnh. Ông mất ngày 17 tháng 7 năm 1988 tại Hà Nội, nhưng phần mộ của ông hiện nay nằm tại núi Thiên Thai thuộc địa phận xã Thủy An, Thủy Xuân, phía Tây thành phố Huế.
Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán nhưng đến năm 11 tuổi, thì theo học chữ Quốc ngữ tại trường tiểu học Đông Ba và trung học trường Pellerin của giáo hội Thiên Chúa giáo ở Huế.
Ông đỗ bằng Thành Chung – được coi ngang hàng với bằng tύ tài vào năm 1933, đi làm ở các sở tư rồi và sau đó theo nghề giáo. Thời gian này, ông bắt đầu viết văn, làm thơ và cộng tác với các báo Phong hóa, Ngày nay, Hà Nội báo, Tiểu thuyết thứ Năm, Thanh Nghị, Tinh Hoa…
Sáng tác đầu tay của ông là truyện “Cha làm trâu, con làm ngựa” in trên Thần kinh tạp chí năm 1934.
Ông được 2 anh em nhà văn Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong “Thi Nhân Việt Nam” – một hợp tuyển thơ đầu tiên của thời kỳ “Thơ Mới” xuất bản lần đầu năm 1942 tại nhà in tư nhân Nguyễn Đức Phiên, và cho đến nay (2022) sách này đã được tái bản rất nhiều lần, với 2 bài thơ: “Mòn mỏi” và “Tơ trời với tơ lòng”.
Mảnh đất quê hương với thiên nhiên thơ mộng buồn lặng, với những điệu Nam ai, Nam bình, mái nhì mái đẩy trên sông nước đã ảnh hưởng sâu sắc đến tâm hồn thơ văn của ông.
Do đó những sáng tác của ông từ thơ đến truyện thời kỳ trước 1945 đều mang phong cách lãng mạn trữ tình đậm nét, toát lên vẻ đẹp đằm thắm, trong sáng mượt mà, tinh tế, hàm súc nhưng hơi buồn và in rõ dấu ấn bâng khuâng, thơ mộng của truyền thống văn hóa, tinh thần xứ Huế.
Sau 1945, ông phấn đấu đưa thơ ca về gần với quần chúng nhân dân nên thường vận dụng các thể, cách xây dựng hình ảnh và các lối diễn đạt của thơ ca dân gian. Thơ ông thời kỳ sau này, vì thế, đậm màu dân gian, nhưng lại thiếu đi sự lắng đọng, cô đúc.
Dù có viết một số truyện dài nhưng ông được người đọc yêu mến chủ yếu bởi thơ và truyện ngắn.
Những truyện ngắn thành công nhất của ông nhìn chung đều toát lên một tình cảm êm dịu, trong trẻo. Văn ông nhẹ nhàng mà thấm sâu, mang dư vị vừa ngậm ngùi buồn thương, vừa ngọt ngào quyến luyến. Tình yêu lai láng và man mác đối với làng quê thơ mộng trong những đêm trăng trên sông nước, niềm đồng cảm với những con người có tâm hồn mộc mạc mà đằm thắm đã làm nên sức hấp dẫn riêng của nhiều trang văn Thanh Tịnh. Cũng vì thế, các truyện ngắn khác của ông đi chệch khỏi sở trường này thường không mấy thành công.
Các bút danh khác của ông là: Thinh Không, Pathé (trước 1945), Thanh Thanh, Trinh Thuần (sau 1945).
Sau 1945, Thanh Tịnh làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Trung Bộ.
Năm 1948, ông nhập ngũ. Sau đó, ông tham gia phụ trách đoàn kịch Chiến Thắng của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ năm 1954, ông tham gia phụ trách rồi giữ cương vị Chủ nhiệm tạp chí Văn nghệ quân đội. Suốt mấy chục năm sau đó, cuộc đời Thanh Tịnh gắn bó thân thiết với tờ tạp chí này. Về sau, ông thôi làm lãnh đạo, chuyển sang sáng tác.
Năm 1957, ông tham gia thành lập Hội Nhà văn Việt Nam và trở thành Ủy viên Ban chấp hành Hội khóa I, II.
Ngoài ra, ông còn là Ủy viên Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, và mang cấp bậc Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam trước khi nghỉ hưu.
Tác phẩm đã xuất bản:
Trước 1945 có Hận chiến trường (tập thơ, 1937); Quê mẹ (tập truyện ngắn, 1941) trong đó có truyện ngắn thứ 12 “Tôi đi học” đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở các cấp Trung học; Chị và em (tập truyện ngắn, 1942); Con so về nhà mẹ (truyện ngắn, 1943), viết tặng hương hồn Thạch Lam. In trong tập Giai phẩm của Đời Nay năm 1943, và Ngậm ngải tìm trầm (tập truyện ngắn, 1943). Xuân và Sinh (truyện dài – 1944).
Sau 1945, Thanh Tịnh viết nhiều thơ trữ tình, thơ đả kích, ca dao, bút ký văn học… đặc biệt là những bài độc tấu đăng trên nhiều loại báo chí.
Tác phẩm thời kỳ này có: Sức mồ hôi (tập thơ, 1954); Những giọt nước biển (tập truyện ngắn, 1956) phần lớn gồm những truyện viết trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp; Đi từ giữa một mùa sen (truyện thơ, 1973) gần 2000 câu; Thơ ca (tuyển tập thơ, 1980); Thanh Tịnh đời và văn (1996).
Ngoài ra còn rất nhiều truyện ngắn mà Thanh Tịnh đã sáng tác ra như: Am Cu-ly Xe,…..
Qua các tác phẩm đã sáng tác, ông được tặng các giải thưởng: Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1951-1952) cho những bài độc tấu xuất sắc; Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2007); Ngoài ra, ông còn là người chiếm giải nhất (bài Lời cuối cùng) đồng hạng với nhà thơ Phạm Đình Bách trong cuộc thi thơ tháng Hai do báo Hà Nội báo tổ chức năm 1936.
Trần Hoa (được biên soạn từ nhiều nguồn tài liệu)