Tôi đi học, tôi dạy học (Trần Hoa)

Rời xa mái trường, sân trường cùng thầy cô, bạn bè sau 12 năm theo học bậc tiểu-trung học, tưởng như chuyện sách vở, … đối với tôi là xong.

Thế nhưng… cuộc sống – trôi theo thời gian và sự thay đổi liên tục của xã hội về mọi mặt, tôi không chỉ xa trường, xa nhà, xa gia đình cùng những thân quen, mà càng lúc càng phải xa – xa, xa cả quê hương, xa nơi chôn nhau cắt rốn… và cuối cùng tôi đã xa, xa tất cả xa cả Việt Nam.

Cứ thế theo dòng đời và thời gian, tôi bước vào xã hội mới, với nhiều cảm nghĩ mới về nơi tôi được sống cho tới nay. Với cuộc sống mới, tôi đã phải vật lộn mọi bề để sinh tồn, không chỉ cho cá nhân và gia đình nhỏ của tôi tại Na Uy, mà còn phải cho cả gia đình lớn của chúng tôi còn lại ở Việt Nam, từ đó vô tình đã đưa đẩy tôi lại phải quay bước ngược lại những gì tôi đã phải rời xa sau hơn 15 năm. Đó là môi trường giáo dục, mái trường, sân trường, thầy cô và học sinh. Mà tôi trong thời gian này vừa là học sinh hơn 10 năm, sau đó trong cương vị là thầy giáo với nhiều học sinh nhiều bậc học, nhiều môn học qua nhiều năm dạy và nhiều lứa tuổi trong hơn 20 năm.

Từ đó cứ mỗi năm, sau những ngày tháng hè nóng bức, thường là từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 8 hàng năm, những tháng ngày được gọi là mùa hè, học sinh tại Na Uy được nghỉ hè, được vui chơi, nô đùa, đi đây đi đó… Na Uy thời gian này ngày dài đêm ngắn. Và sau mùa hè – tháng 8 – xã hội nơi tôi tạm dung, dần bước vào thu với gió trời se lạnh, đôi lúc mưa rỉ rả, lá trên cây bắt đầu chuyển đổi màu, tôi lại nhìn thấy các tầng lớp trẻ em (học sinh) lớn nhỏ lần lượt quay trở lại trường, bước vào niên học mới vào khoảng trung tuần tháng 8. Cảnh tượng này tôi đã chứng kiến, đồng tham dự suốt hơn 30 năm với bao cảm xúc dâng trào mỗi khi nhớ lại bài học xưa thật xưa mà tôi, bạn bè tôi cũng như nhiều lứa học sinh khác đã nhớ, từng học thuộc hay cùng dâng lên nỗi cảm xúc mỗi khi bước vào niên học mới.

Thật vậy, trong ký ức mỗi con người thì những kỷ niệm vui buồn tuổi học trò thường được mọi người lưu nhớ bền lâu hơn cả, nhất là về ngày đầu tiên đi học trong đoản văn ngắn “Tôi đi học” mà nhà văn Thanh Tịnh tên thật là Trần Văn Ninh, sinh ngày 11/12/1911, mất ngày 17/7/1988, quê xóm Gia Lạc, ven sông Hương, Thừa Thiên-Huế đã viết trong tuyển tập truyện ngắn “Quê Mẹ” với 13 truyện, xuất bản từ năm 1941.

Đoản văn “Tôi đi học” [truyện ngắn thứ 12] trong tuyển tập Quê Mẹ là thiên hồi ức rất xúc động về những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường của nhà văn tám mươi năm về trước. Mà tác giả không chỉ viết riêng cho ông, chính ông mà cho nhiều, rất nhiều lứa học sinh trong đó có tôi, bạn bè tôi và nhiều hơn nữa cho mọi người, cho những ai ai đó đã từng và sẽ có thời gian được cắp sách, vở đến trường… mỗi khi nhớ về…

“Tôi đi học” đúng là một sự kiện trọng đại trong đời mỗi người. Điều đó có nghĩa là cậu bé trong câu chuyện đã lớn và từ nay, cậu sẽ không lội qua sông thả diều như thằng Quý và không ra đồng nô đùa như thằng Sơn nữa. Ý nghĩ ngây thơ trong sáng và nghiêm túc của cậu học trò trong buổi đi học đầu tiên hồn nhiên và đáng yêu biết chừng nào!

“Tôi đi học” đã và sẽ sống mãi với thời gian bởi nó được tạo nên từ cảm xúc trong sáng, hồn nhiên và bút pháp nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế của nhà văn.

“Tôi đi học” chính vì thế đã làm rung động biết bao trái tim bao thế hệ học sinh và ai ai cũng thích thú, cảm xúc dâng trào mỗi khi được nhớ và sống lại với những kỷ niệm trẻ thơ mơn man trong buổi tựu trường.

Bằng câu chuyện của mình, nhà văn Thanh Tịnh đã nói thay tất cả chúng ta cái cảm giác kỳ diệu của buổi học đầu tiên. “Tôi đi học” đã trở thành kỷ niệm đẹp đẽ, để lại ấn tượng sâu sắc trong cuộc đời mỗi người.

“Tôi đi học” – một áng văn đẹp, hay được tác giả kể lại theo sắp xếp trình tự thời gian và tâm trạng nhân vật phát triển song song với các sự kiện đáng nhớ của ngày đầu tiên đi học. Từ cảnh cậu bé được mẹ âu yếm dắt tay dẫn đi trên con đường tới trường, đến cảnh cậu say mê nhìn ngắm ngôi trường; cảnh hồi hộp nghe thầy gọi tên; cảnh cậu lo lắng khi phải rời tay mẹ để cùng các bạn vào lớp nhận chỗ ngồi của mình và học giờ học đầu tiên.

Bằng ngòi bút giàu chất thơ, nhà văn Thanh Tịnh đã diễn tả “Tôi đi học” với một bố cục thống nhất, sự kết hợp hài hòa giữa bút pháp tự sự, miêu tả. Qua đó, nhà văn đã bộc lộ nhiều cảm xúc, tâm trạng nhân vật qua nhiều cung bậc cao thấp hài hòa cùng chi tiết các sự việc với những dòng cảm nghĩ bằng tâm hồn rung động thiết tha, êm dịu, trong trẻo, vừa man mác buồn thương, vừa ngọt ngào sâu lắng. Giọng văn nhẹ nhàng thủ thỉ tạo nên tính trữ tình đậm đà thấm thía khó quên và đã gieo vào lòng người đọc một nỗi niềm bâng khuâng khó tả.

“Hàng năm, cứ vào ngày cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại náo nức những kỷ niệm mơn man của buổi tựu trường. Mấy em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ”.

Những câu văn với nhịp điệu chậm rãi, dàn trải, có nhiều thanh bằng giống như nhịp điệu tâm hồn chất đầy kỷ niệm, khơi gợi để dòng ký ức ùa về. Tất cả những chi tiết như “ngày cuối thu”, “lá ngoài đường rụng nhiều”, “những đám mây bàng bạc” hay “những em nhỏ rụt rè núp dưới nón mẹ” đều là những tín hiệu báo ngày tựu trường đã đến, giúp gợi nhắc cho “tôi” cho “anh” cho “bạn” và cho tất cả về ngày đi học đầu tiên trong cuộc đời. Có thể nói, chính vẻ đẹp của thiên nhiên, cảnh vật đó đã rất tự nhiên, dịu dàng gợi lại trong nhân vật “tôi” mảng ký ức xa xăm mà trong trẻo, tươi đẹp của những ngày xa xưa ấy.

Trước hết, khi “mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi trên con đường dài và hẹp”, nhân vật “tôi” đã bồi hồi khi nhận thấy: “Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: “Hôm nay tôi đi học”.

Xa trường, rời xa mái trường Phan Châu Trinh đã hơn 50 năm, đến nay gần cuối cuộc đời, tuổi tác cũng đã móm mém “thất thập cổ lai hy”  – tôi đã bao lần chứng kiến, nhìn thấy… nhưng vẫn không tránh khỏi những bồi hồi xúc động khi nhớ lại, nghĩ về. Nay trong niềm hân hoan khi ngôi trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước – một danh nhân vùng đất Quảng mà ai ai đó cũng phải công nhận Phan Châu Trinh tròn 70 năm (1952-2022) nằm trên con đường Lê Lợi – con đường với bao nhộn nhịp tiếng vui đùa, hớn hở, hồn nhiên… của nhiều đám, lứa tuổi học sinh một thời… nào trường Hồng Đức, Bán Công, Phan Thanh Giản, Bồ Đề, Nam tiểu học….

Thời gian luôn thay đổi, khung cảnh và cảnh vật trên đường có khác đi, nhưng nếu lắng đọng tâm hồn, ngồi suy tư, nghĩ nhớ … tôi vẫn luôn thấy lòng mình nao nao, bồn chồn với bao nỗi nhớ… nỗi nhớ cùng những cảm xúc thân thương về những ngày “tôi đi học” xa xưa ấy….

Trần Hoa

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Ký Ức, Đời Sống, Xã Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s