Trường PTTH Phan Châu Trinh – đôi nét qua 70 năm (Trần Hoa biên soạn)

Lời người viết: Nhắc đến trường Phổ thông Trung học Phan Châu Trinh, thành phố Đà Nẵng, ai trong chúng ta – những học sinh một thời đã từng bước qua cánh cổng thân thương, nhìn thấy tượng bán thân cụ Phan trước cột cờ… uy nghi, dõng dạc… đều có một cảm giác thân quen, gần gũi, ấm áp, và không khỏi tự hào với khí phách con người của cụ mà người tạc tượng giáo sư hội họa Đỗ Toàn đã thố lộ “Khi tạc đến bộ ria mép của cụ mà theo các cụ đời xưa thường hay để ria mép vuốt xuống, trong chân dung của cụ Phan tôi lại muốn cuốn vuốt lên như râu của các ngài bá tước (Moustache). Điều cốt yếu tôi đắp vểnh ngược như vậy là cốt muốn nhắn gởi đến học sinh trường Phan Châu Trinh luôn mãi thấy tinh thần bất khuất của cụ mỗi khi ra vào mà noi theo !”

Trường Phổ thông Trung học Phan Châu Trinh, thành phố Đà Nẵng – ngôi trường đã ghi dấu biết bao nhiêu kỷ niệm buồn vui của tuổi học trò, nơi đã chất chứa bao ân tình bè bạn, thầy cô, và quan trọng nhất – đây chính là nơi biết bao lớp lớp, lứa học sinh đã được quý thầy cô, bạn bè trao gởi, chỉ bảo và dạy cho nhiều kiến thức căn bản, cần thiết để bước vào đời … chung cùng với cuộc sống và xã hội … (người viết)

***

Kể từ Công Văn số 3214-VP-SV, được ông Lê Quang Thiết (Thủ hiến Trung Việt) ký ngày 7.8.1952 về việc thiết lập một lớp Đệ Thất (lớp 6 ngày nay) theo đề nghị, nguyện vọng của các nhân sĩ thành phố Đà Nẵng và của ông Giám Đốc Nha Học Chánh Trung Việt và Thị trưởng Đà Nẵng thời bấy giờ. Lớp Ðệ Thất đầu tiên – tiền thân của ngôi trường mang tên nhà chí sĩ yêu nước Phan Châu Trinh, được khai giảng vào sáng Thứ Hai ngày 15-9-1952 với 50 học sinh tại trường Tiểu Học Ðà Nẵng (nay là Trường Tiểu học Phù Đổng, 34 Yên Bái, Hải Châu), phòng học là phòng mượn tạm nằm phía sau Ty Học Chánh, Hiệu trưởng là ông Lê Khắc Giai, Trưởng Ty Học Chánh. (Ty Học Chánh và trường Tiểu Học lúc đầu là một cơ sở dính liền, cổng trước nằm trên đường Yên Bái, cổng sau nằm trên đường Phan Ðình Phùng, bên cạnh nhà Máy Ðèn Ðà Nẵng). Giáo viên và học sinh ra vào cổng sau này.

Lớp Đệ Thất tân thiết này cũng như ngày 15.9.1952 kể từ đó được xem là lớp (sau này là trường) – ngày tiền thân các lớp học của Trường Phổ Thông Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng cho đến nay (2022).

Qua niên khoá 1953-1954, trường tuyển thêm 2 lớp Ðệ thất (lớp 6), cộng thêm lớp Ðệ thất cũ nay lên Ðệ lục (lớp 7 ngày nay) thành 3 lớp, vẫn học tại trường Tiểu Học. Hiệu trưởng thay đổi từ ông Lê Khắc Giai, đến giáo sư Lê Cảnh Ngôn, rồi giáo sư Bùi Tấn (dạy Toán ở Trường Quốc học Huế) được bổ nhiệm chức vị Hiệu trưởng trường kể từ niên khóa 1953-1955).

Theo Nghị Định số 95-GD/NĐ ngày 6-5-1954 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục ban hành về việc thành lập các trường trung học công lập có cách giảng dạy truyền thống giống như các trường Quốc Học (Huế), Bưởi (Hà Nội sau này là Chu Văn An (Sài Gòn)), Pétrus Ký (Sài Gòn), Hồ Ngọc Cẩn (Gia Định) … đầu tiên tại miền Trung: như các trường Trung Học: Đào Duy Từ (Đồng Hới); Nguyễn Hoàng (Quảng Trị); Võ Tánh (Nha Trang); Duy Tân (Phan Rang); Phan Bội Châu (Phan Thiết) và tại Đà Nẵng là trường Phan Châu Trinh đã được giáo sư Bùi Tấn lúc bấy giờ là Hiệu trưởng đề nghị Hội Đồng Giáo Sư chọn 1 trong 3 vị danh nhân gốc Quảng Nam: Phan Châu Trinh, Thái Phiên, Trần Cao Vân. Đa số đã chọn tên nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, được Thầy Bùi Tấn trình lên Nha Học chánh Trung Việt và giáo sư Phạm Ðình Ái, Giám đốc Nha Học chánh trình vào Bộ Quốc gia Giáo dục ở Sài Gòn. Thế là từ đó trường mang tên Phổ Thông Trung Học Phan Châu Trinh.

Mỗi năm trôi qua, số lượng học sinh tăng, cần phải có thêm lớp học, do đó việc cần làm là phải xây trường mới. Và kể từ niên học 1954-1955, thời gian thầy Bùi Tấn làm Hiệu trưởng, trường được chuyển về cơ sở mới – 167 Lê Lợi, quận Hải Châu.

Địa điểm xây cất trường mới là khu đất đối diện trường Nam tiểu học, vốn là một vùng đất cát hoang, sình lầy, có nhiều chỗ trũng thấp, nằm trong phạm vi của bốn đoạn đường Lê Lợi (trước mặt), song song với đường Duy Tân nằm phía sau lưng (nay là đường Nguyễn Chí Thanh), đường Nguyễn Hoàng bên mặt (nay là đường Hải Phòng), song song với đường Thống Nhất bên trái (nay là đường Lê Duẩn). Trường bắt đầu được xây dựng (chưa có tầng lầu), nếu đứng từ dãy đầu tiên nhìn ra gồm có 8 phòng học và nằm bên cạnh trường Tiểu Học Pháp (École Primaire Française de Tourane). Trường tiểu học Pháp được chuyển giao cho Ty Học chánh vào năm 1954, và Ty Học chánh cho trường Phan Châu Trinh tạm sử dụng, khi người Pháp về nước. Cơ sở này có lưng cặp sát với đường Lê Lợi, hướng chính nhìn ra đường Duy Tân gồm có 4 phòng, trong đó 1 phòng làm tư gia của Hiệu trưởng, 3 phòng còn lại dùng để dạy những môn học ngoại khóa (môn nhiệm ý): vẽ, nhạc, nữ công gia chánh, và đánh máy chữ. Ðến năm 1957, do đề nghị cuả ông Hiệu trưởng trường Phan Châu Trinh lúc bấy giờ là giáo sư Nguyễn Đăng Ngọc, dãy nhà nầy mới chính thức được sáp nhập vào cơ sở trường.

Sau Tết Ất Mùi (1955), giáo sư Huỳnh Văn Gi, tốt nghiệp trường Cao Ðẳng Sư Phạm Ðông Dương (Hà Nội) vào thay thầy Bùi Tấn giữ chức Hiệu trưởng nhưng Giáo sư Huỳnh Văn Gi về hưu năm 1956, và người được công cử lên thay thế Hiệu trưởng trường kể từ niên khoá 1956-1957 là giáo sư Nguyễn Ðăng Ngọc từ trường Quốc học, Huế.

Thời gian Thầy đảm nhận chức vị Hiệu trưởng trường thì các công trình xây dựng bắt đầu, nào đổ đất san phẳng mặt bằng sân trường, trồng thêm các cây kiền kiền, cây phượng trong sân trường, xây dãy nhà lầu 8 phòng học (dưới 4 phòng, trên 4 phòng) phía tay trái dãy nhà chính, nằm dọc theo đường Thống Nhất, và được sử dụng từ niên khoá 1958-1959.

Bắt đầu từ niên khoá 1958-1959, trường Phan Châu Trinh mở thêm lớp Ðệ tam (lớp 10 ngày nay), gồm đủ cả 3 ban: Khoa học thực nghiệm (ban A), Khoa học toán lý (ban B) và Văn chương sinh ngữ (ban C); mỗi ban 1 lớp.

Và từ niên khoá 1959-1960, trường Phan Châu Trinh mở thêm lớp Ðệ nhị (lớp 11 ngày nay), cũng gồm đủ 3 ban. Cuối năm học đệ nhị (lớp 11), học sinh phải thi kỳ thi tú tài bán phần (tức tú tài 1), và sau khi thi đậu (thi đỗ), học sinh phải ra Huế học tiếp lớp Ðệ nhất (lớp 12) và để dự thi tú tài toàn phần (tức tú tài 2).

Với Nghị Định số 768-GD/NÐ được Bộ trưởng Quốc Gia Giáo Dục Trần Hữu Thể ký ban hành vào ngày 19-5-1961, trường chính thức được hợp thức hoá thành trường Trung học công lập Ðệ nhất cấp Phan Châu Trinh Ðà Nẵng.

Nhưng với Nghị Định số 1448-GD/PC/NÐ ngày 11-9-1962 cuả Bộ trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục Nguyễn Quang Trình ký, trường được chính thức cải biến thành trường Trung học Ðệ nhị cấp.

Từ đó trường Phan Châu Trinh chính thức là trở thành trường Trung học công lập Ðệ nhất và Đệ nhị cấp với đầy đủ 3 ban: A (khoa học thực nghiệm), B (khoa học toán lý hóa), và C (văn chương, sinh ngữ).

Trong niên khóa 1960-1961, một Phòng Thí nghiệm Khoa học với phòng ốc và dụng cụ khoa học của các môn Vạn vật, Hóa học và Vật lý được UNICEF viện trợ, đã được Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc giao và phân công cho giáo sư Lê Quang Mai – vị giáo sư trẻ, vừa mới về trường trình diện vào tháng 9 năm 1961, coi sóc từ xây cất đến trang bị thiết dụng cụ, vật liệu cần thiết cho phòng thí nghiệm với các môn học. Với sự giúp đỡ tận tình của 3 người học trò: ngoài Trương Văn Ngự (Giáo sư trường Kiến trúc Sài Gòn trước 1975) thực hiện 9 bức hình bán thân của Einstein, Volt, Joule, Watte, Kepler… treo quanh trên tường và các họa đồ của các máy luyện kim, còn có hai anh em Trần Thế Sâm, Nguyễn Văn Châu (thương gia ở Sài Gòn), với bàn tay đa tài, khéo léo, kiến thức thực tiễn đã thực hiện hoàn hảo 12 thí nghiệm Hóa học cho các lớp Đệ Tam và Đệ Nhị cùng 10 thí nghiệm Vật lý cho cả 3 lớp Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất. Thêm vào đó là 60 chiếc áo blouse, mặc vào mỗi khi học sinh bước vào phòng thí nghiệm, đã được xin vải ở nhà máy “Dệt Hoà Thọ, Cẩm Lệ” và do học sinh tự may lấy. Đến đầu năm 1962, phòng Thí nghiệm trường Phan Châu Trinh được chính thức đi vào hoạt động. Ngày khai trương phòng Thí nghiệm, ngoài ban Giám hiệu của trường, còn có đại diện của tòa Thị Chính thành phố Đà Nẵng, một số Hiệu trưởng các trường Tư thục (Bán công, Phan Thanh Giản, Bồ Đề, Sao Mai…), và rất đông học sinh, phụ huynh, quan khách tham dự… Trước 1975 trường Phan Châu Trinh là ngôi trường phổ thông trung học gần như duy nhất ở thành phố Đà Nẵng đã có 1 phòng Thí nghiệm Hóa học, 1 phòng Thí nghiệm Vật lý, 1 phòng Thí nghiệm Sinh Vật và 1 phòng dạy Vi tính (computer) rất hiện đại.

Bước qua niên khoá 1962-1963, giáo sư Nguyễn Ðăng Ngọc được thuyên chuyển, giáo sư Ngô Văn Chương đến thay.

Sau biến cố 1.11.1963 (tổng thống Ngô Ðình Diệm bị lật đổ), giáo sư Châu Trọng Ngô từ Huế vào thay giáo sư Ngô Văn Chương.

Năm 1965, giáo sư Châu Trọng Ngô xin trở về trường Quốc Học Huế, giáo sư Ðặng Ngọc Tuấn xử lý thường vụ Hiệu trưởng, nhưng đến tháng 10-1965, giáo sư Ðặng Ngọc Tuấn được mời vào Sài Gòn để tham khảo và đợi lệnh tại Bộ Giáo dục.

Trong khi không có Hiệu trưởng, cũng không có Giám học, và mặc dầu không có sự vụ lệnh bổ nhiệm, Thầy Tổng Giám thị trường lúc bấy giờ là giáo sư Trần Hữu Duận đã được cử xử lý công việc Hiệu trưởng cho đến tháng 9-1966 và bàn giao lại cho giáo sư Trần Vinh Anh.

Giáo sư Trần Vinh Anh là một vị giáo sư trẻ mới vừa tốt nghiệp, được bổ dụng vào dạy tại trường Trần Quý Cáp, Hội An, nhưng chỉ một tháng sau lại được lệnh điều động về đảm nhận chức vị Hiệu trưởng trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng.

Vào tháng 6.1967, thầy được điều động vào chấm thi Tú Tài I tại Nha Trang, và được bổ nhiệm làm Phó Chủ Tịch Hội Đồng coi thi đặt tại trường tư thục Lê Quý Đôn, Nha Trang. Và Thầy đã tử nạn do bị một số học sinh chận đường đánh, và dùng dao đâm chạm vào động mạch ở cổ. Tang lễ của Thầy được cử hành long trọng theo nguyện vọng của gia đình và người thân ngay tại khuôn viên trường Phan Châu Trinh.

Hiệu trưởng Trần Vinh Anh mất giáo sư Thái Doãn Ngà, giám học nhà trường được công cử lên làm Hiệu trưởng.

Từ niên khóa 1971-1972, trường Phan Châu Trinh mở rộng cơ sở và tất cả được bắt đầu sử dụng từ niên khoá 1972-1973.

Cùng thời gian này, Sở Học chánh Ðà Nẵng được thành lập, Giáo sư Thái Doãn Ngà được công cử chức vụ Giám đốc Sở Học chánh (Trưởng Ty Giáo Dục thành phố Đà Nẵng), giáo sư Huỳnh Mai Trác, Giám học, lên thay làm Hiệu trưởng trường Phan Châu Trinh cho đến ngày 30.4.1975.

Đặc biệt trong khuôn viên trường có bức tượng bán thân nhà chí sĩ Tây Hồ Phan Châu Trinh, do giáo sư hội họa Ðoàn Văn Toàn tức Đỗ Toàn khởi công tạo dựng và tạc tượng từ thời thầy Châu Trọng Ngô làm Hiệu trưởng (1965). Trong quá trình thực hiện, họa sĩ Đỗ Toàn đã dựng cốt và tạc tượng khi ở chung cùng quý thầy Nguyễn Lương Hiền (dạy Triết học) và thầy Trần Thông (dạy Việt văn) tại một căn phòng nhỏ số 5 đường Đống Đa. Tượng được chính thức dựng đặt trước cột cờ sân trường nhân lễ huý nhật thứ 40 cuả cụ Phan Châu Trinh vào sáng Thứ Năm ngày 24.3.1966 mà nay cho dù những gì thuộc về trường cũ đã bị phá, đập bỏ (việc tháo dỡ trường PTTH Phan Châu Trinh, trường cũ đã bắt đầu tiến hành từ ngày 2/3/2015 để đến ngày 20/4/2015 chính thức khởi công xây dựng lại ngôi trường “gốc” sau một thời gian dài thảo luận và không sử dụng). Tất cả đều bị tháo dỡ, đập bỏ… nhưng riêng bức tượng bán thân Cụ Phan của Thầy Đỗ Toàn được giữ lại, vẫn sừng sững, vững chãi, … uy nghi trên bệ đá theo tháng ngày… sau nửa thế kỷ cùng ngôi trường, thầy cô giáo và bao lứa học sinh Phan Châu Trinh, Đà Nẵng.

Trong bài viết “Tôi tạc tượng cụ Tây Hồ” (đăng trên tạp chí Đất Quảng, số tháng 9-10/1992), tác giả tạc tượng – họa sĩ Đỗ Toàn đã tiết lộ: “Cụ Phan là một vị lãnh tụ phong trào Duy Tân, trong chân dung của cụ tôi xin bộc bạch một điều mà gần 30 năm qua tôi giấu kín. Khi tạc đến bộ ria mép của cụ mà theo các cụ đời xưa thường hay để ria mép vuốt xuống, trong chân dung của cụ Phan tôi lại muốn cuốn vuốt lên như râu của các ngài bá tước (Moustache). Điều cốt yếu tôi đắp vểnh ngược như vậy là cốt muốn nhắn gởi đến học sinh trường Phan Châu Trinh luôn mãi thấy tinh thần bất khuất của cụ mỗi khi ra vào mà noi theo !”

Làm việc này trong lòng tôi luôn thầm thích thú và dâng trào một niềm vui sướng, bởi vì cụ Phan là một mẫu hình tiên phong trong phong trào cắt tóc ngắn mặc đồ Tây, và tôi cũng mạo muội làm một cuộc cách tân nhỏ trong phong trào Duy Tân của cụ. Đến nay, nếu cụ sống trở lại chắc cụ gõ lên đầu tôi một trăm gậy, xong cụ sẽ cho tôi một chầu nhậu bia Sông Hàn chết bỏ… Từ đó hình ảnh cụ Phan cứ ám ảnh tôi cho đến đầu năm 1975. Thời kỳ này có chương trình khuếch trương đang hoạt động tại miền Trung, tôi cùng nhà văn Nguyễn Văn Xuân đề xướng dựng tượng lớn của cụ tại đường Độc Lập (nay là Trần Phú). Ngôi tượng cao 3,5 mét đã hoàn thành ở phần nghiên cứu đất sét, đang chuẩn bị chuyển chất liệu bằng bê-tông cốt thép. Phần công viên cây cảnh do cảng Đà Nẵng phụ trách. Đến ngày 29-3 Đà Nẵng “giải phóng”, “công trình” phải bị bỏ dở (Thật tiếc! và Tiếc!).

Trong bài giảng cho học trò của Thầy khi nói về nghệ thuật tranh vẽ người, Thầy đã nói: “Vẽ về con người, cái khó nhất là đôi mắt. Bởi trong đôi mắt con người có chứa đựng tất cả mọi cảnh vật của trần gian, cả khổ đau và hạnh phúc…”.

Không tự hào sao được, khi từ 1 lớp Đệ Thất cấp (lớp 6) khóa đầu tiên đến niên khóa 1974-1975 đã lên đến 68 lớp Đệ Nhất cấp (THCS ngày nay) và Đệ Nhị cấp (THPT). Và hiện nay niên khóa 2022-2023, trường có 93 lớp với 3.890 học sinh và nhân viên thầy cô giáo gần 230 người.

Trường PTTH Phan Châu Trinh là trường công lập lớn nhất, có uy tín … với đội ngũ các vị giáo sư nổi tiếng, tận tâm… đã góp phần rất quan trọng trong việc nâng cao dân trí, giảng dạy học vấn phổ thông…, và đã cung cấp nhiều nguồn nhân lực có chất lượng tốt, hữu ích cho xã hội…

Cần Lưu Ý:

– Thầy Hiệu trưởng Bùi Tấn qua đời Thứ Ba, ngày 24.01.1995, tại quê nhà Vĩnh Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam, hưởng thọ 75 tuổi.

– Thầy Hiệu trưởng Trần Vinh Anh qua đời trong khi đi chấm thi Tú Tài 1 tại Nha Trang vào tháng 6 năm 1967.

– Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc qua đời ở tuổi 96 tại San Diego, Nam California, Hoa Kỳ, Thứ Hai, ngày 01.02.2021.

– Thầy Giám thị Trần Hữu Duận từ trần Chủ Nhật, ngày 9.10.2016 tại UCI Medical Center, Nam California. Hưởng thọ 83 tuổi.

– Thầy Hiệu trưởng Thái Doãn Ngà qua đời tại Nam California, Hoa Kỳ vào Thứ Sáu, ngày 15.1.2021. Hưởng thọ 86 tuổi.

– Giáo sư Lê Quang Mai vừa mới qua đời Chủ Nhật, ngày 14.8.2022 tại San Jose, Bắc California, Hoa Kỳ. Hưởng thọ 85 tuổi.

– Thầy Đỗ Toàn mất vào Thứ Ba, ngày 2.5.2000 sau một thời gian bị tai biến, hưởng thọ 60 tuổi. Thầy được an táng tại quê hương của Thầy ở Thừa Thiên, Huế.

– Thầy Hiệu trưởng Huỳnh Mai Trác hiện đang sinh sống cùng gia đình tại Hoa Kỳ.

Trần Hoa

biên soạn và viết lại từ nhiều nguồn tài liệu của nhiều tác giả thu lượm trên net.

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Ký Ức, Thầy Cô, Đời Sống, Xã Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s