
2022 là năm đánh dấu 70 năm kể từ khi lớp Đệ Thất tân thiết, tiền thân ngôi trường mang tên nhà chí sĩ cách mạng duy tân vùng đất Quảng – Phan Châu Trinh thành phố Đà Nẵng được thành lập. Ngoại trừ những học sinh những lớp học đầu tiên với 50 học sinh khi còn ở cơ sở cũ, tạm thời học chung ở trường Nam Tiểu học Đà Nẵng (nay là Trường Tiểu học Phù Đổng, 34 Yên Bái, Hải Châu), chứ sau khi trường được dời về cơ sở mới ở số 167 đường Lê Lợi trong niên khóa 1954-1955, và sau đó chính thức có tên gọi theo tên nhà chí sĩ Cách mạng Duy Tân đất Quảng – Phan Châu Trinh, thì gần như tất cả học sinh từ niên khóa 1956 về sau và cho tới mãi bây giờ (2022) không ai không nhớ, thuộc và hát đúng nhịp lên xuống “Phan Châu Trinh hành khúc” hay “hiệu đoàn ca Phan Châu Trinh”. Và hành khúc hay hiệu đoàn ca này đặc biệt, đã gắn liền với bao thế hệ học sinh Phan Châu Trinh cho mãi đến bây giờ.
Bấm vào để nghe lại “Phan Châu Trinh hành khúc”
Ca khúc này trước 1975 hay đúng hơn từ sau khi trường được mang tên Phan Châu Trinh từ niên khóa 1956-1957, thường được học sinh PTTH Phan Châu Trinh cất cao giọng hát buổi chào cờ vào mỗi sáng thứ hai trước khi vào lớp. Ai cũng hát đúng nhịp, lên xuống đúng điệu theo những chỉ dẫn của chính người thầy sáng tác ca khúc này trong giờ học nhạc với thầy – Hoàng Bích Sơn – một vị thầy dạy nhạc chính của trường và là một nhạc sĩ sinh sống, hoạt động âm nhạc tại Đà Nẵng từ sau năm 1945, cùng thời với các nhạc sĩ La Hối, Phan Huỳnh Điểu, Phạm Thế Mỹ, v.v…
Tuy là một nhạc sĩ nhưng gần như thầy chỉ chú tâm vào việc giảng dạy nhạc lý căn bản hơn là sáng tác. Với kiến thức uyên thâm về nhạc lý, cách truyền dạy, dẫn giải dễ hiểu, thầy đã đào tạo nên nhiều thế hệ học sinh nắm chắc cơ bản về nhạc lý, biết yêu văn nghệ. Qua cách dẫn tập đánh nhịp 1, 2, 3, 4 lên xuống, trái phải, những bài hát đầu đời như Lên đàng, Làng tôi, … chúng tôi đã dần biết đến tiết tấu, hòa âm và âm điệu, như những thành tố cơ bản của âm nhạc. Cứ thế chúng tôi được thầy dẫn những bước đi đầu tiên… và một số không ít sau này trở thành những người biết sáng tác và không ít là nhạc sĩ có tên tuổi trong nền âm nhạc miền Nam Việt Nam (trước 1975), kể cả hiện nay… Tuy môn nhạc mỗi tuần, chúng tôi chỉ được học một giờ, nhưng ấn tượng về người thầy đầu tiên đưa chúng tôi vào thế giới âm nhạc rất khó phai trong đầu óc chúng tôi.
Thầy gần như không sáng tác ca khúc nào ngoài xã hội và chạy theo thị trường âm nhạc xu thời ngoại trừ một số sáng tác dành riêng cho các trường như Phan Châu Trinh hành khúc, Nguyễn Tri Phương, sinh viên Đại Học Quảng Đà,.…
Tuy ít sáng tác, nhưng “hiệu đoàn ca Phan Châu Trinh” hay “Phan Châu Trinh hành khúc” của thầy đã trở thành một dấu ấn không phai trong các lớp thế hệ học trò xuất thân từ ngôi trường công lập nổi tiếng đặc biệt ở thành phố Đà Nẵng này – Phan Châu Trinh. Nhiều năm sau này, khi đã ra đời và đặc biệt kể từ sau năm 1975, bọn học trò cũ chúng tôi không phân biệt lớp, tuổi…, miễn là xuất thân từ trường Phan Châu Trinh, và dù cư ngụ, sinh sống bất cứ ở đâu, trong cũng như ngoài nước, khi có dịp vẫn thường hay tổ chức những cuộc gặp mặt hằng năm vào dịp tết, bạn bè cùng lớp gặp nhau, cùng niên khóa hội tụ hay các liên lớp, niên khóa sum họp, v.v… thì sau phần mở màn, chào cờ… thế nào cũng có phần xướng ca sáng tác này của thầy Hoàng Bích Sơn… Đặc biệt trong các buổi họp mặt của các ngôi trường khác ở thành phố Đà Nẵng mà thầy đã có giờ dạy âm nhạc như Sao Mai, Phan Thanh Giản… để các học sinh cũ cùng ôn, nhắc lại nhiều kỷ niệm một thời trung học, trong đó không ít nhiều những kỷ niệm về các Thầy Cô, thì gần như thầy Hoàng Bích Sơn luôn luôn chiếm một thời lượng đáng kể, một vị trí “cao” “sáng giá” trong những hồi ức ấy với bao tình cảm quý mến, vì gương mặt hiền hòa, đôi mắt long lanh và lòng quý mến học sinh của thầy…
Đúng vậy, “Phan Châu Trinh hành khúc” không chỉ là bài hát hiệu đoàn ca của riêng trường Phan Châu Trinh tại Đà Nẵng mà chính với 139 ca từ trong sáng tác này của thầy đã gói gọn trọn vẹn, mang đầy đủ ý nghĩa thiết thực những gì mà nhà cách mạng kiệt xuất, nhà cải cách lỗi lạc, nhà cách tân (duy tân) thời đại, nhà chí sĩ yêu nước, người tiên phong cổ vũ dân chủ cho Việt Nam, người đã đề xướng đường lối cứu nước bất hủ: “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” – Phan Châu Trinh (9.9.1872 – 24.3.1926) với những ước vọng và là nền tảng để tranh đấu cho quê hương đất nước và cho dân tộc Việt Nam. Trong đó “dân quyền” là điểm trọng tâm, mà sáng tác này còn nêu cao ý chí và thúc giục lòng yêu nước, cũng như không quên công lao của tổ tiên ngàn đời gầy dựng (uống nước nhớ nguồn) trong giới trẻ, đặc biệt trong giáo dục học đường…
Thầy Tôn Thất Lan – một nhạc sĩ sáng tác, một vị giáo sư âm nhạc về trường Phan Châu Trinh từ năm 1961, đã tôn thầy Hoàng Bích Sơn làm sư phụ, đã viết: “Theo tôi, bài đoàn ca này rất hay, rất thích hợp, hội đủ các yếu tố cần thiết cho một bài đoàn ca. Bài hát là một nhắc nhở về tầm cỡ, tiếng tăm của nhân vật trường mang tên, nhịp điệu hành khúc đầy sức lôi cuốn hào hứng tạo hứng khởi, kiêu hãnh cho học sinh. Bài ca không quá ngắn, mang tính gượng gạo mà tròn đầy trước sau và bài ca đã thuyết phục được người nghe, đã truyền đạt được ý chí tự cường đến thanh niên nhiều thế hệ.”
Thầy Hoàng Bích Sơn, thời gian sau này cho biết là hiệu đoàn ca lúc ấy thầy cùng viết lời chung với thầy hiệu trưởng của trường lúc bấy giờ là giáo sư Bùi Tấn, người đã đề xướng để hội đồng giáo sư chọn đặt tên Phan Châu Trinh cho ngôi trường công lập này của thành phố và ca khúc được viết sau khi trường đã xây xong, được đặt tên trong niên khóa 1956-1957.
Qua Phan Châu Trinh hành khúc nầy, thầy cũng muốn đề cập đến tính thiết yếu của nền giáo dục “khai dân trí” cho thế hệ trẻ nói chung, và cho chính học sinh trường Phan Châu Trinh nói riêng.
Bài ca bắt đầu bằng “Phan Châu Trinh, người chiến sĩ quốc gia bất diệt, đã từng hy sinh tranh đấu cho dân quyền…”, thầy muốn nhấn mạnh ý chí tranh đấu của nhà cách mạng Phan Châu Trinh, để mọi người phải biết và cần phải hiểu…
Sau đến là truyền thống “uống nước nhớ nguồn – công lao của tổ tiên” và sẵn sàng dấn thân vì đại cuộc mà nhà chí sĩ Phan Châu Trinh là một điển hình mẫu mực: “Buồn thấy đế quốc chiếm giang san, công lao bao đấng anh hùng, điêu linh dưới ách gông cùm. Ra đi quyết lòng vì nước quên mình”.
Và cuối cùng, kết thúc bằng: “Phan Châu Trinh muôn đời quyết theo gương Người…”
Không chỉ theo gương Người, mà hàm ý chính trong đoạn kết thúc bài ca, Thầy đã đề cập thẳng vào thế hệ trẻ nói chung và người học sinh trường mang tên người chí sĩ cách mạng lỗi lạc, nhà duy tân kiệt xuất, nói riêng: “là học sinh Phan Châu Trinh, ta quyết tiến, bước theo chân Người, giữ vững dân quyền. Rèn tâm chí quyết chí, cùng nhau tiến quyết tiến, ghi nhớ ơn Người đoàn ta quyết đi lên”.
Cũng cái ý này trong “Phan Châu Trinh hành khúc” mà họa sĩ Đỗ Toàn cũng đã mang theo và đã khắc đậm lại khi thầy (họa sĩ) tạc tượng bán thân Cụ Phan dựng đặt trước cột cờ với hàm ý: “Khi tạc đến bộ ria mép của cụ mà theo các cụ đời xưa thường hay để ria mép vuốt xuống, trong chân dung của Cụ Phan tôi lại muốn cuốn vuốt lên như râu của các ngài bá tước (Moustache). Điều chính yếu tôi đắp vểnh ngược như vậy là cốt muốn nhắn gởi đến học sinh trường Phan Châu Trinh luôn mãi thấy tinh thần bất khuất của Cụ mỗi khi ra vào mà noi theo!”
“là học sinh Phan Châu Trinh, ta quyết tiến, bước theo chân Người, giữ vững dân quyền.” hay “là học sinh Phan Châu Trinh luôn mãi thấy tinh thần bất khuất của Cụ mỗi khi ra vào mà noi theo !” là những gì mà chúng tôi – đã và sẽ là học sinh Phan Châu Trinh, luôn ghi nhớ và không sao quên được, từng lời ca, nhịp điệu hùng hồn, súc tích như một lời hiệu triệu Diên Hồng của hiệu đoàn ca vang tiếng mãi mãi nếu không muốn “nói ngoa” của thầy Hoàng Bích Sơn… hay quên đi được tinh thần yêu nước bất khuất, ý chí cao đẹp cải cách canh tân của Cụ Phan Châu Trinh khi nhìn tượng Cụ mà Thầy Đỗ Toàn người tạc tượng muốn nhắn gởi…
Phan Châu Trinh hành khúc (Hiệu đoàn ca Phan Châu Trinh)
Phan Châu Trinh, người chiến sĩ quốc gia bất diệt
đã từng hy sinh tranh đấu cho dân quyền
ngàn đời còn ghi công ơn nhà chí sĩ.
Buồn thấy đế quốc chiếm giang san
công lao bao đấng anh hùng,
điêu linh dưới ách gông cùm.
Ra đi quyết lòng vì nước quên mình.
Hồ Tây phương Nam còn in bóng.
Lời ai dư âm vẵng qua rừng.
Cùng phá xích xiềng! Giành lấy dân quyền,
gương Người nêu cao toàn dân ghi nhớ.
Phan Châu Trinh muôn đời quyết theo gương Người…
Phan Châu Trinh muôn đời chí khí hiên ngang
ta quyết tiến, bước theo chân Người, giữ vững dân quyền
Rèn tâm chí quyết chí, cùng nhau tiến quyết tiến,
ghi nhớ ơn Người đoàn ta quyết đi lên”.
Trần Hoa