Lễ Tri Ân Cô Thầy: Chút Dư Âm (1/3) (Trần Hoa)

Viết nhân kỷ niệm trường Phan Châu Trinh 70 năm (1952-2022)

Người viết: Trong văn hóa Việt, ngoài “Công Ơn Sinh Thành, Dưỡng Dục, Nuối Nấng” của Cha Me, Ông Bà, chúng ta còn có “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Không thầy đố mày làm nên”… đó là Công Ơn dạy dỗ của quý Thầy Cô. Đề cập đến Cô Thầy, ta không thể nào quên đi được luân lý, đạo đức “tôn sư trọng đạo” mà tổ tiên chúng ta đã răn dạy tự ngàn xưa…

Một ngày nào đó, khi các con tôi lớn khôn, tôi sẽ nói với các con như tôi đã từng nói với những thế hệ học trò của tôi rằng: “Trên đời này dù bạn là ai, là vĩ nhân, là anh hùng, là công nhân, là nông dân… thì bạn cũng đã từng qua bàn tay bế ẵm của người mẹ, công ơn nuôi nấng của người cha. Và trên trái đất này chắc chắn không có một bậc vĩ nhân, một vị anh hùng hay bất cứ một người nào lại không qua bàn tay dìu dắt, dạy dỗ của người thầy, người cô. Do vậy “Tri Ân Thầy Cô” đã trở thành một truyền thống quý báu, một nét đẹp son trong văn hóa của dân tộc Việt Nam ta và là một nét nhân văn trường tồn của toàn nhân loại”.

Trong niềm hân hoan lễ kỷ niệm ngôi trường Phổ Thông Trung Học Phan Châu Trinh, thành phố Đà Nẵng 70 năm hình thành và phát triển (1952-2022). Ngoài những buổi lễ mừng còn có những buổi lễ kỷ niệm 30, 40, 50 năm xa trường, v.v… bên cạnh đó còn có những buổi lễ cũng không kém phần quan trọng nhưng ít khi được nhắc nhở, đề cập, đó là “Lễ Tri Ân Thầy Cô”, người viết đăng lại bài đã đăng trong Blog cách nay 10 năm – năm mà trường Phổ Thông Trung Học Phan Châu Trinh kỷ niệm 60 năm thành lập, với ít nhiều sửa đổi, như một trong những ký ức về Thầy Cô thân quý. (người viết)

***

Có một lần khi viết bài “Có một thứ tình”, người bạn cùng niên khóa Nguyễn Chí Trung (1), đã viết “… Có một thứ tình đã vượt qua bao thử thách của thời gian để trường tồn với tháng năm: tình thầy trò. Sức đã yếu. Mắt đã mờ. Trí đã suy. Nhưng tình quý thầy dành cho những học trò của hơn 40 năm qua vẫn đầy ắp giữa bao biến đổi của cuộc đời, giữa những nhớ nhớ quên quên của một vùng ký ức. Đến với cuộc họp lớp đầu năm hôm qua có thầy Hoàng Bích Sơn, Lê Long Viên, Nguyễn Văn Đáo, Nguyễn Văn Kính, Phan Thanh Kế, Huỳnh Khải và Đặng Đăng Khoa (2). Thầy nào cũng vui, cũng chuyện trò rôm rả. Đâu rồi vẻ nghiêm nghị trên bục giảng ngày xưa? Đâu rồi sự nghiêm khắc trước lũ học trò một thời nghịch ngợm? Qua cử chỉ thoải mái, ánh mắt rạng rỡ và tiếng cười dòn tan của các thầy mình đọc được một sự thâm tình, cái tình chỉ có giữa những tâm hồn đồng cảm, gắn kết với nhau qua bao kỷ niệm thăng trầm.”

“Lại có một thứ tình khác cũng đã được giữ gìn và vun xới suốt 24 năm nay qua 24 lần họp lớp: tình đồng môn….

… Tuy xa cách đã lâu, nhưng gặp nhau là tay bắt mặt mừng, hàn huyên chuyện cũ hoặc lần đầu kể cho nhau nghe chuyện … khó kể ngày xưa. Thời gian bây giờ cứ như lùi về bốn thập kỷ trước, và không gian bây giờ là những vùng trời kỷ niệm ngày xưa, ở đó các cô cậu hồn nhiên xổ hết vạn trò tinh nghịch của lũ quỷ học trò!

Đêm về, say ngất ngưỡng. Say vì rượu. Say vì vui. Say vì tình. Không hiểu sao mình vẫn tìm được đường về nhà. Có lẽ thằng Dũng Móm (3) nói đúng: “Người say hay được trời thương!” Trời ạ, Trời mà không thương cái lũ 12B3 này mới lạ! Chúng sống với nhau tử tế lắm. Chúng đối xử với quý thầy cô có tình có nghĩa lắm. Mà tình nghĩa là thứ đôi khi khó sắm giữa chốn trần gian điên đảo này…. (hết trích)

Nghe nhạc: Nhớ Ơn Thầy Cô – Ca Sĩ: Mắt Ngọc

Hay như bạn Trần Văn Tân (4) đã sáng tác:

ân nghĩa thầy trò

Mỗi năm được gặp Thầy Cô
Là điều hạnh phúc của Thầy Trò xưa
Ra về cứ nhớ đến Thầy
Với bao lời dặn Thầy Cô đã bày.
Ta mang một nỗi ưu buồn
Lòng ta không trọn những điều Thầy mong
Nhưng xin giữ nhớ một điều
Tấm thân Thầy đã trọn tình vì ta.
Hôm nay ta được gặp Thầy
Ngày mai lại gặp Thầy Cô là mừng
Sao quên đi được hình Thầy
Luôn mang nỗi nhớ mỗi ngày đầu năm (Trần Văn Tân)


Sự hiện diện của quý Thầy Cô bằng cách này cách khác trong buổi họp mặt không những là niềm vui khôn tả, là niềm khích lệ quý báu mà còn là từ trường tạo ra lực hút cho phép chẩn đoán rằng các thành viên trong gia đình đã hòa mình vào bầu khí chung, mở rộng lòng một cách trách nhiệm để khắc ghi như lời thơ của thầy Trần Đại Tăng (nhà thơ Trần Hoan Trinh) (5):

Trao lại cho em (Trần Hoan Trinh)

Thôi nhé! Thời mình như đã qua

Nhường đời cho lớp trẻ tài ba

Này em! Đất nước này hoa gấm

Hãy dệt cho thành gấm vạn hoa! (Mười Đoạn Tứ Tuyệt, Trần Hoan Trinh)

Cho dù thầy dạy toán năm xưa không đến dự được, nhưng lời của thầy là sự hiện diện sống động nói lên cốt cách của một vị thầy tài hoa đã góp phần đẽo gọt nên nhân cách của mỗi chúng ta.

Và trong một bài viết khác, Nguyễn Chí Trung đã viết:

“…
Thầy ơi,

Lũ học trò chúng con cứ tin là mình còn nhỏ dại và cứ nghĩ rằng quý thầy hãy còn rất trẻ và rất khoẻ như ngày xưa. Nay nhìn lại những bước chân lụm cụm và nghe giọng nói run run của quý thầy trong các video clip quay trong ngày gặp mặt đầu xuân, chúng con mới bàng hoàng nhận ra rằng gần nửa thế kỷ đã thật sự trôi qua kể từ ngày chúng con chập chững vào trường! Chúng con cũng bàng hoàng nhận ra ít nhiều sự thật trong những lời thầy Lê Long Viên nói ở cuối bữa gặp mặt, rằng mặc dù thầy không bi quan nhưng đó có thể là lần cuối cùng thầy về dự gặp mặt với lớp!

Sự ra đi của thầy Trần Thông (6) mấy tháng trước đây càng làm cho chúng con nhận thức được rằng rồi đây chúng con sẽ còn phải chịu những hụt hẫng, mất mát khác nữa. Sinh, lão, bệnh, tử là cái vòng luân hồi không ai có thể thoát ra được. Vậy thì, phải làm sao đây?

Các bạn ơi,

Điều quan trọng trên cõi đời này không phải là sống được bao lâu mà là sống như thế nào. Các thầy đã sống trọn vẹn cho đời. Các thầy đã đốt cháy hết bầu nhiệt huyết của mình cho bao thế hệ học sinh Phan Châu Trinh thân yêu. Mình tin rằng nếu ông Trời cho các thầy sống một kiếp người khác nữa, các thầy cũng không thể nào sống tốt hơn, làm tốt hơn những gì các thầy đã sống và đã làm. Các thầy đã sống như thế cho học trò, còn học trò thì có thể làm được gì cho các thầy?

Còn nhớ khi thầy Trần Thông mất, Vạn sự tự tâm. Cái tâm trong sáng sẽ chỉ đường cho mỗi chúng ta đi. Nhất định rằng mỗi anh em mình có thể làm được một cái gì đó cho quý thầy. Đó không phải chỉ là thái độ trân quý đối với công ơn dạy dỗ của quý thầy mà còn là một nghĩa cử tốt đẹp dẫn ta đến chân trời Chân, Thiện, Mỹ.” (hết trích)

Đúng là ngoài thứ tình cảm riêng tư trai gái gắn quyện vào ta, ta lại còn có thứ tình cảm cha mẹ, anh em, bà con láng giềng, v.v… rồi ta vẫn còn có thứ tình khác cũng trường tồn theo năm tháng đó là tình thầy trò, tình bè bạn…

Nhìn lại qua con số khiêm nhường sự hiện diện của Thầy Cô, bạn bè trong buổi lễ Tri Ân Thầy Cô được tổ chức hôm Thứ Bảy 30.06.2012 tại nhà hàng Táo Đỏ, đường Nguyễn Thiện Thuật Đà Nẵng trong tôi vẫn thấy làn hơi ấm cúng của không khí buổi lễ mang lại và lan tỏa cùng khắp. Dầu buổi lễ đến nay đã qua 10 năm, nhưng dư âm của nó vẫn còn đọng lại trong tôi rất nhiều, và khá sâu đậm. Điều trân trọng nhất là sự nhiệt tình đứng ra tổ chức của một số anh em của hai, ba niên khóa khác nhau.

Theo dự kiến thì chương trình buổi lễ chỉ trong vòng 2 đến 3 tiếng đồng hồ, nhưng thật sự buổi lễ đã kéo dài tới gần 5 tiếng đồng hồ. 5 tiếng đồng hồ cũng khá dài, thế nhưng vẫn thấy ngắn, vẫn thấy chưa thấm, và vẫn thấy thời gian chưa đủ để thầy trò trao gởi hết những gì muốn nói, muốn gởi, muốn trao. Ôi cái tình sao đầm ấm, và thân thương lạ kỳ.

Đã bao năm theo học, biết chút chữ nghĩa, ít nhiều kiến thức làm vốn mang vào đời, tôi thật sự vui khi cùng nhìn thấy quý Thầy và các bạn một thời chung trường. Quý Thầy tất cả tuổi đã trên 70 cả rồi chứ ít gì, thế nhưng thứ tình cảm này đã mang quý Thầy và chúng tôi quyện vào nhau chỉ trong buổi lễ ngắn gọn này thì sao cho đủ, cho đầy. Nhưng nghĩ lại thì thật là khó, biết làm sao cho đủ??? Thôi thì cứ như vậy, đúng là… “… Điều quan trọng trên cõi đời này không phải là sống được bao lâu mà là sống như thế nào… ” hay “… cái gì anh em mình có thể làm được cho quý Thầy hôm nay không nên để đến ngày mai….”. Và đúng là như vậy! Cái gì mà Ban Tổ Chức buổi Lễ Tri Ân Thầy đã làm ngày hôm đó tuy chẳng là bao, không rầm rộ, to lớn… nhưng là điều cần làm, đáng trân trọng và đáng ra đã phải làm từ lâu.

Từ xưa ta vẫn biết “Tôn Sư Trọng Đạo” hay “Không thầy đố mày làm nên”… và dù cái gì đi nữa thì buổi lễ cũng đã làm cho ta – tất cả chúng ta chút ít sống đúng là người hay đúng hơn là đứa học trò của trường Phan Châu Trinh nói riêng và lứa học sinh nói chung.

Trời Đà Nẵng những ngày trước đã rất khó chịu vì nắng nóng, không gió… Nhưng không hiểu sao, ngay ngày hôm ấy trời lại mưa, dù mưa chẳng lớn, chẳng nhiều nhưng đã làm cho tất cả những người hiện diện có nỗi mừng, nỗi vui và hạnh phúc khó tả được.

Những lời nói, những câu ca như xoáy quyện vào tâm trí mỗi người.  Những tiếng cười, tiếng thăm hỏi vẫn như dòng suối ngọt ngào chảy qua vùng đất khô cằn, hạn hán. Những tiếng cùng nâng ly chúc mừng sao thấy lòng ấm cúng, nhẹ nhàng.

Bao tháng ngày qua, mà đâu phải ít, đã 50 năm rồi còn gì. Con số 50 nghĩ lại thấy nó sao nhanh quá. 50 năm biết bao thay đổi từ khi rời khỏi ngôi trường mà suốt 7 năm ta tung tăng quậy phá, học hành… 50 năm nhìn lại ngôi trường đã không còn dáng vẻ như ngày xa xưa cũ. 50 năm nhìn lại Thầy Cô kẻ mất, người xa, người còn và rồi những dáng vẻ nghiêm nghị của quý Thầy một thời nay dần biến mất. Cũng 50 năm đã có biết bao bạn bè cùng lứa, cùng trường vĩnh viễn ra đi. Ôi 50 năm xa cách. 50 năm một con số.

Thế mà chỉ trong buổi lễ này, ngắn gọn, đơn sơ mối tình Thầy-Trò một thuở sao đầy ấp niềm vui, niềm hạnh phúc. Cái hạnh phúc nhất là ít ra cũng đến 80 cái đầu xanh, nhưng bây giờ không còn xanh nữa, đã gặp được quý Thầy, một cách trân trọng và cao quý trong tình nghĩa dành cho quý Thầy.

Buổi lễ theo tôi đã diễn ra thật tốt đẹp, đầy nghĩa tình, nhưng sau đó vẫn có người trách cứ và cho hay buổi lễ vẫn còn nhiều thiếu sót, … rồi sao không làm vậy để buổi lễ không giống ai? Lại có người góp ý sao không đến thắp nhang cho Thầy này, Thầy kia… hay sao không trực tiếp mời bạn này bạn kia tham dự. Ôi biết bao câu hỏi, thắc mắc… Nhưng biết sao để trả lời cho tất cả…

Làm sao cho đúng, làm sao cho khỏi sơ suất, v.v… mỗi khi tổ chức? Và thật đúng vậy. Buổi lễ Tri Ân Thầy Cô Thứ Bảy 30.6.2012, có thiếu sót. Đúng là không mời đủ trọn vẹn. Đúng là không có thắp nhang riêng lẻ từng Thầy. Nhưng có buổi tổ chức nào mà không thiếu, không quên điều này điều nọ. Nhưng điều đáng nói là thời gian, và nhân sự mà có cái không may nữa là bạn Phạm Tình, một nhân tố tích cực giúp đỡ tôi rất nhiều khi đứng ra đảm trách phần liên kết để có ban tổ chức, lại ra đi đột ngột (sáng Thứ Bảy 9.6.2012) tưởng đâu những người còn lại trong ban tổ chức đã phải bỏ cuộc. Thế nhưng các bạn vẫn cố gắng tận tậm, lo tiếp, và hình thành mọi sự việc trong buổi lễ…

Cái cuối cùng mà Ban Tổ Chức nghĩ đến là Tri Ân Thầy Cô với tấm lòng. Vâng cái tấm lòng chân chất, không cầu kỳ, không phân bua, không trách móc khi tất cả những người hiện diện dù có khó khăn, dù bận rộn nhưng cũng đã hết mình cố gắng góp phần, rồi cùng nhau hiện diện để cùng chia chung niềm vui với quý Thầy Cô. Và đã là học trò thì ai cũng phải nhận thấy điều này, chứ cần gì mà phải rầm rộ la oang, và phải trân trọng mời mọc. Cái ân nghĩa ở đây chỉ mong thật tình là của Trò dành cho Thầy mà phải không?

Và với tấm lòng của học trò dành trân trọng đặc biệt cho quý Thầy Cô, thì sao ta không đóng góp, không tham dự mà phải trân trọng mời, và mời mới đi. Thế nhưng Ban Tổ Chức trong buổi lễ, nhìn thấy quý Thầy Cô hiện diện, làm sao lại quên đi được quý Thầy Cô đã khuất. Nhưng vì thời gian, hoặc một vài lý do tế nhị nào đó không có được những phép tắc lễ nghi đúng nghĩa nhưng “một phút mặc niệm” chung trong buổi lễ dành cho quý Thầy, Cô, cùng những đứa bạn thân “không còn có mặt trên cõi đời này” cũng đã nói lên được phần nào tấm lòng thương tiếc trong tư thế rất trân trọng, nghiêm trang để tưởng nhớ. Tấm lòng thật sự tưởng nhớ, nhang đèn hương khói hay cả thăm viếng cũng chỉ là hình thức, tuy không nói ra được bằng lời nhưng tất cả trong chỉ phút giây ngắn ngủi cũng đã nghĩ suy gói gọn những gì cần phải nhớ, cần phải quán và tưởng về.

Đã có bao nhiêu người biết, bao nhiêu người được mời, mà ý chính là làm sao chúng ta cùng nghĩ về Thầy Cô! Sao ta không chút cởi mở lòng, hoan hỷ mà trách cứ làm chi khi ta không mảy may bận tâm suy nghĩ, góp phần và cả không tham dự. Và:

– Đã không có lòng thì làm sao ta cảm nhận được tấm lòng của người có mặt.

– Đã không có lòng thì làm sao ta cứ đứng trong góc cạnh của riêng mình mà trách cứ đám đông với gần 80 người hiện diện.

– Đã không góp ý, góp phần sao ta lại trách cứ buổi lễ không có phần này, không có điều kia, v.v…

Nhưng nếu:

– Có tham dự ta thì mới nhìn thấy được những nụ cười tươi vui nở rộ trên những khuôn mặt đầy tuổi, những thân hình mang chút vẻ tiều tụy, và không ít vơi đi vẻ nghiêm nghị, nghiêm khắc khi đứng trên bục giảng.

– Có tham dự ta mới thấy được những cái bắt tay nồng ấm cùng niềm hạnh phúc chung của quý Thầy cũng như của các cựu học sinh hiện diện sau khi những bó hoa đầy tình nghĩa trân trọng trao tặng quý Thầy từ những cô thiếu nữ – cũng là những cựu nữ sinh nhưng nay đã 60 tuổi, trong những chiếc áo dài tha thướt, dễ mến, dễ thương và ít ra với những khuôn mặt đầy tình người, và mối nghĩa tình trò trao tặng thầy.

– Có tham dự ta mới thấu đạt nghĩa nhân ái của mọi người, cả thầy lẫn trò cùng âm độ, cùng giọng cười, cùng giọng nói, cái bắt tay, cái choàng vai … thật đầy tình nghĩa mà thầy cùng trò trao nhau.

Những hình ảnh này sao cao quý, sao đáng nhớ đáng yêu đáng nghĩ đến lạ thường. Những hình ảnh mà ta trong suốt 7 năm trời đủng đỉnh dưới mái trường thân yêu Phan Châu Trinh khó mà tìm và khó mà gặp.

Bây giờ đã 50 năm sau, số lượng Thầy Cô, bạn bè vơi dần theo năm tháng. Chút tình xin gởi lại sao có cân đo, hờn trách, giận lẫy vu vơ. Ta hãy cố, và tất cả hãy cố sống với nhau dù không thật lòng, và dù biết là chưa không hết lòng nhưng ít ra cũng không xem nhau như kẻ xa lạ.

Tuổi đời mỗi ngày tháng trôi qua là mỗi chồng chất, tức ngày tháng ta sẽ ra đi càng lúc càng gần, đôi khi ngẫm nghĩ ta thấy ta còn lại gì khi buông xả.

Trí ta còn gì khi mắt ta đã buông lơi không di động. Và chúng ta còn gì khi thân thể nằm yên bất động…. Có chăng chút dư âm với bạn bè thầy cô còn văng vẳng đâu đây.

Cuộc sống dù tất bật lo toan đến đâu rồi cũng sẽ có lúc ngưng nghỉ. Cuộc vui nào dù có vui mấy đi nữa cũng có lúc còn lại nét buồn trong yên lặng. Sắc đẹp thế nào đi nữa cũng có lúc phải tàn phai. Đó là định luật bất di thay đổi của thời gian, của cuộc sống ở đời. Đó là điều ai cũng biết, ai cũng hay nhưng sao vẫn thấy khó và khó vô cùng khi tự mình nhận biết sự thật. Sao ta không hoan hỷ, không độ lượng, mở chút lòng nhân ái … mà chính ta lúc được sinh ra đã rất hồn nhiên và cũng đã sẵn có ở trong lòng.

Thôi nhé! Hãy để chút ít niềm vui, cái hạnh phúc có được của buổi Lễ Tri Ân Thầy Cô ngày Thứ Bảy 30.06.2012 vẫn mãi mãi không bị quấy đục, giao động chỉ vì một vài ý nghĩ buồn giận, trách móc hay một vài lời nói thị phi và ngay cả bản thân mình không tham dự, không đóng góp…

Thôi nhé! Hãy để thời gian còn lại của mỗi cá thể trong đó có anh, có bạn, có tôi và cả quý Thầy Cô nữa chút yên lặng trong quán tưởng và vì không ai biết được lúc nào bạn, Thầy, Cô, và cả tôi nữa sẽ buông xuôi…

Thôi nhé! Hãy cố gắng khép đậy và xua tan những oán hờn, giận trách trong cuộc sống với bao bộn bề, mưu toan khó ngưng nghỉ. Và hãy nên cố mở lòng độ lượng, nhân ái đến tất cả mọi người dù xa hay gần, dù thân hay sơ, dù lạ hay quen, hay là dù bất cứ gì gì đi nữa….

Cuối cùng bạn ơi! Hãy cố suy nghĩ. Hãy cố dành dụm chút TÌNH cuối … Tình Yêu, Tình Thầy Trò, Tình Bạn Bè, Tình … và nhiều thứ, loại TÌNH … TÌNH khác … nhưng bạn hãy nhớ, bao lâu ta vẫn còn thở, vẫn còn thấy… thì xin bạn đừng quên “TÌNH NGƯỜI” đối với tất cả mọi người ta gặp trong quãng đời ngắn ngủi còn lại của cuộc đời này. Mà thật ra không có cuộc TÌNH… nào là xấu cả. Vì khi nói về TÌNH… tức thì ta phải suy nghĩ TÌNH … chỉ phải đẹp, phải quý, và đáng trân trọng, phải không các bạn?

Trần Hoa

Phụ chú:

(1) Nguyễn Chí Trung – cựu học sinh ban đầu cùng niên khóa 1966-1973, sau cùng niên khóa 1965-1972, hiện đang sống cùng gia đình tại Đà Nẵng.

(2) quý thầy Hoàng Bích Sơn (Âm Nhạc), Nguyễn Văn Đáo (Lý Hóa), Nguyễn Văn Kính (Lý Hóa), Phan Thanh Kế (Toán), Huỳnh Khải (Lý Hóa), Đặng Đăng Khoa (Ngoại ngữ) hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng. Trong đó có thầy Phan Thanh Kế đang bị bệnh và thầy Lê Long Viên đã từ trần ngày 17/10/2019 tại Tp. Đà Nẵng. Hưởng thọ 86 tuổi.

(3) Dũng móm tức Nguyễn Văn Dũng – cựu học sinh cùng niên khóa 1966-1973 đã qua đời tại tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ vào ngày thứ ba 11/01/2022. Hưởng thọ 67 tuổi.

(4) Trần Văn Tân – cựu học sinh cùng niên khóa 1966-1973, hiện đang sinh sống cùng gia đình tại Sài Gòn.

(5) Thầy Trần Đại Tăng (giáo sư Toán và là nhà thơ Trần Hoan Trinh) đã qua đời tại tư gia ở đường Hải Phòng thành phố Đà Nẵng ngày 06/08/2015. Hưởng thọ 79 tuổi.

(6) Thầy Trần Thông (giảng dạy môn Việt văn): Thầy đã qua đời năm 2009?.

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Ký Ức, Thầy Cô. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s