Viết nhân kỷ niệm trường Phan Châu Trinh 70 năm (1952-2022)

Ý kiến tổ chức Buổi Lễ Tri Ân Thầy Cô được tôi đề nghị và đưa ra thảo luận với bạn Phạm Tình sau ngày Ra Mắt tập sách “Âm Nhạc Phổ Thông” của Thầy Hoàng Bích Sơn, khoảng cuối tháng 5 và đầu tháng 6.2012.
Qua Phạm Tình là nhân tố chính, tôi được bạn kết nối tiếp với một số bạn bè, thân hữu khác cùng niên khóa 65-72 Phan Châu Trinh. Mọi chuyện liên quan việc tổ chức đã trong tư thế chuẩn bị, từ ngày giờ, đến địa điểm, và cả khách mời, v.v… thì Phạm Tình lại đột ngột ra đi vào cõi vĩnh hằng vào sáng Thứ Bảy ngày 9.6.2012 – một sự việc rất đau buồn không những cho cá nhân tôi mà cho một số bạn bè khác liên hệ, thế nhưng không vì thế mà quý bạn khác còn lại nản lòng và ý tưởng tổ chức vẫn được các bạn xúc tiến giai đoạn chót, dù ít nhân sự, và thời gian không cho phép.
Thế rồi cuối cùng buổi LỄ TRI ÂN THẦY CÔ cũng đã được diễn ra thật tốt đẹp và đầy chân tình vào lúc 17.00 giờ chiều Thứ Bảy ngày 30.06.2012 tại nhà hàng TÁO ĐỎ đường Nguyễn Thiện Thuật, tp Đà Nẵng.
Theo chương trình đã gởi thì buổi lễ sẽ được bắt đầu vào lúc 17.00 giờ nhưng rồi buổi lễ cũng đã trễ đi mất khoảng 30 phút.
Trễ nhưng rồi không trễ. Vì sao? Có chi đâu, chỉ vì những cảm tình giữa bạn bè, giữa Thầy Trò sau một thời gian không gặp.
Đúng vậy làm sao ta gặp được quý Thầy Cô, bạn cũ như khi ta còn đi học dưới chung một mái trường, và làm sao ta gặp được khi tuổi đời càng ngày càng chồng chất với những lo toan cho cuộc sống, và làm sao ta gặp được khi tóc trên đầu ta lại càng lúc càng vơi dần màu đen của tuổi thơ, và cũng làm sao ta gặp được khi ta phải luôn bận rộn với con với cháu… và những chuyện khác chung quanh, nhất là vấn đề sức khỏe….
Tay bắt mặt mừng trong niềm vui phấn khởi, những cái bắt tay thâm tình, những ánh mắt đầy thiện cảm, yêu thương dành cho nhau giữa bạn bè, và đặc biệt dành cho những người Thầy-Cô yêu quý của chúng ta những năm tháng xa xưa…
Và trễ nhưng vẫn không trễ vì lòng của những người hiện diện vẫn luôn còn những điều muốn nói, muốn trao nhưng chưa trao kịp hay chưa nói hết cho trọn tình nhớ mong…
Những ngày cuối tháng sáu trời Đà Nẵng trời nóng và nóng như thiêu đốt, thế nhưng ngay giờ phút tổ chức buổi lễ cơn mưa đã trút xuống, mang đến cho mọi người sự mát dịu từ tâm hồn đến thể xác. Để rồi từ đó như thể lòng mọi người càng vui, càng hớn hở hơn. Những hớn hở như khi ta vẫn là đám học trò đùa nghịch, nô đùa dưới mái trường những lúc chờ đón Thầy hay Cô vào lớp.
Thế rồi những lời chào mừng vang lên từ sân khấu đã đưa mọi người trở về giây phút mở đầu buổi lễ với ý nghĩa ngắn gọn nhưng mang đầy tình cảm yêu thương dành cho quý Thầy cũng như tất cả quý bạn bè hiện diện.
Vừa dứt lời chào mừng thì cũng là lúc người Thầy cao niên Hoàng Bích Sơn gần 90 chứ ít gì, đến tham dự vì trời mưa, và chờ người đón chở thầy đến nhà hàng. Vừa mới bước vào chưa kịp ngồi, anh Băng Thanh – một cựu học sinh Phan Châu Trinh – người hướng dẫn chương trình đã mời Thầy thay mặt quý Thầy hiện diện để nói đôi lời với quý học sinh hiện diện cũng như không có mặt. Với cái tuổi gần 90 nhưng giọng của Thầy vẫn vang vang, sang sảng, Thầy gởi đến quý học trò những lời cầu chúc, những lời cầu mong, và Thầy nhắc vội những kỷ niệm của một thời xa xưa, cùng lúc Thầy cũng không quên gởi đôi lời đến quý Thầy khác những câu nói, những lời chúc sức khỏe và mong gặp lại…
Nghe nhạc phẩm Người Thầy (Nguyễn Nhất Huy sáng tác, Ca sĩ Cẩm Ly trình bày) bấm vào:
Rồi buổi lễ lại lắng đọng trong yên tĩnh khi anh Băng Thanh nhắc đến tên một số Thầy thân thương đã ra đi, cùng những vị Thầy khác không có cơ hội có mặt hôm nay. Nhắc đến tất cả quý vị Thầy này trong bầu không khí trang nghiêm với vỏn vẹn gần 80 người để mời tất cả cùng đứng dậy dành một phút mặc niệm tưởng nhớ. Cũng trong phút giây mặc niệm này anh cũng không quên nhắc đến một người bạn trong số tất cả các người bạn quá cố – đó là bạn Phạm Tình cựu học sinh niên khóa 65-72 – nhân tố tích cực kết nối hình thành ban tổ chức buổi Lễ Tri Ân Thầy Cô này theo ý và đề nghị của bạn Trần Hoa niên khóa 66-73 Phan Châu Trinh – người đã ra đi cách nay vừa đúng ba tuần. Nhắc đến tên bạn Phạm Tình như một lời nhắn gởi cho bạn hay là một phần tâm nguyện của bạn đã được anh em thực hiện. Tuy Phạm Tình không có mặt chung vui trong buổi lễ nhưng sự có mặt đông đủ từ hiền thê của anh – chị Nguyễn Thị Bích Thủy và hai người con (gái: Phạm Dương Cầm, trai: Phạm Thủy Cương) đã mang đến cho mọi người nói chung một niềm vui và hy vọng, riêng anh Phạm Tình nới chín suối chắc đã mở miệng mỉm cười chia vui cùng mọi người.
Nhắc đến công ơn Thầy Cô, những người đã tận tụy hướng dẫn đưa ta đi vào cuộc sống với những kiến thức thu thập. Nói đến Thầy Cô là nói đến một đạo lý bất di bất dịch “không Thầy đố mày làm nên”. Thật vậy công ơn này sau công ơn sinh thành và dưỡng dục của cha mẹ thì thật không còn gì để quên, để xao lãng.
Và khi nhắc đến ơn nghĩa Thầy Cô làm sao ta diễn tả hết, cũng như có bút mực nào viết cho xong. Lời nhạc Cám Ơn Thầy, những câu nói biết ơn, tạ ơn…
… Cám ơn Thầy và cám ơn Cô đã cho em niềm vui đến trường
Cám ơn Thầy và cám ơn Cô đã cho em rạng ngời ước mơ…. (Cám Ơn Thầy, sáng tác Nguyễn Duy).
Rồi những bó hoa đẹp tươi, như tấm lòng mở rộng của các bạn nữ (được mời tham dự) trong những tà áo dài đủ màu đủ sắc, thay mặt tất cả các bạn hữu có mặt cũng như không hiện diện, kính trân trọng dâng tặng quý Thầy Cô là những cử chỉ thật đẹp, thật dễ thương, và thật khó quên. Những tà áo thướt tha, những ánh mắt kính trọng, cung cách dâng tặng… là những gì mà chúng ta có thể làm được ngay trong giây phút nầy với quý Thầy, quý Cô.
Tôi với những ưu ái cá nhân không thể nào nói hết những cảm nhận của riêng mình khi thấy sự hiện diện của khá đông bạn bè không cùng niên khóa. Những nét mặt vui tươi, hồn nhiên của những người bạn lứa tuổi nội, ngoại khi đứng đón quý Thầy Cô dưới cơn mưa đột ngột rơi…
Tôi lại càng không thể kể được những cảm nhận ân cần khi được bắt tay với những người bạn cùng trường năm xưa mà bao năm xa cách chưa một lần gặp.
Và rồi tôi cũng không thể nào nói hết những cảm xúc khi nghe những lời nhạc thiết tha ca ngợi những công lao cao quý của quý Thầy Cô được cất lên trong bầu không khí ấm cúng khi thời tiết dịu lại sau cơn mưa, xóa tan đi những ưu lo với những ngày nắng với cái nóng rát bỏng, bực bội và khó chịu.
Tôi lại càng không thể cầm lòng khi nhìn thấy Thầy Nguyễn Nguyên – cựu giáo sư chuyên toán với những con số khô khan, những phương trình ẩn dụ, những đường cong, thẳng hình học khó chịu hay những con số khó nuốt, đang đứng song ca ca khúc “Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi” đầy quyến rũ, thướt tha, yểu điệu không tập dượt nhưng vẫn ăn nhịp với ban nhạc và ca cùng với một người học trò cũ xưa của thầy.
Và làm sao tôi quên được lời dặn dò tỉ mỉ của Thầy Hoàng Bích Sơn – với gần 90 tuổi đời vẫn cố gắng hiện diện dù rằng sức khỏe có khi không cho phép. Nhưng Thầy vẫn nói những lời thiết tha gởi chung đến những người học trò một thưở nay tóc đã bạc, đã điểm trắng đen….
Và làm sao quên được hình ảnh quý Thầy đi quanh các bàn học sinh để cùng cụng ly chúc mừng.
Rồi làm sao tôi quên được cảnh từng Thầy với từng cụm học trò trao đổi, trò chuyện, cười nói vang vang giữa đêm trời tối dần.
Và rồi nữa…. làm sao, làm sao tôi quên… không thể nào, không thể nào tôi quên …. nhiều lắm.
Đến lúc này mới thấy được cái Tình Thầy Trò mà ta đã được học. Cái Tình Thầy Trò muôn đời thắm thiết trong văn hóa, trong cảm nhận, và cả trong đạo lý….
Tạ Ơn, Cám Ơn, Tri Ân…. từ nào cũng được, từ nào cũng đúng, và từ nào cũng hay cũng có những ý nghĩa riêng của nó. Nhưng cung cách mà anh em trong BTC cho đến những người bạn cựu học sinh nam cũng như những người bạn nữ hiện diện trong buổi lễ, đã nói lên hết những gì chúng ta muốn nói.
Cũng thật khó quên khi nhìn thấy những nét vui trên khuôn mặt quý Thầy Cô khi nhận những bó hoa tình nghĩa, những bó hoa của biết bao tấm lòng quyện cùng màu sắc tươi nở trong đêm tối từ những người cựu nữ học sinh một thời xa xưa.
Sau khi trao hoa, tặng quà đến quý Thầy Cô là phần ăn uống, và phụ diễn văn nghệ.
Qua lời ca tiếng nhạc của các “ca sĩ” “nhạc sĩ” “nghiệp dư” đã thay mặt chung cho mọi người một thời là học sinh Phan Châu Trinh gởi đến quý Thầy Cô những tình cảm thân thương và triều mến nhất.
Chương trình đúng ra đã phải chấm dứt ở điểm thời gian khoảng 20.00 giờ nhưng thật sự mối tình này đã phải kéo dài thêm gần 2 tiếng đồng hồ nữa và hình như chưa muốn dừng lại, nhưng phải dừng vì phép tắc, luật lệ lúc bấy giờ của chính quyền địa phương…
Nhưng quan trọng hơn khi nghĩ đến sức khỏe chung của quý Thầy Cô, nên dù muốn hay không, BTC cũng phải tạm kết thúc trong sự luyến tiếc và trách móc ôi sao thời gian trôi nhanh thế!
Thứ Bảy ngày 30.6.2012 với chỉ vài ba bốn năm tiếng, nhưng chúng ta tất cả cho dù con số chẳng là bao so với hàng chục vạn người đã từng là học trò của quý Thầy suốt hơn 60 năm qua, đã thật sự nối kết lại một sợi dây tình cảm cao quý, mà hình như bị quên lãng theo thời gian vì nhiều điều không thể nói.
Sự cùng chung tay góp sức tạo dựng một buổi lễ như vậy không dễ nhưng rồi chúng ta đã làm được! Còn việc làm sao cho thật đúng nghĩa thì tùy theo sự hiểu biết và nhận thức của mỗi người. Không thể nói hết được. Riêng cá nhân tôi khi rời khỏi địa điểm nhà hàng ra về khi đường đêm vắng im lưa thưa người. Bước ra đường, tôi vẫn chậm rãi dưới những hạt mưa rơi nhẹ, lòng tôi vẫn còn thấy bao điều tôi vẫn chưa làm tròn.
Những ngày trước trời Đà Nẵng nóng nực, tôi cảm thấy khó ngủ nhưng không hiểu sao các đêm sau buổi lễ Tri Ân tôi đã tìm thấy những giấc ngủ ngon. Không hiểu các bạn thế nào nhưng trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ các bạn chắc cũng có được những niềm vui như tôi vậy.
Lời chia tay trong hy vọng 5, 10 năm nữa chúng ta cũng sẽ mong và gặp quý Thầy. Thật làm tôi xót xa khi nghĩ đến. Nhưng cuộc sống vẫn luôn là niềm hy vọng phải vậy không các bạn.
Thôi một lần nữa, xin cám ơn tất cả… và tất cả từ Thầy Cô và bạn hữu.
Trần Hoa