
Nguyễn Hữu Nhật, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ. Ông còn có bút hiệu là Động Đình Hồ, sinh ngày 22 tháng 6 năm 1942 tại La Khê, Hà Đông, và sống tại Hà Nội từ khi lên bốn tuổi. Vào năm 1955, ông cùng gia đình di cư vào Nam. Từ năm 1967 đến năm 1975 ông phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông từng có thời gian dạy lý thuyết hội họa tại Hội Việt Mỹ, Sài Gòn, cùng với họa sĩ Nguyễn Lâm.
Năm 1970 thi sĩ Nguyễn Hữu Nhật mở và điều hành nhà xuất bản Anh Em tại Sài Gòn và ấn bản đầu tiên là tập truyện Cô Mai của nhà văn Nguyễn Thị Vinh (nhà văn Nguyễn Thị Vinh – một trong 3 cây bút dự bị của nhóm Tự Lực Văn Đoàn là một nhóm nhà văn được thành lập năm 1933 ở Hà Nội, gồm 7 thành viên chính thức: 1. Nhất Linh (sinh 1905, mất 1963); 2. Khái Hưng (sinh 1896, mất 1947); 3. Hoàng Đạo (sinh 1906, mất 1948); 4. Thạch Lam (sinh 1910, mất 1942); 5. Tú Mỡ (sinh 1900, mất 1976); 6. Thế Lữ (sinh 1907, mất 1989); và 7. Xuân Diệu (sinh 1917, mất 1985), và kế tiếp là “Quán Đời” – cuốn tiểu thuyết đầu tay của chính thi sĩ Nguyễn Hữu Nhật. Cuộc gặp gỡ nầy tuy tuổi tác chênh nhau gần hai thập niên nhưng cả hai đã trở thành bạn đời cho đến khi cả hai qua đời tại Oslo Na Uy vì sau khi rời khỏi Việt Nam cả hai sinh sống tại Na Uy. Thi sĩ Nguyễn Hữu Nhật qua đời ngày 11/12/2014, hưởng thọ 72 tuổi và nhà văn Nguyễn Thị Vinh qua đời ngày 8/1/2020, hưởng thọ 97 tuổi.
Khi đề cập hay nói về nhà thơ Nguyễn Hữu Nhật thì theo tôi ông là nhà thơ gần như chuyên sáng tác thơ theo thể thơ lục bát. Và phải nói là thơ lục bát của ông ngắn, nhưng rất hay, hay ở ngôn từ và ý tưởng sâu sắc, duyên dáng, độc đáo, mang tính luân lý phản ảnh cuộc sống, và đôi khi trào phúng. Ông đã xuất bản 12 tác phẩm thơ, truyện, bút ký, biên khảo…. Chỉ duy nhất tập thơ “Động Đình Hồ Trường Thi 5000 Câu Lục Bát”, tập bản thảo 5000 câu lục bát mà ông sáng tác trong rất nhiều năm, chưa kịp phát hành thì bị thất lạc, vì ông bị đi “tù cải tạo 2 lần trong 11 năm”. (Rất tiếc) – Động Đình Hồ là một bút hiệu khác của thi sĩ Nguyễn Hữu Nhật.
Thi sĩ Nguyễn Hữu Nhật và nhà văn Nguyễn Thị Vinh, cá nhân tôi – Quảng Khai được vinh dự có dịp hợp tác cũng như cộng tác khi cùng phát hành thơ, và tạp chí/đặc san Pháp Âm tại Na Uy… kể từ năm 1990. Cả hai người với văn, thơ, thi họa đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong ngày Văn Hóa Việt Nam được tổ chức tại thủ đô Oslo, Na Uy vào năm 1992.
Thời gian tới, nếu có dịp tôi sẽ xin trích đăng những bài thơ, văn khác của cả thi sĩ Nguyễn Hữu Nhật và nhà văn Nguyễn Thị Vinh.
Nay trong khí trời se lạnh với những cơn gió heo may, đường ngập lá vàng rơi rụng, sương mù dầy đặc mỗi buổi sáng mai thức dậy. Mùa thu đã thật đến. Mùa thu là khoảng thời gian để con người ta suy nghĩ, cũng là khoảng thời gian dễ dàng gợi lên trong ta những ký ức đáng nhớ trong lòng mỗi người và đôi khi khiến người ta cứ thế rơi vào những cảm xúc lơ đãng, bâng khuâng. Hãy cùng chào đón một mùa thu mới – tháng mới – tháng 10 qua những những câu thơ lãng mạn, đầy cảm xúc “nếu thật chờ nhau mà hóa đá/ thì xin thử đợi một lần xem/ chỉ ngại khi tôi thành núi biếc/ ngàn năm không thấy dấu chân em…” trong bài thơ “tháng mười ở đâu?” của thi sĩ Nguyễn Hữu Nhật.
Nay xin trích đăng lại nguyên bài thơ như một trong những bài thơ tiêu biểu ca ngợi về tháng 10, mời bạn đọc cùng thưởng thức. (Quảng Khai)
***
tháng mười ở đâu? (Nguyễn Hữu Nhật)
thì xin thử đợi một lần xem
Chỉ ngại khi tôi thành núi biếc
ngàn năm không thấy dấu chân em…
Em mặc áo dài hoa đỏ chín
tưởng gió vườn rung khóm mẫu đơn
Mỗi bông nở hướng về một phía
riêng phía tôi ngồi vẫn trống trơn.
Sợ nhất lúc buông nhau mùa gió
bao nhiêu chăn phủ chẳng ấm đời
Giường gỗ mộc run lên tiếng lạnh
nhớ hơi người đến chết mất thôi.
Lũ bàn ghế đứng im một góc
nghe buồn tênh thớ gỗ mọt kêu
Sắp đứt mong manh từng sợi nhỏ
những tơ trời nhện dở dang treo.
Cho thơ bắt kịp làn hương với
nghìn nụ cười em nhớ nở hoa
Tôi biết, chủ nhà chưa đi vắng,
hiên yếm vàng phơi, lúc ngó xa.
Trông mắt em cười tôi cảm thấy
lòng dửng dưng trước các vì sao
Phải chi em đến thường như gió
đẩy cửa mang theo ánh trăng vào.
Nếu thật chờ nhau mà hóa đá
thì xin thử đợi một lần xem
Chỉ ngại khi tôi thành núi biếc
ngàn năm không thấy dấu chân em…/-
Nguyễn Hữu Nhật
Quảng Khai st. và biên soạn