Tiệc Tri Ân, Trường Xưa Bạn Cũ – Nhớ Ơn Cô Thầy (3/4) (Trần Hoa)

– nhân kỷ niệm trường Phan Châu Trinh 70 năm (1952-2022)

Hình 2 cô Cựu Học Sinh Hồng Đức… (Thanh Hồng-Quang Ấn)

Sau Phan Châu Trinh hành khúc, hay còn gọi là hiệu đoàn ca Phan Châu Trinh, mọi người cùng nhau nhập tiệc. Tiếng nói, tiếng cười qua những câu chuyện kể về những kỷ niệm xa xưa rôm ran, rôm rả của Thầy-Trò, bạn bè, nhất là sau thời gian cách ly vì đại dịch hơn 2 năm dài… biết bao chuyện kể, biết bao chuyện để nói.

Vừa ăn vừa trò chuyện, MC Thanh Thủy lại giới thiệu tiếp Phần Văn Nghệ phụ diễn với 2 tiêu đề gồm những ca khúc nói, viết, vinh danh Thầy Cô cùng những bài hát kỷ niệm về trường lớp, bạn bè, và không thể không có một vài ca khúc tiêu biểu đề cập đến tình yêu trai gái.

Mở đầu, MC Thanh Thủy giới thiệu một sáng tác của nhạc sĩ Vũ Hoàng, viết tiếp theo phần đầu của nhạc sĩ Lê Văn Lộc, có tên Bụi Phấn – một trong những ca khúc xúc động, ca ngợi người thầy kể từ khi ca khúc được sáng tác vào khoảng tháng 11 năm 1982. Thầy theo tên gọi không chỉ 40 năm mà từ lâu đã giản dị chỉ là người đưa đò, nhưng thầy đã đưa từng thế hệ này đến thế hệ khác qua sông, không biết bao nhiêu lứa học sinh, học trò đã trưởng thành, lớn lên từ những kiến-tri thức thu nhận qua giọng giảng dạy ấm cúng của thầy, của cô trong môi trường giáo dục nhà trường. Đã có biết bao nhân tài xuất thân, đóng góp trong sự lớn mạnh, phát triển của xã hội, cũng như bảo vệ quê hương đất nước, và cũng không thể nào đếm xuể hết được đã có bao nhiêu lứa học trò là những bậc phụ huynh hiếu thảo với cha mẹ, ông bà tổ tiên….

Bụi Phấn – ( Vũ Hoàng & Lê Văn Lộc ) – Anh Đào đơn ca . – YouTube

Ca khúc “bụi phấn” này do hai cựu nữ sinh Hồng Đức niên khóa 1970-75 mà đại diện là Lê Thị Thanh Hồng và Lê Thị Quang Ấn trình bày. Người thầy trong Bụi Phấn, nay có người còn nhớ, có người cũng chẳng nhớ chẳng quên, nhưng nội dung, cảm xúc ca từ của ca khúc “bụi phấn” mà hai cô chuyển tải, cất lên trong buổi tiệc sẽ là chiếc cầu nối để đưa tất cả thế hệ học sinh cùng nhau trở về trường xưa, nhớ đến công ơn thầy cô đã từng dạy dỗ trong suốt bao năm tháng với bao nhiêu lớp bụi phấn rơi rụng trên tóc. Ban đầu, nhạc sĩ Lê Văn Lộc vì cảm xúc khi thấy bụi phấn rơi bám trên tóc thầy, đã sáng tác ca khúc này với chỉ 24 ca từ: “khi Thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi, có hạt bụi nào, rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào, vương trên tóc Thầy”. Nhưng sau đó nhạc sĩ Vũ Hoàng sáng tác thêm vào: “em yêu phút giây này, Thầy em tóc như bạc thêm, bạc thêm vì bụi phấn, cho em bài học hay” và “mai sau lớn nên người, làm sao có thể nào quên, ngày xưa Thầy dạy dỗ, khi em tuổi còn thơ …”. Ca khúc cho dầu mới sáng tác vào năm 1982, nhưng tất cả chúng ta đã từng là những học sinh trong ngôi trường Phan Châu Trinh hay bất cứ ngôi trường nào ở thành phố Đà Nẵng thuở ấy như Sao Mai, Bồ Đề, Tây Hồ, Phan Thanh Giản, Bán Công, Hồng Đức… đến nay đã 50, 60, 70, … năm thì hình ảnh Thầy Cô vẫn luôn là hình ảnh đẹp, nhắc nhở chúng ta biết bao nhiêu điều, biết bao nhiêu kiến thức mà ta có được, mang vào đời, và cuộc sống…

“Người Thầy” sáng tác của Nguyễn Nhất Huy

Lyrics || Người thầy || Sáng tác: Nguyễn Nhất Huy – Thể hiện: Cẩm Ly – YouTube

Bạn Trần Khoan (B4, nk_1965-72), phụ diễn kế ca khúc “Người Thầy” một sáng tác của Nguyễn Nhất Huy. Người Thầy mà bao lớp thế hệ học sinh, cũng như theo tên gọi thật đúng là “người Thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa, từng ngày giọt mồ hôi rơi nhòe trang giấy để đưa em đến bên bờ ước mơ” và rồi “dòng đời từng ngày qua êm đềm trôi mãi, chiều trên phố bao người đón đưa, dòng sông vắng bây giờ gió mưa, còn ai nhớ, ai quên con đò xưa. Dù năm tháng vô tình trôi mãi mãi, có hay bao mùa lá rơi, Thầy đã đến như muôn ngàn tia nắng và sáng soi bước em trong cuộc đời”. Từ Thầy, ta đã thu nhận biết bao lời giảng, biết bao nhiêu lời dạy, biết bao kiến thức, ta mang vào đời với những khát vọng, và hoài bão tốt đẹp cho cuộc sống cá nhân, đến gia đình và cho xã hội.

Khát vọng (st. Phạm Minh Tuấn)

Khát Vọng – Quang Dũng – YouTube

Chưa hết, bạn Trần Khoan lại đưa thêm các cựu học sinh cùng nhau trở về thuở xưa, thuở còn cắp sách đến trường với những khát vọng, ước mơ… qua ca khúc “khát vọng” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn, với lời cổ xúy: “Hãy sống như đời sông, để biết yêu nguồn cội. Hãy sống như đồi núi, vươn tới những tầm cao. Hãy sống như biển trào, để thấy bờ bến rộng.” Và rồi “Hãy sống và ước vọng, để thấy đời mênh mông. Và sao không là gió, là mây, để thấy trời bao la. Và sao không là phù sa, dâng mỡ màu cho hoa.” Những ao ước, những khát vọng tuổi trẻ thật vô cùng ý nghĩa.

Con Đường Đến Trường (Sáng tác : Phạm Đăng Khương) – Kim Linh

Con Đường Đến Trường (Sáng tác : Phạm Đăng Khương) – Kim Linh – YouTube

Nói đến Thầy, đến Cô, ta không thể không nhớ, không nói về ngôi trường mà từ đó ta xuất thân, từ đó ta thu nhận tri kiến thức vào đời, lúc đó ta đã “Một chiều đi trên con đường này/ Hoa điệp vàng trải dưới chân tôi/ Ngập ngừng trong tôi như thầm hỏi/ Đường về trường ôi sao lạ quá”. Không lạ sao được khi ta bắt đầu đến trường theo học. Và sau đó ta lớn khôn, thời gian, không gian, tất cả đã thay đổi, nên bây giờ chỉ còn là kỷ niệm Một lần đi qua con đường này/ Bao kỷ niệm chợt sống trong tôi/ Về lại trong sân ngôi trường này/ Còn đâu đây nỗi nhớ vô bờ. Thật vậy với những ca từ kỷ niệm đó về ngôi trường được bạn Nguyễn Văn Dũng (B1 nk_1965-72) đưa cả hội trường trở về kỷ niệm qua ca khúc “Con đường đến trường” của nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, để “Nhớ nhớ những ngày nơi đây/ Cùng bạn bè sống dưới mái trường này/ Nhớ tiếng nói thầy cô/ Chắp cánh ta bay bay vào cuộc sống” và “Nhớ nhớ mỗi mùa thi qua/ Là một lần ghi dấu trong cuộc đời/ Nhớ ghế đá hàng cây/ Làm bạn cùng tôi mỗi lần đến trường và cũng không thể không nhớ “Nhớ mãi ngày chia tay/ Nụ cười còn xao xuyến lòng ai/ Nhớ mãi ngày chia tay/ Cùng bạn bè đến những miền xa.”

Duy Khánh (1989) | Trường Cũ Tình Xưa (Duy Khánh) | Nhạc Vàng Bất Hủ – YouTube

Nguyễn Văn Dũng đã đưa cả Thầy lẫn trò tìm về những kỷ niệm thân thương của cảnh sắc chung quanh trên “Con đường đến trường”, để rồi khi đến trường ta lại có thêm những kỷ niệm với bạn bè, Thầy Cô, và đặc biệt hơn nữa là khung trời quen thuộc của sân trường những giờ ra chơi, nô đùa cùng bạn bè, trong ngôi trường với mái ngói rêu xanh che phủ… qua một sáng tác của ca nhạc sĩ Duy Khánh mang tên “Trường Cũ Tình Xưa”, với ca từ “Hôm nay tôi trở về thăm trường cũ. Nhiều nét đổi thay tường mái rêu mờ. Bên hiên hằng giờ tìm những bạn xưa. May ra có còn đôi đứa. Vẫn yên vui sống đời học trò…” và rồi “Hôm nay trở lại nhiều khuôn mặt mới/ Thầy đó trường đây bạn hữu đâu rồi? Bao nhiêu kỷ niệm hoa bướm ngày thơ /Vang trong nỗi niềm nhung nhớ/ Có ai đi thương về trường xưa?”…

Qua 5 ca khúc “Bụi Phấn”, “Người Thầy”, “Khát Vọng”, “Con đường đến trường” và “Trường cũ tình xưa”, các cựu học sinh đã đưa ta về với biết bao kỷ niệm một thời là học sinh, nào con đường đến trường với nhiều cảnh sắc tươi đẹp hai bên đường, rồi ngôi trường, sừng sững qua năm tháng với rêu phong bám đầy mái ngói, vách tường. Sân trường ta đùa giỡn với bè bạn mỗi giờ ra chơi, lớp học với bàn ghế quen hơi bút mực, sách vở, cùng bảng đen phấn trắng mà thầy cô ghi chép, giảng dạy, và hơn hết ở đó ta có “Thầy Cô, bạn bè”.

Thật vậy, từ khi mở mắt chào đón cuộc đời, chúng ta đã cảm nhận được tình cảm thiêng liêng vô giá của cha, của mẹ. Rồi năm tháng qua đi, những tình thương ấy nuôi nấng chúng ta nên người nhưng từ khi chập chững bước vào trường lớp học tập, chúng ta được biết thêm trong cuộc đời này, ngoài cha mẹ, chúng ta còn có những người thầy, người cô – những người đã đồng hành, đã dìu dắt chúng ta từ những năm đầu tiên của cuộc đời đi học. Thầy cô đã chắp cánh cho ta những ước mơ, hoài bão tươi đẹp về tương lai, đã cho ta những giấc mơ về sự thành đạt, về công danh, sự nghiệp và cả niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống.

Những điều hay lẽ phải, những nét đẹp trong tâm hồn của mỗi con người đều được khơi nguồn từ tay những người thầy, người cô. Vâng, Thầy Cô và chính thầy cô đã dành một phần cuộc đời mình để trau chuốt, dẫn dắt học sinh lứa này đến lứa kia từng bước đi trên con đường với nhiều chông gai phía trước. Đã có người ví von rằng: “Nghề giáo như nghề chèo đò, phải đưa những con đò đến được bờ bên kia.” Mà Thảo Nguyên đã viết qua sáng tác “Người chèo đò”:

Một đời người – một dòng sông…

Mấy ai làm kẻ đứng trông bến bờ,

“Muốn qua sông phải lụy đò”

Đường đời muôn bước cậy nhờ người đưa …

Tháng năm dầu dãi nắng mưa,

Con đò trí thức thầy đưa bao người.

Qua sông gửi lại nụ cười

Tình yêu xin tặng người thầy kính thương.

Con đò mộc – mái đầu sương

Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày,

Khúc sông ấy vẫn còn đây

Thầy đưa tiếp những đò đầy qua sông…

Thật đúng như vậy. Để làm tròn sứ mệnh cao cả của mình, “người đưa đò’’ đã phải cố gắng giữ làm sao cho con đò được vững chắc. Và có ai biết được rằng, trong suốt chặng đường ấy, họ phải vượt qua bao nhiêu gian nan vất vả. “Người đưa đò” phải dùng hết sức lực của bản thân để chống chọi với “mưa to”, “gió lớn”. Rồi khi đã đưa được khách qua sông, “người đưa đò” lại quay về bến cũ để tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình. Và cứ thế, cứ thế, những người thầy người cô đã dành cả cuộc đời để dạy dỗ cho tất cả những đứa học trò thân yêu của họ, không quản khó khăn, mệt mỏi. Cho dù phải thức khuya để miệt mài soạn giáo án, cho dù ngày này qua ngày kia, thầy cô vẫn chỉ mãi lặp đi lặp lại những công thức, những bài giảng hàng nghìn, hàng vạn lần nhưng thầy cô vẫn không buồn chán, bởi vì trong trái tim thầy cô chỉ có duy nhất một khát khao: uốn nắn, dạy dỗ lớp trẻ hôm nay thành người tốt và hữu ích cho xã hội mai sau, trong đó có chúng ta những cựu học sinh đã và đang có mặt trong buổi tiệc lễ Tri Ân này.

Cuộc sống có biết bao biến đổi nhưng nào đâu làm phai mờ đi được tình cảm của người thầy người cô dành cho học sinh thân yêu của mình. Tình cảm ấy thiêng liêng, cao quý biết nhường nào. Tình yêu thương ấy đã sưởi ấm tâm hồn của biết bao người học sinh trong suốt cả cuộc đời đi học. Nếu một mai tôi không còn là một đứa trẻ, nếu một mai tôi rời khỏi sự ủ ấp của gia đình và nhà trường để tiếp tục bước đi và thử thách mình trên quãng đường còn lại, thì tôi sẽ không quên đâu! Không bao giờ quên công ơn sâu nặng và tình cảm bao la của thầy cô dành cho tất cả học sinh của mình – những đứa con mà họ coi như máu thịt, như một phần của cuộc đời./-

Trần Hoa

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Ký Ức, Thầy Cô. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s