Giải Bóng Đá Thế Giới Qatar 2022 (1) (Ngọc Nhân st và biên soạn)

những điều cần biết về Qatar

FIFA World Cup 2022, là Giải Vô Địch Bóng Đá thế giới năm 2022, được tổ chức tại Qatar, xin được lược qua một vài đặc điểm khi nói về quốc gia này.

Qatar là quốc gia thuộc về châu Á, khu vực Tây Nam Á, phía đông của bán đảo Ả Rập. Qatar chỉ có đường biên giới trên bộ với Ả Rập Xê Út về phía nam, vịnh Ba Tư bao quanh phần còn lại của quốc gia này. Một eo biển thuộc vịnh Ba Tư chia tách Qatar khỏi đảo quốc láng giềng Bahrain, ngoài ra, đất nước này còn có biên giới hàng hải với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) ở phía nam và Iran ở phía tây.

Sau thời gian nằm dưới quyền cai trị của Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ), và sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bắt nguồn tại châu Âu từ ngày 28 tháng 7 năm 1914 đến ngày 11 tháng 11 năm 1918, Qatar trở thành một lãnh thổ bảo hộ thuộc vương quốc Anh trong suốt 55 năm kể từ ngày 3 tháng 11 năm 1916 (đầu thế kỷ 20) đến khi tuyên bố độc lập vào ngày 1 tháng 12 năm 1971, và chính thức độc lập khỏi sự bảo hộ của vương quốc Anh kể từ ngày 3 tháng 12 năm 1971. Nhưng Qatar từ chối gia nhập Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE) và trở thành một quốc gia hoàn toàn độc lập. Nhưng Ngày Quốc khánh 18.12.1878 của Qatar được chọn và đánh dấu là ngày kế vị của Sheikh Jassim Bin Mohammed Al Thani, người sáng lập (khai quốc) của đất nước Qatar, người cai trị Qatar trong giai đoạn đầu thế kỷ 19 (1878–1913). Ông điều hành các công việc của đất nước cùng với người cha già của mình, Sheikh Mohammed Bin Thani, vào năm 1876. Sau khi cha ông qua đời vào ngày 18 tháng 12 năm 1878, ông lên thay.

Năm 2013, cựu vương Hamad bin Khalifa Al Thani nhường ngôi cho con đồng thời cũng là Quốc vương Qatar hiện nay Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani. Ông sinh ngày 3 tháng 6 năm 1980, là vị vua thứ tám và hiện tại của Qatar. Ông là con trai thứ tư của Emir (vua), Hamad bin Khalifa Al Thani. Ông trở thành Emir (vua) của Qatar kể từ ngày 25 tháng 6 năm 2013. Ông đã nắm giữ nhiều vị trí trong chính phủ Qatar và cũng đã quảng bá nhiều sự kiện thể thao lớn, quan trọng của Qatar. Kể từ năm 2013, Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani là quốc vương trị vì một đất nước trẻ nhất và là vị quốc vương trẻ nhất hiện nay trên toàn thế giới và cả trong số các quốc gia thuộc khối GCC – một liên minh chính trị và kinh tế của tất cả các quốc gia Ả Rập ở Vịnh Ba Tư. Phó quốc vương là Abdullah bin Hamad bin Khalifa Al Thani. Và ngôi vị thứ hai của Qatar sau quốc vương là Thủ Tướng, hiện nay là Ngài Khalid bin Khalifa bin Abdul Aziz al-Thani, nhậm chức từ ngày 28.1.2020.

Qatar theo chế độ quân chủ thế tập, quốc vương là nguyên thủ quốc gia cao nhất đồng thời là biểu tượng của đất nước. Năm 2003, hiến pháp Qatar đã được chấp thuận thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý, với kết quả áp đảo là gần 98% người dân nước này ủng hộ và được áp dụng kể từ năm 2005.

Đất nước Qatar rộng khoảng 11.500 km2, phần lớn là sa mạc cát xốp, bằng phẳng, không cây cối. Đây là quốc gia hiếm hoi không có rừng, và là 1 trong số 4 quốc gia trên thế giới không có rừng, 3 nước còn lại là San Marino, Greenland và Oman, bởi phần lớn diện tích Qatar là sa mạc và hoang mạc.

Tính đến đầu năm 2017 thì tổng dân số của Qatar vào khoảng 2,6 triệu người, trong đó khoảng 313.000 người là công dân Qatar (12%), 88% số còn lại là ngoại kiều, bao gồm cả người lao động nhập cư. Trong đó đông nhất là người Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Philippines, Ai Cập, Sri Lanka và Pakistan. Riêng người Việt Nam, trong giai đoạn cao điểm 2005-2008, có khoảng 10.000 người, chủ yếu là công nhân lao động ở Qatar. Về sau số lượng này giảm dần, đến năm 2016 còn khoảng 2.000 người Việt và hiện nay vào khoảng 550 người, phần đông vẫn là công nhân lao động.

Điều đặc biệt ở Qatar là độ chênh lệch giữa nam và nữ rất lớn, vào khoảng 2/3 là nam giới và trẻ em chỉ khoảng 1/3 là nữ giới. Hồi giáo là tôn giáo chính thức của Qatar. Thủ đô và thành phố lớn nhất Qatar là Doha với khoảng 75% dân số của cả quốc gia này sống ở đây và các vùng ngoại ô. Doha cũng là trung tâm chính trị và kinh tế của cả nước.

Qatar thay đổi diện mạo quốc gia nhỏ bé hoang mạc này kể từ thập niên 1940, khi phát hiện có dầu mỏ. Cũng từ đó Qatar sở hữu một nền kinh tế thị trường với thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới gần 100.000 USD/năm theo thống kê của Ngân hàng Thế Giới (World Bank), và là một quốc gia phát triển, dựa trên nền tảng là trữ lượng khí đốt thiên nhiên được ước tính lớn thứ 3 thế giới cùng nguồn tài nguyên dầu mỏ khổng lồ. Qatar được Liên Hợp Quốc xếp hạng là quốc gia có chỉ số phát triển con người rất cao và được coi là quốc gia Ả Rập tiên tiến nhất để phát triển con người.

Ngôn ngữ tiếng Anh khá phổ biến ở đất nước này, nhưng tiếng Ả Rập vẫn là ngôn ngữ chính thức. Còn phương ngữ lớn nhất là tiếng Ả Rập-Qatar. Do dân nhập cư đông đảo đến từ khắp nơi trên thế giới, nên Qatar có một nền văn hóa khá phong phú, đa dạng, tuy chịu ảnh hưởng lớn của Hồi giáo. Một điểm khá đặc biệt là Qatar tính đến nay, được xem là nơi sở hữu nhiều tác phẩm nghệ thuật lớn của thế giới. Các ông chủ dầu lửa giàu có tại Qatar đã tập hợp cho mình những bộ sưu tập nghệ thuật với giá rất cao. Nếu xét về giá trị tiền bạc thì Qatar là khách hàng lớn nhất thế giới trong thị trường nghệ thuật. Là quốc gia giàu có, thừa thãi dầu mỏ cùng khí đốt, nhưng Qatar lại phải nhập khẩu hầu như toàn bộ thực phẩm. Ngành nuôi trồng chủ yếu chỉ tiến hành trong điều kiện nhân tạo.

Là đất nước giàu có, các tỷ phú người Qatar cũng sở hữu nhiều khối tài sản lớn tại nước ngoài, trong đó nhiều nhất là tại vương quốc Anh. Qatar là đất nước có hãng Hàng không tốt và đắt đỏ nhất thế giới: Qatar Airways. Hãng Qatar Airways luôn tự hào là một trong những hãng hàng không trẻ nhất toàn cầu phục vụ các đường bay đến cả sáu lục địa. Mỗi ngày có khoảng hơn 160 điểm đến quốc tế từ sân bay căn cứ của hãng – sân bay 5 sao quốc tế Hamad tại Doha. Hãng Qatar Airway chính thức ra mắt vào năm 1997, nhưng đã giành được nhiều giải thưởng và danh hiệu cao quý, trở thành một trong những hãng hàng không ưu tú trên toàn thế giới được xếp hạng 5 sao bởi Skytrax (1). Được Skytrax bình chọn là Hãng hàng không của năm vào các năm 2011, 2012, 2015, 2017, 2019 và gần đây nhất là năm 2021. Hãng Qatar Airways vào năm 2017 đã vượt qua hãng Emirates – một hãng hàng không quốc gia thuộc nhà nước có trụ sở tại Garhoud, Dubai, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, để giành danh hiệu hãng hàng không tốt nhất thế giới.

Là một quốc gia trong khối Ả Rập, Qatar cũng được biết đến với sự quản lý xã hội chặt chẽ. Tội phạm hình sự hầu như ít xuất hiện tại đây. Người ta tính rằng, trong vòng 10 năm cũng chỉ bắt được 1 kẻ trộm vặt. Dĩ nhiên, kẻ trộm xấu số đó lập tức bị trừng trị nghiêm khắc. Là quốc gia giàu có, phúc lợi cao nên nền giáo dục ở đây rất phát triển.

Về giáo dục, Qatar đã thuê RAND Corporation (2) của Hoa Kỳ để hỗ trợ cải cách hệ thống giáo dục 12 năm của mình. Thông qua Qatar Foundation, quốc gia này cho xây dựng Education City (thành phố giáo dục), tại đó có các chi nhánh địa phương của Học viện Y Weill Cornell (3A), Trường Khoa học máy tính Carnegie Mellon (3B), Trường Ngoại vụ Đại học Georgetown (3C), Trường Báo chí Đại học Northwestern (3D), Trường Công nghệ Đại học Texas A&M (3E), Đại học Nghệ thuật Khối thịnh vượng chung Virginia (3F) và các học viện phương Tây khác.

Tỷ lệ mù chữ tại Qatar đối với nam giới là 3,1% và 4,2% đối với nữ giới theo số liệu năm 2012, đây là mức thấp nhất trong thế giới Ả Rập, đứng hàng thứ 86 trên thế giới. Các công dân được yêu cầu theo học tại cơ sở giáo dục công lập từ mầm non đến trung học. Đại học Qatar được thành lập vào năm 1973, và là cơ sở lâu năm nhất, lớn nhất toàn quốc về giáo dục bậc đại học.

Năm 2008, Qatar cho lập Công viên Khoa học & Kỹ thuật Qatar tại Education City (thành phố giáo dục) nhằm liên kết các đại học này với ngành công nghiệp. Education City còn có trường tú tài quốc tế được công nhận hoàn toàn, Viện Hàn lâm Qatar. Ngoài ra, hai cơ sở của Canada (Gia Nã Đại) là Học viện North Atlantic (3G) (trụ sở tại Newfoundland và Labrador) và Đại học Calgary (3H) đã khánh thành khu học xá của họ tại Doha. Cũng có các đại học phi lợi nhuận khác lập khu học xá tại Doha.

Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất tại Qatar, cả về số vận động viên và khán giả. Ngay sau khi Liên đoàn bóng đá Qatar được kết nạp vào FIFA vào năm 1970, một trong những giải thưởng quốc tế sớm nhất của Qatar vào năm 1981 khi đội tuyển U-20 của Qatar giành ngôi vị á quân trước đội Tây Đức tại giải vô địch thế giới năm 1981 sau khi bị đánh bại 4-0 trong trận chung kết. Ở cấp độ cao, Qatar đã là chủ nhà tới 2 lần tổ chức giải của AFC Asian Cup; lần đầu tiên là AFC Asian Cup năm 1988 và AFC Asian Cup năm 2011. Lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước, đội tuyển bóng đá quốc gia Qatar đã vô địch AFC Asian Cup 2019 được tổ chức tại UAE, đánh bại Nhật Bản 3-1 trong trận chung kết. Họ đã thắng cả 7 trận đấu chỉ để thủng lưới một bàn duy nhất trong suốt giải đấu.

Qatar sở hữu câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Pháp là Paris Saint-Germain thường được gọi là Paris Saint-Germain, Paris SG hoặc đơn giản là PSG, là một câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp có trụ sở tại Paris, Pháp. Qatar còn có kênh thể thao beIN – một mạng lưới kênh thể thao toàn cầu được sở hữu và điều hành bởi beIN Media Group, một phần của Al-Jazeera Media Network (hãng thông tấn nhà nước Qatar). beIN hiện đang điều hành các kênh ở Trung Đông & Bắc Phi, Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, Thổ Nhĩ Kỳ, Hồng Kồng, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan.

Tháng 2 năm 2010, Qatar giành được quyền đăng cai Giải bóng đá vô địch thế giới 2022 (FIFA World Cup 2022), dù trước đó quốc gia này chưa lần nào được vào vòng chung kết của giải đấu. Qatar giành quyền đăng cai tổ chức World Cup 2022 đã được chào đón nhiệt tình ở khu vực Vịnh Ba Tư vì đây là lần đầu tiên một quốc gia ở Trung Đông được chọn để tổ chức giải đấu này. Tuy nhiên, quyền được đăng cai đã bị lôi kéo vào nhiều tranh cãi, bao gồm các cáo buộc hối lộ, và can thiệp vào cuộc điều tra về những cáo buộc hối lộ. Các hiệp hội bóng đá châu Âu cũng phản đối World Cup 2022 được tổ chức tại Qatar vì nhiều lý do, từ tác động của nhiệt độ đến thể lực của cầu thủ đến sự gián đoạn có thể gây ra trong quá trình thi đấu nội địa châu Âu trong mùa đông. Vào tháng 5 năm 2014, quan chức bóng đá Qatar Mohammed bin Hammam đã bị buộc tội thanh toán tổng cộng 3 triệu bảng Anh cho các quan chức FIFA để đổi lấy sự ủng hộ của họ. Tuy nhiên, một cuộc điều tra của FIFA về quy trình đấu thầu vào tháng 11 năm 2014 đã xóa sạch mọi hành vi sai trái của Qatar.

Phụ chú: tất cả các phụ chú trong bài xin xem thêm ở bài kế.

Ngọc Nhân st và biên soạn

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Đời Sống, Xã Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s