
World Cup, là giải FIFA World Cup, tức Giải Vô Địch bóng đá thế giới hoặc Cúp Bóng Đá “chuyên nghiệp” thế giới, do Liên đoàn Bóng đá Quốc tế (FIFA) tổ chức với chu kỳ 4 năm 1 lần cho tất cả các đội tuyển bóng đá quốc gia của những nước thành viên FIFA. Giải lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1930, nhưng bị gián đoạn 2 lần vào các năm 1942 và 1946 do Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Người đề xuất và thuyết phục các liên minh để thúc đẩy giải đấu bóng đá quốc tế này là Ông Jules Rimet (1), người Pháp, sanh tại Theuley, Franche-Comté, Pháp ngày 14.10.1873 và mất tại Suresnes, Île-de-France, Pháp, ngày 16.10.1956. Hưởng thọ 83. Ông thời gian ấy, là Chủ Tịch của Liên đoàn bóng đá Pháp trong suốt 26 năm từ 1919 đến 1945 và là Chủ Tịch FIFA trong suốt 33 năm từ năm 1921 cho đến năm 1954.
World Cup là giải thể thao, giải đấu bóng đá quốc tế lớn nhất hành tinh. Đây là giải thể thao siêu hấp dẫn nhất, thu hút sự quan tâm đông đảo với số lượng người xem nhiều nhất, hơn cả các Giải Thế vận hội Olympic (OL).
Sau khi FIFA được thành lập vào năm 1904, tổ chức này đã cố gắng sắp xếp một giải đấu bóng đá chuyên nghiệp quốc tế giữa các quốc gia bên ngoài khuôn khổ Olympic vào năm 1906. Vào mùa Thế vận hội Mùa hè 1908 ở London, bóng đá đã trở thành một cuộc thi chính thức.
Năm 1914, FIFA đã công nhận giải bóng đá ở Olympic là “giải vô địch bóng đá thế giới dành cho người nghiệp dư” và chịu trách nhiệm quản lý giải này. Từ đó các cuộc thi bóng đá liên lục địa đầu tiên trên thế giới được khởi sự và tại Thế vận hội Mùa hè 1920, với các trận đấu gồm đội nước Ai Cập và 13 đội châu Âu, chiến thắng cuối cùng thuộc về Bỉ. Quốc gia Uruguay – nằm phía đông nam châu Mỹ đã giành được huy chương vàng ở hai giải đấu bóng đá Olympic liên tục vào năm 1924 và 1928. Đó cũng là hai giải vô địch thế giới đầu tiên, vì năm 1924 là khởi đầu của kỷ nguyên bóng đá chuyên nghiệp của FIFA.
Sau 21 lần tổ chức (tính đến năm 2018), thì đội bóng quốc gia Ba Tây (Brasil) là đội duy nhất tham dự đủ 21 vòng chung kết với 5 lần vô địch. Tiếp đến là Đức và Ý với 4 lần vô địch. Sau nữa là Argentina (Á Căn Đình), Pháp và Uruguay cùng có 2 lần vô địch. Chỉ Anh và Tây Ban Nha mỗi nước đều có một lần vô địch (2).
Trong 21 lần tổ chức có Brasil (Ba Tây), Pháp, Ý, Đức và Mexico (Mễ Tây Cơ) đã từng tổ chức hai lần, trong khi Uruguay, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Chile (Chí Lợi), vương quốc Anh, Argentina (Á Căn Đình), Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc (đồng chủ nhà), Nam Phi và Nga từng tổ chức một lần. Và năm nay Qatar là quốc gia tổ chức giải lần thứ 22 và kỳ tới lần thứ 23 vào năm 2026 sẽ được đồng tổ chức bởi Canada (Gia Nã Đại), Hoa Kỳ và Mexico (Mễ Tây Cơ). Trong đó Mexico trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng cai ba kỳ World Cup, Hoa Kỳ 2 lần và Gia Nã Đại là quốc gia đầu tiên tổ chức Giải Vô Địch Bóng Đá.
Sau sự thành công của các giải đấu bóng đá Olympic, FIFA được sự thúc giục bởi chủ tịch Jules Rimet, một lần nữa bắt đầu xem xét việc tổ chức giải đấu bóng đá quốc tế riêng biệt ngoài Thế vận hội. Vào ngày 28 tháng 5 năm 1928, Đại hội FIFA tại thủ đô Amsterdam, Hòa Lan đã quyết định tổ chức một giải vô địch bóng đá thế giới. Với việc Uruguay đã hai lần vô địch trong hai kỳ Olympic gần nhất (1924 và 1928) cũng như để đánh dấu kỷ niệm 100 năm độc lập của quốc gia này vào năm 1930, FIFA đã chọn Uruguay là nước chủ nhà của giải đấu.
Trong các giải đấu từ năm 1934 đến 1978, 16 đội thi đấu tại vòng chung kết, ngoại trừ năm 1938, khi Áo bị sáp nhập vào Đức sau vòng loại, do đó chỉ còn 15 đội và năm 1950, khi Ấn Độ, Scotland và Thổ Nhĩ Kỳ rút lui, giải đấu chỉ còn 13 đội. Nhưng giải đấu được mở rộng thành 24 đội vào năm 1982 và sau đó tăng lên 32 đội vào năm 1998. 99 đội đã tham dự vòng loại World Cup 2002; 198 quốc gia đã thi đấu tại vòng loại World Cup 2006, trong khi kỷ lục về số quốc gia tham dự vòng loại là 214 ở giải năm 2018.
Nhưng vào tháng 10 năm 2016, chủ tịch FIFA, Ông Gianni Infantino tuyên bố ủng hộ tăng số đội World Cup lên 48 đội vào năm 2026. Và FIFA vào ngày 10 tháng 1 năm 2017, đã xác nhận World Cup 2026 sẽ có 48 đội vào chung kết.
Phụ chú (1):

Jules Rimet (sanh ngày 14 tháng 10 năm 1873 – mất ngày 16 tháng 10 năm 1956) là chủ tịch của Liên đoàn bóng đá Pháp từ 1919 đến 1945 và là chủ tịch thứ 3 của FIFA từ 1921 đến 1954. và là vị chủ tịch FIFA có nhiệm kỳ liên tục và thâm niên nhất với 33 năm. Ông sinh tại Theuley-les Lavoncourt, Pháp. Nhưng Ông mất tại Suresnes, Pháp năm 1956, một năm sau khi được đề cử giải Nobel Hoà bình.
Nhờ có sáng kiến của Jules Rimet khi thấy được những thành công của bóng đá tại Olympic, World Cup bóng đá đầu tiên được tổ chức năm 1930. Do đó, Cúp vàng FIFA trước đây được mang tên Cúp vàng Jules Rimet cho đến năm 1970. Ông cũng là người sáng lập ra một trong những đội bóng lâu đời nhất của Pháp: Red Star Saint-Ouen câu lạc bộ bóng đá Pháp được thành lập ở Paris năm 1897.
Năm 2004, ông được FIFA truy tặng Kỷ niệm chương FIFA (3).
Phụ chú (2):
Cúp Jules Rimet: Ba Tây (Brazil) [3 lần] vào các năm 1958, 1962, 1970. Ý [2 lần] vào năm 1934, 1938. Uruguay [2 lần] vào năm 1930, 1950. Tây Đức [1 lần] vào năm 1954 và vương quốc Anh [1 lần] vào năm 1966.
Cúp FIFA World Cup: Ba Tây (Brazil) [2 lần] vào các năm 1994, 2002. Á Căn Đình [2 lần] vào năm 1978, 1986. Ý [2 lần] vào năm 1982, 2006. Tây Đức [3 lần] vào các năm 1974, 1990 và 2014, Pháp [2 lần] vào năm 1998 và 2018. Tây Ban Nha [1 lần] vào năm 2010. Pháp hiện là đương kim vô địch sau khi đoạt giải FIFA World Cup lần thứ 21 vào năm 2018 tại Nga.
Phụ chú (3):
Kỷ niệm chương FIFA: là giải thưởng cao quý nhất của Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA), được FIFA trao hàng năm và thường được trao cho các cá nhân có những đóng góp đặc biệt cho bóng đá.
Tại cuộc họp kỷ niệm 100 năm FIFA (năm 2004), FIFA quyết định mỗi thập kỷ tồn tại của FIFA sẽ trao tặng một giải thưởng. Như vậy có tất cả 10 giải thưởng được trao cho các cổ động viên, tổ chức, câu lạc bộ và một giải cho Bóng đá châu Phi. Các giải thưởng này được gọi là Kỷ niệm chương 100 năm FIFA.
Người được giải không nhất thiết phải có hoạt động trực tiếp tới bóng đá. Một trong những cá nhân nổi tiếng nhận giải là Nelson Mandela (4), người đã giúp Nam Phi trở lại với bóng đá quốc tế.
Trước đây đã có nhiều cá nhân, tổ chức… nhận Kỷ niệm chương FIFA, nhưng năm 2004 là năm có nhiều Kỷ niệm chương được trao tặng nhất.
Người, tổ chức… nhận Kỷ Niệm Chương FIFA năm 2004.

Cầu thủ: Franz Beckenbauer (Đức), Pelé (tên đầy đủ là Edson Arantes do Nascimento, người Ba Tây), Lee Ramoon (Quần đảo Cayman), Johnny Warren (Úc).
Quan chức bóng đá: João Havelange (Ba Tây), Jules Rimet (Pháp)
Câu lạc bộ bóng đá: Real Madrid (Tây Ban Nha), Sheffield F.C. (Anh)
Tổ chức: Adidas (nhà sản xuất dụng cụ thể thao của Đức), Coca-Cola (công ty đồ uống và là nhà sản xuất đồ uống Hoa Kỳ), Association Internationale de la Presse Sportive (Pháp)
Khác: Có 6 tổ chức được trao tặng.
1. Liên đoàn bóng đá châu Phi (Confédération Africaine de Football – CAF) là một trong sáu liên đoàn bóng đá cấp châu lục, điều hành bóng đá ở Châu Phi, được thành lập ngày 19 tháng 8 năm 1957.
2. Hiệp hội bóng đá Uruguay.
3. Cổ động viên Nhật Bản.
4. Cổ động viên Hàn Quốc.
5. International Football Association Board (Ủy ban Bóng đá Quốc tế (International Football Association Board – IFAB) là cơ quan quản lý Luật bóng đá. IFAB được thành lập vào năm 1886 để chấp thuận các Luật tiêu chuẩn cho các giải đấu quốc tế và từ đó IFAB đóng vai trò là “người bảo vệ” cho các Luật được sử dụng trên toàn thế giới.
6. Đài Truyền hình.
Phụ chú (4):

Nelson Mandela, tên đầy đủ là Nelson Rolihlahla Mandela sanh ngày 18 tháng 7 năm 1918 và mất vào ngày 5 tháng 12 năm 2013. Ông là vị Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi từ năm 1994 đến năm 1999 và là vị tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu. Trước khi trở thành tổng thống, ông là nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid (chủ nghĩa phân biệt chủng tộc).
Ông bị bắt giữ vào năm 1962, bị buộc tội phá hoại chính trị cùng các tội danh khác và bị tuyên án tù chung thân. Trải qua 27 năm trong tù, phần lớn thời gian ở tại đảo Robben, ông được trả tự do vào ngày 11 tháng 2 năm 1990. Sau đó ông đã lãnh đạo Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) trong cuộc thương nghị để tiến tới một nền dân chủ đa sắc tộc vào năm 1994. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình từ năm 1994 đến 1999, ông luôn quan tâm và thường ưu tiên nhất cho vấn đề hòa giải dân tộc.
Ông là vị Tổng thống đắc cử lớn tuổi nhất của Nam Phi khi ông nhậm chức vào năm 1994, lúc ông ở tuổi 75, và ông đã quyết định không tranh cử nhiệm kỳ thứ hai và nghỉ hưu vào năm 1999, người kế nhiệm ông là Thabo Mbeki trước đó là phó Tổng Thống trong nhiệm ký của ông. Tới nay, ông là vị lãnh tụ của Cộng hòa Nam Phi, được coi là một trong những người có ảnh hưởng nhất trong lịch sử đất nước này. Ông từ trần vào ngày 5 tháng 12 năm 2013 tại thành phố Johannesburg (Nam Phi), hưởng thọ 95 tuổi.
Ngọc Nhân st và biên soạn