Giải Vô Địch Bóng Đá Thế Giới và bạn tôi (Hoa Bắc cực)

* Viết để tưởng nhớ người bạn cầu thủ Phạm Ngọc Thanh

* và vui cùng với thằng bạn xứ chuột túi… áo vàng

Chúng tôi những học sinh vào lớp Đệ Thất trường Phổ Thông Trung Học Phan Châu Trinh ở thành phố Đà Nẵng năm 1966 từ nhiều trường Tiểu Học trong thành phố như Lê Quý Đôn ở đường Trưng Nữ Vương, Hòa Vang khu vực Chợ Mới, trường Nam tiểu học nằm đối diện trường Phan Châu Trinh cũ… và thêm một số bạn đến từ quận 3 bên kia sông Hàn, …

Lớp của chúng tôi lúc ấy vào khoảng 60 học sinh ngồi ở 4 dãy bàn, mỗi bàn 3 học sinh… tôi, Thái Văn Lành, Lê Quang Chính, Lê Hữu Sinh, Nguyễn Hữu Hùng, Nguyễn Công Dược, Huỳnh Thông … ngồi ở dãy bàn 3 tính từ ngoài hành lang vào… còn Nguyễn Quang Định, Tôn Thất Hòa Bình, Nguyễn Văn Đoàn… ngồi ở dãy 2…

Khi mới vào thì chúng tôi thường chơi chung với các bạn quen biết từ trường tiểu học nơi mình theo học, với nhiều sinh hoạt khác biệt cả về thể thao, như tôi, Huỳnh Thông, Hữu Sinh, Quang Chính bóng rổ … Trần Cao Nguyên (mất hay còn chưa biết được) – một tay “cự phách” bóng bàn… Rồi còn nhiều đứa bạn khác chơi túc cầu (đá bóng, đá banh) mà thường là những đứa ở gần và chung quanh sân vận động Chi Lăng, phần lớn là những đứa từ trường tiểu học Thạc Gián (xưa, nằm ở ngã ba Cai Lang, bên trái là đường Thống Nhất, nay là Lê Duẩn, bên phải là Lý Thái Tổ), trong đó có bạn Phạm Ngọc Thanh – tạm gọi là một cầu thủ lúc đó. Nhưng không may bạn ấy qua đời vào khoảng tháng 8 năm 1972 vì căn bệnh đúng ra có thể điều trị được!? Mà Nguyễn Quang Định trong một lần về Việt Nam năm 2005 đã cùng Trương Như Ty (đã mất), Nguyễn Văn Hý (đã mất), Nguyễn Văn Dũng (đã mất) và Nguyễn Phước Lâm (Lâm kho đạn) cùng đứa em trai của PNThanh là Đức đưa đi thăm ở vùng Điện Bàn.

Không chỉ nhắc đến PNThanh mà tôi muốn nhắc đến các thằng bạn của tôi, trong đó có Nguyễn Hữu Hùng nhà lúc xưa ở đường Ông Ích Khiêm phía sau nhà là đường rầy xe lửa, học trường tiểu học Bồ Đề Tĩnh Hội cũng ở đường Ông Ích Khiêm mà tên ngày nay gọi là Chùa Pháp Lâm. NH Hùng hiện đang cư ngụ tại Melbourne, là thủ phủ, thành phố lớn nhất của bang Victoria, nằm phía đông nam, và là thành phố lớn thứ hai ở Úc sau Sidney (nằm ở bờ biển phía đông nam của Úc thuộc bang New South Wales). Nói đến hay viết về thằng bạn này thì ôi thôi có nhiều thứ để viết và kể lắm, nhưng trong phạm vi bài này, tôi muốn viết về Úc với đội tuyển túc cầu tham dự WORLD CUP ở Qatar 2022. Một đội tuyển mang biệt danh (thuật ngữ): Socceroos. Biệt danh này được nhà báo Sydney Tony Horstead đặt ra vào năm 1967 trong bài đưa tin về đội tuyển quốc gia Úc dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên Joe Vlasits, trong chuyến đi thiện chí / du đấu đến miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cộng Hòa) thời Chiến tranh Việt Nam. Một đội bóng với bộ áo quần thi đấu khi ra sân không giống như nhiều đội tuyển quốc gia khác dựa trên màu sắc của lá cờ, đội tuyển Úc sử dụng màu sắc của một loại cây đặc trưng của nước Úc – “cây keo”, cây có lá màu xanh lục (quần) và hoa màu vàng (áo), tất màu trắng.

Trước đây đội tuyển Úc là một thành viên của Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương nhưng đến năm 2006, Úc đã xin kết nạp làm thành viên của Liên đoàn bóng đá châu Á. Năm 2013, Úc trở thành thành viên chính thức của Liên đoàn bóng đá ASEAN (AFF), nghiễm nhiên trở thành đội tuyển số một khu vực Đông Nam Á cho đến nay.

Lần vào chung kết giải bóng đá thế giới năm nay ở Qatar có tất cả 32 đội, Âu châu 13 đội, Bắc và Nam Mỹ có 8 đội, Phi châu có 5 đội, và vùng Trung Động có 3 đội, riêng khu vực Đông Nam Châu Á có 3 nước đại diện tham dự, đó là Úc ở nhóm D, Nhật ở nhóm E, Nam Hàn ở nhóm H.

Ở nhóm D, đội tuyển Úc gặp 3 đội là (1) Pháp, (2) Đan Mạch và (3) Tunisia.

1. Đội tuyển Pháp là đội đương kim vô địch mùa Giải năm 2018 tại Nga. Ngoài ra Pháp còn đoạt được hai giải FIFA World Cup, hai giải UEFA Euro, hai giải FIFA Confederations Cup, một giải CONMEBOL–UEFA Cup of Champions và một danh hiệu UEFA Nations League.

Đội tuyển Pháp là một trong 4 đội châu Âu tham dự World Cup khai mạc năm 1930. 28 năm sau, đội do Raymond Kopa và Just Fontaine dẫn dắt đã về đoạt vị trí thứ ba tại Giải vô địch bóng đá thế giới năm 1958.

Năm 1984, dưới sự dẫn dắt của cầu thủ từng ba lần giành Quả bóng vàng Michel Platini, Pháp đã vô địch UEFA Euro 1984 (danh hiệu chính thức đầu tiên), một CONMEBOL–UEFA Cup of Champions (1985) và lọt vào hai trận bán kết World Cup khác vào năm 1982 và 1986.

Dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên và là cựu cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp người Pháp, ông Didier Deschamps, và với cầu thủ tiền vệ, tấn công Zinedine Zidane trên sân bóng, đội tuyển Pháp đã đoạt danh hiệu vô địch FIFA World Cup vào năm 1998 và đăng quang tại UEFA Euro 2000. Ngoài ra đội tuyển Pháp còn đoạt được Cúp Liên đoàn các châu lục vào năm 2001 và 2003. Ba năm sau, Pháp lọt vào trận chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới 2006, nhưng thua đội tuyển Ý tỷ số 5–3 trong trận phạt đền. Mười năm sau, đội lọt vào trận chung kết UEFA Euro, và thua Bồ Đào Nha 1–0 trong hiệp phụ. Hai năm sau, Pháp đánh bại Croatia 4–2 trong trận chung kết vào ngày 15 tháng 7 năm 2018 tại Nga và đây là lần thứ hai Pháp giành Giải vô địch bóng đá thế giới. Đội tuyển Pháp là đội tuyển quốc gia châu Âu đầu tiên vô địch tất cả các giải đấu cấp cao của FIFA và liên đoàn sau khi giành chức vô địch UEFA Nations League vào tháng 10 năm 2021.

2. Đan Mạch là đội đoạt huy chương vàng môn Bóng đá nam ở Thế vận hội Olympics mùa hè năm 1906 hay Thế vận hội xen kẽ 1906 – một sự kiện thể thao được tổ chức tại Athens, Hy Lạp, và giành huy chương bạc tại Thế vận hội 1908 ở vương quốc Anh và 1912 tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Tuy nhiên, Đan Mạch đã không tham dự FIFA World Cup cho mãi đến năm 1986, mặc dù họ đã giành được một huy chương bạc Olympic vào năm 1960 được tổ chức tại thủ đô Roma của Ý. Nhưng nhờ đoạt giải vô địch bóng đá châu Âu năm 1992 tại Thụy Điển, khi đánh bại đương kim vô địch Hòa Lan trong trận bán kết và Đức trong trận chung kết. Từ đó đội tuyển Đan Mạch được giới hâm mộ bóng đá lưu tâm, để ý nhất.

Cúp “King Fahd Cup 1995” được biết đến với tên gọi “Cúp Nhà vua Fahd 1995 là giải đấu lần thứ 2 và là lần cuối cùng mang tên này trước khi FIFA đổi tên giải này thành “Cúp Liên đoàn các châu lục”, được diễn ra ở Ả Rập Xê Út vào tháng 1 năm 1995, và đội tuyển Đan Mạch đã đoạt giải vô địch sau khi thắng đương kim vô địch Argentina với tỷ số 2–0 ở trận chung kết.

Thành tích tốt nhất World Cup của đội tuyển Đan Mạch là vào tứ kết năm 1998, khi thua Ba Tây với tỷ số 3–2 trong trận tứ kết. Đan Mạch cũng lọt vào vòng 1/16 vào các năm 1986, 2002 và 2018.

3. Đội tuyển Tunisia có thành tích tốt nhất cho đến nay là chức vô địch Cúp bóng đá châu Phi 2004 và tấm huy chương bạc của đại hội Thể thao toàn Phi châu vào năm 1991.

Từ năm 1930 đến 1958, Tunisia không tham dự bóng đá thế giới vì lúc đó Tunisia là thuộc địa của Pháp. Đến năm 1962, 1970 và 1974 thì không vượt qua vòng loại nhưng tính đến nay, đội tuyển Tunisia có 5 lần tham dự các vòng chung kết Giải bóng đá vô địch thế giới, tuy nhiên đều không vượt qua vòng bảng.

Nhìn qua các đội tuyển trong nhóm D này là các đội tuyển ít ra cũng khá mạnh, nhưng đội tuyển Úc trong trận đầu đã thua Pháp với tỷ số 4-1 ngày 22.11.2022, nhưng sau đó đã lấy lại phong độ cũng như thay đổi chiến thuật, thắng Tunisia với tỷ số 1-0 vào ngày 26.11.2022 và cuối cùng thắng Đan Mạch với tỷ số 1-0 vào ngày 30.11.2022. Kết thúc bảng D World Cup 2022, đội tuyển Pháp giữ ngôi vị đầu bảng với 6 điểm, Úc có cùng 6 điểm nhưng đứng nhì bảng vì thua hiệu số. Đây là hai đội giành quyền vào vòng 1/8, trong khi Đan Mạch và Tunisia có cùng 1 điểm bị loại.

Vì đứng vị trí số 2 trong bảng nhóm D, đội tuyển Úc phải gặp đội đứng nhất Á Căn Đình, một đội tuyển khá mạnh của vùng Nam Mỹ, đứng đầu bảng nhóm C với 6 điểm.

Đội tuyển Á Căn Đình đã 2 lần vô địch thế giới vào các năm 1978 và 1986 (năm có cầu thủ lừng danh Diego Maradona, được coi là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của lịch sử, ông là một trong hai người cùng nhận giải Cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ 20 của FIFA. Ông mất ngày 25 tháng 11 năm 2020. Hưởng thọ 60 tuổi). Đội cũng đã đoạt 15 lần vô địch khu vực Nam Mỹ, 5 tấm huy chương vàng của Đại hội Thể thao liên Mỹ, cùng một huy chương bạc của Thế vận hội Mùa hè 1928 tại Amsterdam, Hòa Lan. Đội tuyển Á Căn Đình còn đoạt giải vô địch Cúp Liên lục địa vào năm 1992. Còn về thế vận hội mùa hè, thì đội tuyển Olympic Argentina đã lên ngôi 2 lần, một lần ở Olympic Athens, Hy Lạp năm 2004 và lần hai ở Bắc Kinh năm 2008.

Hiện nay khi ra sân, đội tuyển Á Căn Đình lúc nào cũng có cầu thủ Daniel Messi là đội trưởng. Một cầu thủ xuất sắc nhất thế giới hiện nay và là một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại, Messi đã giữ kỷ lục 7 lần giành Quả bóng vàng, 6 lần giành Chiếc giày vàng châu Âu và vào năm 2020 được xếp vào Ballon d’Or Dream Team. Trước khi rời câu lạc bộ Barcelona, Tây Ban Nha vào năm 2021, anh đã cống hiến toàn bộ sự nghiệp của mình cho Barcelona, tại đây anh đã giành được kỷ lục 35 danh hiệu cấp câu lạc bộ, bao gồm 10 La Liga, 7 Copa del Rey và 4 UEFA Champions League. Là một tay săn bàn lão luyện và cầu thủ đưa banh, dẫn banh, … xuất sắc, Messi đang nắm giữ kỷ lục ghi nhiều bàn thắng nhất ở La Liga (474), ghi nhiều bàn thắng nhất trong một mùa giải La Liga và cấp độ châu Âu (50), nhiều hat-trick nhất ở La Liga (36) và UEFA Champions League (8), nhiều pha kiến tạo nhất ở La Liga (192), nhiều pha kiến tạo nhất trong một mùa giải La Liga (21) và nhiều pha kiến tạo nhất ở Copa América (17). Anh cũng nắm giữ kỷ lục nam cầu thủ ghi nhiều bàn thắng quốc tế nhất khu vực Nam Mỹ (90). Anh đã ghi hơn 750 bàn thắng trong sự nghiệp cho câu lạc bộ và đội tuyển quốc gia, là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất từ trước đến nay cho một câu lạc bộ.

Trong lần tham dự World Cup lần này tại Qatar, đội tuyển Úc được hướng dẫn, huấn luyện với cựu cầu thủ bóng đá Graham Arnold, 59 tuổi, và đội trưởng Mathew Ryan, 30 tuổi hiện đang chơi ở vị trí thủ môn cho câu lạc bộ Copenhagen, Đan Mạch và cũng là thủ môn của đội tuyển bóng đá quốc gia Úc.

Lần gặp đội tuyển Á Căn Đình lần này trong World Cup 2022, nhưng trước đây HLV Arnold đã từng đối đầu với đội Á Căn Đình với tư cách là một cầu thủ và cả trên cương vị huấn luyện viên. Trong trận mở màn ở Thế vận hội tại thủ đô Tokyo, Nhật vào năm 2020, vị huấn luyện viên 59 tuổi này tạo nên cú sốc khi giúp đội Úc thắng đội Á Căn Đình với tỷ số 2 – 0. Nhưng khi còn là một cầu thủ, ông đã cùng đội tuyển Úc cũng đã khiến các vũ công điệu “tango-Argentina” phải lạc bước bằng chiến thắng với tỷ số 4-1 ở giải Bicentennial Gold Cup diễn ra ở tại Sydney vào tháng 7/1988. Nhưng đây là lần đầu tiên đội tuyển Úc gặp đội Á Căn Đình tại Giải Chung Kết Túc Cầu Thế Giới.

Đội tuyển “Xứ chuột túi” đến World Cup 2022 gồm những gương mặt gần như vô danh sau khi chia tay với “Thế hệ vàng” với những tên tuổi như Harry Kewell (cựu cầu thủ tiền vệ, chính thức giã từ sân cỏ và chuyển sang làm công tác huấn luyện vào năm 2014), Mark Viduka, cựu cầu thủ bóng đá đã giải nghệ, trước đây anh chơi ở vị trí trung phong, là đội trưởng đội tuyển Úc ở World Cup 2006 tại Đức quốc, và cùng với đội tuyển Úc lọt vào vòng 16 đội), hay Tim Cahill cựu cầu thủ, thi đấu trong vai trò tiền vệ tấn công, tuy nhiên anh cũng có thể chơi ở hàng tiền đạo. Cahill hiện là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất cho đội tuyển quốc gia Úc với 50 bàn trong 108 trận từ năm 2004 tới năm 2018. Anh là cầu thủ người Úc đầu tiên ghi bàn tại một Giải vô địch bóng đá thế giới. Và anh ghi bàn tại ba kỳ World Cup (2006, 2010, 2014) và là cầu thủ Úc ghi bàn nhiều nhất tại World Cup với 5 bàn. Ngày 31 tháng 7 năm 2019, Tim Cahill chính thức giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế sau 24 năm thi đấu chuyên nghiệp).

Nhưng cho đến lúc này, có thể nói đây là kỳ World Cup thành công của đoàn quân do HLV Graham Arnold dẫn dắt, và là lần thứ 2 đội tuyển Úc lọt vào vòng 1/16.

Lần ra trận kỳ này, đội tuyển Úc không có ngôi sao nào xuất sắc trong đội hình, họ cũng không phải là đội bóng có hàng công mạnh hay hàng thủ xuất sắc, nhưng nhờ vào tính kỷ luật và sự chuẩn xác trong từng pha bóng phản công đang là chìa khóa giúp họ thành công.

Hoài niệm là điều dễ hiểu. 16 năm trước, đội tuyển Úc đã gây tiếng vang lớn khi xếp thứ nhì bảng đấu có sự hiện diện của Brazil, Croatia và Nhật Bản. Nhưng hiện tại, đội Úc cho thấy họ cũng là một đội bóng có chất lượng.

Đội hình đội tuyển Úc lần này là sự kết hợp của những cầu thủ giàu kinh nghiệm và sức trẻ. Mathew Leckie, Mathew Ryan đứng trước cơ hội phá kỷ lục về số lần ra sân nhiều nhất cho “Socceroos”. Những cầu thủ trẻ như Riley McGree và Harry Souttar được đưa lên từ lứa U23 cũng đang giúp đội tuyển Úc gặt hái thành quả tốt mùa giải. Cầu thủ Souttar cao 1,98 m, là chốt chặn vững chắc ở hàng thủ đội Úc. Anh chơi bóng chủ động, thường xuyên dâng cao để cắt bóng và đã gây nhiều khó khăn cho Croatia. Souttar cùng những Kye Rowles, Aziz Behich và cả Milos Degenek là niềm hy vọng của đội tuyển Úc trong việc ngăn chặn một trong những hàng tấn công hay nhất thế giới. Ở đó, họ phải đối đầu với một cầu thủ Lionel Messi vĩ đại.

Mặc dầu thua Argentina với tỷ số 2-1 vào hôm thứ bảy (3.12.2022), ra về nhưng đội tuyển Úc cũng được vinh dự, vì cả đội đấu banh rất xuất sắc, hay, nhanh trong cả 2 hiệp. Thua đội tuyển Á Căn Đình cũng tiếc nhưng vì đội Á Căn Đình là đội có nhiều cầu thủ hạng chuyên nghiệp, nhiều kinh nghiệm và xuất sắc. Những cầu thủ này đã từng tham dự nhiều trận đấu lớn trong các đội bóng hàng đầu ở Âu châu. Đội tuyển Úc ra về, chờ kỳ tới cùng những giải đấu khác nhưng theo suy nghĩ của tôi thì đội tuyển Úc cũng thật xứng đáng khi phá được 1 quả lọt vào khung thành của Á Căn Đình.

Bài viết này được viết để vừa tưởng nhớ tới một thằng bạn cách đây trên 50 năm đã mê bóng đá, Phạm Ngọc Thanh nhưng tuổi thọ ngắn và hòa cùng niềm vui với thằng bạn ở nước có nhiều con chuột túi dễ thương, có đội tuyển tham dự vòng chung kết này, Úc châu. Viết để cùng hòa mình với người bạn này trong vai trò người ủng hộ, người hâm mộ.

Theo như tôi được biết, và chứng kiến qua mùa giải vừa qua năm 2018 tại Nga mà tôi có dịp về Việt Nam, cùng thức khuya để cùng bạn bè, anh em xem các trận đấu ở những quán cà phê có màn hình lớn. Coi, xem, cổ động, hò hét… nhưng rồi không thể thiếu đi màn cá độ… Và thằng bạn tôi đang ở Úc châu ngay thời gian này đang dần bước vào hè, trời nóng, coi xem bóng đá mà nếu có cá độ 1-2 thùng bia lạnh, vừa uống, vừa ủng hộ và hò hét chắc vui, tuyệt cú mèo luôn. Chúc nó thắng độ. Nó thắng nhưng rồi không biết làm sao nó uống cho hết một mình. Chắc lại phải rủ thêm ông sui gia… Hy vọng vậy….

Hoa Bắc cực viết theo nhiều nguồn tài liệu

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Bạn Bè, Đời Sống, Xã Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s