
Định cư, sinh sống ở đất nước vùng Bắc Âu xa lạ, tôi bắt đầu tất cả lại từ đầu, có rất nhiều thứ kể cả bạn bè…
Trước đây trong Blog này, tôi đã viết vài bài về bạn bè tôi, mà bạn bè tôi suốt quãng đời cuộc sống có rất nhiều hạng, lớp, lứa….
Nào bạn thuở nhỏ, ấu thơ, rồi bạn tiểu học… nhưng đến nay đầu óc chẳng còn nhớ ai ngoài 2 chị em mà chị là Hồng Loan – nay là vợ Trần Hữu Trung một người bạn cùng niên khóa 1966-1973 trường Phổ Thông Trung Học Phan Châu Trinh, hiện vẫn còn sinh sống ở Đà Nẵng, còn Trọng Bình là em trai thì lập gia đình và đang sống ở Sài Gòn.
Lúc bước vào trường Phổ Thông Trung Học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng từ mùa thu năm 1966, dần dần tôi bắt đầu có nhiều bạn, vì lúc này tôi đã vào tuổi vị thành niên, lứa tuổi cần có bạn bè giao du, sinh hoạt, đùa giỡn, v.v… mà lúc ấy tôi chỉ có bạn trai cho mãi đến khi rời trường vào Nam, vì lớp tôi học lúc ấy chỉ toàn nam sinh không có nữ sinh, mặc dầu cùng niên khóa nhưng khác lớp lại có nữ sinh. Nhưng cũng từ niên khóa sau (1967-1968) trường Phan Châu Trinh chỉ gồm là nam sinh, vì trường Nữ Trung Học Hồng Đức đã được xây dựng và thành lập cũng như bắt đầu có nữ sinh, ngoài những nữ sinh thi đậu, thu nhận vào ngôi trường nữ mới này còn có các nữ sinh lấy từ trường Phan Châu Trinh sang, trong đó có nữ sinh cùng niên khóa với chúng tôi.
Khi rời trường Phan Châu Trinh vào Nam, tôi xem như đã ra đời, phải sống tự lập không gia đình, và nhất là phải tự tìm cách thích nghi với cuộc sống cùng xã hội mới với nhiều thứ khác mới nữa mà tôi chưa gặp, thấy, tiếp xúc cũng như chung đụng trong cuộc sống hàng ngày lúc còn ở chung với cha mẹ. Lúc này tôi cũng phải có bạn nhưng bạn không như lúc xưa khi còn cắp sách đến trường, mà bạn lúc này theo một nghĩa khác của cuộc sống. Gặp bạn hôm nay lúc này, có thể một ngày mai, kia không còn cơ hội gặp nhau, thấy nhau và cũng có thể là vĩnh viễn xa lìa. Rồi từ đấy nhận thấy cuộc đời thật sự những lúc này rất cần và phải có bạn để sẻ chia, để cùng sống, và nhất là để không thấy mình lẻ loi, cô quạnh…
Rồi theo cuộc sống, cuộc đời, cùng những đổi thay liên tục, không ngưng nghỉ của xã hội, cũng như ở vào vị thế phải rời-bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn với biết bao nhiêu kỷ niệm về bạn bè đứa này, đứa kia. Tất cả những gì đó về bè bạn lúc này đều thuộc về kỷ niệm, ký ức, tôi phải bỏ lại quê hương – mảnh đất tôi được sinh ra, lớn lên làm người. Lúc này tôi lại phải bắt đầu tìm sống với lớp lớp người mới, bạn mới, bạn mà mình chưa lần nào gặp, đang gặp, mới gặp, và phải gặp với nhiều lý do của cuộc sống… Nói chung lớp bạn này mà với ý nghĩa chung của cuộc sống trên đời, tôi cần phải có để sinh tồn.
Rồi dần dần theo thời gian với nhiều thay đổi về ý thức của xã hội, tôi đã có nhiều lần được tìm về những ký ức xa xưa, được gặp bạn bè một thuở hàn huyên tâm sự, trao đổi, thăm hỏi bên ly cà phê, hay ly nước, hoặc một bữa ăn… Rồi tôi lại được một số bạn xưa cũ mà mới quen cũng có từ nhiều nơi khác đã đến đây Na Uy – quốc gia mới nơi tôi định cư sinh sống, tìm thăm. Những lần thăm viếng này của bạn bè, người quen biết dù chỉ ngắn hạn thời gian nhưng cũng đã mang đến cho tôi nhiều niềm vui bất ngờ và một vinh dự được đón tiếp.
Tháng 7, 8 vừa qua, vừa mới về Việt Nam, tôi gặp được khá đông bạn bè xa xưa, khoảng 60, 70 đứa chứ ít gì trong một bữa tiệc Tri Ân Cô Thầy. Bất ngờ với biết bao điều vui, chúng tôi được gặp mặt nhau trao đổi, nhìn nhau thăm hỏi và cùng nhau nhắc lại bao ký ức lúc còn cắp sách đến trường Phan Châu Trinh.
Rồi đầu tháng 10, nhận mail của người bạn vừa mới gặp nhau hồi tháng 7, 8 tại Đà Nẵng, cho hay là sẽ ghé thăm. Tôi bất ngờ, nhưng cũng kịp nhận nhớ là Đặng Văn Quốc một người bạn cùng trường, nhưng niên khóa 1965-72, tức trước lứa chúng tôi 1 năm, khi gặp tôi ở Việt Nam vào đầu tháng 8 có cho hay là sẽ đến Đức thăm con gái đang định cư và làm việc tại đây.
Nhận mail Quốc, chúng tôi trao đổi để Quốc cho hay sẽ đến chỗ nào ở Na Uy, đến bằng phương tiện gì, và sẽ lưu trú tại đây bao lâu, v.v…. Sau khi mọi trao đổi ngày giờ, địa điểm nắm được, tôi nói bạn cứ yên tâm vì đất nước Na Uy này dù diện tích 385.200 km2, rộng hơn đất nước Việt Nam 331.700 km2, và nếu không đề cập khoảng phân nửa đất nước này về phía Bắc mà tôi chưa lần nào được đặt chân ghé thăm, chứ gần phân nửa đất nước này về phía Đông, Tây, Nam… thì gần như thành phố nào có người Việt định cư, tôi đều đã có đến, ghé thăm, sinh hoạt… một hay đôi lần, và có khi nhiều nhiều lần, và ngoại trừ những địa điểm xa, quá xa cần phải di chuyển bằng phi cơ thì hơi khó, chứ chỗ nào tôi lái xe (hơi) được trong vòng bán kính khoảng 150 cây số thì bạn yên tâm, tôi sẽ đến đón đưa đi tham quan một vài địa danh, hoặc vài thắng cảnh loanh quanh nơi bạn ghé đến… mà đầu óc tôi biết và còn nhớ được.

Thế là Thứ Năm 13.10 theo chương trình, Quốc cùng vợ, con gái, và thêm một người bạn Việt Nam, đã định cư ở Đức, sẽ đến thủ đô Na Uy, Oslo và là thành phố lớn nhất, cũng như đông dân cư, kể cả người nhập cư (1) đến từ hơn 20 quốc gia ở quốc gia này, bằng du thuyền từ thành phố cảng Kiel, nằm về phía bắc của nước Đức.
Vì đây là quốc gia thuộc vùng Bắc cực, và bạn lại ghé vào tháng 10 nên để thuận tiện cho bạn và gia đình, tôi trong khi trao đổi, cho Quốc hay là ngày bạn ghé thời tiết, lạnh như thế nào để bạn và gia đình chuẩn bị mặc cho đầy đủ ấm. Tuy vậy, sáng hôm đó, tôi vẫn thức dậy sớm, chuẩn bị một vài phương tiện cần thiết, ấm cho chính cá nhân tôi và dù có căn dặn trước với Quốc nhưng tôi cũng soạn và mang thêm một ít cho Quốc và gia đình như áo ấm (len), áo khoác ngoài, khăn quàng cổ, mũ và găng tay len…, sao cho đủ ấm, kể cả dù che, tránh mưa … vì phải đưa bạn và gia đình ghé thăm những địa danh, thắng cảnh, những di tích lịch sử của vùng thủ đô và thành phố Oslo, nhưng lái xe di chuyển trong nội thành thủ đô này rất khó kể cả việc đậu xe, và thậm chí một số con đường lại không được lái xe mà chỉ dành riêng cho người đi bộ.
Tàu sẽ ghé bến cảng để du khách có thể lên bờ vào khoảng 08:45 sáng, như vậy tôi cần phải có mặt sớm trước giờ đón Quốc để tìm chỗ đậu xe, vì gần như trong trung tâm thành phố tìm chỗ đậu xe hơi khó, hạn chế, lại rất mắc. Và rồi tôi cũng phải tính sao cho kịp, đủ giờ đi bộ từ nơi đậu xe đến cảng đón Quốc. Vả lại đoạn đường từ nhà tôi ở một thành phố khác về phía Nam, lái xe về Trung tâm thủ đô Oslo nếu không có gì thì mất khoảng gần 1 tiếng đồng hồ. Mặc dầu phương tiện giao thông ở Na Uy khá đầy đủ, dày đặc, và liên tục thay đổi chuyến mỗi 10, 15 phút để đáp ứng nhanh nhu cầu cần thiết giảm đi số lượng xe vào thành phố và một cách thiết thực giảm đi lượng khí thải xe hơi gây tổn hại tới sức khỏe con người, cũng như gây ảnh hưởng lớn tới môi trường sinh sống chung quanh, nhất là vùng Oslo nơi đông dân cư nhất của quốc gia này, như xe lửa, xe buýt, xe điện, v.v… vào những giờ gọi là “cao điểm” – giờ đi làm và giờ tan sở, mà xe lửa, xe điện, và cả xe buýt đều không hoặc thải rất ít khí độc hại.
Thông thường lái xe vào trung tâm thủ đô buổi sáng sớm như sáng hôm ấy rất thường hay bị kẹt xe, mặc dầu đường có 3 làn xe chạy, nhưng có nhiều khi phải nối đuôi nhau hàng giờ vì vào khoảng giờ này phương tiện xe cộ giao thông rất đông đúc, và ai cũng phải đi làm, dù nhiều hãng xưởng, công ty đã nhịp nhàng thay đổi giờ giấc làm việc để cho mọi việc hợp lý, tránh trễ nãi,….. Tưởng cũng nên nói về điểm này: Na Uy một quốc gia nằm phía Bắc cực nên thời tiết mùa này tháng 10 là mùa đông thường lạnh, đôi khi rất lạnh và cái lạnh này kéo dài mãi đến tháng 5 sang năm tức khoảng 6 tháng đông lạnh giá. Còn nhiệt độ thì tùy, có thể xuống dưới độ đông đá, tức dưới không độ bách phân (độ Celcius) nhưng một đôi khi, và nhiều lúc, có thể nhiều ngày còn xuống hơn dưới 10, 15 hoặc có thể xuống tới 20 độ âm. Đường đi, đường xe chạy thường hay bị đóng băng đá, tuyết phủ đầy rất khó lái xe… do đó nếu muốn ghé thăm Na Uy thì nên đến vào khoảng sau tháng 5, nhưng tốt nhất là tháng 6 và tháng 7 vì đó là mùa hè, còn nếu muốn ngắm cảnh mùa thu đẹp màu sắc thì đến khoảng tháng 8.
Quốc ghé thăm Na Uy, vào tháng 10 là mùa thời tiết bắt đầu lạnh, mưa, nhưng may ngày Quốc và gia đình ghé thăm, trời có mưa nhưng chỉ bay bay không mưa nặng hột lắm, thời tiết lạnh nhưng cũng không lạnh lắm, vẫn còn độ dương vào khoảng 4, 5 độ nên kế hoạch đưa bạn tham quan một số danh lam thắng cảnh tại ngay thủ đô Oslo này cũng tạm gọi là thuận tiện, tốt. Mà tất cả những địa điểm cần đưa đi tham quan đã nằm sẵn trong đầu óc tôi, tôi chỉ cần cân nhắc điểm nào trước, điểm nào sau… cho hợp lý, không mất quá thời gian, và nhất là cần chút tính toán để không phải đi bộ lâu, xa quá, sợ Quốc và gia đình không quen cách đi bộ này như tôi ở Na Uy, và quan trọng không kém là lạnh. Thế là sau khi tay bắt, mặt mừng chào thăm hỏi, chúng tôi bắt đầu đi, những địa danh cần tham quan.
Xin coi tiếp những phần kế về những địa danh, danh lam thắng cảnh lịch sử… đã đưa Quốc và gia đình tham quan…
PS. Theo số liệu mới nhất của Cơ quan Thống kê Trung Ương Na Uy thì số lượng người nhập cư ở vương quốc Na Uy tính đến nay năm 2022 là 819.356 người cùng 205.819 người được sinh ra ở đây trong tổng số dân Na Uy hiện nay là 5.475.240 người.
Trần Hoa (chs PCT nk 66-73)