Bạn ghé thăm [2] (Trần Hoa)

Những địa danh tham quan (1)

Oslo là một khu tự quản, là thủ đô, và là thành phố lớn nhất, đông dân nhất tại Na Uy. Oslo là thành phố được Vua Harald III của Na Uy thành lập từ năm 1048, nhưng bị phá hủy nhiều lần do thiên tai và hỏa hoạn vào năm 1624. Sau đó vua Christian IV của Đan Mạch-Na Uy đã cho xây dựng lại thành phố tại địa điểm mới dọc theo vịnh, gần lâu đài Akershus và đặt tên là thành phố Christiania, và trở thành khu tự quản, nhưng lấy lại tên cũ Oslo kể từ năm 1925. Đây là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học và kinh tế của Na Uy, và cũng là trung tâm của các hoạt động về thương mại, ngân hàng, công, ngư nghiệp cho cả nước, và được chọn làm thủ đô của cả vương quốc Na Uy kể từ năm 1814.

Oslo có diện tích 454 cây số vuông, dân số khoảng gần 707.531 người tính đến đầu tháng 10.2022, nhưng nếu tính đến cả những vùng lân cận thì dân số lên đến khoảng gần 1,7 triệu người. Oslo là thành phố có đến 33,75 là dân nhập cư từ nhiều quốc gia, chiếm khoảng 19,00 % trên tổng số dân cả nước, đông nhất là người Pakistan, riêng người Việt vào khoảng 6.500 người.

Tại đây có rất nhiều thắng cảnh, địa điểm lịch sử để đưa Quốc và gia đình đi tham quan cho biết, nhưng vì thời gian lưu trú ngắn hạn chỉ trong vòng 2 ngày, nên tôi phải chọn rút lại và đưa đi tham quan trước những chỗ gần và thuận tiện nhất, nhưng không kém quan trọng đối với du khách khi ghé Oslo.

Địa điểm đầu tiên nơi mà cứ vào mỗi ngày Nhân Quyền Quốc Tế hàng năm ngày 10.12, được cả thế giới lưu ý, quan tâm theo dõi, đó là Giải Nobel Hòa Bình. Thế là tôi đưa Quốc và gia đình đến thăm Trung tâm Nobel Hòa Bình, nơi trước đây là Nhà Ga Xe Lửa vùng Tây Nam cho đến năm 1989 thì dừng hẳn và được quốc hội Na Uy quyết định tái kiến trúc nhà ga này thành Trung Tâm Nobel Hòa Bình vào năm 2000, và Trung tâm khai trương, cũng là một phần đánh dấu lễ kỷ niệm chính thức 100 năm ngày giải thể Liên minh giữa Thụy Điển và Na Uy vào ngày 11 tháng 6 năm 2005.

Trung tâm Nobel Hòa Bình là nơi cung cấp các thông tin về Alfred Nobel, người sáng lập Quỹ với tên đầy đủ là Alfred Bernhard Nobel, người Thụy Điển, sinh ngày 21 tháng 10 năm 1833 tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Ông là một nhà hóa học, một nhà kỹ nghệ, nhà sản xuất vũ khí, người phát minh ra thuốc nổ và là một triệu phú. Vào ngày 27 tháng 11 năm 1895 tại Câu lạc bộ Thuỵ Điển – Na Uy ở Paris, ông đã ký chúc thư cuối cùng của mình và quyết định để lại một di sản tốt hơn cho thế giới sau khi chết, là dành phần lớn số tài sản của ông (94%) thành lập các giải Nobel, trao tặng hàng năm cho bất kỳ ai không phân biệt quốc tịch, miễn sao thành quả được chọn trao giải đem lại lợi ích chung cho nhân loại.

Ông qua đời sau một cơn đột quỵ vào ngày 10 tháng 12 năm 1896 tại Sanremo, Ý. Và số tiền mặt ông để dành cho Quỹ Giải Nobel là 31 triệu kronor Thụy Điển tương đương 4.223.500,00 USD thời bấy giờ.

Trung tâm cũng là nơi cung cấp các thông tin về những người đã đoạt giải Nobel Hòa bình, về các xung đột hiện nay trên thế giới cùng các nỗ lực kiến tạo hòa bình, thông qua các tài liệu, các cuộc triển lãm, các buổi nói chuyện, các cuộc hội thảo cùng các hoạt động khác, dành cho cả người lớn và trẻ em. Đây cũng là nơi hàng năm cứu xét, chọn lựa hồ sơ nhân vật tổ chức được đề cử nhận giải… Trong ngày khai trương Trung tâm Nobel Hòa Bình này, được mời tham dự, bà tiến sĩ Wangari Muta Maathai, người Kenya, người phụ nữ da đen châu Phi đầu tiên ở Đông và Trung Phi có học vị tiến sĩ, và vinh dự được trao Giải Nobel hòa bình năm 2004 vì những đóng góp của bà cho sự phát triển bền vững, dân chủ và hòa bình, đã phát biểu: “Khi bạn đi qua các phòng của Trung tâm Nobel Hòa Bình và nghĩ tới các người nam cũng như nữ, đã được vinh danh qua các năm trước đây và cả những năm sau này, thì bạn sẽ thấy rõ tư tưởng, ước mơ và hy vọng của chính mình. Mọi người đều có một phần được phản ánh ở đây. Khi bạn thấy các mời gọi và các khả năng, thì bạn cũng được gợi ý để làm điều mà bạn có thể làm, để thế giới của chính bạn trở nên một nơi hòa bình hơn.”

Kế đến là ghé thăm địa điểm nơi phát giải Nobel Hòa Bình hàng năm kể từ năm 1990, vì trước đó đã có nhiều địa điểm khác được chọn lựa là nơi trao Giải nhưng số lượng người cần tham dự đông, và lễ trao được tổ chức đúng vào ngày 10 tháng 12, ngày Nhân Quyền Quốc Tế, cũng là ngày mất của người sáng lập các Giải Nobel. Địa điểm trao giải là Tòa Đô Sảnh còn gọi là Tòa Hành Chính hay Tòa Thị Chính của thủ đô Oslo, với lối kiến trúc, trang trí đặc trưng cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật cao của nhiều nhà mỹ nghệ thuật, nghệ nhân, điêu khắc có tên tuổi lớn ở Na Uy đã làm nơi này trở thành một trong những tòa nhà nổi tiếng nhất của Oslo, nơi hàng năm khi phát giải có thể đến khoảng trên 1000 người được mời tham dự ngoài hoàng gia Na Uy, đại diện chính phủ, nhà báo, v.v… cũng như cả tỷ người trên toàn thế giới quan tâm, theo dõi trực tiếp qua làn sóng TV.

Sau đó là ghé thăm khách sạn nơi các vị nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình cư ngụ trong suốt cả tuần lễ bận rộn với những buổi họp báo, thảo luận, những bài thuyết trình quanh đề tài được nhận giải, cũng như gặp mặt trao đổi với những nhà chính trị, những chính khách quan trong, v.v…

Nơi các vị này cư ngụ chính là khách sạn Grand Hotel Oslo. Khách sạn là một địa danh lịch sử, nằm trên con phố chính đường Karl Johan, trung tâm của thủ đô Na Uy. Khách sạn mang tính biểu tượng, trang nhã và tinh tế và kể từ năm 1874, khách sạn huyền thoại này được chọn là nơi đón tiếp các vị khách quốc tế, những người nổi tiếng và những người đoạt giải Nobel Hòa bình cư ngụ.

Khách sạn nằm gần như đối diện với tòa nhà Quốc Hội Na Uy, với khoảng sân trước mặt rộng rãi. Khoảng sân này là nơi mọi người dân, tổ chức, đoàn thể…. có thể sử dụng làm nơi tập trung, tụ tập, v.v… để phản đối, biểu tình, v.v… quốc hội, chính phủ, hay bất cứ cá nhân nhà chính trị nào về các vấn đề của xã hội. Đây cũng là nơi hàng ngàn người tụ tập để chúc mừng các nhà nhận giải Nobel Hòa Bình, vào tối ngày trao Giải tức tối ngày 10.12 hàng năm.

Sau khi tham quan các nơi liên quan đến Giải Nobel Hòa Bình, như Trung tâm cứu xét giải Nobel, địa điểm trao-nhận giải, khách sạn cư ngụ… tôi đưa Quốc và gia đình tham quan Dinh Vua (Cung điện / lâu đài) Na Uy.

Cung điện hoàng gia tọa lạc trên ngọn đồi Bellevue, cuối đường Karl Johan – con đường chính của thành phố Oslo. Cung điện là một trong những tòa nhà đơn lẻ quan trọng nhất của đất nước và là biểu tượng quan trọng của lịch sử Na Uy sau năm 1814. Việc xây dựng bắt đầu vào năm 1824 và chính Vua Carl Johan là người đã đặt viên đá nền móng vào ngày 1 tháng 10 năm 1825, nhưng Cung điện được khánh thành bởi Vua Oscar I vào ngày 26 tháng 7 năm 1849.

Cung điện hoàng gia thuộc sở hữu của nhà nước và dành cho vị nguyên thủ quốc gia. Đây là nơi ở và nơi làm việc của Hoàng gia. Tại đây, nhà vua tổ chức các cuộc họp nội các, đón tiếp những người được nắm giữ chức vụ trong nội các, chính phủ hay tổ chức các bữa ăn tối chính thức. Nhiều nguyên thủ quốc gia nước ngoài đến thăm Oslo trong các chuyến thăm cấp nhà nước đã ở tại Cung điện, cũng như các bữa tiệc chiêu đãi các nhân vật, chính trị gia đặc biệt của quốc gia đều được tổ chức tại đây.

Diện tích mặt phẳng của cung điện là 3320 m2. Nhưng diện tích Cung điện lên tới 17.624 m2, với 173 phòng. Cung điện được mở cửa cho các tour du lịch, khách cùng dân chúng thăm viếng vào mùa hè (khoảng cuối tháng 6 và tháng 7 hàng năm).

Nhà Vua Na Uy hiện nay tên Harald V. Ký hiệu V là một chữ số La Mã có nghĩa là “năm” và Harald V có nghĩa đây là vị vua thứ năm của Na Uy có tên là Harald. Ông sinh ngày 21 tháng 2 năm 1937. Và sau 9 năm quen biết với bà Sonja Haraldsen, họ mới được kết hôn. Hôn lễ diễn ra tại nhà thờ lớn Oslo, và một tiệc cưới lớn tại Cung điện vào ngày vào ngày 28 tháng 8 năm 1968.

Hoàng hậu Sonja sinh ngày 4 tháng 7 năm 1937. Nguyên nhân kéo dài lâu mới được kết hôn, là do Thái tử Harald kết hôn “dân sự”, có nghĩa là Hoàng Thái tử kết hôn với một người không thuộc hoàng gia, quý tộc, và điều này không phổ biến đối với những người sẽ thừa kế ngai vàng lúc đó. Lúc đó, một Hoàng Thái tử thường sẽ phải kết hôn với một công chúa, và người ta cho rằng thật sai lầm khi Hoàng Thái tử Harald kết hôn với một phụ nữ “bình thường”.

Nhà vua và hoàng hậu có với nhau 2 người con: một gái, Công Chúa Märtha Louise, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1971 và một Hoàng Thái Tử kế vị tên Haakon, sinh ngày 20 tháng 7 năm 1973. Và họ hiện có 2 cháu nội (một nữ, một nam), và 3 cháu ngoại, tất cả đều là gái.

Vua Harald V là vị hoàng tử đầu tiên được sinh ra ở Na Uy sau 567 năm. Ông là con trai của Vua Olav V và Công nương Märtha, và lên ngôi vị vua sau khi Vua cha Olav V qua đời vào ngày 17 tháng 1 năm 1991.

Bên ngoài Cung điện có lính cả nam lẫn nữ, canh gác ngày đêm nhưng số lượng lính và trạm canh gác rất ít, chỉ ở những vị trí chính yếu như cổng, lối vào hoàng cung, nhưng du khách vẫn có thể chụp hình chung với bất cứ người lính nào đứng gác tại đây, chỉ cần lịch sự xin phép họ cho chụp hình.

Chung quanh Cung điện là công viên rộng mà tôi có kể Quốc nghe là lúc tôi mới sang Na Uy, được tạm cư ngụ trong một khu nhà phía sau lưng Cung điện, nên vào mùa đông, chúng tôi tất cả những người Việt Nam tỵ nạn trong chung cư này kể cả người lớn, trẻ con, cả nam lẫn nữ đều được sang công viên này tập trượt tuyết, đi tuyết, chơi tuyết, v.v… Còn vào mùa hè thì sang đây tập thể dục như chạy bộ, đạp xe, v.v…

Sau đó chúng tôi đi dạo thẳng xuống con đường trước mặt mang tên Karl Johan, con đường là con phố chính ở trung tâm thủ đô Oslo. Con đường này được gọi và đặt theo tên của Vua Karl III Johan. Con đường thẳng một đường bắt đầu từ nhà Ga Chính ở Trung tâm Oslo, phía đông nam chạy đến cuối đường nơi Cung điện tọa lạc nằm ở phía tây bắc. Con đường và dãy phố này bây giờ là phố đi bộ, dọc theo con phố, hai bên là các địa danh nổi tiếng, nếu tính từ Dinh Vua đi xuống đồi để đến nhà Ga trung tâm thì ta có: bên tay phải là Nhà hát Quốc gia, tay trái là Tòa nhà Viện Đại học, nay là Viện Đại học Luật, khách sạn Grand Hotel Oslo (trái), đối diện là Tòa nhà Quốc Hội Na Uy, xuống nữa là khu vực Nhà thờ lớn Oslo, cùng Khu chợ với Đội cứu hỏa nằm phía trái, và cuối cùng là nhà Ga trung tâm, nằm ngay chính giữa….

Dọc theo con phố, đường chính này còn rất nhiều tòa nhà, địa điểm đặc biệt có tên tuổi khác một thời mà nay là một trong những con phố sầm uất nhất tại Oslo với nhiều cửa hàng thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Chúng tôi đi dọc con phố này, với những địa danh vừa nêu mỗi nơi chúng tôi đều dừng lại để nghỉ chân, ngắm cảnh, chụp vài tấm hình lưu niệm. Cứ thế, chúng tôi đi và đi cho tới nhà ga chính, dạo quanh nhà ga bên ngoài, chúng tôi vào bên trong, để cho Quốc và gia đình thấy sự tấp nập của nhà ga. Đây là nơi du khách đến và đi từ bốn phương hướng, nào đường ray từ Âu châu băng qua Đan Mạch, Thụy Điển sang, rồi các đường ray từ Oslo đi về bốn hướng Bắc, Nam, Đông, và Tây… và dầu du khách ở nhà ga này đến từ nhiều nước, chỗ khác nhau nhưng đâu đâu cũng ngăn nắp, trật tự không ồn ào, chen lấn, xô đẩy… hoặc không có những cảnh buôn bán chèo kéo, la ó, … mà ta thường hay thấy ở các nhà ga khác.

Dạo quanh xong, chúng tôi dừng chân bên ngoài, dùng thức ăn nhẹ và cùng lên kế hoạch, chương trình những nơi tham quan kế tiếp…

Trần Hoa (chs PCT nk 66-73)

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Bạn Bè. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s