Những địa danh tham quan (3)
Hôm sau đúng hẹn, tôi có mặt ở bến cảng đúng 8:45 giờ sáng, đón Quốc và gia đình, tôi trước tiên đưa đi thăm nơi gần nhất là ngôi Chùa Phật Giáo Tây Tạng và là một trung tâm rèn luyện tâm, thiền định duy nhất vùng Bắc Âu được dựng xây dựng ở Na Uy, nằm về hướng Đông Oslo.

Đây cũng là nơi dạy các phương pháp được lưu truyền theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng, tạo điều kiện thích hợp để phát triển một cộng đồng tâm linh mạnh mẽ và thúc đẩy đào tạo, phát triển cộng đồng và cá nhân cũng như là nơi thúc đẩy nền đạo đức Phật giáo, thiền định và trí tuệ. Đặc biệt và quan trọng nhất là qua Trung tâm sinh hoạt này của cộng đồng người Phật tử Na Uy được thành lập kể từ năm 1975, mà cộng đồng Phật Giáo Việt Nam tại Na Uy được hình thành, phát triển và xây dựng. Và tính đến nay cộng đồng người Phật tử Việt Nam tại Na Uy đã xây dựng được 7 ngôi Chùa Phật Giáo Việt Nam theo hệ Đại thừa ở 6 thành phố lớn và đông người Việt định cư. Trong đó chỉ riêng vùng ngoại ô Oslo đã có 2 ngôi chùa Việt nổi tiếng không chỉ ở Na Uy mà cả vùng Bắc Âu là Chùa Khuông Việt và Liên Hoa Đạo Tràng, cả 2 ngôi chùa này đều nằm về hướng bắc Oslo, nhưng sợ không đủ giờ nên tôi không thể đưa đi thăm được.
Riêng ngôi chùa Phật Giáo Tây Tạng ở Bjørndal, phía đông Oslo, Na Uy bao gồm một bảo tháp hòa bình, khánh thành vào năm 2005 và một ngôi chùa gọn gàng, xinh đẹp được hoàn thành vào năm 2015, và khánh thành chính thức vào ngày 2 tháng 6 năm 2015, là sự hiện thực hóa tầm nhìn mà vị lạt ma (Thầy, Sư) thường trú đầu tiên của cộng đồng Phật tử Na Uy, Lạt ma Talo. Ngài đến Na Uy vào năm 1977 và viên tịch vào năm 1994.
Ngoài Chùa và Bảo Tháp nêu trên, cộng đồng Phật tử người Na Uy theo hệ Tây Tạng này, còn có một trung tâm nhập thất, tu thiền định. Trung tâm này nằm trong một khu rừng yên bình, thanh tịnh và yên tĩnh không xa mấy về phía đông ngôi Chùa. Ở khu tu tập này ngoài một ngôi nhà chính với một phòng thiền lớn, nơi được dùng trong việc giảng dạy giáo pháp và thực hành chung, còn có nhiều căn phòng (nhỏ giống như những am cốc) sử dụng vào việc thực hành và nhập thất cá nhân.
Sau khi thăm Chùa Tây Tạng ở phía đông Oslo, tôi phải chạy ngược lại về phía nam băng qua Oslo bằng những con đường hầm dưới đất mà có những khúc hầm, đường lái xe nằm sâu dưới mực nước biển để đưa Quốc đến thăm địa danh nổi tiếng trong giới thể thao mùa đông, một trong những điểm thu hút du khách nổi tiếng nhất của Na Uy với hơn 1 triệu du khách mỗi năm, mang tên Holmenkollen – Holmenkollbakken. Đây là một ngọn đồi nhảy trượt tuyết (trượt tuyết bay), và đây có lẽ là ngọn đồi nhảy trượt tuyết nổi tiếng nhất thế giới. Với lịch sử hình thành từ năm 1892, đây cũng là một trong những đường trượt tuyết lâu đời nhất thế giới vẫn còn được sử dụng.

Holmenkollbakken cũ được khai trương vào năm 1892 với kỷ lục ngọn đồi là 21,5 mét, nhưng đã được xây dựng lại tổng cộng 19 lần kể từ đó. Đến năm 2008, Holmenkollbakken cũ đã bị phá bỏ để nhường chỗ cho một cái mới nằm khoảng 425 mét trên mực nước biển.
Sau lần tái thiết mới nhất từ tháng 9 năm 2008 cho đến mùa hè năm 2010, ngọn đồi nhảy trượt tuyết Holmenkollbakken này đã được sử dụng trong World Cup năm 2011, nhưng nơi này cũng đã được sử dụng nhiều lần trước đây vào những World Cup năm 1930, 1966, 1982 kể cả Thế Vận Hội (OL).
Đường lái xe lên ngọn đồi nhảy trượt tuyết này sáng hôm đó sương dầy đặc, lái xe mà không sao nhìn xa hơn 3, 4 mét được nên chúng tôi cứ phải mãi loanh quanh một hồi mới tìm được chỗ đậu xe và đi thăm quanh khu vực nổi tiếng này. Đặc biệt nhất là từ đây chúng tôi có thể nhìn thấy phía xa bên dưới thủ đô Oslo và những nơi mà chúng tôi vừa mới thăm hôm qua…
Nơi đây chúng tôi không chỉ được xem ngọn đồi nhảy, mà còn được xem qua bảo tàng nơi chưng bày các đồ trượt, nhảy tuyết, và rất nhiều thứ khác liên quan đến môn thể thao này.
Đáng lý ra tôi còn đưa bạn đi thăm thêm một vài địa danh khác nữa ở Oslo, như bảo tàng VIKING, … cũng như không thể không ghé thăm ngôi Nhà Thờ gần như riêng của người Việt, cùng 2 ngôi Chùa Phật Giáo chính thức của người Việt đã nêu trên, … nhưng những nơi này đều nằm ở ngoại ô Oslo về hướng bắc, nên sợ không kịp giờ trở lại cảng để Quốc cùng gia đình lên tàu, tiếp tục chương trình tàu đã định là sang vương quốc Đan Mạch. Tôi lái xe quay lại cảng…
Thật bịn rịn khi chia tay, nhưng cầu mong Quốc và gia đình tiếp tục có những ngày tiếp trên biển, ghé thăm cùng chiêm ngưỡng những thắng cảnh đẹp của vương quốc Đan Mạch, nơi có những khu vực rất nổi tiếng trên thế giới, mà một trong thắng cảnh đó mang tên LEGOLAND, tên hãng xưởng, khu vực, làng… đã làm ra một loại đồ chơi có thể được lắp ráp lại với nhau theo nhiều phương cách kết hợp gần như vô hạn và kế đến không thể không ghé thủ đô Đan Mạch, Copenhagen – và là thành phố lớn nhất của Đan Mạch, đồng thời là thành phố lớn thứ nhất trong khu vực Bắc Âu, nơi có Công viên giải trí Tivoli, nằm giữa Quảng trường Tòa đô chính và Nhà ga xe lửa Copenhagen rất nổi tiếng cũng như ghé thăm nhà hát Opera mới của Đan Mạch,…
Trước đây dù tôi đã có nhiều lần đón tiếp nhiều người bạn, quen biết … ghé thăm tại Na Uy, có người từ Gia Nã Đại, người từ Đức, từ Ý, từ Pháp, Hòa Lan, Bỉ, và Hoa Kỳ, v.v… nhưng Đặng Văn Quốc là một trong những người bạn từ Việt Nam đến đây, mặc dù tôi vẫn biết bây giờ cũng có rất nhiều bạn có đủ khả năng về tài chánh để đi đây đi đó nhưng làm sao có thể gặp bạn học từ Việt Nam sang thăm, tâm sự, ngắm cảnh, và ít ra cùng ăn uống những món ăn, thức uống kiểu Việt Nam nhưng được chế biến tại đất nước không phải là Việt Nam… như thế này khi tuổi tác tôi và bạn tôi cứ mỗi lúc mỗi thêm lên, nhưng sức khỏe thì ngược lại, càng lúc càng không biết ra sao, thế nào mỗi sớm mai thức dậy. Thôi thì gặp được ai thì mừng người ấy vậy…
Viết và ghi chép những dòng chữ, bài này vào lúc này chắc bạn tôi đã về lại Việt Nam sau một chuyến đi dài ngày, mong bạn và gia đình vẫn khỏe mạnh, và hy vọng có lần gặp lại…
Gặp nhau đất khách quê người
Tay cầm tay bắt, mặt mừng cười tươi
Đôi ngày ghé viếng qua nhanh
Ra về tiếc nuối bùi ngùi chia tay./-
Trần Hoa (chs PCT nk 66-73)