
Hình ảnh dòng sông uốn lượn chảy từ thượng nguồn, qua bao khe núi, đổ xuống đồng bằng, dài như bất tận, rồi hòa vào biển cả mênh mông, đã đi vào thơ ca, trở thành văn tài để bao tác phẩm văn học bất hủ ra đời. Dòng sông được nhân cách hóa để chuyển tải rất nhiều triết lý cuộc sống đầy ý nghĩa. Nhìn sâu hơn, chúng ta có thể khẳng định rằng bản thân dòng sông đã thể hiện, hàm chứa bao nét đẹp, bao đạo lý của thiên nhiên, cũng như cuộc sống của muôn loài chúng sanh. Tất cả vẻ đẹp, triết lý nhân sinh được thể hiện qua nhiều yếu tố nơi sông như: mặt nước, màu của nước, tốc độ nước chảy, độ nông sâu, đôi bờ… Nhưng rõ nét nhất chính là dòng chảy của sông.
Trên quả đất này không có dòng sông nào mà từ nguồn đến cửa biển chảy theo một đường thẳng, nếu không tính một vài đoạn sông do con người tạo ra. Vì sao như thế? Để lý giải theo khoa học, chúng ta có thể dựa trên hai yếu tố rõ nhất đó là địa hình và hiệu ứng Coriolis.
Yếu tố địa hình nghĩa là nước luôn luôn có xu hướng chảy từ nơi có địa hình cao đến nơi có địa hình thấp, vì vậy những nơi có địa hình gồ ghề làm cản dòng, thì dòng sông có xu hướng chảy vòng qua vật cản, tạo thành đường gấp khúc.
Còn hiệu ứng Coriolis là hệ quả từ việc tự quay quanh chính mình của trái đất. Khi trái đất quay quanh trục của mình, tất cả các điểm thuộc các vĩ độ khác nhau (trừ 2 cực) đều có vận tốc khác nhau và xu hướng di chuyển từ Tây sang Đông. Vì thế các vật thể chuyển động trên bề mặt trái đất cũng lệch so với hướng ban đầu… (theo Sơn Tùng – Tại sao những dòng sông không bao giờ chảy theo đường thẳng mà lại khúc khuỷu?)
Đó là hai yếu tố căn bản khiến dòng chảy của sông không thể theo một đường thẳng. Bên cạnh những tác nhân chính như trên thì thảm thực vật hai bên bờ, các loài động vật đào hang nơi bờ sông… cũng góp phần làm dòng sông uốn lượn khúc khuỷu. Chính những khúc uốn là một trong nhiều nét đẹp của sông. Từ đó, con người cũng đúc kết được rất nhiều bài học chân lý.
Tất cả những dòng sông đều không chảy thẳng theo một đường thẳng mà chảy quanh co, gấp khúc. Nếu không dựa trên những yếu tố làm dòng chảy của sông không thể chảy thẳng như đã nói, thì mỗi người chúng ta tùy vào bối cảnh sống, lượng kiến thức hay khả năng tư duy… có sự lý giải khác nhau. Và có thể, ở góc độ nào đó, tất cả suy luận của mọi người về sự uốn khúc của dòng sông đều đúng.
Nhưng cũng có thể nói một cách đơn giản là các dòng sông không (thể) chảy thẳng mà chảy theo đường vòng, vì đó là một trạng thái bình thường của tự nhiên. Bởi trong quá trình dòng nước chảy về phía trước, nó (có thể) gặp phải vô số chướng ngại vật, như gò đất, gò đá, bụi cây… thậm chí quả núi cản trở không thể vượt qua. Vì thế, nó chỉ còn cách vòng qua những yếu tố chắn dòng để chảy tiếp. Và cũng có thể vì dòng chảy vòng, dòng sông sẽ tránh được các chướng ngại vật khác nhau hoặc lại gặp nhiều vật cản nữa, nhưng cuối cùng sông vẫn sẽ ra được biển lớn.
Nói đến đây, chúng ta quy chiếu vào cuộc đời mình, thấy cũng như thế. Vẫn biết đường thẳng là đường ngắn nhất, thế nhưng mấy ai có thể cứ một đường thẳng đi trọn đường đời? Vì đường đời chúng ta đi đâu phải luôn bằng phẳng, thuận duyên để mãi thẳng về trước. Mà những trắc trở gập ghềnh trên đường đời hiện diện khắp nơi, nên nếu chúng ta thấy cuộc đời không bao giờ hoàn mỹ đó là một trạng thái bình thường của cuộc sống, thì sẽ chẳng bao giờ chúng ta bi quan thất vọng, hay than ngắn thở dài và cũng không ngưng chệ làm gián đoạn công cuộc tiến về phía trước của kiếp nhân sinh. Nói theo giáo lý nhà Phật, tất cả đều do nghiệp duyên mà chúng ta đã tạo ra.
Những lúc gặp trắc trở, hay khó khăn trên đường đời, chúng ta hãy chuyển hướng đi vòng, đó là một hình thức, một phương cách khác để chúng ta tiếp tục bước đi. Như thế, tất cả chúng ta sẽ có thể như những dòng sông chảy vòng vo uốn khúc kia, dẫu có phải chảy xa hơn, nhưng cuối cùng vẫn sẽ đến được với biển lớn. Việc đi vòng có thể đem lại cho chúng ta những trải nghiệm, những thành quả đẹp sớm hơn, hoặc cũng có thể sẽ lại phải đi vòng tiếp để tránh những chướng ngại lớn hơn, nhưng dù có thế cũng đừng nản chí, mà chỉ cần đi tiếp, lối ra luôn ở phía trước. Chúng ta chỉ cần định hướng đi tốt, với tâm thanh thản, trong sáng là được.
Nhìn vào quá trình tìm đạo, học đạo, tu đạo của thái tử Tất-đạt-đa (Siddhatta) chúng ta thấy rõ quá trình đi vòng đó. Khi Ngài quyết định bỏ lại tất cả tài lợi, địa vị… để ra đi tìm chân lý giác ngộ. Đầu tiên Ngài tìm đến cầu học với hầu hết các đạo sư lỗi lạc đương thời và học được hết những tinh hoa của các vị ấy, nhưng vẫn chưa thấy được điều cần thấy. Rồi ngài thực hành hạnh tu khổ hạnh một cách cực đoan trong sáu năm nơi rừng già, đến mức chút nữa là thân tứ đại không trụ nổi bởi lối tu ấy. Sau đó thái tử nhớ lại cảm thọ an lạc khi ngồi dưới gốc cây đợi vua cha làm lễ tịch điền lúc nhỏ. Vậy là, sau khi đi vòng rất nhiều thái tử đã tìm thấy được phương pháp tu tập, thực hành và giác ngộ. Tất cả quá trình ấy thật không dễ dàng, nhưng cũng rất bình thường.
Vậy nên, chúng ta coi việc đi đường vòng là một trạng thái bình thường, lúc ấy dùng một trái tim bình thản để nhìn, đón nhận những gập ghềnh, trắc trở trên con đường tiến về phía trước của cuộc đời, rồi chúng ta (có thể) sẽ đạt được những mục tiêu lớn đã hoạch định. Còn nếu cứ chấp, trách cứ những trở ngại, rồi than thân tủi phận, như vậy chẳng giải quyết được vấn đề, mà còn làm trì trệ tiến trình của sự sống. Thậm chí, chính chúng ta lại tạo ra nhiều chướng ngại vật, cản bước của chính mình.
Hoặc cao hơn, chúng ta có thể học quán chiếu như thiền sư Dogen (Đạo Nguyên) viết trong tác phẩm Núi và Sông: “Dòng sông không mạnh cũng không yếu, không ướt cũng không khô, không chảy cũng không dừng, không lạnh cũng không nóng, không có cũng không không, không mê cũng không ngộ. Đông lại nó cứng hơn kim cương; ai có thể đập vỡ nó? Tan ra, nó mềm hơn sữa; ai có thể bẻ gãy nó? Không ai nghi ngờ có nhiều đức tính thể hiện từ dòng sông.
Đạo của dòng sông. Đạo lý tu hành, một giáo lý vi tế và thâm sâu về hai mặt tương đối và tuyệt đối của thực tại. Phản ánh sự thành tựu trong việc tu tập, chí ít cũng là sự thấu hiểu tác động của tánh không trong đời sống hàng ngày. Như vậy, dòng sông ấy không chỉ là dòng sông tự nhiên, mà nó còn là chính chúng ta, những ai đang thực hành, tu tập hay đang đi trên con đường đến giác ngộ của đức Như Lai chỉ bày. Hoặc rộng hơn, dòng sông mà ngài Dogen nói đến là dòng sông Pháp giới – thế giới của vạn pháp.
Những điều mà chúng ta có thể chiêm nghiệm từ dòng sông rất nhiều. Theo dòng chảy, sông mang trong lòng tất cả những gì đẹp đẽ, quý giá đến những thứ rác bẩn hôi thối. Đấy là hình ảnh thể hiện của tâm bình đẳng, của hạnh từ bi bao la không giới hạn. Nếu học được đạo lý này từ dòng sông thì chúng ta luôn có hạnh phúc, thấy an lạc dù dòng đời có thế nào.
Dòng chảy luôn thay đổi, có nghĩa là không bao giờ dừng, mặc ghềnh cao, vách đứng, kệ vực thẳm thâm sâu. Nơi đồng bằng mênh mông, những khúc quanh của dòng chảy phình ra, đến khi hai bờ chạm nhau tạo thành vòng kín, lúc này dòng nước sẽ lại chảy theo đường thẳng…
Tỳ kheo Nguyên Các
Bài đăng trên Tri Thức Phật Giáo số 25