
Xuân về Tết đến, người Việt Nam có văn hóa đi chùa vào những ngày đầu năm, để hòa mình vào không gian thiêng liêng, không khí lễ hội, cảnh sắc mùa Xuân muôn hoa đua nở. Đồng thời cũng gửi gắm chút ước mong của bản thân và cầu cho gia đình được bình an, quốc gia thịnh trị trong năm mới.
Điều mà con người thường cầu nguyện là cầu bình an, cầu tài, cầu lộc, cầu con cái, cầu công danh sự nghiệp … rất nhiều. Thế nhưng, trong phạm vi bài viết nhỏ này chỉ bàn sâu về nội dung cầu an.
Trước hết phải khẳng định rằng cầu an không phải chỉ là sản phẩm của nhà chùa, hay tôn giáo nào mà là điều mong ước chung của muôn loài chúng sanh, trong đó có con người, từ thủa xa xưa của nhân loại. Thời tiền cổ của nền văn minh Maya (5000 TCN-2000 TCN) con người đã có những nghi thức cầu an, điều này đã được chứng minh thông qua các văn vật cổ mà các nhà khoa học khai quật thấy. Thông qua các hình vẽ trên di vật được tìm thấy, giới khảo cổ học khẳng định người Maya cổ đại đã thực hành các nghi thức tế lễ. Hay, trong thời kỳ đầu của nền văn minh Hoa Hạ (4000 TCN-1000 TCN), con người cũng đã có những hình thức cúng tế thể hiện sự sùng bái thế giới tự nhiên (Trời).
Vậy, vì sao con người mong cầu luôn được bình an?
Có phải do chúng ta sống trong sự hỗn loạn, bất an từ nội tâm đến ngoại cảnh. Đúng. Vì, tâm, cảnh thì luôn luôn thay đổi, nhưng chúng ta không hiểu hoặc không chịu chấp nhận rằng “Thế gian không chắc chắn, hiểu rõ ràng cõi nước yếu nguy, thân này nào có ra chi, đất nước gió lửa hợp về lại tan…” (kinh Bát Đại Nhân Giác, HT.Thích Trí Hải dịch). Nếu chúng ta giác ngộ những chân lý ấy như bậc “đại nhân” thì dù sống trong không gian, thời gian nào cũng đều thấy bình an.
Thế nhưng, chúng ta vẫn ở hàng phàm phu mê muội, nên lúc nào cũng cầu xin Chư Phật, Bồ Tát lân mẫn gia ân cho cuộc sống được bình an. Và, chắc chắn rằng khi Phật gia trì thì chúng ta được như ý.
Chúng ta bây giờ cũng cầu an nơi Phật, nhưng lại là kiểu “phó thác” cho Phật, Bồ Tát, như thế chưa đúng với tinh thần của người Phật tử.
Vậy cầu an như thế nào để được an?
Chúng ta thường cầu bình an ở hai phương diện: thân và tâm.
Về phương diện thân, chúng ta đi khắp các chùa, đình, đền, phủ để cầu cho thân mạnh khỏe, không ốm đau, nếu có ốm đau thì gặp thầy gặp thuốc bệnh mau lành. Nhưng cách ăn ở trong đời sống thường nhật lại chưa khoa học, ăn quá no, nạp nhiều thức ăn dầu mỡ… chứ không ăn uống như lời ông tổ của nền y học Việt Nam – Hải Thượng Lãn Ông (1720-1791) khuyên:
Vệ sinh ăn uống trước tiên,
Khuyên ăn thanh đạm, khuyên kiêng đậm nồng,
Thức ăn dùng phải có chừng,
Ăn nhiều tán khí, biết phòng mới hay.
Các vị mặn, nồng, đắng, cay
Ăn nhiều sinh bệnh chẳng sai đâu mà.
Thực hiện những điều đó là nhân hiện tại, thế nhưng những việc chúng ta đã tạo tác nhiều đời nhiều kiếp… tức là đang nhắc đến yếu tố nghiệp lực, cũng góp phần tác động không nhỏ đến sức khỏe chúng ta đời này. Theo nhân quả nghiệp báo, người tạo nhân hại người hại vật, sẽ dẫn đến quả báo ốm đau, tổn thọ. Ở đây lại nhấn mạnh điều giới căn bản thứ nhất của người con Phật: không sát sanh – bảo vệ sự sống của muôn loài. Nếu chúng ta giữ gìn giới không sát sanh hại vật một cách cẩn thận, kết hợp thực hiện điều tiết chế độ ăn uống, thói quen sinh hoạt thường nhật, thì có thể chắc chắn rằng thân được khỏe mạnh.
Nói “có thể chắc chắn” nghĩa là chưa hoàn toàn, bởi thân và tâm tuy hai nhưng lại liên quan ảnh hưởng, chi phối lẫn nhau, khi mà chúng ta chưa đạt được trí tuệ giải thoát. Trạng thái tâm lý ảnh hưởng đến ngũ tạng cũng được Lãn Ông chỉ ra: Tức giận quá sẽ hại can, vui mừng quá hại tâm, buồn lo quá hại phế, kinh sợ quá hại thận, suy nghĩ quá hại tỳ. Như vậy, muốn thân đảm bảo được an thì chúng ta phải có lối sống lành mạnh, giữ tâm ở trạng thái bình thường.
Tâm bình thường tức là tâm an. Mà muốn tâm luôn được an lạc thì chúng ta phải thực hành chuyên cần để chuyển hóa các nhân tham, sân, si, mạn, nghi, kiến… thành tâm từ, bi, hỷ, xả, nhẫn nhục. Từ sự tinh tấn tịnh hóa tâm thức, trí tuệ giác ngộ sẽ sanh. Khi có được tuệ giác thì nhìn nhận thấu triệt các quy luận vận hành của vạn pháp – vô thường, khổ, không, vô ngã. Nhận biết được như vậy thì xá gì nhân ngã mà tranh, mà chấp danh với lợi, mà hơn thua tài, sắc. Lúc đó sắc, thanh, hương, vị, xúc cũng chỉ như nước chảy, mây trôi thoáng qua mà thôi. Liền có được năng lượng của sự an lạc, tỉnh thức.
Đó là lời Phật dạy trong kinh Phật Tự Thuyết (Udàna; Tiểu Bộ kinh): “Cái này có cái kia có. Cái này sanh cái kia sanh. Cái này không cái kia không. Cái này diệt cái kia diệt”. Hay bài kệ mở đầu Trung Luận của Tổ Long Thọ cũng nói lên ý nghĩa ấy:
Bất sinh diệc bất diệt,
Bất thường diệc bất đoạn,
Bất nhất diệc bất dị,
Bất khứ diệc bất lai,
Năng thuyết thị nhân duyên,
Thiện diệt chư hý luận.
Chân lý quá rõ ràng, mọi sự vật hiện tượng đều là do nhân duyên mà hiện, nghĩa giả hợp; duyên tán liền tan. Nên nói bất sanh bất diệt. Thực hành thông đạt như vậy tâm liền an. Tâm an, thân khỏe, xứ xứ bình an.
Vậy người phật tử khi cầu an với tâm tín thành hành trì đúng như chánh pháp, sám hối, tạo phước thì chắc chắn năng lượng bình an sẽ sanh phát; năng lượng ấy, không chỉ ở hiện tại mà cả trong vị lai nữa.
Trích bài viết của tỳ kheo Thích Nguyên Các