Thơ Xuân một thuở (23C): Tú Xương (st-net)

bbt. Đã qua 22 mùa đăng tải thơ XUÂN một thuở của các thi sĩ nổi tiếng với tên tuổi đã gắn liền với những tháng năm mà chúng ta mến cảm, say mê… Nay Quý Mão 2023 một mùa Xuân của dân tộc sau mùa đại dịch đã về, bbt đã trích đăng 2 bài Thơ Xuân một thuở (A và B) của nhị vị thiền sư, hòa thượng, Quảng Độ, Nhất Hạnh, lần này xin trích đăng tiếp những bài thơ trào phúng đầu Xuân của nhà thơ Tú Xương … để chúng ta lại cùng nhau cảm nhận, chia sẻ trong không khí se se lạnh của mùa Xuân cùng với tách trà nóng và không quên vài lát mứt gừng cay ngọt…

o0o

Tiểu sử tóm lược

Tú Xương tên thật (tên khai sinh) là Trần Duy Xuyên, tự Tử Thịnh, Mặc Trai, hiệu Vị Thành, Mộng Tích, sau đổi thành Trần Kế Xương, rồi Trần Cao Xương. Ông sinh ngày 5 tháng 9 năm 1870 (tức ngày 10.8 năm Canh Ngọ) tại làng Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định nay là ngôi nhà mang số 247 phố Hàng Nâu, thành phố Nam Định.

Ông thuộc dòng dõi nho gia, thanh bạch vốn là họ Phạm, nhưng được đổi thành họ Trần do lập công lớn được phong quốc tính (vua cho đổi theo họ nhà vua). Ông nội Trần Tế Xương tên là Trần Duy Năng. Thân sinh của Trần Tế Xương là cụ Trần Duy Nhuận cũng là một nhà nho, thi nhiều khoa không đậu, sau làm Tự thừa ở dinh đốc học Nam Định, sinh được 9 người con, 6 trai, 3 gái, Tú Xương là con trưởng.

Ông đi học sớm và cũng sớm nổi tiếng thông minh. Ông đi thi lần đầu khi mới 17 tuổi, đó là khoa thi Bính Tuất (1886) và cuộc đời ông là một cuộc đời lận đận với thi cử. Ông đi thi tổng cộng đến tám (8) lần: Bính Tuất (1886); Mậu Tý (1888); Tân Mão (1891); Giáp Ngọ (1894); Đinh Dậu (1897); Canh Tý (1900); Quý Mão (1903) và Bính Ngọ (1906). Sau 3 lần hỏng thi, mãi đến lần thứ tư của khoa Giáp Ngọ (1894) lúc đó 24 tuổi, ông mới đậu tú tài, nhưng cũng chỉ là tú tài thiên thủ (lấy thêm), sau đó ông không sao thi nổi lên cử nhân, mặc dù đã khá kiên trì theo đuổi. Khoa Quý Mão (1903) Trần Tế Xương đổi tên thành Trần Cao Xương, tưởng rằng sẽ bớt đen đủi, nhưng rồi hỏng vẫn hoàn hỏng, đến phát cáu, ông than: “Tế đổi làm cao mà chó thế /Kiện trông ra tiệp hỡi trời ôi!”. Do đỗ được Tú Tài năm Giáp Ngọ (1894) nên người đời gọi ông là Tú Xương. Ông lập gia đình năm 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn, một người phụ nữ tiêu biểu cho tánh nết phụ nữ Việt Nam xưa ở nhiều phương diện như tần tảo, đảm đang, khéo léo, chịu khó, nhẫn nại, quên mình, thương chồng, thương con,… Với những đức tính tốt, đẹp này bà đã được ông (chồng) đưa vào thi phẩm như một nhân vật phụ nữ Việt Nam điển hình, hấp dẫn mà trong bài “thương vợ”, có những câu: “Quanh năm buôn bán ở mom sông, Nuôi đủ năm con với một chồng. Lặn lội thân cò khi quãng vắng, Eo sèo mặt nước buổi đò đông.” Ông bà có 8 người con (6 trai, 2 gái).

Trên đường về quê, ông bị nhiễm lạnh và mất vào ngày 29 tháng 1 năm 1907 (nhằm ngày 16 tháng 12 năm Bính Ngọ) ở làng Địa Tứ, vì nhiễm lạnh, hưởng dương 37 tuổi.

Khi nói đến tài làm thơ của ông, người ta đặc biệt chú ý đến sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố hiện thực, trào phúng và trữ tình, trong đó trữ tình là gốc. Trong số thơ Nôm của ông viết bằng các thể loại cổ điển: thơ luật Đường – thất ngôn bát cú, tứ tuyệt; phú; văn tế; câu đối; hát nói; lục bát. Nhưng dù ở thể loại nào ông cũng tỏ ra là một nghệ sĩ bậc thầy.

Nhà văn Nguyễn Công Hoan (1903-1977) đã suy tôn Tú Xương là bậc thần thơ thánh chữ, nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985) xếp ông đứng hạng thứ 5 sau Nguyễn Trãi (1380-1442), Nguyễn Du (1766-1820), Hồ Xuân Hương (1772-1822) và Đoàn Thị Điểm (1705-1749), và nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) khi còn sống đã nói “trong những bậc thi sĩ tiền bối, tôi phục nhất Tú Xương”. Nhà văn Nguyễn Tuân (1910-1987) biểu dương Tú Xương là: một người thơ, một nhà thơ có nhiều công đức trong cuộc trường kỳ xây dựng tiếng nói văn học của dân tộc Việt Nam.

Cuộc đời của nhà thơ Tú Xương là cuộc đời của một nghệ sĩ, nhưng trước hết là một trí thức phong kiến. Nhà nghèo, đông con, nghề dạy học lại bấp bênh trong thời kỳ Nho học dần lụn tàn nên cuộc sống của cả gia đình ông là cuộc sống luôn chật vật, thiếu thốn, túng bấn, vất vả … chỉ trông cậy vào bà vợ khiến lời thơ của ông lúc nào cũng mang chút gì đó cay cú, phẫn nộ, buồn phiền…

Còn nói đến thơ Xuân về, Tết đến của ông, người ta không quên sự trào phúng ví von của ông. Vì Xuân về, Tết đến với ông vẫn luôn đầy đủ như mọi người, mọi nhà nhưng tất cả chỉ hiện hữu qua những vần thơ … chứ rốt cuộc… chẳng có gì.

Cảm Tết

Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo,

Tiền của trong kho chửa lĩnh tiêu,

Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,

Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu.

Bánh đường sắp gói, e nồm chảy;

Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu.

Thôi thế thì thôi, đành Tết khác.

Anh em đừng nghĩ Tết tôi nghèo.

o0o

Chúc Tết

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau:

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.

Phen này ông quyết đi buôn cối

Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc giàu:

Trăm, nghìn, vạn mớ để vào đâu ?

Phen này, ắt hẳn gà ăn bạc

Đồng rụng, đồng rơi, lọ phải cầu.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang:

Đứa thì mua tước; đứa mua quan.

Phen này ông quyết đi buôn lọng,

Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.

Lẳng lặng mà nghe nó chúc con: (*)

Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.

Phố phường chật hẹp, người đông đúc

Bồng bế nhau lên nó ở non.

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:

Chúc cho khắp hết ở trong đời

Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước

Sao được cho ra cái giống người. (1)

(*) hay:

“Nó lại mừng nhau sự lắm con,

Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.

Phố phường chật hẹp, người đông đúc

Bồng bế nhau lên nó ở non.”

(1) Khổ thơ cuối cùng có người nói là của Cụ Tú Xương, nhưng lại có người cho rằng do người khác bắt chước giọng thơ Tế Xương mà thêm vào.

o0o

Năm Mới

Khéo bảo nhau rằng: mới với me

Bảo nhau rằng cũ chẳng ai nghe

Khăn là bác nọ to tày rế

Váy lĩnh cô kia quét sạch hè.

Công đức tu hành Sư có lọng

Xu hào rủng rỉnh Mán ngồi xe

Phong lưu rất mực ba ngày tết

Kiết cú như ta cũng rượu chè.

St-net

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Văn Thơ, Xuân. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s