
Ltg: Tựa đề bài viết cho ta thấy dịch hay “mắc dịch” mà người miền nam trước đây thường hay sử dụng nói lên cái gì đó XẤU, rất xấu chẳng gì tốt, đẹp cả. Khi dịch bùng phát, nổ ra chỉ mang đến cho nhân loại khắp cùng không phân biệt giàu nghèo, phát triển hay đang phát triển, tân tiến hay chậm tiến… những hậu quả vô cùng tai hại cả về thương vong, lẫn xáo trộn trong xã hội và cuộc sống con người nói chung chứ chưa nói đến cá nhân, gia đình, một xã hội nhỏ nói riêng… Hậu quả của dịch bệnh là sự bất an, bất hạnh đến cho mọi người không phân biệt màu da, quốc gia vùng lãnh thổ, niềm tin, tín ngưỡng… Và những hậu quả mà dịch gây ra cũng không dễ gầy-xây dựng lại trong thời gian ngắn, mà đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc… Có chăng, con người nói chung chỉ biết: THAN ÔI!!! và CẦU NGUYỆN…
Dịch Covid-19
Đại dịch có thể được định nghĩa là “dịch bệnh xuất hiện trên một khu vực rộng lớn xuyên qua biên giới quốc gia, hoặc trên toàn cầu, và thường gây ảnh hưởng đến rất nhiều người.”
Lịch sử nhân loại đã ghi nhận nhiều đại dịch, nào là dịch đậu mùa, dịch hạch, dịch sởi, dịch cúm, dịch tả, dịch viêm não, dịch lao, dịch phong, dịch sốt rét, dịch sốt vàng da, dịch Aids-HIV, … Cứ mỗi lần dịch bệnh xảy ra đã có hàng trăm, hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người thương vong vì không có thuốc ngừa cũng như chưa biết cách phòng ngừa, gây nhiều hoang mang, thiệt hại cả về nhân mạng lẫn vật chất. Cứ mỗi lần có dịch bệnh thì cuộc sống, cách sống của xã hội nơi dịch bệnh xảy ra và của cả thế giới có rất nhiều đổi thay.
Chỉ tính trong thế kỷ 19 đã có: bệnh tả – một trong những dịch bệnh lây truyền nhanh, gây chết chóc nhiều người nhất trong thế kỷ. Sau 7 lần dịch tả phát khởi từ Đông sang Tây, từ Á đến Âu, cả Phi châu… đã gây ra khoảng trên 50 triệu người phải thương vong.
Rồi sau đó là dịch cúm được gọi là cúm Tây Ban Nha năm 1918, vì dịch được xác định đầu tiên vào tháng 3 năm 1918 tại Tây Ban Nha. Không lâu sau đó, dịch bệnh đã lây lan nhanh thành một đại dịch khắp cùng các châu, lục địa, và cuối cùng lây nhiễm khoảng 1/3 dân số của cả thế giới vào thời điểm đó (khoảng 500 triệu người). Một dịch bệnh chết người, dịch kết thúc nhanh như lúc dịch bắt đầu, quét qua chỉ trong vòng 18 tháng nhưng ước tính đã có khoảng từ 50 đến 100 triệu người chết. Sau đó là dịch cúm châu Á (1957-1958), cúm Hồng Kông (1968-1969) cũng đã lấy đi khoảng gần 5 triệu người.
Thời gian đầu thiên niên kỷ, dịch SARS hay dịch bệnh hội chứng hô hấp cấp tính nặng là một chứng bệnh hô hấp ở con người gây ra bởi virus SARS. Mới đầu dịch bệnh bùng phát ở Hồng Kông từ giữa tháng 11 năm 2002 đến tháng 7 năm 2003. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, SARS đã lan từ Hồng Kông sang lây nhiễm nhiều người khác tại 37 quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) vào đầu năm 2003. Không như bệnh đậu mùa gần như đã bị dứt hẳn, SARS vẫn tồn tại, tiềm ẩn trong thiên nhiên (động và thực vật) và có khả năng tái phát vào bất cứ thời điểm nào.
Thời gian gần đây nhất là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2 và các biến thể của nó, đã và đang diễn ra trên phạm vi rộng. Đại dịch bùng phát từ tháng 12 năm 2019 tại thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc ở miền Trung Trung Quốc đại lục, từ một nhóm người mắc chứng viêm phổi không rõ nguyên nhân. Sau đó dịch bệnh bùng phát nhanh, lây lan sang các châu lục và vào ngày 11 tháng 3 năm 2020, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải ra tuyên bố, gọi dịch “COVID-19” này là “Đại dịch toàn cầu”, lan, gây ảnh hưởng đến cả 230 quốc gia, và vùng lãnh thổ toàn thế giới.
Từ các báo cáo được ghi nhận, WHO (Tổ chức Y Tế Thế Giới) cho biết toàn cầu, tính đến ngày 13 tháng 2 năm 2023, đã có 755.703.002 người được xác nhận mắc, nhiễm COVID-19, 6.836.825 người tử vong, đã có tổng cộng 13.168.935.724 liều vắc xin được sử dụng. Riêng ở Việt Nam kể từ đầu dịch đến nay đã có 11.526.754 ca lây nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỉ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.487 người bị lây nhiễm) và đã có trên 43.186 người tử vong, chiếm tỉ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm, nhưng ở Việt Nam đến nay đã có 266.204.689 liều vắc-xin được sử dụng. Và tại vương quốc Na Uy đã có 1.478.328 người bị lây, 5.152 người tử vong và 12.302.543 liều vắc-xin được sử dụng.
Đến nay sau hơn 3 năm bệnh lây lan và dù đã có nhiều phương cách ngăn ngừa dịch bệnh cũng như đã có, tiêm, chủng ngừa, … dịch bệnh vẫn chưa hết. Mà nó đã, đang và biến thể thành nhiều thể loại khác nhau, đến nỗi tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) cũng như các trung tâm bệnh dịch tễ nhiều quốc gia đang tính đến chuyện xem dịch bệnh này là dịch bệnh xảy ra theo chu kỳ hàng năm.
Sau một thời gian dài “ngăn sông”, “cấm chợ”, “đóng cửa”, “cách ly” để ngăn ngừa và chặn đứng sự lây lan, thế giới đã phải “mở cửa” cho mọi người liên hệ, thăm viếng, giao thương, buôn bán, và du lịch…. Nhưng ảnh hưởng và hậu quả của đại dịch COVID-19 đã gây ra và để lại trên toàn thế giới vô cùng lớn lao cả về thiệt hại sinh mạng con người, sự bất bình thường, không ổn định về kinh tế, lạm phát, xã hội (công ăn, việc làm,…), đến cả tình trạng bài ngoại, phân biệt chủng tộc … cũng đã có dấu hiệu phát sinh. Dầu người bi mắc, lây bệnh đã được chữa trị khỏi nhưng tác hại, di chứng xấu của bệnh vẫn tiếp tục gây ra cho rất nhiều người trên khắp cùng thế giới, khiến các nhà khoa học, nghiên cứu, và bác sĩ… phải nhức đầu và không ít lo lắng.
Dịch bệnh đến nay vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, đó đây vẫn còn lây nhiễm, nhưng dù gì thì xã hội cũng phải hoạt động, con người phải sống, phải sinh hoạt và nhiều chuyện cần thiết khác liên quan đến cuộc sống của con người, của quốc gia và của cả nhân loại. Vậy, hãy cố gắng sống với niềm tin của mỗi cá nhân, và mong sau cho nhân loại sớm thoát khỏi cơn đại dịch này. Trong chiều hướng cầu mong, xin được trích dẫn vài phát biểu, nhận định của các vị lãnh đạo tôn giáo có uy thế lớn và vị trí ảnh hưởng toàn cầu, để chúng ta tất cả cùng suy nghiệm, học hỏi cũng như áp dụng vào đời sống trước mắt cho cá nhân, gia đình, người thân, bè bạn… và xa hơn nữa cho cả nhân loại…

– Đức Thánh Cha Phanxicô (năm nay 87 tuổi) trong buổi tiếp kiến thứ hai có sự tham dự của giáo dân kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng nổ tại Ý, được tổ chức tại sân thánh Damaso của Tòa Thánh Vatican, và trong bài giáo lý, nói về đề tài “tình yêu và công ích”, Ngài đã nhắc lại rằng “học thuyết xã hội của Giáo hội dạy rằng công ích phải là mục tiêu của mọi nỗ lực cá nhân và tập thể để chữa lành thế giới bị thương tích”. Mở đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhắc rằng cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang trải qua do đại dịch, ảnh hưởng đến tất cả mọi người; chúng ta có thể trở nên tốt hơn sau khi thoát khỏi đại dịch nếu chúng ta cùng nhau tìm kiếm công ích. Ngài nhấn mạnh: Câu trả lời của Kitô giáo đối với đại dịch và những khủng hoảng kinh tế xã hội, hậu quả của đại dịch, được dựa trên tình yêu thương vô điều kiện, không giới hạn biên giới và vì công ích… Ngài mời gọi các tín hữu không đặt giới hạn nào cho tình yêu, không dựng nên rào cản, biên giới hay sự phân biệt cho tình yêu khi hành động mà hãy cùng nhau đóng góp vì công ích chung để giải quyết những vấn đề trầm trọng do đại dịch gây ra.
Dịch bệnh đang tiếp tục gây ra những tổn thương ghê gớm, làm bộc lộ sự mong manh của con người. Đã có nhiều người chết, rất nhiều người nhiễm bệnh, ở tất cả các châu lục. Nhiều cá nhân và gia đình đang sống thời khắc vô định gây ra bởi những vấn đề kinh tế-xã hội, đặc biệt là những người nghèo.
Giáo Hội cũng không thể đưa ra những hướng dẫn đặc thù mang tính xã hội-chính trị mà đây là nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo chính trị và xã hội. Tuy vậy, xuyên suốt nhiều thế kỷ, và dưới ánh sáng Tin Mừng, Giáo Hội đã đưa ra một vài nguyên tắc xã hội căn bản, những nguyên tắc có thể giúp chúng ta vượt qua khó khăn và để chuẩn bị cho tương lai. Tôi xin trích dẫn những nguyên tắc chính, có liên hệ mật thiết với nhau: nguyên tắc về nhân phẩm con người, nguyên tắc về công ích, nguyên tắc về lựa chọn ưu tiên người nghèo, nguyên tắc về phân phối tài sản phổ quát, nguyên tắc liên đới, hỗ tương, nguyên tắc về chăm sóc ngôi nhà chung. Những nguyên tắc này giúp các nhà lãnh đạo, những người chịu trách nhiệm về xã hội, làm thăng tiến, như trong tình trạng dịch bệnh hiện nay, và chữa lành cả cấp độ cá nhân và cộng đồng. Các nguyên tắc này diễn tả, bằng nhiều cách khác nhau, đức tin, đức cậy và đức mến.
PS. Đức Giáo hoàng Phanxicô, tên thật: Jorge Mario Bergoglio, sinh tại Buenos Aires, Á Căn Đình trong một gia đình có năm anh em di dân gốc Ý. Ngài sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936; là vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo Rôma và là vị Giáo hoàng người Mỹ Latinh đầu tiên trong lịch sử.

– Đức Dalai Lama – vị Phật sống thứ 14, (năm nay 88 tuổi) người Tây Tạng hiện đang sống lưu vong ở thị trấn Dharamsala thuộc bang Punjab, Ấn Độ, nơi ngài thành lập chính phủ Tây Tạng với một Hội đồng Dân cử dựa trên dân chủ, khi đề cập về virus corona, Ngài đã nói: “Chúng ta ai ai cũng cầu nguyện, nhưng nếu chỉ cầu nguyện thôi thì chưa đủ, chúng ta còn phải chiến đấu với virus với lòng bi mẫn từ tâm”. Ngài nói tiếp: “Từ quan điểm Phật giáo thì tất cả chúng sinh đều quen thuộc với nỗi khổ và sự thật về sanh, lão, bệnh, tử. Tuy nhiên, là con người, chúng ta có khả năng sử dụng tâm thức để điều phục tâm sân hận, sợ hãi và tham lam… Và người Phật tử chúng ta phải tin rằng cả thế giới đều phụ thuộc lẫn nhau. Đó là lý do tại sao tôi thường nói về trách nhiệm toàn cầu. Sự bùng phát của loại virus corona khủng khiếp này đã cho thấy rằng những gì xảy ra đối với một người cũng có thể nhanh chóng ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Nhưng nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng một nghĩa cử từ bi hay một hành vi tích cực – cho dù đó là làm việc trong bệnh viện, hay chỉ giữ khoảng cách trong khi đi lại – vẫn có khả năng giúp đỡ nhiều người.
Tất cả chúng ta đều lo lắng cho những người thương yêu, cho cả tương lai xã hội, nền kinh tế toàn cầu và cho cả quê hương thân yêu của mỗi cá nhân. Cuộc khủng hoảng này cho thấy tất cả chúng ta đều phải có trách nhiệm trong những lãnh vực mà mình có thể hoạt động. Chúng ta phải kết hợp với lòng can đảm mà các bác sĩ và y tá đang thể hiện bằng khoa học thực nghiệm, để khởi sự giải quyết tình trạng này, và bảo vệ tương lai của mình, thoát khỏi những mối đe dọa như thế.
Là một Phật tử, tôi tin vào lẽ vô thường. Cuối cùng thì dịch virus corona này cũng sẽ qua đi, như tôi đã từng thấy những cuộc chiến tranh và các mối đe dọa khủng khiếp khác đã trôi qua trong đời tôi, và chúng ta sẽ có cơ hội xây dựng lại cộng đồng toàn cầu của mình, như chúng ta đã từng thực hiện nhiều lần trước đây. Tôi thành thật hy vọng rằng mọi người có thể giữ an toàn và bình tĩnh. Vào lúc nguy hiểm này, điều quan trọng là chúng ta không nên đánh mất niềm tin và hy vọng vào những nỗ lực tích cực mà nhiều người đang thực hiện.
Ngài nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thấu hiểu giữa tín đồ các tôn giáo khác nhau và tương trợ nhau bằng lòng từ bi, yêu thương để cùng nỗ lực, vượt qua những thách thức to lớn của thế giới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và hậu khủng hoảng y tế, kinh tế toàn cầu.
PS. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 – Tenzin Gyatso – tự cho mình là một Tu sĩ Phật giáo đơn giản. Ngài là bậc lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Ngài sinh vào ngày 6 tháng 7 năm 1935, trong một gia đình nông dân, tại ngôi làng nhỏ nằm ở Taktser, Amdo, đông bắc Tây Tạng. Vào tuổi lên hai, cậu bé, sau đó được đặt tên là Lhamo Dhondup, được công nhận là hóa thân của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 – Thubten Gyatso.
Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được cho là hiện thân của Đức Quán Thế Âm hay Chenrezig – vị Bồ Tát của Lòng Từ Bi và là vị Thánh bảo hộ của Tây Tạng.
Sau cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Trung Quốc đối với phong trào khởi nghĩa của nhân dân Tây Tạng ở Lhasa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã buộc phải trốn thoát để tị nạn. Kể từ đó Ngài đã sống ở Dharamsala, thuộc bang Punjab miền bắc Ấn Độ.
Xin cùng cầu nguyện cho tất cả chúng sanh, nhân loại muôn loài sớm vượt thoát khỏi cơn dịch. Cuộc sống sớm trở lại an bình. Tình thương yêu giữa con người luôn được khởi sắc. Nạn chuyên chế, độc tài, độc đảng, khuynh đảo, áp bức … sớm mất dạng.
Cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, chúng sinh được an lạc, hạnh phúc.
Hoa Bắc cực viết theo nhiều nguồn tài liệu st.