Đầu năm MÈO suy nghĩ về chiến tranh (Hoa Bắc cực)

Ltg: Tựa đề bài viết cho ta thấy từ Chiến Tranh là cái gì đó khủng khiếp, ghê sợ. Nó mang đến chết chóc, thương vong, tàn tật, tàn phá, hủy diệt, … Cho dù nó có xảy ra ở bất cứ đâu, vào thời gian nào, có tân tiến hay xưa cũ lỗi thời cũng là chết, và tàn phá. Chiến Tranh không chỉ mang đến cho người dân, khu vực, quốc gia có chiến tranh những tai hại đã nêu mà còn lôi kéo cả nhân loại khắp cùng không phân biệt giàu nghèo, phát triển hay đang phát triển, tân tiến hay chậm tiến… vào những chuyện, việc đáng ra không cần thiết. Và rồi hậu quả Chiến Tranh gây ra cũng không dễ gầy-xây dựng lại trong thời gian ngắn, mà đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc… Khi có Chiến Tranh, người ta ai ai cũng chỉ mong sống trong Hòa Bình nên chỉ còn biết CẦU NGUYỆN…

Chiến tranh

Nhắc, nói về chiến tranh là nói đến chết chóc, thương tật, tàn phá, hủy diệt do súng và bom đạn…. mà chủ yếu là con người.

Là người Việt Nam như lứa tuổi chúng ta thì không ai không chứng kiến, trải nghiệm, mắt thấy người chết, tai nghe tiếng bom đạn rít réo trên đầu, tiếng còi hú báo động, v.v… rồi dòng người lũ lượt từng đàn, từng nhóm rời bỏ quê nhà chạy lánh nạn, tạm cư…

Đang trong mùa đại dịch ai ai cũng nơm nớp lo sợ, lo sợ mạng sống từ cá nhân, đến gia đình, người thân, … việc học hành con cái, rồi công ăn, việc làm … cùng bao nhiêu ảnh hưởng, tai họa khác do dịch bệnh gây ra chưa kịp bù đắp, chưa kịp bình thường thì chiến tranh lại xảy ra khi quân đội Nga theo chỉ đạo của Tổng thống Vladimir Putin, tấn công, pháo kích với tất cả các loại súng ống đạn dược từ nhỏ đến lớn, nhẹ đến nặng, của cả hải lục không quân, thiết giáp, xe tăng, … từ nhiều hướng, phía đã làm hàng triệu, triệu người Ukraina phải bỏ cả nhà cửa, của cải… tay không chạy đi lánh nạn, tạm cư ở nhiều nơi khác an toàn hơn, kể cả bỏ nước chạy sang các nước khác từ Thứ Năm ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Tính đến nay cuộc chiến tranh đã liên tục xảy ra, kéo dài cả năm thì mức tàn phá hủy diệt, thiệt hại về nhân mạng lên đến con số hàng trăm ngàn người của cả 2 phía Nga, Ukraina trong đó có không biết bao nhiêu người dân, và trẻ em vô tội. Thiệt hại vật chất, nhà cửa, thành phố không sao nói, kể hết được vì chưa có một con số chính xác nào được ghi nhận, kiểm kê. Nhưng đặc biệt và quan trọng hơn cả là biết bao di tích, di sản lịch sử không chỉ của riêng đất nước và người dân Ukraina mà của cả thế giới và nhân loại … đã bị tàn phá, hủy diệt Ảnh hưởng và hậu quả này không chỉ tại Ukraina nơi chiến tranh bùng phát mà nó còn kéo theo nhiều nước khác khắp cùng Âu châu và của cả thế giới vào cuộc khủng hoảng về lương thực, kinh tế suy giảm, nạn lạm phát gia tăng, công ăn việc làm sụt giảm … và biết bao khó khăn khác trong cuộc sống, và xã hội.

Mới đầu khi đưa quân vào Ukraina, Tổng Thống Vladimir Putin và quân đội Nga dự định cuộc chiến sẽ chấm dứt, kết thúc chỉ trong vòng vài ngày cao lắm là một tuần. Thế nhưng đến nay cuộc chiến đã kéo dài cả năm vì người dân Ukraina và vị Tổng Thống dân cử Ukraina, Volodymyr Oleksandrovych Zelensky người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraina với hơn 70% số phiếu bầu, đánh bại tổng thống đương nhiệm lúc đó là Petro Poroshenko, và nhậm chức kể từ ngày 20 tháng 5 năm 2019 với binh lực yếu kém, đạn dược thiếu thốn, nhưng với tinh thần sắt đá đã đồng lòng cùng đứng lên chống lại sự xâm lược tàn ác của binh lính Nga bảo vệ nền Tự Do Dân Chủ, đất nước Ukraina.

Thứ Năm ngày 24 tháng 2 năm 2022 khi Nga tiến hành một cuộc xâm lược (mà theo cách gọi của Tổng thống Nga, Putin là “chiến dịch quân sự đặc biệt”) nhằm vào Ukraina thì ông Zelensky đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Và trong cùng ngày, ông đã ban bố Thiết quân luật cùng ra lệnh Tổng động viên trên toàn quốc. Ông cùng gia đình vợ và 2 con quyết định, tình nguyện ở lại Ukraina, không chịu rời bỏ đất nước sống lưu vong theo lời mời và đề nghị của chính phủ Hoa Kỳ cùng một số nước khác ở Âu châu. Và cuộc chiến thật sự bắt đầu từ đây đi vào đẫm máu. Trong một video với khung cảnh tàn phá giữa lòng thành phố sau lưng tổng thống Ukraina được trình chiếu khắp cùng trên thế giới, ông Zelensky đã tuyên bố: “Chúng tôi không hạ vũ khí xuống, nhưng chúng tôi sẽ chiến đấu vì đất nước và quê hương của chúng tôi”.

Ông Zelensky là vị Tổng Thống trẻ tuổi nhưng lại được cả thế giới biết đến như một nhân vật đặc biệt, tiêu biểu vì ông là người đầu tiên trên thế giới được phát biểu truyền hình trực tiếp trong rất nhiều quốc hội của nhiều quốc gia tân tiến từ Âu sang Á kể cả Mỹ châu. Và trong bất cứ lần phát biểu nào, ông cũng được gần như hầu hết các vị dân biểu, nghị sĩ quốc hội, các chính trị gia nước ông được phát biểu ủng hộ, ca ngợi, và tỏ lòng tôn kính. Dù rằng trước năm 2018, ông chưa làm việc trong ngành luật sư dù rằng ông đã tốt nghiệp ngành này, ngoài 2 tháng thực tập. Và trong suốt gần 25 năm trước khi là tổng thống, ông chỉ được mọi người biết đến như là một người dẫn chương trình, diễn viên, diễn viên hài, đạo diễn, nhà sản xuất và là nhà biên kịch và ông cũng chưa tham gia chính trị, hay thuộc một đảng phái chính trị nào cho đến khi tham gia đóng vai chính trong bộ phim truyền hình có tựa đề “Đầy tớ của nhân dân” (Servant of the people), đưa tới việc ông thành lập Đảng chính trị Đầy tớ Nhân dân vào tháng 3 năm 2018 cùng nhóm bạn bè rồi quyết định ra tranh cử tổng thống.

Tạp chí Time – một tạp chí uy tín được cả thế giới biết, đọc, theo dõi của Mỹ hôm 7.12.2022 đã vinh danh Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng như “tinh thần Ukraina” là nhân vật của năm 2022  (Person of the year 2022). Trong bình luận đi kèm, tạp chí Time nhắc lại việc ông Zelensky, một diễn viên hài trở thành nguyên thủ quốc gia của Ukraina, đã kiên quyết không rời bỏ thủ đô Kyiv sau khi xung đột với Nga nổ ra vào cuối tháng 2. Ông đã hiệu triệu và đoàn kết người dân Ukraina thông qua các bài phát biểu từ Kyiv, cũng như đến nhiều nơi khác nhau trên cả nước bất chấp chiến sự đang xảy ra. Ông thật sự đã truyền cảm hứng cho người Ukraina và giành được nhiều khen ngợi vì tinh thần dũng cảm trong cuộc xung đột với Nga.

Tổng biên tập Time, ông Edward Felsenthal gọi quyết định của ông Zelensky ở lại Kyiv (Kiev) và tập hợp đất nước của ông trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra là “định mệnh”.

Danh hiệu Nhân vật của năm 2022 cũng được trao cho “tinh thần của Ukraina”, mà theo ông Felsenthal là đại diện cho “vô số cá nhân trong và ngoài đất nước” đã chiến đấu ở hậu phương, bao gồm cả những người bình thường như đầu bếp và bác sĩ phẫu thuật.

Kể từ năm 1927, tạp chí Time luôn chọn ra Nhân vật của năm. Đối tượng được chọn thường là một cá nhân, nhưng đôi khi là tập thể có ảnh hưởng lớn đến đất nước và thế giới trong một năm dương lịch.

Trong chuyến công du quốc tế đầu tiên của Tổng thống Ukraina – Volodymyr Zelensky kể từ khi chiến sự nổ ra vào ngày 21.12.2022, ông đã gặp người đồng cấp Joe Biden (Tổng thống Hoa Kỳ) tại Nhà Trắng, và phát biểu trước Quốc hội Hoa Kỳ (U.S. Capitol), Washington D.C.

Tại Nhà Trắng, ông Zelensky đã gửi tặng người đồng cấp Hoa Kỳ huy chương quân sự từ đội trưởng đơn vị vận hành tên lửa HIMARS. Và Tổng thống Hoa Kỳ, Jo Biden gửi lại cho vị đội trưởng Ukraina phù hiệu cỡ nhỏ (command coin) từ chiến trường Hoa Kỳ ở I-Rắc.

Sau bài phát biểu chung tại Quốc Hội Hoa Kỳ, Tổng thống Ukraina đã tặng Quốc hội Mỹ lá quốc kỳ có chữ ký của các binh sĩ Ukraina như một món quà cảm ơn vì vũ khí Washington hỗ trợ. Đổi lại, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà Nancy Pelosi tặng cho ông Zelensky lá cờ Hoa Kỳ gấp gọn. Lá cờ này trước đó được treo trên tòa nhà Quốc hội hôm 21/12.

Trong chuyến công du nước ngoài lần thứ hai kể từ khi xung đột Nga-Ukraina nổ ra, Tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky đã chọn châu Âu làm điểm đến, đầu tiên ông ghé Anh quốc gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak, rồi đến Paris, Pháp quốc hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz, kế đó ghé Brussel (Bỉ) để trao đổi, tham dự hội nghị thượng đỉnh EU được cho là nhân tố khiến chương trình nghị sự có phần thay đổi. Chủ đề Ukraina được đẩy lên và chi phối nhiều hơn nghị trình của 27 nước thành viên.

Hầu hết những vấn đề mà Tổng thống Zelensky đề cập trong các cuộc gặp riêng rẽ với các nhà lãnh đạo châu Âu như Thủ tướng Anh, Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức cũng như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đều nhận được những lời tái khẳng định ủng hộ hoặc cam kết thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của EU đối với Ukraina và cuối cùng trước khi về lại Ukraina, ông đã gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda.

Đặc biệt lần công du này, và trong hội nghị thượng đỉnh đặc biệt đầu tiên năm 2023 của Liên minh châu Âu (EU) kéo dài 16 tiếng sang ngày 10/2 tại Brussels (Bỉ) với 27 vị lãnh đạo các thành viên NATO. Vào ngày 9-2, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu tại Nghị viện châu Âu. Qua đó ông đề nghị các đồng minh phương Tây cung cấp thêm vũ khí và nhấn mạnh rằng “một Ukraina giành được chiến thắng” trong cuộc xung đột với Nga đủ tư cách để trở thành thành viên của EU. Và ông cho rằng EU sẽ không hoàn thiện nếu không có Ukraina.

Một lần nữa, sự hiện diện của ông Zelensky được chào đón bằng những lời cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ chính trị, tài chính và quân sự cho Ukraina; tăng cường quan hệ và mở rộng hợp tác; sát cánh với Kiev xây dựng lại một Ukraina hiện đại và thịnh vượng.

Mặc dù ông Zelensky khó có thể rời châu Âu cùng vũ khí, nhưng chuyến thăm này cho ông cơ hội trình bày trực tiếp với tất cả 27 nhà lãnh đạo của EU lần đầu tiên kể từ khi chiến sự nổ ra từ ngày 24-2-2022.

Đến nay chiến sự tại Ukraina càng lúc càng bùng nổ ra với những trận giao tranh khốc liệt, đẫm máu nhất. Phát ngôn viên Bộ chỉ huy quân sự miền Đông Ukraina, Ông Serhiy Cherevaty cho biết, các khu vực Bakhmut và Avdiivka quanh vùng Donetsk vẫn là nơi diễn ra các cuộc giao tranh khốc liệt nhất trong giai đoạn hiện tại của cuộc chiến. Cả Nga và Ukraina đều quyết tâm giành được mặt trận chiến lược này.

Giống như trận chiến năm 1916 (Thế chiến lần 1) ở mặt trận phía Tây nước Pháp, trận chiến giành Bakhmut, hiện đã bước sang tháng thứ 7, cho đến nay vẫn kéo dài, đẫm máu …. Việc kiểm soát Bakhmut được xem là chiến thắng mang tính biểu tượng khi chiến dịch quân sự của Nga đánh dấu tròn một năm bắt đầu, trong khi Ukraina quyết tâm giữ vững trận địa của mình. Ông Mark Cancian, cố vấn chương trình an ninh cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, đã thừa nhận: “Ukraina không có nhiều lựa chọn. Nếu đó là nơi Nga đang tấn công, thì Ukraina không có lựa chọn nào khác ngoài việc phòng thủ”.

Dù được nhiều nước ủng hộ, giúp đỡ từ vũ khí đạn dược quân sự, đến tất cả những trợ giúp khác liên quan đến cuộc chiến kể cả việc cứu, giúp, lo việc tạm cư cho người Ukraina còn kẹt lại trong nước hay đã đi lánh nạn sang nước thứ ba, vẫn còn nhiều trợ giúp khác, đặc biệt là cấm vận Nga trên và về nhiều mặt trận luôn cả xoa dịu ngoại giao để thúc thối cả 2 bên cùng ngồi vào bàn hội nghị, đàm phán, nói chuyện… Hòa Bình. Nhưng đến nay gần như chưa có một tia sáng nào, hay đạt được một kết quả nào khả quan. Chiến tranh vẫn tiếp diễn, làn sóng người vẫn còn bỏ chạy, tản cư, người chết, bị thương vẫn còn vô số nằm la liệt đó đây khắp cùng…

– Trong thông điệp Ngày Giáng sinh lần thứ 10 của Đức Thánh Cha Phanxico (năm nay 87 tuổi) kể từ khi Ngài đăng quang, lên ngôi giáo hoàng, Ngài đã kêu gọi “chấm dứt ngay lập tức” điều mà Ngài mô tả là “cuộc chiến vô nghĩa ở Ukraina”.

Đức Thánh Cha Phanxico cũng nhân dịp này cảnh báo về những hậu quả xã hội sau đại dịch, khi nói rằng “ngày càng có xu hướng rút lui… ngưng nỗ lực gặp gỡ người khác và cùng nhau làm mọi việc”. Ngài nói tiếp rằng “ở cấp độ quốc tế, cũng đang có nguy cơ né tránh đối thoại, nguy cơ cuộc khủng hoảng phức tạp này sẽ dẫn đến việc người ta tìm đường tắt thay vì đề ra đường dài” để giải quyết xung đột.

“Chúng ta tiếp tục chứng kiến ngày càng nhiều xung đột, khủng hoảng và bất đồng,” Ngài nói. “Những điều này dường như không bao giờ kết thúc, và cho đến nay thì chúng ta hầu như không còn nhận ra chúng.” “Chúng ta đã quá quen với chúng đến nỗi những bi kịch to lớn đang bị lặng lẽ bỏ qua.”

Nhắc tới châu Á, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa an ủi người dân Afghanistan, “những người đã bị thử thách nặng nề bởi các cuộc xung đột trong hơn 40 năm”, và “nâng đỡ người dân Myanmar, nơi mà sự bất khoan dung và bạo lực thỉnh thoảng lại nhắm vào cộng đồng Kitô giáo và các địa điểm thờ phượng của họ”.

Ngài cũng cầu nguyện cho hòa bình đến với các cuộc xung đột ở những địa điểm với nhiều vấn đề khác trên thế giới, bao gồm Ukraina, Ethiopia, và Sahel (*), nơi từng là tuyến đầu trong cuộc chiến chống lại các tay súng Hồi giáo trong suốt gần một thập kỷ qua.

Trước đó, Giáo hoàng Phanxico, 85 tuổi, đã đánh dấu đêm trước Giáng sinh bằng buổi lễ trọng tại Vương cung Thánh đường, nơi Ngài kêu gọi các tín đồ thể hiện lòng trắc ẩn đối với người nghèo và “hãy coi trọng những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống”.

“Trong đêm yêu thương này, xin chúng ta chỉ có một nỗi sợ hãi: đó là việc xúc phạm đến tình yêu của Thiên Chúa, khiến Người đau lòng khi chúng ta coi thường người nghèo bằng sự thờ ơ,” Ngài nói.

PS. Đức Giáo hoàng Phanxicô, tên thật: Jorge Mario Bergoglio, sinh tại Buenos Aires, Á Căn Đình trong một gia đình có năm anh em di dân gốc Ý. Ngài sinh ngày 17 tháng 12 năm 1936; là vị giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội Công giáo Rôma và là vị Giáo hoàng người Mỹ Latinh đầu tiên trong lịch sử.

(*) Sahel kéo dài khoảng 6.000 km (3.729 dặm) từ ven Đại Tây Dương ở phía tây tới khu vực sừng châu Phi ở phía đông, với bề rộng từ khoảng 150 km ở phía đông (ven Hồng Hải) cho tới khoảng 800 km (ở phía tây, ven Dakar), và Sahel ngày nay bao gồm các quốc gia: Senegal, Mauritanie, Mali, Burkina Faso, Niger, Nigeria, Tchad, Sudan, Eritrea.

– Trên trang nhà chính thức của Đức Dalai Lama (năm nay 88 tuổi) hôm 28-2-2022, đã phát đi thông điệp của vị lãnh đạo tinh thần Phật giáo Tây Tạng, người được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1989. Theo đó, thông điệp của ngài có nội dung:

“Tôi vô cùng đau buồn trước cuộc xung đột ở Ukraina.

PS. Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 – Tenzin Gyatso – tự cho mình là một Tu sĩ Phật giáo đơn giản. Ngài là bậc lãnh đạo tinh thần của Tây Tạng. Ngài sinh vào ngày 6 tháng 7 năm 1935, trong một gia đình nông dân, tại ngôi làng nhỏ nằm ở Taktser, Amdo, đông bắc Tây Tạng. Vào tuổi lên hai, cậu bé, sau đó được đặt tên là Lhamo Dhondup, được công nhận là hóa thân của Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 – Thubten Gyatso.

Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma được cho là hiện thân của Đức Quán Thế Âm hay Chenrezig – vị Bồ Tát của Lòng Từ Bi và là vị Thánh bảo hộ của Tây Tạng.

Sau cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Trung Quốc đối với phong trào khởi nghĩa của nhân dân Tây Tạng ở Lhasa, Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma đã buộc phải trốn thoát để tị nạn. Kể từ đó Ngài đã sống ở Dharamsala, thuộc bang Punjab miền bắc Ấn Độ.

Thế giới của chúng ta đã trở nên phụ thuộc lẫn nhau đến nỗi xung đột bạo lực giữa hai quốc gia chắc chắn ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới. Chiến tranh đã lỗi thời – bất bạo động là cách duy nhất. Chúng ta cần phát triển ý thức về sự đồng nhất của nhân loại bằng cách coi những người khác là anh chị em. Đây là cách chúng ta sẽ xây dựng một thế giới hòa bình hơn.

Các vấn đề và bất đồng được giải quyết tốt nhất thông qua đối thoại. Hòa bình thực sự xuất hiện thông qua sự hiểu biết lẫn nhau và tôn trọng hạnh phúc của nhau.

Chúng ta không được mất hy vọng. Thế kỷ XX là một thế kỷ của chiến tranh và đổ máu. Thế kỷ XXI phải là một thế kỷ đối thoại.

Tôi cầu nguyện cho hòa bình nhanh chóng được khôi phục ở Ukraina”

CHIẾN TRANH: Chúng ta đã, đang và sẽ làm gì? Chiến Tranh mang lại cho ta những gì? Sau Chiến Tranh chúng ta còn những gì? v.v… Những câu hỏi thật DỄ hỏi, đưa ra nhưng chắc KHÓ và THẬT KHÓ có câu trả lời.

Mỗi người hãy cứ theo đức tin của mình… hay theo lời dạy của 2 trong vô số vị chủ chăn tôn giáo được trích dẫn ở trên: Đức Giáo Hoàng Phanxico, Thánh Đức Dalai Lama thứ 14…. Hãy cầu mong sự thấu hiểu lẫn nhau, dẹp đi lòng tự mãn, sự cai trị độc đoán, độc tài, chủ nghĩa cực đoan, đảng phái, thống trị ích kỷ… mà nên suy xét hãy cùng nhau sống, cùng nhau xây dựng, cùng nhau vun bồi… Tất cả sẽ được tươi tốt trường tồn cho lớp lớp con cháu mai sau… bởi chúng ta trước sau cũng chỉ là một trên trái đất này, có khác chăng chỉ là màu da, tiếng nói, văn hóa, cách sống, vùng lãnh thổ, … nhưng chung quanh ta thật sự vẫn còn rất nhiều việc chung liên quan mà chúng ta cần phải làm…cùng nhau làm… trước khi quá trễ…

Xin cùng cầu nguyện cho tất cả chúng sanh, nhân loại muôn loài sớm vượt thoát khỏi chiến tranh, chết chóc, thương vong…. Cuộc sống sớm trở lại an bình. Tình thương yêu giữa con người luôn được khởi sắc, đươm bông. Nạn chuyên chế, độc tài, khuynh đảo, áp bức … sớm biến mất. Sự thông cảm, thấu hiểu nhau cần nâng cao và cùng nhau thực hành bớt sân hận, bớt tham lam, không si mê lạc lối, không hoang đường mơ tưởng theo các tà thuyết đã lỗi thời. Và cần lưu ý: Chúng ta đang ở vào thế giới công nghệ – công nghệ về mọi mặt, trong đó công nghệ “tư duy – đầu óc” là điểm chốt cần quan tâm, và vun bồi. ChatGPT.

Cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, chúng sinh được an lạc, hạnh phúc.

Hoa Bắc cực viết theo nhiều nguồn tài liệu st.

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Đời Sống, Xã Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s