
Ltg: Tựa đề bài viết cho ta thấy thiên tai chỉ mang đến đều XẤU chẳng gì tốt, đẹp cả. Khi thiên tai ập đến dù bất cứ nơi đâu, lúc nào thì thiên tai cũng không chừa một ai, không phân biệt giàu nghèo, phát triển hay đang phát triển, tân tiến hay chậm tiến… mà thiên tai chỉ mang đến những hậu quả vô cùng tai hại cả về thương vong, lẫn sự tàn phá, … Cạnh đó là sự bất an, bất hạnh đến cho mọi người không phân biệt màu da, quốc gia vùng lãnh thổ, niềm tin, tín ngưỡng… Hậu quả chúng gây ra cũng không dễ gầy-xây dựng lại trong thời gian ngắn, mà đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc… Con người lúc đó, chỉ biết: THAN ÔI!!! Và CẦU NGUYỆN…
Động đất
Thiên tai có rất nhiều hạng mục, loại thể mà Động đất chỉ là một. Động đất hay Địa chấn là sự rung chuyển trên bề mặt Trái Đất do kết quả của sự giải phóng năng lượng bất ngờ ở lớp vỏ Trái Đất và phát sinh ra sóng địa chấn. Theo định nghĩa chung, trận động đất từ được sử dụng để mô tả bất kỳ sự kiện địa chấn nào dù là tự nhiên hay gây ra bởi con người tạo ra sóng địa chấn. Động đất được gây ra chủ yếu là do vỡ các đứt gãy địa chất mà còn do các sự kiện khác như hoạt động núi lửa, lở đất, vụ nổ mìn và thử hạt nhân.
Mới qua tháng đầu năm mới 2023, xã hội tạm yên với nhịp sống đang dần trở lại bình thường, thì bất ngờ vào ngày 6 tháng 2 năm 2023, một trận động đất kinh hồn đã xảy ra ở miền nam và miền trung Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như miền bắc và miền tây Syria. Trận động đất xảy ra với tâm chấn nằm cách 34 km (21 dặm) về phía tây của thành phố Gaziantep vào lúc 04:17 giờ sáng với cường độ ít nhất là 7,8. Chín (9) tiếng đồng hồ sau cơn chấn động chính lại thêm một cơn dư chấn khác với cường độ 7,7 độ Richter xảy ra, tâm điểm lần này cách tỉnh Kahramanmaraş 95 km (59 dặm) về phía bắc–đông bắc Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được xem là trận động đất mạnh nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ trận động đất Erzincan vào ngày 26.12 năm 1939, có cùng cường độ 7,8 Richter đã cướp đi hơn 32.700 mạng người, đồng thời là trận động đất mạnh thứ hai trong lịch sử nước này sau trận động đất Bắc Anatolia, với cường độ 8,0 Richter vào ngày 17.8 năm 1668, cướp đi 8000 người.
Trận động đất lần này gây chết người nhiều nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ trận động đất Cilicia năm 1268 và ở Syria kể từ trận động đất Aleppo năm 1822. Và đây là một trong những trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận ở Levant – Levant là một khu vực rộng lớn ở phía Đông Địa Trung Hải. Levant bao gồm Liban, Syria, Jordan, Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine. Đôi khi cũng bao gồm cả Cộng hòa Síp, Sinai và Iraq. Viện Khảo cổ học UCL mô tả Levant là “ngã tư giữa Tây Á, Đông Địa Trung Hải và Đông Bắc Phi”.
Đây là trận động đất nguy hiểm nhất trên toàn thế giới kể từ trận động đất ở Haiti năm 2010. Người ta có thể cảm nhận được nó đến tận Ai Cập, Israel, Palestine, Liban, Síp và bờ Biển Đen của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trận động đất lần này kéo theo hơn 2.100 cơn dư chấn. Chuỗi địa chấn là kết quả của đứt gãy trượt nông. Tính đến ngày 17 tháng 2 năm 2023, đã có 43.858 người tử vong trong đó có 38.044 người ở Thổ Nhĩ Kỳ và 5.814 người ở Syria nhưng con số cuối cùng có thể nhiều hơn. Theo báo cáo chung thì vẫn còn khoảng 15.000 người mất tích, và hiện có gần 80.000 người bị thương.
Một cơn bão mùa đông lớn làm rơi tuyết xuống đống đổ nát và khiến nhiệt độ giảm mạnh, đã cản trở các nỗ lực cứu hộ. Do nhiệt độ đóng băng trong khu vực động đất nên những người còn sống sót, đặc biệt là những người đang và còn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát, có nguy cơ bị hạ thân nhiệt rất cao nên cơ hội sống sót cho những người này càng lúc càng ít dần. Riêng tại Syria nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ càng gặp nhiều khó khăn hơn do quy mô thảm họa và tình trạng nội chiến đã kéo dài hơn 10 năm qua.
Tuy vậy sau hơn 11 ngày, đội cứu hộ vẫn tìm thấy những người sống sót, điển hình:
– Bé gái Ridvan, 2 tuổi đã được cứu sau 5 ngày trong vòng tay của người mẹ đã qua đời trong thảm họa.
– Theo The Guardian, trong bài đăng trên mạng xã hội Twitter, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết, một bé gái 10 tuổi đã được cứu sống, đưa ra khỏi đống đổ nát ở Hatay sau hơn 150 giờ (hơn 6 ngày đêm) diễn ra thảm họa động đất.
– Cùng ngày, tại thành phố Hatay, lực lượng cứu hộ cũng cứu sống thành công một bé gái khác vào thời điểm 147 giờ (hơn 6 ngày đêm) sau thảm họa.
– Một trường hợp sống sót thần kỳ khác ở Hatay là hai bố con (con gái 5 tuổi) được tìm thấy dưới đống đổ nát ở trung tâm thành phố.
– Trước đó, theo AP, ngày 11/2 – 5 ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy một em bé mới 7 tháng tuổi vẫn còn sống từ trong đống đổ nát.
Dưới cái lạnh dưới độ âm, không ăn, không uống và đôi khi không đủ oxy để thở, nhưng các đội cứu hộ vẫn còn nghe tiếng người sống và đã kéo ra từ đống đổ nát được người sống sót. Những điều thật hy hữu đến nỗi các nhà khoa học ước định chẳng ai có thể sống được…và khó giải thích lý do…Ví dụ như:
– Ông Huseyin Berber, 62 tuổi, mắc bệnh tiểu đường, đã sống sót sau 187 giờ (hơn 7 ngày đêm) dưới đống đổ nát.
– Một cô gái 17 tuổi đã được cứu sống sau hơn 248 giờ (hơn 10 ngày đêm) dưới đống đổi nát.
– Tin tin từ TTX Thổ Nhĩ Kỳ đã có thêm 1 người đàn ông sống sót sau hơn 278 giờ (hơn 11 ngày đêm) dưới đống gạch vụn ở quận Hatay.
Bên cạnh những tin ngắn tốt đẹp bên trên, cũng có những tin ngắn khó có ai tin được, và rồi cũng rất khó để các nhà khoa học, bác sĩ, v.v… cắt nghĩa rõ ràng lý do và tại sao?
1. Như tại vùng Jindire, Syria, vừa qua truyền thông quốc tế chia sẻ câu chuyện một bé gái sơ sinh được tìm thấy vẫn còn dây rốn nối vào người mẹ, và được cứu sống khỏi đống đổ nát ở miền bắc Syria. Em bé này là người duy nhất sống sót trong gia đình của em, những thành viên còn lại đều bị thiệt mạng khi động đất san phẳng ngôi nhà của họ ở thị trấn Jindayris, tỉnh Aleppo.
2. Một gia đình người Syria gồm 5 trẻ em và 2 người lớn sống sót sau động đất ở Nurdaği, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa và nằm trong số gần 4 triệu công dân Syria sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, đã chuyển đến sống cùng người thân ở vùng Konya, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng sau đó cả gia đình này đều bị thiệt mạng trong một vụ cháy nhà khi ở cùng người thân ở vùng Konya, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trận động đất được ước tính đã gây ra thiệt hại trị giá gần 100 tỷ USD, khiến nó trở thành trận động đất gây thiệt hại lớn thứ tư được ghi nhận đến nay.
Theo Hãng tin Reuters, ông Erdogan, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khi có mặt nơi xảy ra động đất, cho biết đã có ít nhất 50.000 tòa nhà, khu chung cư trên khắp miền nam Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sụp đỗ, hư hại không sử dụng được nữa. Và ông cho rằng “bất kỳ quốc gia nào cũng sẽ phải đối mặt với những vấn đề” mà Thổ Nhĩ Kỳ đã trải qua trong một thảm họa động đất như vậy.
Hậu quả:
Giám đốc khu vực châu Âu của WHO (Tổ chức Y Tế Quốc Tế), Hans Kluge đã ví trận động đất là “thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất” trong một thế kỷ mà khu vực phải hứng chịu, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các bên trong việc cung cấp viện trợ cho những người bị ảnh hưởng.
Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 14/2, ông Kluge nói: “Nhu cầu viện trợ đang rất lớn và tăng lên từng giờ. Với khoảng gần 30 triệu người ở cả hai nước cần hỗ trợ nhân đạo”.
Ngoài ra, đại diện WHO cũng cảnh báo rằng ngày càng có nhiều lo ngại về rủi ro sức khỏe liên quan đến thời tiết lạnh, vệ sinh môi trường và sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm. Trong khi đó, với 80.000 người hiện đang nằm viện, hệ thống y tế Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu áp lực rất lớn sau khi chịu thiệt hại đáng kể do thảm họa động đất.
Ông James Elder, người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), nói với báo giới ở Geneva vào ngày 14-2, theo Hãng tin AFP thì hiện nay “Ở Thổ Nhĩ Kỳ, tổng số trẻ em sống ở 10 tỉnh bị ảnh hưởng bởi động đất gần 5 triệu em, còn ở Syria có 2,5 triệu em” – và ông lo sợ số trẻ em thiệt mạng được thống kê cuối cùng sẽ ở mức “không thể tin được”, và rồi “có rất nhiều trẻ em sẽ mất cha mẹ trong trận động đất kinh hoàng này”.
Ngày 14/2, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết tổ chức này đang phát động chiến dịch nhân đạo quyên góp khoảng 400 triệu USD giúp hỗ trợ, cứu sống gần 5 triệu người Syria trong khoảng 3 tháng.
Và ông ước tính khoảng 1 tỷ USD để hỗ trợ dân chúng Thổ Nhĩ Kỳ vùng bị thảm họa trong 3 tháng.
Nhưng gầy dựng lại cả một khu vực rộng lớn như vậy cũng như lo toan cuộc sống liên quan cho số lượng trên 30 triệu người là một đòi hỏi vô cùng lớn về cả kế hoạch, cũng như chương trình. Việc này rất cần sự chung tay hỗ trợ không riêng nước sở tại mà của cả thế giới.
***
Giống như nhiều trận động đất gây thiệt hại lớn về nhân mạng khác, cơn địa chấn ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra rất gần mặt đất, ở khoảng cách 17 km. Để so sánh, trận động đất 7,0 độ kinh hoàng ở Haiti năm 2010 khiến hơn 300.000 người thiệt mạng xảy ra ở độ sâu 12 km so với mặt đất, và trận động đất gây sóng thần nổi tiếng ở Nhật Bản năm 2011 là gần 30 km so với mặt đất. Hầu hết các chuyển động địa chất gây động đất diễn ra sâu hơn thế rất nhiều, có thể sâu tới 800 km trong lòng đất.
Thời điểm xảy ra động đất lần này là vào buổi sáng sớm, chính xác là 4h17 sáng giờ địa phương, đồng nghĩa nhiều người vẫn còn đang ngủ, và họ bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Ngoài ra, thời tiết lạnh và ẩm đang di chuyển qua vùng này, nên các nỗ lực giải cứu và khắc phục hậu quả đang gặp rất nhiều khó khăn.
Trong những cảnh tượng đổ nát kinh hoàng sau trận động đất, nhiều người cũng bắt đầu nêu ra câu hỏi về chất lượng xây dựng cơ sở hạ tầng trong tấn thảm kịch. Kiến trúc sư kết cấu của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ (USGS) Kishor Jaiswal nói với CNN ngày 7-2 là Thổ Nhĩ Kỳ từng trải qua nhiều trận động đất trong quá khứ, bao gồm trận động đất năm 1999 ở tây nam nước này khiến 17.000 người thiệt mạng, tức họ đã có kinh nghiệm trong thiết kế và thi công nhà cửa, hạ tầng để sẵn sàng cho một sự cố nữa. Cũng theo Jaiswal, nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ xác định tiêu chuẩn xây dựng khắt khe với nhiều vùng trong nước dễ xảy ra động đất, nhưng việc tuân thủ không phải lúc nào cũng như mong đợi, nhất là ở các tòa nhà đã cũ.
Tiến sĩ Carmen Solana, chuyên gia về thảm họa và thiên tai ở Đại học Portsmouth, Anh, bình luận trên BBC: “Hạ tầng chống động đất không may là còn yếu ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, và nhất là ở Syria, nên để cứu mạng người vẫn chủ yếu phải dựa vào hoạt động cứu hộ. 24 tiếng đầu tiên là tối quan trọng. Sau 48 tiếng thì khả năng tìm được người sống sót sẽ giảm mạnh”. Thực tế là khu vực giáp ranh Thổ Nhĩ Kỳ – Syria đấy đã không xảy ra động đất lớn suốt hơn 200 năm qua, nên mức độ sẵn sàng cũng thấp hơn so với những khu vực khác của Thổ Nhĩ Kỳ.
o0o
Động Đất đả xảy ra và sẽ xảy ra. Thiệt hại đã gây ra, dữ đội, kinh hoàng nhưng tất cả đã mất đã hư không còn gì nhưng ta sẽ xây dựng, làm mới, đẹp lại, gấp 2, 3 hay 5 hoặc 10 lần không sao… Chỉ cần thời gian và sự quyết tâm, ta sẽ làm được, làm lại, xây dựng lại tất cả.
Người chết đã chết, người mất cũng đã mất nhưng làm sao ta tìm gặp lại được? Đó thật sự mới là điều cần lưu tâm, để ý, và cần suy ngẫm. Chính phủ, chính quyền thì mất dân, con người thì mất nào là người thân, bè bạn, láng giếng… Cái mất này làm sao có lại được? Dù gì thì ta vẫn còn hiện diện trên-trong cõi đời này. Câu hỏi đặt ra: “ta sẽ và làm được gì cho cuộc sống trong đó có ta và mọi người?”.
Thảm họa, tai ương … cho ta thấy những sự việc trong cuộc sống đời người, có cái hư, cái mất… tu sữa lại được, bên cạnh đó cũng có những cái hư-mất, nhưng dù ta cố gắng thế nào đi nữa cũng không thể tu sữa được, tìm lại được. Và cũng cần nhớ: Chỉ sau một giấc ngủ, tất cả chẳng còn gì. Thế thì sao ta cứ mải say mê hận thù, ghét bỏ nhau.

Khi nói về Hiểu và Thương, Thiền sư Nhất Hạnh (11/10/1926 – 22/1/2022) là một thiền sư, giảng viên, nhà văn với bút danh Nguyễn Lang, nhà thơ, nhà khảo cứu, nhà hoạt động xã hội, … và được một số tờ báo nước ngoài đánh giá là nhà lãnh đạo Phật giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Ngài Đạt-lai Lạt-ma (Dalai Lama), người Tây Tạng, năm nay Ngài đã 88 tuổi chớ đâu còn trẻ, khỏe. Và Ngài sẽ ra sao chỉ trong vòng vài năm nữa!!!
Có ảnh hưởng và luôn được mọi người kính trọng, nể phục, nhưng khi nói về cuộc đời thì gần như Ngài chỉ gom lại trong vài từ, mà trong đó có Hiểu có Thương. Ngài dạy “Cuộc đời vốn dĩ vô thường và chúng ta thật sự không thể biết trước mình còn gặp được những người thân thương thêm bao nhiêu lần nữa…. Thế nên, nếu bạn thực sự yêu thương một ai đó, hãy trân trọng và yêu thương họ trong từng khoảnh khắc, hơn hết là sự thấu hiểu nỗi đau của một người. Đừng để khi mất rồi, ngồi đó mà than mà khóc, mà tiếc mà thương.”
“Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương”. Qua câu nói này của thầy mà ta có thể cảm nhận được sự cần thiết của việc sống: thấu hiểu lẫn nhau”.
o0o
Sau khi Động Đất xảy ra:
– Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Toà Thánh, gửi tới Đức Tổng Giám Mục Marek Solczyński, Sứ thần Toà Thánh tại Thổ Nhĩ Kỳ, và Đức Hồng Y Mario Zenari, Sứ thần Toà Thánh ở Syria, trong đó Đức Thánh Cha Phanxico bảy tỏ nỗi buồn sâu sắc về sự thiệt hại to lớn về nhân mạng do trận động đất gây ra. Qua đó, Ngài phó thác những người đã qua đời cho tình thương thương xót của Đấng Toàn Năng, và gửi lời chia buồn chân thành nhất đến những người đang thương khóc người thân. Đức Thánh Cha cũng không quên cầu nguyện cho các nhân viên cứu hộ, những người đang nỗ lực tìm cách hỗ trợ và chăm sóc những người bị thương. Ngài cầu xin Chúa ban cho họ những món quà thiêng liêng là sức mạnh và sự kiên trì.
– Đức Dalai Lama đã có thư gửi đến Giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), một tổ chức nhân đạo thuộc Liên Hợp Quốc, nhằm bày tỏ sự đau buồn của ngài trước sự thiệt hại nặng nề ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trong thảm họa động đất từ hôm thứ Hai (6.2.2023) vừa qua.
Trong thư, Ngài viết: “Tôi xin gửi lời chia buồn đến những gia đình đã mất đi người thân và chân thành cầu nguyện cho tất cả những ai bị ảnh hưởng bởi thảm họa này. Bên cạnh đó tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào khi biết rằng không chỉ có các đội y tế phối hợp với Liên Hợp Quốc, mà còn có nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) và nhiều quốc gia trên khắp thế giới cũng đang chung tay giúp đỡ và hỗ trợ trong nỗ lực cứu hộ và tiếp tế tại các khu vực động đất”, và Ngài cũng cam kết quỹ Gaden Phodrang Foundation of Dalai Lama sẽ xúc tiến chương trình hành động cứu tế cụ thể nhằm giúp đỡ các nạn nhân trong thảm họa thiên tai này.
Riêng chúng ta: xin cùng chia buồn đến các gia đình, nạn nhân thảm họa, đồng thời cùng nhau cầu nguyện cho tất cả mọi người trên 30 triệu người ở cả hai phía Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, trong đó hơn phân nửa là các cụ già, vô số trẻ em, thanh thiếu niên nam nữ sớm vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn trước mặt …. Cuộc sống sớm trở lại an bình. Tình thương yêu giữa con người luôn được khởi sắc, đươm bông dù khó khăn thiếu thốn chật vật. Sự thông cảm, thấu hiểu nhau, yêu thương nhau cần được nâng cao và cùng nhau thực hành bớt sân bớt hận, bớt tham bớt lam, không si không mê…
Cầu nguyện cho thế giới được hòa bình, chúng sinh được an lạc, hạnh phúc.
Hoa Bắc cực viết theo nhiều nguồn tài liệu st.

Phụ chú: Trong suốt chiều dài lịch sử quả địa cầu đã có không biết bao nhiêu trận động đất xảy ra, nhỏ có, mạnh có. Thiệt hại nhân mạng nhiều ít tùy theo cường độ đo lường sức tàn phá theo Richter (đơn vị đo lường này được gọi theo tên của nhà nghiên cứu địa chấn (động đất) người Hoa Kỳ và sử dụng lần đầu tiên vào năm 1935 khi phát triển nó cùng người hợp tác Beno Gutenberg, cả hai cùng làm việc ở Viện Công nghệ California (California Institute of Technology) tại Pasadena, California, Hoa Kỳ vào lúc đó. Charles Francis Richter sinh ngày 26.4.1900 ở Hamilton, tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ. Charles Francis Richter mất vào ngày 30 tháng 9 năm 1985 tại Pasadena, Los Angeles, California vì chứng suy tim.