
Đôi hàng tiểu sử nhà văn Huy Phương (bbt)
Nhà văn, nhà báo, nhà thơ Huy Phương, tên thật là Lê Nghiêm Kính, pháp danh Thiện Bảo, sinh ngày 25 tháng 6 năm 1937 tại Huế trong một gia đình giáo chức. Ông theo học tại Quốc Học Khải Định Huế, sau đó học tiếp Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn. Tốt nghiệp Sư Phạm ông trở thành nhà giáo dạy học bậc Trung Học Nguyễn Hoàng, Quảng Trị. Sau đó tại Huế, ông đã đảm nhận vai trò thư ký tòa soạn nguyệt san Sổ Tay Sư Phạm chuyên đề về giáo dục.
Cuối tháng 9-1963, ông nhập ngũ và phục vụ trong ngành Chiến Tranh Tâm Lý, Chính Trị và sau cùng tại Đài Phát Thanh Quân Đội với vai trò biên tập viên.
Sau khi kết thúc khóa tu nghiệp Sĩ Quan Báo Chí tại Illinois, Hoa Kỳ, ông lần lượt phụ trách hai tờ báo của quân đội là tạp chí Tiền Phong và nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa. Cùng giai đoạn đó, ông cũng là ký giả của các tờ Tia Sáng, Tiền Tuyến, và Diều Hâu. Những năm cuối cùng trong quân đội VNCH cho đến Tháng Tư, 1975, ông là trưởng Phòng Chỉnh Huấn và Tâm Lý Chiến tại Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.
Sau tháng 4 năm 1975, ông bị tập trung tại nhiều trại cải tạo ở cả hai miền Nam Bắc trong thời gian hơn 7 năm. Cuối cùng ông và gia đình được đến Hoa Kỳ định cư theo chương trình H.O. từ tháng 8 năm 1990.
Ông đã giã từ thế gian, xuống tàu ở ga cuối lúc 4:00 giờ chiều Thứ Sáu, ngày 25 tháng 2 năm 2022, (nhằm ngày 25 tháng Giêng năm Nhâm Dần), tại tư gia ở thành phố Anaheim, miền Nam California, Hoa Kỳ, thọ 86 tuổi, để lại hiền thê là bà quả phụ Phan Thị Điệp cùng ba người con, Lê Nguyên Phương, trưởng nam; Lê Quý Phương, thứ nữ; Lê Đông Phương, thứ nữ và 3 cháu ngoại (1 nam, 2 nữ).
Huy Phương là người viết rất sớm, năm 15 tuổi (1952), ông đã có thơ và tuỳ bút đăng trên Tuần Báo Ðời Mới tại Sài Gòn do Ông Trần Văn Ân chủ trương. Và ông đã cho ra đời hai tác phẩm: tập thơ Mắt Đêm Dài (năm 1960) và tập truyện ngắn “Mây Trắng Đồn Xa” (năm 1966).
Tại Hoa Kỳ, ông đã cộng tác với nhiều tờ báo ở California như báo Người Việt, Saigon Nhỏ, Báo Trẻ, Việt Nam Nhật Báo, Thời Báo (Canada), Saigon Times (Úc), … Về truyền thông, ông đã cộng tác với đài Phát thanh Việt Nam (Oklahoma), đài truyền thanh và truyền hình SBTN (Cali), Người Việt Online, đài tiếng nói Hoa Kỳ, …
Ông đã thành công với thể loại phiếm luận về những vấn đề gần gũi trong cuộc sống, đặc biệt viết về sinh hoạt và tâm tình của người Việt trên đất Mỹ cũng như của người Việt hải ngoại, qua các tạp ghi…
Ông từ giã või đời nhưng đã để lại nhiều tác phẩm, đã phát hành: Mắt Đêm Dài (thơ, 1960), Mây Trắng Đồn Xa (truyện, 1966), Nước Mỹ Lạnh Lùng (tạp ghi, 2003), Đi Lấy Chồng Xa (tạp ghi, 2006), Ấm Lạnh Quê Người (tạp ghi, 2007), Hạnh Phúc Xót Xa (2008), Nhìn Xuống Cuộc Đời (tạp ghi, 2009), Những Người Muôn Năm Cũ (truyện, 2009), Quê Nhà-Quê Người (2011), Những Người Thua Trận, Ngậm Ngùi Tháng Tư, Quê Hương Khuất Bóng, Nước Non Ngàn Dặm, Ga Cuối Đường Tàu, Sóng Vỗ Bèo Trôi và tập thơ Chúc Thư Của Một Người Lính Chết Già, Tuyển Tập 80 Huy Phương – Ga Cuối Đường Tàu, Tuyển Tập Huy Phương “Như Một Lời Chia Tay”. Chân Dung một H.O….
Ngoài chức năng là một nhà giáo thời xưa, ông là một trong những nhà văn luôn có những trăn trở cho thế hệ trẻ tương lai. Trong những lần có cơ hội tiếp xúc với giới trẻ, cũng như trong những lần được phỏng vấn,… ông đều muốn dặn dò thế hệ trẻ gốc Việt tại hải ngoại là phải cố gắng giữ gìn ngôn ngữ Việt. “Phải bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Và đây là nhiệm vụ của chúng ta, những người Việt hải ngoại, vì tiếng Việt trong nước đã trở thành một ‘cái gì’ rất dị hợm rồi,” ông nói tiếp: “Mất tiếng Việt là mất văn hóa Việt.”
st-net