Ukraina và chiến tranh (p.2_3) (Hoa Bắc cực)

Đến giữa tháng 2 năm 2014, những cuộc đàm phán giữa Tổng thống Viktor Fedorovych Yanukovych và phe đối lập đã thất bại. Một phong trào mang tên Euromaidan gồm có 2 phần: Euro viết tắt từ Âu châumaidan lấy từ chữ Majdan Nesaleschnosti (Quảng trường Độc lập), công trường ở trung tâm của thủ đô Ukraina, Kyiv, nơi mà hầu hết các cuộc xuống đường phản đối xảy ra. Phong trào này còn được gọi là Cuộc khởi nghĩa Maidan là một làn sóng biểu tình và bất tuân dân sự diễn ra tại Ukraina bắt đầu từ đêm 21/11/2013 tại Quảng trường Độc Lập (Maidan Nezalezhnosti), thủ đô Kyiv. Các cuộc biểu tình nổ ra với nguyên nhân trực tiếp là quyết định bất ngờ vào phút chót của chính phủ Ukraina lúc bấy giờ – không ký kết Hiệp định liên kết Liên minh Châu Âu-Ukraina mà quay sang chọn thân với Nga và Liên minh Kinh tế Á-Âu (do Nga kiểm soát). Người biểu tình kêu gọi tổng thống đương thời Viktor Yanukovych từ chức cũng như giải tán nhà nước Azarov (phó thủ tướng lúc bấy giờ). Nạn tham nhũng tràn lan, lạm quyền, sự hoành hành của giới tài phiệt và các hành vi vi phạm quyền con người tại Ukraina cũng là những lý do khiến người dân Ukraina xuống đường và góp phần làm các cuộc biểu tình thêm lớn mạnh.

Ukraina đứng trên bờ vực tai họa của một cuộc nội chiến. Ông Yanukovych đã bị Quốc hội Ukraina thông qua bỏ phiếu bãi bỏ tư cách tổng thống vào ngày 22 tháng 2 với 328 trên 340 phiếu thuận.

Các cuộc biểu tình đưa Ukraina vào tình trạng bất ổn chính trị và các khu vực có người Nga chiếm đa số đã phản đối phong trào Euromaidan, thay vào đó họ ủng hộ chính phủ thân Nga của Yanukovych.

Các cuộc biểu tình được tiến hành bất chấp việc cảnh sát tăng cường lực lượng và trấn áp, và số lượng người tham gia các cuộc biểu tình ngày càng tăng nhất là giới sinh viên đại học. Vào đêm 29 tháng 11 năm 2013 có khoảng 10.000 người biểu tình đã tập trung tại Kyiv. Các cơ quan thực thi pháp luật, cụ thể là Berkut (một đơn vị thuộc Bộ nội vụ) được trang bị dùi cui sắt, lựu đạn gây choáng và hơi cay dù không bị khiêu khích đã tấn công tàn bạo, bắt bớ những người biểu tình ôn hòa cùng các phóng viên ở Quảng trường Độc lập, vào ngày 30 tháng 11 năm 2013. Cảnh sát đã dùng hơi cay trấn áp người biểu tình khiến nhiều người bị thương. Việc gia tăng bạo lực từ các lực lượng chính quyền càng làm mâu thuẫn giữa người biểu tình với chính phủ, cảnh sát trở nên gay gắt đưa đến việc số người tham dự biểu tình càng tăng thêm, ước lượng khoảng từ 350.000 đến 700.000 người biểu tình lúc cao điểm tại Kyiv vào ngày 1 tháng 12. Ngày 8 tháng 12 năm 2013, những người biểu tình đã giật đổ, dùng búa đập phá tượng đài Lenin (đã có từ năm 1946) tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kyiv, và trương cờ Liên minh châu Âu trên bệ tượng. Biểu tình Euromaidan từ đó đã nhanh chóng dẫn đến Cuộc cách mạng Maidan.

Sau khi tổng thống Viktor Fedorovych Yanukovych bị Quốc hội Ukraina phế truất, và bỏ chạy ngày 21/2/2014, Ông Oleksandr Valentynovych Turchynov được chọn, bầu làm chủ tịch Quốc hội Ukraina vào ngày 22/2/2014. Và qua ngày hôm sau, 23/2/2014, ông đã được chỉ định làm tổng thống kiêm thủ tướng tạm thời cho đến khi tổng thống mới đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống dự định vào tháng 5/2014.

Petro Oleksiyovych Poroshenko, là một chính trị gia của Ukraina, thỉnh thoảng được nhắc tới như là một trong những người có thế lực nhất về chính trị tại Ukraina, một người thân EU, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 25 tháng 5 năm 2014 với hơn 50% số phiếu để trở thành Tổng thống thứ năm của Ukraina, và ông nhậm chức kể từ ngày 7 tháng 6 năm 2014 cho đến ngày 20 tháng 5 năm 2019 (4 năm và 347 ngày). Ông bị Volodymyr Oleksandrovych Zelensky – Tổng thống thứ 6 và hiện tại của Ukraina đánh bại, và giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Ukraina với hơn 70% số phiếu bầu.

Nguyên nhân đưa đến các cuộc biểu tình gồm:

– Quyết định không ký thỏa thuận Ukraine-Liên minh Châu Âu của chính phủ Ukraina.

– Chính sách đối ngoại của Nga và những đe dọa về trừng phạt thương mại.

– Nạn tham nhũng trong chính phủ và sự đàn áp, bắt bớ tàn bạo của cảnh sát.

Mục tiêu của cách mạng Euromaidan gồm:

– Được tham gia Liên minh Châu Âu và hiệp định thương mại tự do.

– Luận tội Tổng thống Viktor Yanukovych và bầu cử lại.

– Thông qua và sửa đổi Hiến pháp năm 2004 của Ukraina.

– Ủng hộ các lệnh trừng phạt quốc tế đối với các thành viên chính phủ Yanukovych và Azarov.

Kết quả

– Khủng khoảng Ukraina. Tổng thống Viktor Yanukovych bị truất phế. Nội các bị giải tán.

– Sự trở lại của hiến pháp năm 2004 và Nội các mới của Ukraina tiếp tục chuẩn bị ký kết hiệp ước với EU.

– Oleksandr Turchynov trở thành Quyền tổng thống. Tái bầu cử tổng thống.

– Căng thẳng với Nga càng lúc càng gia tăng. Các tỉnh miền Đông đòi ly khai. Bắt đầu cuộc chiến ở Donbass. Bắt đầu sự can thiệp quân sự của Nga và sáp nhập bán đảo Krym.

– Cựu thủ tướng Ukraine và lãnh đạo phe đối lập, Yulia Tymoshenko được thả tự do. Ân xá cho những người biểu tình bị giam giữ, đổi lấy việc giao nộp tất cả các tòa nhà và đường phố bị chiếm đóng (“Luật Con tin”)

Nhân cơ hội Tổng thống Yanukovych bị lật đổ và tình hình chính trị rối ren đang xảy ra ở Ukraina, Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin bắt đầu lên kế hoạch để sáp nhập bán đảo Krym trở lại nước Nga vào ngày 23 tháng 2 năm 2014. Bốn ngày sau, vào ngày 27/2/2014, một nhóm người có vũ trang trùm mặt đã chiếm các tòa nhà chính quyền và quốc hội của Krym và cắm quốc kỳ Nga trên các tòa nhà này. Một nhóm khác mặt quân phục nhưng không đeo quân hiệu có vũ trang cũng đã chiếm hai sân bay ở Krym.

Tổng thống tạm thời của Ukraina là Oleksandr Valentynovych Turchynov, sau khi tổng thống thứ tư của Ukraina, Viktor Yanukovych bỏ chạy ngày 21/2/2014, và bị Quốc hội Ukraina phế truất, đã cáo buộc Nga triển khai quân đội tại bán đảo Krym để kích động một “cuộc xung đột vũ trang” nhưng phía Nga phủ nhận cáo buộc này. Ngày 1 tháng 3, Thượng viện Nga đã chấp thuận một kiến nghị cho phép Tổng thống Nga Putin được đưa quân vào Ukraina hỗ trợ chính quyền mới do Sergey Aksyonov đứng đầu, dẫn đến cuộc khủng hoảng Krym.

Ngày 2 tháng 3 năm 2014, một số căn cứ quân sự Ukraina đã bị vây hãm hoặc bị tấn công. Ukraina tuyên bố cảnh báo chiến đấu và ra lệnh tổng động viên trên cả nước. Các nước G7 (Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Canada, Pháp, Ý và Vương quốc Anh) lên án hành động của Nga tại bán đảo Krym, trong một tuyên bố chung và rõ ràng là chính quyền Nga đã vi phạm chủ quyền, cũng như xâm phạm lãnh thổ của Ukraina, được công bố bởi phủ tổng thống Hoa Kỳ vào ngày 2.3.2014.

Sau khi quân đội Nga tiến vào Krym, một cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi đã được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 năm 2014 và kết quả chính thức là 97% người dân Krym đồng ý sáp nhập vùng lãnh thổ này vào Liên bang Nga. Ngày 18 tháng 3 năm 2014, Nga và Cộng hòa Krym tự xưng đã ký một hiệp ước chính thức tuyên bố Cộng hòa Krym và Sevastopol gia nhập Liên bang Nga.

13 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã lên án cuộc bỏ phiếu tại Krym là bất hợp pháp. Trung Quốc cũng không thể hiện sự ủng hộ cho Nga khi chỉ bỏ phiếu trắng. Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng đã thông qua nghị quyết tuyên bố rằng cuộc trưng cầu dân ý không hợp lệ, và sự sáp nhập bán đảo Krym vào Nga là bất hợp pháp.

Sau đó, các cuộc biểu tình của các nhóm thân Nga ở vùng Donbass của Ukraina đã leo thang thành một cuộc xung đột vũ trang giữa chính phủ Ukraina và lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn tại Donetsk và Luhansk. Vào tháng 4 năm 2014, những người ly khai Ukraina tự tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk đồng thời tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 11 tháng 5 năm 2014; những người ly khai đã tuyên bố gần 90% bỏ phiếu ủng hộ độc lập. Cuộc nội chiến giữa một bên là quân đội Ukraina và các tiểu đoàn tình nguyện ủng hộ Ukraina, một bên là các lực lượng của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Luhansk được Nga hỗ trợ, đã ngày càng trở nên quyết liệt tại Donbass. Vào tháng 12 năm 2014, hơn 6.400 người đã chết trong cuộc xung đột này và theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, đã có hơn nửa triệu người phải di tản trong cuộc nội chiến Ukraina và hơn 200.000 người tị nạn chạy sang các nước láng giềng. Đến tháng 12 năm 2015, hơn 9.100 người đã chết (phần lớn là dân thường) trong cuộc chiến tại Donbass cũng theo số liệu từ Liên Hiệp Quốc.

Vào mùa xuân năm 2021, Nga bắt đầu xây dựng lực lượng quân đội dọc biên giới với Ukraina. Vào ngày 22 tháng 2 năm 2022, Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh cho các lực lượng quân sự Nga tiến vào các nước cộng hòa ly khai của Ukraina là Donetsk và Luhansk, và gọi hành động này là một “sứ mệnh gìn giữ hòa bình”. Vladimir Putin cũng chính thức công nhận Donetsk và Luhansk là hai quốc gia có chủ quyền, hoàn toàn độc lập với chính phủ Ukraina. Phản ứng trước những quyết định này, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố bắt đầu thực hiện “các biện pháp trừng phạt tài chính nặng nề của Mỹ” đối với Nga và hứa sẽ có các biện pháp trừng phạt tài chính bổ sung nếu quân đội Nga tràn sang Ukraina. Các cơ quan tình báo Mỹ đã ước tính rằng lực lượng binh lính Nga ở gần biên giới Ukraina là 150.000 người.

Vào đầu giờ ngày 24 tháng 2 năm 2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố một “hoạt động quân sự đặc biệt” nhằm phi quân sự hóa Ukraina. Sau đó cùng ngày, chính phủ Ukraina thông báo rằng Nga đã nắm quyền kiểm soát Chernobyl, thành phố từng hứng chịu thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử vào ngày 26 tháng 4 năm 1986 vì lý do 1 trong 4 lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Chernobyl bị nổ và phải đóng cửa vào năm 2000. Nhưng trong vùng giao tranh hiện nay 2022-2023, Ukraina còn có 1 nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia với 6 lò phản ứng, là nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Hiện Nga đang kiểm soát khu vực nhà máy điện hạt nhân này, nhưng vận hành chính cũng vẫn do các kỹ sư người Ukraina đảm nhận và điện từ nhà máy này vẫn cung cấp cho lưới điện quốc gia Ukraina.

Thể chế chính trị

Ngày 16 tháng 7 năm 1990, một nghị viện mới thông qua Tuyên bố Quốc gia Ukraina có Chủ quyền. Tuyên bố lập ra các nguyên tắc tự quyết của Quốc gia Ukraina, nền dân chủ, sự độc lập chính trị và kinh tế và ưu tiên của luật pháp Ukraina trong lãnh thổ Ukraina so với luật pháp Liên Xô.

Một Hiến pháp Ukraina mới được thông qua năm 1996, biến Ukraina thành một nhà nước cộng hoà bán tổng thống và thiết lập một hệ thống chính trị ổn định với các nhánh lập pháp, hành pháp, và tư pháp riêng biệt. Tổng thống là người bảo đảm chủ quyền của nhà nước, tính không thể chia cắt lãnh thổ, việc tuân thủ hiến pháp Ukraina và đảm bảo nhân quyền và quyền tự do công dân. Như với chế độ tam quyền phân lập, Tổng thống có quyền hạn chế về thẩm quyền của Quốc hội và hệ thống tư pháp.

Tổng thống Ukraina được bầu bởi các cử tri phổ thông với nhiệm kỳ 5 năm, lãnh đạo chính thức của nhà nước, là tổng tư lệnh quân đội Ukraina và đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng, cơ quan tham mưu cho Tổng thống, phối hợp và kiểm soát hoạt động của các cơ quan thi hành trong lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Theo Hiến pháp Ukraina,

Nhánh lập pháp Ukraina là nghị viện đơn nhất gồm 450 ghế, tiếng Ukraina gọi là Verkhovna Rada, có nghĩa là “Hội đồng tối cao”. Bên cạnh chức năng lập pháp, Nghị viện còn có trách nhiệm phê chuẩn việc thành lập cơ quan hành pháp (Nội các) do Thủ tướng lãnh đạo, được Tổng thống chỉ định.

Luật, đạo luật của nghị viện và nội các, nghị định tổng thống, và đạo luật của nghị viện Krym có thể bị Toà án Hiến pháp huỷ bỏ, nếu chúng vi phạm Hiến pháp Ukraina. Các đạo luật có tính quy phạm khác cũng là đối tượng xem xét lại của nhánh tư pháp. Toà án Tối cao là cơ quan chính trong hệ thống toà án của tư pháp chung.

Việc tự quản lý của địa phương được chính thức đảm bảo. Các hội đồng địa phương và các thị trưởng thành phố được dân chúng bầu ra và thực hiện quyền kiểm soát với ngân sách địa phương. Các lãnh đạo vùng và các cơ quan hành chính quận được tổng thống chỉ định.

Ukraina có rất nhiều đảng chính trị, nhiều đảng trong số đó có ít thành viên và không được công chúng biết tới. Các đảng nhỏ thường tham gia vào các liên minh đa đảng (khối bầu cử) cho mục tiêu tham gia vào bầu cử nghị viện.

Sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, Ukraina được thừa hưởng một lực lượng quân sự 780,000 lính trên lãnh thổ của mình, được trang bị kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới.

Vào ngày 6 tháng 5 năm 1992, Kravchuk gặp George H. W. Bush tại Hoa Kỳ và ông đã ký một thỏa thuận về việc loại bỏ hoàn toàn tất cả vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi lãnh thổ Ukraina vào ngày 1 tháng 7 và đổi lại nhận được một hạn mức tín dụng trị giá 110 triệu đô la để mua hàng hóa của Hoa Kỳ. Nó dẫn đến việc ký kết Bản ghi nhớ Budapest. Văn kiện được ký ngày 5 tháng 12 năm 1994 tại hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu ở Budapest. Trong đó, Ukraina một cường quốc hạt nhân lúc bấy giờ, đã tự nguyện từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy sự đảm bảo về an ninh.

Ukraina ký Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (START) theo đó nước này đồng ý trao mọi vũ khí hạt nhân cho Nga và gia nhập Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân như một quốc gia phi hạt nhân. Ukraina phê chuẩn hiệp ước năm 1994, và tới năm 1996 nước này không còn sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ukraina đã thực hiện các bước kiên quyết nhằm cắt giảm các vũ khí quy ước. Họ đã ký Hiệp ước về Các lực lượng Vũ trang Quy ước tại châu Âu, kêu gọi giảm bớt số lượng xe tăng, pháo và các phương tiện thiết giáp (các lực lượng quân đội được giảm xuống 300,000 người). Nước này có kế hoạch chuyển chế độ nghĩa vụ quân sự sang một chế độ quân sự tự nguyện vào năm 2011.

Sau khi độc lập, Ukraina tự tuyên bố mình là một nhà nước trung lập. Nước này đã có sự đối tác quân sự hạn chế với Nga, các quốc gia thành viên Hội đồng các quốc gia độc lập khác và một đối tác của NATO từ năm 1994. Trong những năm 2000, chính phủ nước này nghiêng về phía NATO, và một sự hợp tác sâu hơn với liên minh đã được thiết lập theo Kế hoạch Hành động NATO-Ukraina được ký kết năm 2002. Sau đó nước này đã đồng ý rằng vấn đề gia nhập NATO phải được giải quyết bằng một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Tuy vậy nó đã bị xóa khỏi chương trình nghị sự chính sách đối ngoại của chính phủ khi tổng thống thân Nga Viktor Fedorovych Yanukovych được bầu lên vào năm 2010. Viktor Fedorovych Yanukovych sinh ngày 9 tháng 7 năm 1950 tại Yenakiieve tỉnh Donetsk, là một nhà chính trị Ukraina gốc Ukraina là tổng thống thứ tư của quốc gia này từ ngày 25 tháng 2 năm 2010 cho đến ngày 22 tháng 2 năm 2014 (đảm nhiệm được 3 năm, 362 ngày).

Nga khẳng định quyết tâm bảo vệ Yanukovych bằng cách trao cho ông quốc tịch Nga vào đầu tháng 10 năm 2014. Cùng được nhận quốc tịch Nga với ông còn có cựu Thủ tướng Ukraine Mikola Azarov và cựu Tổng Công tố Viktor Pshonok cũng như gia đình họ. Và họ được chính quyền Nga bảo vệ khỏi sự truy nã của Interpol.

Trong thời Xô viết, kinh tế Ukraina lớn thứ hai bên trong Liên xô, là một thành phần công nghiệp và nông nghiệp quan trọng trong nền kinh tế kế hoạch của đất nước. Với sự sụp đổ của hệ thống Xô viết, nước này chuyển từ một nền kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường. Quá trình chuyển tiếp rất khó khăn cho hầu hết dân cư và đa số họ rơi vào tình trạng nghèo khổ.

Ukraina chế tạo hầu như mọi kiểu phương tiện vận tải và tàu vũ trụ. Các máy bay Antonov và xe tải KrAZ đã được xuất khẩu tới nhiều quốc gia. Đa số xuất khẩu của Ukraina là sang Liên minh châu Âu và Cộng đồng các quốc gia độc lập. Từ khi độc lập, Ukraina đã duy trì cơ quan vũ trụ của riêng minh, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Ukraina (NSAU). Ukraina đã trở thành một bên tham gia tích cực vào việc thám hiểm khoa học vũ trụ và các phi vụ tìm kiếm từ xa. Trong giai đoạn 1991 tới 2007, Ukraina đã phóng sáu vệ tinh và 101 phương tiện phóng do họ tự chế tạo, và tiếp tục thiết kế tàu vũ trụ. Vì thế tới ngày nay, Ukraina được công nhận là nước hàng đầu thế giới trong việc chế tạo tên lửa và kỹ thuật liên quan tới tên lửa.

Hoa Bắc cực st và biên soạn theo nhiều nguồn net

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Đời Sống, Xã Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Twitter picture

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Twitter Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s