1. Ukraina và các vị tổng thống.
Bbt. Tác giả xin ghi lại những hiểu biết, cảm nhận hạn hẹp riêng của chính tác giả qua các nguồn tài liệu thu thập được để có cái nhìn sơ lược nguyên do đưa đến cuộc chiến… Một cuộc chiến rất khác thường so với những cuộc chiến đã xảy ra trước đây trong thế kỷ 20-21 này ngoài 2 cuộc Đại chiến thế giới lần nhất (1914-1918) và Đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945). Đó là các cuộc chiến đã xảy ra tại: Việt Nam, vùng Trung Đông hay vùng Vịnh, I-rắc (Iraq), A Phú Hãn (Afghanistan), … 24.2.2022 – cuộc chiến tại Ukraina lần này lại xảy ra ngay, trong và sau cơn đại dịch Covid làm cho cả thế giới đã, đang và còn ở trong những khó khăn toàn diện về mọi mặt sau trận đại dịch lại phải gánh nặng thêm với những: gián đoạn thương mại, giá cả lương thực-nhiên liệu tăng cao, nguy cơ nạn đói, khủng hoảng năng lượng, giảm thiểu sản xuất, gây bất ổn kinh tế vĩ mô cùng nhiều thách thức an ninh khác….
Cuộc chiến tại Ukraina nổ ra đã gần 400 ngày nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và không ai biết sẽ còn kéo dài bao lâu, và cuộc chiến này sẽ đẻ ra thêm bao bất ổn, khủng hoảng khác cho cả nhân loại trên trái đất này ngoài những khủng hoảng, khó khăn, trước mặt với những thay đổi khó lường từ thiên nhiên, như: biến đổi khí hậu, hạn hán, nạn thiếu nước uống, nạn đói, nạn dịch, núi lửa, lốc xoáy, bão lụt, … Nhưng cái mà cả thế giới đã nhìn thấy qua báo chí, truyền hình chỉ là những cảnh tượng tang hoang, chết chóc, thương vong,… cùng biết bao nhà cửa trong rất nhiều thành phố đã bị phá nát không còn sử dụng chỉ có phá đi và xây dựng lại… Con người chỉ cần có thời gian, nhưng thời gian sẽ phải mất bao lâu để gầy và xây dựng lại những đổ nát, hoang tàn vật chất, bên cạnh những di tích lịch sử sẽ chẳng bao giờ xây dựng lại được, kể cả tâm hồn và ánh mắt con người… và quan trọng nhất là tình nhân loại.
Xin được cầu mong thế giới an bình, nhân loại được hạnh phúc…
o0o
Ukraina – một quốc gia thuộc khối Liên bang Xô Viết Cộng Sản trước khi bức tường Berlin sụp đổ đêm thứ năm ngày 9 tháng 11 năm 1989 – thời điểm ông Mikhail Sergeyevich Gorbachev, khi ấy 58 tuổi, là Tổng bí thư Đảng Cộng sản.
Mặc dù bức tường Berlin đã sụp đổ, các nước thuộc khối cộng sản Đông Âu không còn nữa, nhưng Liên bang Xô viết vẫn tồn tại, vẫn được lãnh đạo bởi Đảng Cộng sản Xô viết mà Tổng bí thư Đảng, ông Mikhail Gorbachev là người đứng đầu. Sau cuộc bầu cử Đại hội được tổ chức trên toàn Liên bang Xô viết trong tháng 3 và tháng 4 năm 1989, ông Mikhail Gorbachev được bầu làm Tổng thống đầu tiên của Liên bang Xô viết thời hậu chiến tranh lạnh kể từ Thứ năm, 15 tháng 3 năm 1990.
Khi Mikhail Gorbachev lên nắm quyền Tổng Bí Thư tại Liên Xô vào tháng 3 năm 1985, đất nước này đã bị ngập tràn trong sự áp bức, bí mật và sự nghi ngờ trong hơn sáu thập kỷ, và ông muốn thay đổi điều đó.
Trong những năm đầu tiên, ông đã thiết lập và đưa ra các chính sách perestroika và glasnost, tạm hiểu là “cởi mở” và “tái cấu trúc, cải tổ”. Các chính sách này đã mở ra cánh cửa để cải cách nền kinh tế, chính trị, xã hội và cởi mở về một số phương diện khác.
Khi đưa ra các chính sách này, ông Gorbachev chỉ với ý nghĩ là sẽ làm sống lại thời đại Liên Xô hùng mạnh, tiên tiến nhưng thay vào đó các chính sách này đã làm cho Liên Xô, thay đổi về nhiều khía cạnh, đưa đến việc Bức tường Berlin sụp đổ vào tháng 11.1989, và rồi sau đó làm cho Liên Xô tan rã vào tháng 1.1991. Tưởng là tăng thêm sự đoàn kết, tạo thêm sức mạnh về mọi mặt cho một quốc gia duy nhất Liên Xô, các chính sách này kể từ tháng 1 năm 1991 thay vì 1 đã trở thành 15 nước cộng hòa riêng biệt.
Cuộc trưng cầu dân ý trên toàn Liên bang ngày 17 tháng 3 năm 1991 bị các nước Cộng hòa vùng Baltic và các nước cộng hòa Armenia, Gruzia, và Moldova tẩy chay. Rồi sau nhiều cuộc đàm phán, 8 trong số 9 nước cộng hoà (ngoại trừ Ukraina) đã thông qua Hiệp Ước Liên Bang Mới với một số điều kiện. Hiệp ước sẽ biến Liên bang Xô viết cũ thành một liên bang của những nước cộng hòa độc lập với một vị tổng thống, chính sách đối ngoại và quân đội chung. Liên bang Nga, Kazakhstan, và Uzbekistan dự định sẽ ký kết hiệp ước tại Moskva ngày 20 tháng 8 năm 1991.
Nhưng vào ngày 19 tháng 8 năm 1991, một ngày trước khi Gorbachev và một nhóm các nhà lãnh đạo các nước cộng hòa dự định ký kết hiệp ước liên bang mới, một nhóm tự xưng là Ủy ban Khẩn cấp Nhà nước đã chỉ huy một số sư đoàn Hồng quân, KGB cùng chính phủ Xô viết các nước Belarus và Azerbaijan tiến hành một cuộc đảo chính để loại bỏ Mikhail Gorbachev và tái lập quyền lực của Đảng Cộng sản Liên Xô.
Nhóm này ra thông báo Gorbachev bị bệnh, không còn nắm giữ chức vụ chủ tịch nhà nước. Khi vụ đảo chính nổ ra Gorbachev đang đi nghỉ tại bán đảo Krym, và ông đã phải ở lại đó trong suốt thời gian cuộc đảo chính. Phó chủ tịch Liên bang Xô viết Gennady Yanayev được chỉ định làm Chủ tịch tạm quyền. Tám thành viên của Ủy ban gồm chủ tịch KGB Vladimir Kryuchkov, Bộ trưởng Nội vụ Boris Pugo, Bộ trưởng Quốc phòng Dmitriy Yazov, và Thủ tướng Valentin Pavlov, tất cả đều lên nắm quyền lực dưới thời Gorbachev.
Cuộc đảo chính thất bại, và chấm dứt chỉ sau ba ngày. Ngày 22 tháng 8, khi đã về tới Moscow, Gorbachev hành động như không hề biết tới những thay đổi đã diễn ra trong 3 ngày trước đó. Ông hứa hẹn trừng trị những người thuộc phe cứng rắn trong Đảng Cộng sản Liên Xô (CPSU) và từ chức Tổng thư ký CPSU, vốn đã bị đình chỉ hoạt động theo một nghị định của Boris Yeltsin, nhưng vẫn giữ chức Tổng thống Liên bang Xô viết. Sự thất bại của cuộc đảo chính dẫn tới một loạt những sự sụp đổ khác trong toàn bộ các định chế liên bang. Boris Yeltsin nắm quyền kiểm soát cơ quan truyền thông trung ương và các bộ cũng như các cơ quan kinh tế then chốt, và cuối cùng là toàn bộ nước Nga.
Ngày 25 tháng 12 năm 1991, Gorbachev, khi ấy đã hoàn toàn bất lực, tuyên bố từ chức tổng thống Liên bang Xô viết; Lá cờ đỏ búa liềm của Liên bang Xô viết bị hạ xuống khỏi điện Kremlin và được thay thế bởi lá cờ ba màu (trắng, xanh, đỏ) của nước Nga; Liên bang Xô viết đã chấm dứt tồn tại. Chính xác sáu năm sau khi Gorbachev chỉ định Boris Yeltsin lãnh đạo ủy ban đảng thành phố Moscow, và sau đó Boris Yeltsin trở thành tổng thống nhà nước kế tục lớn nhất của Liên bang Xô viết.
Vào ngày 24 tháng 8 năm 1991 tại Ukraina, Đạo luật Tuyên ngôn độc lập của Ukraina (tiếng Ukraina: Акт проголошення незалежності України) đã được Quốc hội Ukraina (Verkhovna Rada) thông qua và chính thức xác định Ukraina là một quốc gia độc lập.
Ngày 26 tháng 8 năm 1991, đại biểu thường trực của CHXHCNXV Ukraina (Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Xô Viết Ukraina) tại Liên Hiệp Quốc (CHXHCNXV Ukraina là một thành viên sáng lập của Liên Hiệp Quốc), ông Hennadiy Udovenko thông báo cho văn phòng của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc rằng phái đoàn thường trực của ông tại Liên Hiệp Quốc sẽ chính thức đại diện cho đất nước Ukraina độc lập.
Một cuộc trưng cầu dân ý và bầu cử tổng thống đầu tiên diễn ra tại Ukraina vào ngày 1 tháng 12 năm 1991, được hơn 90% người dân Ukraina tham gia – thể hiện sự ủng hộ Đạo luật Tuyên ngôn độc lập, và họ bầu chủ tịch nghị viện lúc bấy giờ, ông Leonid Kravchuk trở thành Tổng thống đầu tiên của đất nước Ukraina độc lập. Tại cuộc gặp gỡ ở Brest, một thành phố ở Belarus (hay Bạch Nga) giáp ranh biên giới với Ba Lan vào ngày 8 tháng 12, tiếp sau là cuộc gặp tại Alma-Ata (Almaty) một thành phố của Kasakhstan vào ngày 21 với các nhà lãnh đạo Belarus, Nga, và Ukraina chính thức giải tán Liên bang Xô viết và lập ra Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS).
Ukraina, với diện tích trên 600 ngàn cây số vuông, đứng hàng thứ 44 trên thế giới với dân số khoảng chừng 45 triệu người vào thời điểm độc lập tức năm 1991. Nhưng lại là một trong những nước xuất khẩu lúa mì, ngô, lúa mạch, dầu hướng dương lớn nhất thế giới, với tổng khối lượng ước đạt 5 triệu tấn trước tháng 2-2022.
Sau nhiều năm sống cùng liên bang Xô viết với ý thức hệ và chủ thuyết Cộng sản – Ukraina một quốc gia non trẻ vừa mới độc lập, nên chính phủ và dân chúng vẫn còn bị ảnh hưởng, chia rẽ với những dòng tư tưởng ý thức hệ giữa cộng sản và dân chủ xã hội… Nhưng các vị tổng thống đều được dân bầu chọn và chính sách cai trị của mỗi vị đều rất khác nhau.
Leonid Makarovytsj Kravtsjuk (Leonid Makarovych Kravchuk) – tổng thống Ukraina độc lập đầu tiên đã củng cố và đạt được chủ quyền chính thức của đất nước. Ông có lập trường ủng hộ châu Âu, phát triển quan hệ với phương Tây và ký hiệp định hợp tác với Liên minh châu Âu. Ukraina dưới thời tổng thống Kravtsjuk (Kravchuk) luôn hoan nghênh ý tưởng mở rộng NATO. Với tư cách là tổng thống, ông không bao giờ phản đối việc mở rộng Liên minh hoặc khả năng Ukraina trở thành thành viên NATO trong tương lai. Thời gian ông đảm nhiệm từ 5.12.1991 đến 19.7.1994.
Thời kỳ của vị tổng thống thứ nhì, nhậm chức sau khi chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống năm 1994, ông Leonid Danylovytsj Kutsjma (Leonid Danylovych Kuchma). Thời kỳ này quyền tự do truyền thông bị sút giảm và chính quyền bị phản ảnh có rất nhiều vụ bê bối, tham nhũng tăng mạnh. Ông đảm nhận chức vụ cả trong 2 nhiệm kỳ, nhiệm kỳ đầu từ 19.7.1994 đến 14.11.1999 và nhiệm kỳ 2 từ 14.11.1999 đến 23.1.2005.
Vị tổng thống thứ ba là ông Viktor Andrijovitsj Jusjtsjenko (Viktor Andriyovich Yushchenko), trước đây là thủ tướng trong nhiệm kỳ 2 của tổng thống Leonid Danylovytsj Kutsjma (Leonid Danylovych Kuchma), nhưng ông đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào năm 2005 và đảm nhận chức vụ này từ ngày 23.1.2005 đến 25.2.2010. Ông là người cũng có chủ trương hướng về phương Tây, nhưng cũng là người theo chủ nghĩa dân tộc ôn hòa.
Đến thời kỳ tổng thống thứ tư, ông Viktor Fjodorovitsj Janukovitsj (Viktor Fyodorovich Yanukovych), khi ấy là Thủ tướng dưới quyền Tổng thống Viktor Andrijovitsj Jusjtsjenko (Viktor Andriyovich Yushchenko), được tuyên bố là người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2010. Ông đảm nhận chức vị tổng thống thứ tư của Ukraina từ ngày 25 tháng 2 năm 2010 đến 22 tháng 2 năm 2014 (thiếu 3 ngày là đủ 4 năm), và ông đã bị Toà án Tối cao Ukraina tuyên án là gian lận dẫn tới một sự phản đối của đa số người dân Ukraina, cũng như của vị ứng cử viên đối lập, Viktor Andrijovitsj Jusjtsjenko (Viktor Andriyovich Yushchenko, tổng thống thứ ba), người không thừa nhận kết quả của cuộc bầu cử và lãnh đạo cuộc Cách mạng Cam hoà bình mang tên Euromaidan gồm có 2 phần: Euro viết tắt từ Âu châu và maidan lấy từ chữ Majdan Nesaleschnosti (Quảng trường Độc lập), quảng trường ở trung tâm thủ đô Kyiv của Ukraina, nơi mà hầu hết các cuộc xuống đường phản đối đã xảy ra. Cùng lúc ông Viktor Fjodorovitsj Janukovitsj (Viktor Fyodorovich Yanukovych) – đương nhiệm tổng thống thứ tư Ukraina từ chối ký kết hiệp định liên kết giữa Ukraina và EU (Ukraine–European Union Association Agreement) nhưng lại quay sang Nga tìm sự trợ giúp cũng như nhận tài chánh viện trợ cùng kết hợp quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, thì các cuộc biểu tình của dân chúng đã trở nên căng thẳng dẫn tới xô xát giữa lực lượng biểu tình, lực lượng an ninh, đưa đến đổ máu cho cả hai bên. Ông Janukovitsj (Yanukovych) đã bị Quốc hội Ukraina (Hội Đồng Tối Cao – Verkhovna Rada với 450 đại biểu dưới sự chủ trì của một Chủ tịch, và các vị đại biểu được bầu 5 năm một lần), bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách tổng thống vào ngày 22 tháng 2 với 328 trên 340 phiếu thuận. Sau đó vào ngày 23.2.2014, ông Janukovitsj (Yanukovych) cũng đã bị chính đảng của ông lên án là bỏ chạy và hèn nhát, phản bội cũng như là đã lừa dối và bóc lột đất nước, người dân Ukraina. Bộ trưởng bộ nội vụ tạm thời lúc ấy là ông Arsen Avakov cho biết Yanukovych đang bị truy nã với tội chịu trách nhiệm cho những cái chết của những người biểu tình. Hiện ông là công dân của Liên bang Nga kể từ tháng 10/2014 và được chính quyền Nga bảo vệ khỏi sự truy nã của Interpol.
Petro Oleksijovytsj Porosjenko (Petro Oleksivych Poroshenko) là một doanh nhân và chính trị gia người Ukraina. Ông thỉnh thoảng được nhắc tới như là một trong những người có thế lực nhất về chính trị tại Ukraina, một người thân EU, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào ngày 25 tháng 5 năm 2014 với hơn 50% số phiếu để trở thành Tổng thống thứ năm của Ukraina. Ông đảm nhận chức vụ tổng thống từ ngày 7.6.2014 cho đến ngày 20.5.2019, thì nhường vị trí cho vị Tổng thống thứ sáu là Volodymyr Oleksandrovytsj Zelenskyj cho đến nay. Với bối cảnh khủng hoảng ở bán đảo Krym nên vào mùa thu năm 2014, Poroshenko tuyên bố rằng ông sẽ tích cực để Ukraina trở thành thành viên của NATO.
Ukraina sau những cuộc biểu tình phản đối dẫn đến đảo chính năm 2014, đưa đến việc chính phủ của tổng thống Viktor Fjodorovitsj Janukovitsj (Viktor Fyodorovich Yanukovych) bị lật đổ, thì sự bất ổn tại Ukraina năm 2014 càng lúc càng tăng bởi các nhóm dân tộc chủ yếu là người gốc Nga phản đối các sự kiện ở Kyiv, phong trào Euromaidan, đặc biệt bán đảo Krym, với dân số khoảng 2 triệu cư dân, nhưng hơn 60 % là người gốc Nga, muốn Ukraina quan hệ gần gũi hơn với Nga, hoặc sáp nhập bán đảo này vào nước Nga. Mặc dầu vùng tự trị Krym đã thuộc Ukraina độc lập từ năm 1991. Và tình trạng pháp lý của Krym thuộc Ukraina cũng đã được Nga công nhận vào năm 1954, theo đó Nga cam kết sẽ duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina trong giác thư Budapest – thủ đô và thành phố đông dân nhất của Hungary, và là một trong những thành phố lớn nhất trong Liên minh Châu Âu, được ký kết vào năm 1994. Hiệp ước này được ký kết bởi Mỹ, Anh và Pháp.
Ngày 22-23 tháng 2 năm 2014, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triệu tập một cuộc họp suốt đêm với các lãnh đạo cục an ninh để thảo luận về việc tổng thống bị phế truất của Ukraina là Viktor Yanukovych. Vào cuối cuộc họp, Vladimir Putin đã phát biểu “chúng ta phải bắt đầu hành động để lấy lại Krym về cho Nga”.
Bốn ngày sau, vào ngày 27/2/2014, một nhóm người có vũ trang trùm mặt đã chiếm các tòa nhà chính quyền và quốc hội của Krym. Họ cắm quốc kỳ Nga trên các tòa nhà này trong khi một nhóm khác mặt quân phục nhưng không đeo quân hiệu có vũ trang đã chiếm hai sân bay ở Krym.
Quyền Tổng thống Ukraina lúc bấy giờ, ông Oleksandr Valentinovych Turchynov đã cáo buộc Nga triển khai quân đội tại bán đảo Krym để kích động một “cuộc xung đột vũ trang” nhưng Nga phủ nhận cáo buộc này.
Ngày 1 tháng 3. 2014, Thượng viện Nga đã chấp thuận một kiến nghị của Tổng thống Nga Vladimir Putin cho phép ông được quyền đưa quân vào Ukraina để hỗ trợ chính quyền mới do Sergey Valeryevich Aksyonov, Thủ lĩnh và Thủ tướng Cộng hòa Krym.
Đây là sự khởi đầu đưa đến những diễn biến càng lúc càng phức tạp ở các khu vực lân cận vùng bán đảo Krym trên đất liền như Kherson, Mariupol, Donetsk, Luhansk, Kharkiv, …
Sự việc càng lên đến đỉnh của cuộc xung đột khi chính lời tổng thống Nga Vladimir Putin nói với Hội đồng An ninh Quốc gia trong cuộc họp được truyền hình Nga đăng tải ‘trực tiếp’, cuối ngày thứ Hai 21/02/2022, ông Putin ký sắc lệnh ‘công nhận độc lập, chủ quyền’ của hai vùng tự xưng là ‘Cộng hòa Nhân dân Donetsk’ và ‘Cộng hòa Nhân dân Luhansk’. Và rồi sau đó đưa quân rầm rộ vào Ukraina với cách gọi là “Chiến Dịch Quân Sự Đặc Biệt” ở Ukraina.
Đó cũng là một trong những nguyên nhân đưa đến cuộc chiến, xung đột, tang thương, chết chóc tại Ukraina … kể từ sau Thứ năm ngày 24.2.2022.
Hoa Bắc cực st và biên soạn theo nhiều nguồn net