Ukraina và cuộc chiến, thử nhìn lại (p.3-3) (Hoa Bắc cực)

3. Chiến tranh và Hòa bình.

Bbt. Tác giả xin ghi lại những hiểu biết, cảm nhận hạn hẹp riêng của chính tác giả qua các nguồn tài liệu thu thập được để có cái nhìn sơ lược nguyên do đưa đến cuộc chiến… Một cuộc chiến rất khác thường so với những cuộc chiến đã xảy ra trước đây trong thế kỷ 20-21 này ngoài 2 cuộc Đại chiến thế giới lần nhất (1914-1918) và Đại chiến thế giới lần thứ hai (1939-1945). Đó là các cuộc chiến đã xảy ra tại: Việt Nam, vùng Trung Đông hay vùng Vịnh, I-rắc (Iraq), A Phú Hãn (Afghanistan), … 24.2.2022 – cuộc chiến tại Ukraina lần này lại xảy ra ngay, trong và sau cơn đại dịch Covid làm cho cả thế giới đã, đang và còn ở trong những khó khăn toàn diện về mọi mặt sau trận đại dịch lại phải gánh nặng thêm với những: gián đoạn thương mại, giá cả lương thực-nhiên liệu tăng cao, nguy cơ nạn đói, khủng hoảng năng lượng, giảm thiểu sản xuất, gây bất ổn kinh tế vĩ mô cùng nhiều thách thức an ninh khác….

Cuộc chiến tại Ukraina nổ ra đã gần 400 ngày nhưng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, và không ai biết sẽ còn kéo dài bao lâu, và cuộc chiến này sẽ đẻ ra thêm bao bất ổn, khủng hoảng khác cho cả nhân loại trên trái đất này ngoài những khủng hoảng, khó khăn, trước mặt với những thay đổi khó lường từ thiên nhiên, như: biến đổi khí hậu, hạn hán, nạn thiếu nước uống, nạn đói, nạn dịch, núi lửa, lốc xoáy, bão lụt, … Nhưng cái mà cả thế giới đã nhìn thấy qua báo chí, truyền hình chỉ là những cảnh tượng tang hoang, chết chóc, thương vong,… cùng biết bao nhà cửa trong rất nhiều thành phố đã bị phá nát không còn sử dụng chỉ có phá đi và xây dựng lại… Con người chỉ cần có thời gian, nhưng thời gian sẽ phải mất bao lâu để gầy và xây dựng lại những đổ nát, hoang tàn vật chất, bên cạnh những di tích lịch sử sẽ chẳng bao giờ xây dựng lại được, kể cả tâm hồn và ánh mắt con người… và quan trọng nhất là tình nhân loại.

Xin được cầu mong thế giới an bình, nhân loại được hạnh phúc…

o0o

Từ lâu nay chưa có cuộc chiến nào mà không phải trả giá bằng những tổn thương, mất mát, tàn phá nhiều mặt, vì vậy ai cũng mong muốn được sống trong hòa bình, ai cũng yêu chuộng hòa bình và chán ghét chiến tranh.

Không ai có thể phủ nhận được rằng chiến tranh là một tội ác, là hiện thân của đau khổ, chết chóc, tàn phá và hủy diệt. Ngôn ngữ loài người không đủ để nói lên những hậu quả thảm khốc và tàn nhẫn của nó.

Trên thế giới hiện nay, không chỉ đất nước và dân tộc Việt Nam đã trải qua bao đau thương với bao cuộc chiến. Mà còn nhiều và vô số các quốc gia, vùng lãnh thổ khác … trên trái đất này cũng đã chứng kiến, trải qua biết bao cuộc chiến từ nội chiến, tranh giành lãnh thổ, sắc tộc, tôn giáo… Mà mới và gần đây nhất là cuộc chiến tại Việt Nam, vùng Trung Đông, Nam Phi, A Phú Hãn, v.v… là những hình ảnh rõ nét nhất minh chứng cho sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh.

Các cuộc chiến trong thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ thứ 21 này đã phá hủy, gây thương, tử vong, … ước tính trên  250 triệu người cả về quân sự lẫn dân thường… Một con số không phải ít.

Thế nhưng, tại sao chiến tranh khởi phát? Chiến tranh mang lại lợi lộc gì cho thế giới? Hay chiến tranh chỉ để thỏa mãn sự cao ngạo ngông cuồng, nham hiểm và tàn bạo của những kẻ khoác lác về danh dự, về lòng yêu nước, về công lý?!

Chiến tranh – Hoà bình là quy luật muôn đời, sự vận động của quy luật này gắn liền với lịch sử nhân loại. Giữa hai bờ chiến tuyến, giữa hai kẻ đối địch nhau chỉ có sự sống và cái chết, chỉ có độc lập – tự do (kẻ bị xâm lược) hay quyền lợi – tham vọng (kẻ xâm lược) và cái chết.

Nhưng, trong cái thời đại mà con người rất tự hào về nền văn minh của mình, đã đặt được chân lên mặt trăng, tóm lại, là đã chinh phục được thiên nhiên (???), đã lột bỏ được lối sống của “rừng rú”, người ta có còn nên dùng hình thức chém giết, chết chóc và tàn phá để giải quyết những sự bất đồng về quyền lợi kinh tế, chế độ xã hội và ảnh hưởng chính trị nữa không? Những cái đó có giá trị gì cao hơn chính sự sống của chính con người? Đã đến lúc các vấn đề này cần được đặt thẳng với các nhà lãnh đạo thế giới còn chút lương tri, tự gán cho mình cái trách nhiệm đối với vận mệnh nhân loại (dưới, chiêu bài dân chủ, tự do, ý thức hệ, dòng tư tưởng, … thường được dùng như một đàn cừu làm công cụ cho những tham vọng cá nhân).

Về vấn đề này, S. Radhankrishnan một nhà triết học nổi tiếng của Ấn Độ hiện đại và là một chính trị gia có tài, người đã viết rất nhiều sách, trong đó bộ lớn nhất là bộ Triết Học Ấn Độ (Indian Philosophy), nhưng trong tập sách khác của ông, nguyên tác là “Religion and Society” gồm những bài diễn thuyết của ông tại các Viện đại học Caltutta và Benares vào mùa đông năm 1942 mà Hòa thượng Đệ Ngũ Tăng Thống GHPGVNTN Thích Quảng Độ – người đã viên tịch vào ngày 22 tháng 2 năm 2020, đã dịch, gom lại và đặt chung vào một tiêu đề “Chiến Tranh và Bất Bạo Động”. Tập sách này đã được phát hành vào năm Canh Tuất (1970) tại Sài Gòn. Trong đó có đoạn, Ngài dịch:

“… Chúng ta đang ở vào trong một giai đoạn quyết liệt nhất của đời sống nhân loại. Chưa bao giờ trong lịch sử loài người lại có quá nhiều người phải mang những gánh nặng đau đớn dày vò tâm can đến như thế. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà những thảm trạng đã trở thành phổ biến. Mọi truyền thống và tập tục đang bị lung lay tận gốc. Những tư tưởng cho đến hôm qua vẫn còn là “khuôn vàng thước ngọc”, đã có thể hướng dẫn và quy định hành vi con người hàng bao nhiêu thế kỷ, thì hôm nay đã bị quét sạch. Thế giới rách nát vì những hiểu lầm, nghi kỵ, tranh giành. Bầu không khí tràn đầy những bất trắc và lo âu cho tương lai. Những thống khổ và cực nhọc của con người ngày càng tăng, sự khó khăn về kinh tế, các cuộc chiến tranh trên một quy mô lớn, sự bất đồng ý kiến trong các cuộc hội nghị cấp cao và tính lì lợm của những kẻ cầm quyền đang muốn và kéo dài một trật tự đang sụp đổ, muốn cứu một nền văn minh khập khễnh bằng bất cứ giá nào, tất cả những thứ đó đang thức tỉnh một tinh thần, mà bản chất là cách mạng, trên khắp toàn cầu….”

“…trong khi ấy rất có thể con người sẽ tự diệt bởi chính những hành động có tính toán của chính con người, bởi tính xuẩn động và ích kỷ “thâm căn cố đế” trong bản tính của con người. Thật mỉa mai, chua chát, lẽ ra chúng ta đã được sống một cuộc sống sung sướng trên trái đất này và biến nó thành một lạc cảnh cho tất cả mọi người nếu chúng ta chỉ dành một phần rất nhỏ những năng lực hiện đang dùng vào việc kiện toàn bộ máy chiến tranh thì, ngược lại chúng ta đã để mặt cho chết chóc và tàn phá hoành hành. Một khuynh hướng tàn phá mù quáng hình như đã ám ảnh con người, và nếu không chặn đứng kịp thời, chúng ta nhanh chóng đi đến tiêu diệt hoàn toàn và sửa soạn cho một thời đại trí thức tăm tối, đạo đức man rợ, trong đó tất cả những thành quả cao đẹp của con người ở quá khứ chỉ còn là một đống tro tàn. Cái thảm trạng ấy chắc chắn sẽ làm cho chúng ta đau đớn, vò xé cả thể chất lẫn tâm hồn. Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đầy lo âu. Cả thế giới đang chìm trong trạng thái hôn mê….”

“…Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới người thấy ước vọng hòa bình lại tha thiết và lòng thù ghét chiến tranh lại mãnh liệt như hiện nay. Lòng dũng cảm bao dung và sự hy sinh không vụ lợi của hàng triệu con người trong cuộc chiến tranh này đã chứng minh sự tiến bộ về ý thức đạo đức và tình thương nhân loại.

Sự đang xảy ra hiện nay không phải chỉ ảnh hưởng đến vận mệnh của một quốc gia, Anh, Đức, Nga hay Hoa Kỳ mà liên quan đến toàn thế giới. Nó không phải chỉ là một cuộc chiến tranh, nhưng là một cuộc cách mạng xã hội trong đó chiến tranh là một cục diện, một sự thay đổi toàn thể tư tưởng và những cơ cấu, một cuộc khủng hoảng đến tận nền tảng của nền văn minh của chúng ta. Lịch sử đã đặt thế hệ chúng ta vào một thời kỳ như thế và chúng ta phải cố gắng hướng dẫn cuộc cách mạng để phục vụ lý tưởng chung. Chúng ta không thể xoay ngược cuộc cách mạng….”

Mặt khác trong một lần đến Nghĩa Trang Nettuno, cách Roma khoảng 70 km về phía Nam, để cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho các nạn nhân của tất cả các cuộc chiến… Với một bó hồng trắng trên tay, Đức Thánh Cha Phanxico chậm rãi đi giữa các hàng mộ, đặt hoa trên một số thánh giá và ngôi sao Davis trắng trên thảm cỏ xanh. Đó là các ngôi mộ của một người Mỹ gốc Ý, một người Do Thái, một người lính không rõ danh tính, … tất cả những người lính này đã hy sinh trong Thế chiến thứ hai.

Trong buổi đọc kinh Truyền tin ở Quảng trường Thánh Phêrô trưa ngày hôm trước, Đức Thánh Cha đã giải thích: “Chiến tranh chẳng đem lại gì ngoài nghĩa trang và những người chết: đó là lý do tại sao tôi muốn cảnh báo điều này vào lúc mà nhân loại chúng ta dường như chưa học được, hay không muốn học bài học ấy”.

Trong bài giảng không soạn sẵn, Đức Thánh Cha đưa tay chỉ vào hàng ngàn ngôi mộ ở chung quanh và nói: “Hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho mọi người đã qua đời, nhưng đặc biệt là cho những người trẻ này, vào lúc mà biết bao nhiêu cuộc chiến đang diễn ra mỗi ngày trong cuộc chiến tranh từng mảng”.

Đức Thánh Cha nhắc lại lời của các vị giáo hoàng tiền nhiệm Bênêđictô XV và Piô XII: “Xin Chúa hãy ngăn lại! Đừng bao giờ để xảy ra chiến tranh nữa, đừng bao giờ! Đừng bao giờ xảy ra cuộc tàn sát vô ích này nữa! Với chiến tranh, tất cả đều mất mát. Hàng ngàn, hàng ngàn, hàng ngàn và hàng ngàn niềm hy vọng bị dập tắt. Chiến tranh là thế: chúng ta chỉ tự huỷ diệt chính mình”.

Với giọng nói và đôi mắt đượm buồn, Đức Thánh Cha cảnh báo: “Đã nhiều lần trong lịch sử, con người nghĩ đến việc gây chiến tranh, và họ tin rằng làm thế là để xây dựng một thế giới mới, kiến tạo một mùa xuân: nhưng kết thúc lại là mùa đông ảm đạm, tàn nhẫn, trong vương quốc của khủng bố và cái chết. Đó là thói kiêu ngạo của một nhân loại vẫn chưa học được bài học của chiến tranh”.

Khi nói về bi kịch chiến tranh đang xảy ra trong những ngày gần đây, đầu tháng 3 năm 2023, Đức Thánh Cha nói rằng: “họ – những kẻ gây chiến đã quên đi tình nhân loại. Họ không bắt đầu từ nhân dân, họ không nhìn vào cuộc sống thực của người dân, mà đặt lợi ích đảng phái và quyền lực lên trên hết. Họ tin tưởng vào logic ma quỷ và sự biến thái của vũ khí, thứ xa cách với logic của Chúa nhất. Và họ xa cách với những người dân thường, những người muốn hòa bình, và những người bình thường – là nạn nhân thực sự trong mọi cuộc xung đột, những người phải trả giá cho những kẻ gây chiến tranh bằng chính làn da của mình. Tôi nghĩ đến những người già, đến những người tìm kiếm nơi nương tựa trong những thời điểm này, những bà mẹ chạy trốn cùng con cái của họ. Họ là những anh chị em, những người cần các hành lang nhân đạo mở ra cho họ và là những người phải được chào đón. Với trái tim tan nát bởi những gì đang xảy ra ở Ukraina – nhưng chúng ta cũng đừng quên những cuộc chiến ở những nơi khác trên thế giới, chẳng hạn như ở Yemen, Syria, Ethiopia. Tôi xin nhắc lại: hãy bỏ vũ khí xuống! Thiên Chúa ở với những người tạo dựng hòa bình, không phải với những người sử dụng bạo lực. Bởi vì những người yêu chuộng hòa bình, như Hiến pháp Ý đã khẳng định, “hãy bác bỏ chiến tranh như một công cụ xâm lược chống lại tự do của các dân tộc khác và như một phương tiện để giải quyết các tranh chấp quốc tế”.

Còn Ngài Thánh Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Tây Tạng khi đề cập đến cuộc chiến đang xảy ra tại Ukraina, đã nói:

“Tôi thật đau lòng như kim châm muối xát về cuộc xung đột đổ máu tại Ukraina.

Thế giới của chúng ta luôn tương tác phụ thuộc lẫn nhau, đến mức xung đột bạo lực giữa hai quốc gia chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến phần còn lại của nhân loại thế giới. Chiến tranh đã lỗi thời – bất bạo động là cách duy nhất. Chúng ta cần phát triển ý thức về tính hợp nhất của nhân loại, bằng cách coi những người khác đều là huynh đệ cùng chung sống trong đại gia đình trên hành tinh này. Đây là cách chúng ta sẽ xây dựng một thế giới hòa bình hơn.

Các vấn đề và bất bạo động được giải quyết tốt nhất thông qua đối thoại. Thực sự hòa bình có được nhờ sự hiểu hiểu biết, cảm thông và tôn trọng hạnh phúc của nhau.

Đối với hy vọng của chúng ta không thể mất. Thế kỷ 20 là một thế kỷ của chiến tranh và đổ máu. Thế kỷ 21 là thế kỷ của đối thoại.

Tôi thành tâm cầu nguyện sớm hòa bình được lập lại tại Ukraina.

Tổng thống Zelensky của Ukrana, sau một năm chiến tranh, trong một lần trả lời báo chí nước ngoài, đã nói:

“Chiến tranh không ai muốn, và trong khi chiến tranh xảy ra, không ai thích chiến đấu một mình, điều đó thật dễ hiểu. Nếu ai đó tin rằng một ngày nào đó Ukraina sẽ trơ trọi một mình, thì kẻ đó chưa hiểu chúng tôi đang chiến đấu vì ai và vì cái gì. Đó không phải là ý tưởng điên rồ, tôi không có ý nói rằng chúng tôi giống như ba trăm dũng sĩ Sparta (1) và nghĩ rằng chúng tôi chẳng có gì ngoài sa mạc ở phía sau. Không có sa mạc nào phía sau chúng tôi cả. Đây không phải là một huyền thoại hay một truyền thuyết, đây là cuộc sống thực. Và trong cuộc sống thực này, chúng tôi có chung đường biên giới với Nga. Nước Nga có một người đứng đầu chính phủ muốn khôi phục lại Liên Xô. Tôi nói điều đó một cách hoàn toàn tỉnh táo, không theo cảm tính. Tôi chỉ muốn giải thích, đôi khi người ta phải hành động như trong bóng đá: người ta có thể thắng một trận nhưng không thể thắng tất cả các trận nếu họ không phải là một quốc gia có truyền thống bóng đá vững chắc, điều đó là không thể. Ở đây cũng vậy. Ukraina có một lịch sử. Chúng tôi luôn đấu tranh cho nền độc lập của mình.

Nếu phương Tây ngừng hỗ trợ chúng tôi, đất nước chúng tôi sẽ bị phá hủy, tiêu diệt, không còn tồn tại, nhưng cuối cùng bạn nghĩ sao: liệu những kẻ xâm lược có thể biến đất nước chúng tôi thành một quốc gia như Nga không? Không thể nào, và không bao giờ. Người Ukraine căm, thù, ghét các chính sách của Putin, và ông ta không thể làm gì được. Putin muốn khôi phục lại Liên Xô, nhưng ông ta sẽ không thành công. Hàng triệu người Ba Lan không muốn quân đội Nga ở trên đất nước của họ. Putin cũng không thể sai bảo người Slovak phải làm gì, ông ta không thể chiếm Latvia, Estonia và Litva, cũng như không thể chiếm Ukraina. Là tổng thống, tôi không bao giờ lại chấp nhận điều đó hoặc giải thích điều đó với người dân của chúng tôi. Vì tôi cũng nghĩ như nhân dân Ukraina: Không muốn bị chinh phục. Chúng tôi không sẵn sàng cho điều đó, chúng tôi không muốn trở thành một phần của Liên Xô, chúng tôi cũng không muốn thuộc về Liên bang Nga. Và chúng tôi không chỉ dăm ba người, mà là bốn mươi triệu người.”

Tóm lại, trong lịch sử loài người, chiến tranh bắt đầu ngay từ buổi bình minh của nhân loại. Từ đó đến nay, chiến tranh chưa bao giờ thực sự chấm dứt trên quả địa cầu. John Keegan, nhà sử học quân sự người Anh, viết trong tác phẩm Lịch sử chiến tranh của mình như sau: “… chiến tranh đã xuất hiện từ nhiều nghìn năm trước khi có nhà nước, có chính sách ngoại giao và chiến lược. Chiến tranh gần như cũng lâu đời như chính loài người…”.

Dù tàn bạo, chiến tranh vẫn ám ảnh con người đến nỗi họ vẫn lưu hành câu tục ngữ nổi tiếng “Si vis pacem, para bellum” qua bao nhiêu thế kỷ. Tục ngữ bằng tiếng Latinh này – nghĩa là “muốn có hòa bình hãy chuẩn bị chiến tranh” – ra đời từ lâu lắm rồi đến nỗi không ai biết rõ nguồn gốc của nó. Nhưng cho đến tận ngày nay, phần lớn loài người – dù có yêu hòa bình đến đâu – cũng chưa thoát khỏi nỗi ám ảnh của lời răn này.

Như vậy, tại nhiều quốc gia, con người đã tránh được chuyện bắt một đồng loại đổi mạng sống của mình để đền bù cho lỗi lầm đã phạm phải, dù tội ác đó có tày đình đến đâu đi nữa. Đây là quan điểm và hành động nhân văn. Vậy thì, cớ sao con người đã biết thương xót cho sinh mạng của từng cá nhân đồng loại và loại bỏ ản tử hình, lại chưa chịu thương xót đến thiệt hại nhân mạng lớn hơn nhiều trong những cuộc chiến tranh? Cớ sao nhân loại đã cùng góp sức xóa bỏ bệnh đậu mùa và đang tiến dần đến thời điểm loại bỏ luôn hình phạt tử hình, lại chưa thể bắt tay nhau cùng khai tử chiến tranh trên toàn thế giới?

Sau một cuộc chiến, dù ai thắng, ai bại, ai hưởng lợi, ai chịu thiệt, ai hả hê, ai đau khổ, thì mất mát lớn nhất không gì bù đắp nỗi vẫn là những nạn nhân của chiến tranh – đặc biệt là những người lính và những người dân thường.

Ước gì nhân loại vẫn có được hòa bình mà không cần phải chuẩn bị chiến tranh!

[Sparta] Trận chiến diễn ra giữa quân Hy Lạp và Ba Tư vào năm 480 trước Công nguyên ở Thermopylae (Cổng Lửa) – khu vực thuộc miền Trung Hy Lạp. Dù chênh lệch lực lượng quá lớn với gần 10000 quân Ba Tư, và trước sự tấn công ồ ạt của đội quân này, lại bị rơi vào trận thế gọng kìm, vua Leonidas không thể bảo vệ cả hai mặt giáp công, nhưng để bảo toàn lực lượng cho quân chính quy rút lui, ông và 300 người lính Sparta lựa chọn ở lại để chiến đấu. Họ lấy tính mạng của họ để bảo vệ cho sự rút lui của quân chủ lực và nhân dân Athens. Vua Leonidas và 300 chiến binh đã anh dũng hy sinh trong trận đánh này.

Để tưởng niệm họ, người Hy Lạp đã dựng một bia đá ngay lại Thermopylae, bên trên khắc dòng chữ “Hỡi khách qua đường, người Sparta chúng tôi đã trung thành tử thủ, tan xương nát thịt tại nơi này”.

Hoa Bắc cực st và biên soạn theo nhiều nguồn net

Advertisement

About motthoi6673pctdn

nơi gặp gỡ của các chs nk 6673 pctdn và thân hữu
Bài này đã được đăng trong Đời Sống, Xã Hội. Đánh dấu đường dẫn tĩnh.

Trả lời

Điền thông tin vào ô dưới đây hoặc nhấn vào một biểu tượng để đăng nhập:

WordPress.com Logo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản WordPress.com Đăng xuất /  Thay đổi )

Facebook photo

Bạn đang bình luận bằng tài khoản Facebook Đăng xuất /  Thay đổi )

Connecting to %s